Trang chủ

LÝ QUANG DIỆU BÀN VỀ TRUNG QUỐC, HOA KỲ VÀ THẾ GIỚI

Đăng ngày: 3-01-2014, 12:50 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Graham Allison, Robert D. Blackwill, Ali Wyne

Dịch giả: Nguyễn Xuân Hồng

Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2013, 263 trang

Kí hiệu: Vv 2479

Lý Quang Diệu là một chính khách đặc biệt, độc nhất vô nhị trong nửa thế kỷ qua. Từ chỗ tiếp quản một thành bang nghèo nàn, tham nhũng, ông đã xây dựng nên một quốc gia hiện đại, nơi người dân hiện có thu nhập cao hơn cả phần lớn người dân Mỹ…

Trong các vấn đề quốc tế, không có bất kỳ nhân vật nào được cả một thế kệ các nhà lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc và thế giới hiện đại “săn lùng”, thường xuyên tham khảo ý kiến và chăm chú lắng nghe bằng vị “hiền triết”, cựu thủ tướng của Quốc đảo Singapore.

Trên đây là một số trích dẫn từ Lời tựa của các tác giả về cuốn sách với tựa đề Lý Quang Diệu bàn về Trung Quốc, Hoa Kỳ và thế giới do nhà xuất bản Thế giới và Công ty cổ phần sách Thái Hà phối hợp xuất bản..

Mục đích của cuốn sách mà các tác giả, G. Allison, R. Blackwill và A. Wyne, đề ra không phải là nhìn lại quá khứ 50 năm đóng góp nổi bật của ông Lý Quang Diệu, mà là các nhận định của ông về những vấn đề tương lai và những thách thức cụ thể mà Mỹ và các quốc gia trên thế giới sẽ phải đối mặt trong nhiều thập kỷ tới đây.

Điểm khác biệt của cuốn sách này nằm ở chỗ các tác giả không sử dụng lời văn của mình để trình bày những ý tưởng, suy nghĩ và lập luận của Lý Quang Diệu. Thay vào đó, họ hình dung ra những câu hỏi có lẽ là mối quan tâm cấp thiết nhất của các nhà lãnh đạo của mọi quốc gia, sau đó tóm tắt các câu trả lời trực tiếp của Lý Quang Diệu bằng chính ngôn từ của ông.

Nội dung chính của các vấn đề được trình bày trong 9 chương. Trong bốn chương đầu tiên, các tác giả dành cho việc phân tích đánh giá vai trò, vị trí của ba cường quốc là Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ trong một trật tự thế giới mới. Trong đó điểm mấu chốt là việc nhìn nhận, phân tích sự trỗi dậy của Trung Quốc với những lo ngại về việc nước này thách thức vị thế cường quốc số một của Mỹ trên thế giới nói chung và tại Châu Á nói riêng. Qua những câu trả lời của ông Lý Quang Diệu, người đọc có thể thấy sự nghiêm túc trong mục tiêu vươn lên thành số một của các nhà lãnh đạo Trung Quốc qua các thế hệ lãnh đạo khác nhau cũng như chiến lược để thực hiện mục tiêu đó. Đối trọng với sự vươn lên của Trung Quốc thì sức mạnh của Mỹ là gì, nằm ở đâu và ai sẽ là người đồng hành cùng Mỹ trong quá trình kiềm chế Trung Quốc, đã được nhà chiến lược Singapore luận giải một cách thấu đáo. Không ngần ngại nêu lên quan điểm của mình, ông cho rằng sức mạnh của Mỹ, cái làm cho nước Mỹ sẽ không thể bị tụt hậu, là tinh thần doanh nghiệp dựa trên nền tảng văn hóa Mỹ. Ông nói: “Các doanh nghiệp và nhà đầu tư đều nhìn nhận những rủi ro và thất bại chính là bản chất và điều rất cần cho thành công. Khi họ thất bại, họ tự đứng dậy và làm lại từ đầu. Người Nhật và châu Âu giờ đây có trách nhiệm tiếp nhận những cách thức này để tăng hiệu quả và sức cạnh tranh của mình”. Tuy nhiên ông cũng chỉ rõ thách thức lớn nhất mà nước Mỹ phải đối mặt là thâm hụt tài chính. Để duy trì vị thế số một của mình, đây là thách thức số một. Trong quá khứ, nước Mỹ đã từng chao đảo ở vị trí số một vì lý do này. Đó là thời kỳ chiến tranh Việt Nam, chắc chắn người Mỹ sẽ rút ra những bài học từ đó.

Ông Lý Quang Diệu nhận định giữa hai cường quốc này có sự đối đầu, cạnh tranh. Tuy nhiên ông không bi quan tới mức cho rằng xung đột là điều không thể tránh khỏi nếu các nhà lãnh đạo của hai nước có những quyết định hợp lý.

Bốn chương tiếp theo, từ Chương 5 đến Chương 8, nói đến chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, tăng trưởng kinh tế, tương lai địa chính trị, toàn cầu hóa và dân chủ xã hội. Đây là những vấn đề có ảnh hưởng lớn xu thế phát triển của thế giới trong nhiều thập kỷ tới.

Bàn về Hồi giáo, ông Lý chỉ rõ cần phải phân biệt sự khác nhau giữa Đạo Hồi và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Bản thân đạo Hồi không phải là vấn đề. Chính chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan mới đe dọa tới tương lai của thế giới. Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đương đại kết hợp với dầu mỏ và vũ khí hủy diệt (như vũ khí nguyên tử hay vũ khí hóa học …) được ông nhìn nhận như hiểm họa của nhân loại. Thông qua sự phân tích vấn đề này, người đọc có thể nhận diện được những quan hệ chằng chéo phức tạp giữa các quốc gia thuộc thế giới hồi giáo, cũng như quan hệ của họ với các khu vực khác đang và sẽ diễn ra.

Đối với tương lai phát triển của thế giới, ông Lý trình bày một cách súc tích ngắn gọn tập trung vào ba yếu tố quyết định, trong đó tăng trưởng kinh tế là cơ sở nền tảng, toàn cầu hóa là phương thức và dân chủ là động lực thúc đẩy.

Chương 9 được dành riêng để ông Lý Quang Diệu nói về chính bản thân mình. Tuy nhiên đây không phải là bản tự sự, mà là sự luận giải phương pháp tư duy của ông, chỉ ra những nguyên tắc chiến lược, cách tiếp cận với tư duy đó với tư cách là một nhà hoạch định chiến lược. Bên cạnh đó, ông cũng trình bày những quan điểm và những trải nghiệm của mình về phương pháp xây dựng chiến lược cho sự phát triển quốc gia Singapore.

Chương thứ 10 của cuốn sách là một ngoại lệ mà các tác giả trình bày bằng ngôn từ của mình một cách ngắn gọn, cụ thể và rành mạch những kết luận của từng vấn đề mà cuốn sách đề cập.

Quả thực sau khi đọc hết cuốn sách, có lẽ nhiều độc giả cùng chung một nhận định như nhóm tác giả, rằng đây là “…một vài hiểu biết mang tính chiến lược … có giá trị nhất từ người đàn ông lặng lẽ, nói năng lưu loát, cực kỳ tự tin nhưng vô cùng khiêm tốn này, một con người mà chúng ta học hỏi được rất nhiều”.

Chỉ trong 263 trang, cuốn sách thực sự cung cấp cho người đọc hiểu biết thêm về nhãn quan chiến lược của một nhà chính trị xuất sắc, người được Tạp chí Times International lựa chọn là một trong 100 nhân vật làm thay đổi thế giới trong thế kỷ 20.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Người giới thiệu: Việt Linh

0thảo luận