Trang chủ

BIỂN ĐÔNG: ĐỊA CHÍNH TRỊ, LỢI ÍCH, CHÍNH SÁCH VÀ HÀNH ĐỘNG CỦA CÁC BÊN LIÊN QUAN

Đăng ngày: 7-01-2014, 12:52 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Đặng Đình Quý, Nguyễn Minh Ngọc chủ biên

Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2013, 319 trang

Kí hiệu: Vt 458

 

Biển Đông là tài sản chung của thế giới và khu vực, cung cấp nguồn tài nguyên dồi dào, nuôi sống nhiều quốc gia và mang đến sự phát triển thịnh vượng, đặc biệt cho khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên trong những năm gần đây, các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đã leo thang ở Biển Đông, làm gia tăng hiểu lầm, cạnh tranh, va chạm và đôi khi còn đẩy các nước đến bên bờ vực xung đột “nóng”. Lợi ích nhiều mặt cảu các quốc gia trong và ngoài tranh chấp đều bị ảnh hưởng và mặc dù các bên đã có những nỗ lực đối thoại và bàn thảo để giảm thiểu căng thẳng, dàn xếp mâu thuẫn và hướng tới giải pháp những diễn biến hiện nnay cho thấy vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi bản chất phức tạp của tranh chấp và tính toán riêng của từng quốc gia. Do đó, rất cần đến những phân tích, đánh giá sâu sắc và những giải pháp sáng tạo, đột phá cho Biển Đông bởi vì, bên cạnh nguy cơ xung đột, những thách thức hàng ngày xảy ra trên vùng biển này như cướp biển, thiên tai, ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu… đang trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu vực. Đây cũng chính là nội dung được đề cập đến trong cuốn sách “Biển Đông: địa chính trị, lợi ích, chính sách và hành động của các bên liên quan”. Cuốn sách gồm 5 chương:

Chương 1: Biển Đông và các vấn đề địa chính trị. Chương này tập trung đánh giá vai trò của Biển Đông dưới góc độ chiến lược và tính toán địa chính trị của các bên gồm hai bài viết của hai học giả về “thời khắc biển” Châu Á và vấn đề Biển Đông; tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông và các tuyến giao thông trên biển.

Chương 2: Chính trị nội bộ và chính sách đối ngoại trên Biển Đông. Chương này tập hợp các bài viết của các học giả về sự lựa chọn lợi ích quốc gia căn bản và lập trường trong các vấn đề Biển Đông; chính trị nội bộ - “làn sóng ngầm” quyết định vấn đề Biển Đông; Trung Quốc tranh luận về chính sách Biển Đông - tác động đối với diễn biến của tranh chấp trong tương lai; truyền thông và công luận tại Philippines về các tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc trên Biển Đông. Ở đây, các học giả đã nghiên cứu những nhân tố bên trong ảnh hưởng đến quyết sách của các nước về vấn đề Biển Đông.

Chương 3: Quân sự hóa và hệ lụy đối với Biển Đông. Trong chương này các tác giả tập trung đánh giá xu thế hiện đại hóa quân sự ở khu vực và tác động của nó đối với tranh chấp Biển Đông. Cụ thể là chiến lược “chống tiếp cận/phong tỏa khu vực” và Biển Đông; Trung Quốc hiện đại hóa hải quân và Mỹ tái cân bằng sang Châu Á - hệ lụy đối với sự ổn định trên Biển Đông; sự phát triển sức mạnh quân sự của Trung Quốc và tác động đối với sự hiện đại hóa quân đội tại Đông Nam Á.

Chương 4: Lợi ích và chính sách của các nước liên quan ngoài khu vực Biển Đông. Chương này các học giả tập trung nghiên cứu các chủ thể có lợi ích ngày càng lớn ở Biển Đông như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga và Hàn Quốc, với những bài viết cụ thể như  “chiến lược xoay trục Châu Á của chính quyền Obama - chuyển từ kiềm chế ngoại giao sang kiềm chế chiến lược trước một Trung Quốc đang trỗi dậy”; lợi ích của Nhật Bản ở Biển Đông; điểm nóng ở Biển Đông - những lựa chọn chính sách và tác động đối với Ấn Độ; chính sách của Liên Xô/Nga ở Châu Á - Thái Bình Dương và trong tranh chấp ở Biển Đông - quá khứ và hiện tại; cạnh tranh Trung - Mỹ ở Biển Đông - thời điểm để Hàn Quốc thể hiện vai trò quốc gia tầm trung của mình.

Chương 5: Biển Đông trong quan hệ Trung Quốc - ASEAN - Mỹ. Chương này gồm những bài viết cụ thể là những diễn biến trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc - ASEAN xung quanh vấn đề Biển Đông - góc nhìn từ Mỹ; ASEAN, Trung Quốc, Mỹ và Biển Đông - cơ hội hợp tác; tái cân bằng tam giác quan hệ Trung Quốc - ASEAN - Mỹ. Trong chương này, các tác giả đã xem xét những tương tác chính sách giữa Mỹ, ASEAN và Trung Quốc, những chủ thể được xem là quan trọng nhất trong vấn đề Biển Đông.

Nhìn chung, các bài viết trong cuốn sách đều thống nhất về tầm quan trọng địa chính trị của Biển Đông và chỉ ra những tính toán phức tạp của các nước liên quan trong và ngoài khu vực. Chính những mâu thuẫn lợi ích và cạnh tranh chính sách này đang tác động trực tiếp đến những diễn biến hàng ngày trên Biển Đông và đặt ra nhu cầu bức thiết về việc quản lý xung đột, hướng tới giải quyết tranh chấp. Cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích cho bạn đọc khi tìm hiểu về vấn đề Biển Đông.

Xin giới  thiệu cuốn sách tới bạn đọc.

Thực hiện: Hà Hậu

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận