1. Bối cảnh chính trị, kinh tế - xã hội
Trong tiến trình hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam không ít nhà nghiên cứu cho rằng đã có những thời đại huy hoàng, gắn liền với nền quân chủ thịnh trị. Các nhà sử học, nghiên cứu văn học, văn hóa học, lịch sử kinh tế, triết học v.v… từng có nhiều công trình khảo cứu công phu về các triều đại Lý (1010-1225), Trần (1226-1400), Lê sơ (1428-1527)(1)... Cùng với những thành tựu rực rỡ về xã hội, kinh tế và văn hóa, đây còn được coi là các “Thời đại anh hùng” bởi những chiến công vang dội trong các cuộc kháng chiến chống Tống (980-981, 1075-1077), 3 lần kháng chiến chống Mông - Nguyên (1258, 1285, 1287-1288) và kháng chiến chống Minh (1406-1427). Đó là một cách nhìn, một cách tiếp cận có phần “kinh điển” về lịch sử Việt Nam.
Vì nhiều nguyên nhân, trong suốt một thời gian dài, lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm cũng như lịch sử chính trị, sự hình thành, phát triển của các nhà nước sơ khai… đã được ưu tiên khảo cứu. Các công trình đó không chỉ làm sáng tỏ một trong những đặc tính tiêu biểu của lịch sử Việt Nam mà còn tạo nên động lực và niềm tin mạnh mẽ cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhưng cũng chính vì thế mà một số lĩnh vực nghiên cứu còn có sự khuyết vắng đồng thời không khỏi có những nhận thức sai lệch nhất định. Rõ ràng, các biến cố chính trị, sự thăng trầm của các triều đại cũng như truyền thống kháng chiến chống ngoại xâm là đặc tính tiêu biểu, niềm tự hào dân tộc… nhưng đó không thể là toàn bộ lịch sử Việt Nam(2). Nếu coi là lịch sử là một dòng chảy mang tính liên tục với bốn đặc trưng cơ bản: truyền nối, kết tụ, hòa biến và lan tỏa thì mỗi thời kỳ đều có vai trò, sứ mệnh riêng biệt của nó. Trong ý nghĩa đó, cũng như lịch sử của các dân tộc khác trong cộng đồng thế giới, cùng với các sự biến chính trị, lịch sử Việt Nam còn là lịch sử của một quốc gia hợp chỉnh. Do vậy, nó phải bao gồm các hoạt động kinh tế; quá trình hình thành, phát triển của các giai cấp, đẳng cấp; sự xác lập, tái thiết các mối quan hệ, cấu trúc xã hội; lịch sử của quá trình giao thoa, hợp luyện, sáng tạo văn hóa, hình thành các khuynh hướng tư tưởng; lịch sử của các mối quan hệ bang giao, đối đầu và hợp tác… Đó là một cách tiếp cận tổng thể, đa diện, đa chiều đã và đang đặt ra đối với các nhà nghiên cứu hiện nay.
Thực tế lịch sử cho thấy, giữa các sự biến chính trị sôi động và những lĩnh vực được coi như những “cấu trúc chìm” của xã hội, tưởng như có phần ít biến đổi và mối liên hệ nhưng thực tế giữa chúng luôn có sự tương tác lẫn nhau. Thông thường, sự biến dịch của một hay một số thành tố cơ bản sẽ gây nên những tác động đa chiều đối với hệ thống tức là với toàn bộ diện mạo cũng như cấu trúc xã hội đó. Lịch sử luôn là một diễn trình vận động và đôi khi rất khó để có thể nhận ra những biến chuyển nội tại tự ngay trong bản chất và cấu trúc của nó. Mặt khác, chúng cũng có thể bị “che phủ” bởi các sự kiện, trào lưu chính trị hay mục tiêu nghiên cứu các vấn đề chuyên biệt cùng nhãn quan của các nhà sử học.
Xuất phát từ cách nhìn lấy các sự biến chính trị làm trung tâm, trong không ít công trình nghiên cứu trước đây, các triều đại như Mạc (1527-1592), Hồ (1400-1407) đều bị coi là “ngụy triều”, không có gì đóng góp đáng kể cho lịch sử dân tộc. Hơn thế, các triều đại này còn bị lên án bởi hành động “tiếm ngôi”, “dâng đất” và phải chịu trách nhiệm trước dân tộc vì sự thất bại trong cuộc chiến tranh vệ quốc! Tương tự như vậy, thời kỳ Lê Trung Hưng hay còn được gọi là thời Lê mạt (1592-1789) thường được coi là “thời kỳ khủng hoảng, suy thoái của chế độ phong kiến” mà một trong những biểu hiện của nó là tình trạng “rối loạn về chính trị” với nhiều biến cố lớn xảy ra. Cụ thể, sau một thế kỷ nắm giữ quyền lực chính trị trung tâm, chính quyền Lê sơ mà đỉnh cao là thời kỳ cầm quyền của Lê Thánh Tông (cq: 1460-1497), đã trở nên suy yếu mau chóng sau khi vị hoàng đế tài năng, mạnh mẽ này qua đời(3). Các hoàng đế kế nhiệm như Lê Hiến Tông (cq: 1497-1504), Lê Uy Mục (cq: 1505-1509), Lê Tương Dực (cq: 1509-1516)… đều không thể tiếp tục sự nghiệp của Lê Thánh Tông để đưa đất nước phát triển. Một thiết chế chặt chẽ, tập quyền cao mà Lê Thánh Tông dày công xây dựng cuối cùng đã bị đứt gãy bởi khuynh hướng tư hữu hóa về tư liệu sản xuất cùng sức đẩy của một xã hội vốn quen với sự mềm dẻo, năng động. Nói cách khác, mô thức Trung Hoa (Chinese model)(4) - tập quyền, Nho giáo đã tỏ ra không thể áp chế, trùng khớp và thích ứng mau chóng với sự vận động của thiết chế xã hội Đông Nam Á - Phật giáo, đa thần giáo cùng nền kinh tế đa canh(5).
Tranh thủ tình thế chính trị đó, do nắm giữ được binh quyền, võ tướng Mạc Đăng Dung (cq: 1527-1529) đã giành lấy ngôi báu rồi lập nên triều Mạc (1527-1592). Để chống lại thế lực của nhà Mạc, từ Thanh Hóa, Nguyễn Kim (1533-1545) cùng con rể là Trịnh Kiểm (cq: 1545-1569) đã nổi lên như một lực lượng mạnh và cuối cùng đã phục hưng được quyền lực cho nhà Lê năm 1592. Nhưng cũng từ đó, họ Trịnh đã gây áp lực với chính quyền Lê rồi từng bước thâu tóm quyền lực thực tế về tay mình. Một cơ chế “song trùng quyền lực”, “thể chế lưỡng đầu” hay “hai chính quyền cùng song song tồn tại” rất hy hữu đã xuất hiện trong lịch sử Việt Nam, một đất nước mà chế độ quân chủ tập quyền xuất hiện sớm và gần như trở thành định chế cố hữu(6). Tình thế chính trị đó đã gây nên tâm lý bất mãn đối với các nhân vật trung nghĩa với họ Nguyễn cùng gia tộc Nguyễn Kim mà tiêu biểu là các con trai ông như Nguyễn Uông, Nguyễn Hoàng (1524-1613). Không thể chống lại cũng như không thể giành đoạt quyền lực với họ Trịnh, một thế lực đã củng cố được vị trí chính trị vững chắc ở trung tâm châu thổ sông Hồng, Nguyễn Hoàng con trai thứ của Nguyễn Kim, đã nuôi chí tiến vào vùng đất phương Nam, nơi chính quyền Lê tuy đã xác lập được chủ quyền nhưng chưa thể quản chế chặt chẽ, để xây dựng thế lực chính trị độc lập. Đó là một quyết định lịch sử đồng thời cũng là một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến tình trạng phân cát Đàng Ngoài (Tonkin) và Đàng Trong (Cochinchina) kéo dài hơn hai thế kỷ.
Sau khi Nguyễn Hoàng vào trị nhậm vùng Thuận - Hóa năm 1558, một thời đại khai phá đất Đàng Trong đã thực sự bắt đầu. Ngay lập tức ông và những người cùng chí hướng đã phải đối chọi với đồng thời nhiều khó khăn, thử thách khắc nghiệt. Lúc bấy giờ, trước sự suy tàn của vương quốc Champa, người Việt tiến vào mở đất phương Nam nhưng đây vẫn là một khu vực có dân cư thưa thớt, kinh tế kém phát triển. Trong Phủ Biên tạp lục, Lê Quý Đôn ghi lại rằng: “Họ Nguyễn trước đặt dinh Bố Chính, dinh Quảng Bình, đều có ký lục, cai hợp và xá sai ty để khám xét việc từ tụng, bởi vì cách Phú Xuân xa, nhân dân đi hầu ở Chính dinh không tiện. Đường vào Thuận Hóa thì chỉ từ xã Phù Tôn huyện Lệ Thủy đến xã Hồ Xá huyện Minh Linh là dọc đường có quán Cát, quán Sen, quán Bụt, quán Hà Cờ, dân cư ở hai bên, hành khách có chỗ ngủ trọ; còn từ đấy đến Ải Vân thì không có quán. Ô Châu cận lục nói rằng: “đường xa nghìn dặm không có một cái quán nào” là đúng”(7). Do vậy, công việc thiết yếu đầu tiên của Nguyễn Hoàng là chiêu dụ dân chúng, trọng dụng người hiền tài, chia sẻ tâm linh, ý nguyện với những người cùng vào Nam mở cõi. Chính sử triều Nguyễn viết: “Chúa vỗ về thu dùng hào kiệt, sưu thuế nhẹ nhàng, được dân mến phục, thường gọi là chúa Tiên”(8). Nhưng bên cạnh sự nghiệp khai mở đất phương Nam, Nguyễn Hoàng cùng hậu duệ của ông như Nguyễn Phúc Nguyên (cq: 1613-1635), Nguyễn Phúc Lan (cq: 1635-1648), Nguyễn Phúc Tần (cq: 1648-1687), Nguyễn Phúc Chu (cq: 1691-1725)… đã ra sức củng cố quyền năng cát cứ, tự xác lập một con đường phát triển riêng, độc lập với chính quyền Lê - Trịnh ở Đàng Ngoài(9). Sự trỗi dậy của một thế lực chính trị ở vùng Thuận - Quảng vô hình chung đã cản trở tầm nhìn, thế phòng thủ chiến lược và xu thế hướng nam của chính quyền Thăng Long - Đại Việt. Hơn thế, sự hiện diện của chính quyền Nguyễn còn thu hẹp phạm vi lãnh thổ của “vương quốc Đàng Ngoài” như nó từng có trước năm 1306(10). Bị tổn thương về địa vị chính trị, bị xâm hại về lợi ích, bị chia rẽ về tâm lý… chính quyền Lê - Trịnh đã tổ chức những lực lượng quân sự hùng hậu tiến đánh Thuận - Quảng. Mục tiêu căn bản là loại trừ thế lực họ Nguyễn, giành đoạt lại những quyền lợi đã mất(11).
Tuy nhiên, diễn tiến cuộc chiến đã không đem lại những kết quả như chính quyền Thăng Long mong đợi. Tuy có tiềm lực quân sự trội vượt và có “chính danh” nhưng trong suốt gần nửa thế kỷ (1627-1672), với 7 lần giao tranh quyết liệt, gây nên biết bao hy sinh, tổn thất nhưng chúa Trịnh đã không thực hiện được hai mục tiêu căn bản đã đề ra. Do không thể giành được thắng lợi quân sự, quân Trịnh phải lui về phía bắc sông Gianh (vĩ tuyến 17) đóng bản doanh và lấy dòng sông này làm giới tuyến. Trong lịch sử Việt Nam, tính từ năm 1672 một thế cục phân cát kéo dài 214 năm (1672-1789) giữa hai miền đã xuất hiện. Không dừng lại ở đó, vào cuối thế kỷ XVIII xã hội Việt Nam vẫn tiếp tục diễn ra những biến động lớn bởi sự xâm lược của nhà Thanh (1788-1789), rồi phong trào Tây Sơn nổi lên từ Bình Định đánh đuổi quân Thanh ở phía Bắc, diệt trừ quân Xiêm ở phía Nam đồng thời đặt cơ sở cho sự thống nhất đất nước. Sau một thời kỳ nội chiến, đến đầu thế kỷ XIX, vương triều Nguyễn (1802-1945), triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử Việt Nam, đã được thiết lập. Triều đại này đã xác lập nên nhiều dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển lịch sử, văn hóa Việt Nam nhưng đồng thời cũng phải gánh chịu số phận của một dân tộc bị thực dân phương Tây nô dịch, thống trị.
Đó là những nét phác dựng căn bản về diễn tiến chính trị Việt Nam thế kỷ XVI-XVIII. Như vậy, trong khoảng ba thế kỷ, lịch sử dân tộc Việt Nam đã diễn ra nhiều bước chuyển đồng thời cũng chứng kiến không ít những biến chuyển dị biệt. Trên thực tế, sự phân chia giữa Đàng Ngoài với Đàng Trong không phải là sự chia tách lãnh thổ một cách giản đơn. Cùng một dòng máu Việt và ý thức mạnh mẽ về chủ quyền của quốc gia Đại Việt nhưng Nguyễn Hoàng (người tạo dựng những định hướng cơ bản) cùng các chúa như Nguyễn Phúc Nguyên (định hình rõ rệt), Nguyễn Phúc Lan, Nguyễn Phúc Tần, Nguyễn Phúc Chu… vì sự tồn vong, danh vọng của mình đã tiếp tục xác lập chủ quyền và khai phá, mở rộng ảnh hưởng ở đất Đàng Trong. Khởi phát từ vùng Thuận Châu - Hóa Châu, thế ứng đối của chính quyền Phú Xuân không chỉ là kiên quyết chặn đứng các cuộc tiến công của quân Trịnh để bảo vệ lực lượng, chính thể mà còn phải tiếp tục hướng đến phương Nam, mở rộng không gian lãnh thổ, tạo chiều sâu của thế đứng chân... Mục tiêu cuối cùng mà chính quyền này đạt đến là làm chủ châu thổ sông Mekong rộng lớn.
Trên phương diện đối ngoại, tầm nhìn của chính quyền Nguyễn còn được thể hiện rõ trong thế ứng đối với các thế lực phía Tây và phía Đông. Đàng Trong không chỉ tiếp tục duy trì các mối quan hệ với hai quốc gia láng giềng là Ai Lao, Chân Lạp mà còn phải có đối sách phù hợp với các nhà thám hiểm, thương nhân, giáo sĩ phương Tây cũng như một số đối tác mới phương Đông mà họ chưa từng trải nghiệm. Trong điều kiện tình hình chính trị thế giới cũng như khu vực có nhiều thay đổi, những tri thức, triết luận Nho giáo đã tỏ ra không còn là cơ sở duy nhất, hữu hiệu cho việc hoạch định chính sách và phương châm cho mọi hành động nữa. Trong bối cảnh đó, lượng thông tin phong phú, đa diện, đa chiều cùng quan điểm tư duy thực tiễn, niềm tin ở sức mạnh của chính mình đã tạo nên những cơ sở chính yếu cho các quyết sách của Đàng Trong.
Về chính trị, xã hội: Tình thế chính trị lúc bấy giờ đã đặt bộ máy quản lý non trẻ của Nguyễn Hoàng đứng trước nhiều sự lựa chọn(12). Nhưng cuối cùng, để có thể tồn tại như là một chính thể độc lập, đủ sức ngăn chặn sức tấn công cùng sự uy hiếp từ phía Bắc, chính quyền Đàng Trong đã hướng đến việc xây dựng một thể chế trung ương tập quyền mạnh. Ở một khía cạnh nhất định, mặc dù được xây dựng trên một nền tảng xã hội có sự hỗn dung nhiều truyền thống văn hóa, nhiều thành phần xã hội phức tạp nhưng chính quyền Phú Xuân đã sớm định chế hóa và thiết lập được một hệ thống chính quyền tập trung, có phần “thuần khiết” hơn so với thiết chế “lưỡng đầu” của chính quyền Lê - Trịnh ở Đàng Ngoài. Dựa vào tư duy khai mở cũng như đức khoan dung của Phật giáo kết hợp với những định chế Nho giáo, không đối lập và hiềm kỵ với những yếu tố văn hóa bản địa cũng như nguồn gốc xuất thân của nhiều nhóm, bộ phận cư dân, Đàng Trong đã xác lập quyền lực của mình, ổn định xã hội và giữ vững được thể chế. Tuy nhiên, dưới nhãn quan của Trịnh Tráng (cq: 1623-1657), người đứng đầu phủ Chúa ở Đàng Ngoài thì người Đàng Trong là những người “có cuộc sống và cách sống buồn tẻ. Tâm can họ đầy những mưu mô vì họ giống như những kẻ hung bạo của trái đất. Họ yêu thương, tin tưởng nhau theo một cách thức bất thường hơn thế còn không tuân lệnh ta”(13).
Về kinh tế, trong một không gian lãnh thổ tương đối hạn hẹp, khả năng phát triển kinh tế nông nghiệp có phần hạn chế, các chúa Nguyễn đã có tầm nhìn hướng Nam và hướng Đông mạnh mẽ. Kết quả là, sau khoảng 2 thế kỷ, chính quyền Đàng Trong đã mở rộng được phạm vi quản chế đến vùng hạ lưu châu thổ Mekong. Mặt khác, như là kết quả tất yếu của chính sách hướng Đông, Đàng Trong đã trở thành một Thể chế biển (Maritime polity) mạnh của Đông Nam Á. Thành công trong việc khai phá vùng đất phương Nam cũng như chính sách ngoại thương táo bạo… đã đem lại sức mạnh thực tế đồng thời khẳng định vị thế của chính quyền này trong thế đối sánh với Đàng Ngoài cũng như các quốc gia khu vực.
Trong khi đó, không gian phát triển của Đàng Ngoài luôn ở thế “ổn định”. Không thể tiến lên phía Bắc hay tràn xuống phía Nam, chủ trương của chúa Trịnh là giữ mối quan hệ hòa hiếu với triều đình nhà Lê để tập trung tâm lực vào việc giải quyết các vấn đề nông thôn - nông nghiệp - nông dân vùng châu thổ sông Hồng và bảo vệ an ninh các miền biên viễn. Dựa vào những định chế của một chính quyền trung ương tập quyền (nhưng trên thực tế là sự phân chia quyền lực giữa Hoàng triều với Phủ chúa) và thiết chế chính trị Nho giáo được kiến lập từ thời Lê sơ, Đàng Ngoài đã tiếp tục củng cố quyền lực của chính quyền quân chủ, khẳng định vị trí, trách nhiệm của “tứ dân” nhằm duy trì sự ổn định xã hội. Trong bối cảnh đó, mặc dù luôn phải đương đầu với những thách thức chính trị, xã hội phức tạp như việc đối phó với dư đảng nhà Mạc cũng như sức ép chính trị từ phương Bắc, sự trỗi dậy của thế lực phương Nam… nhưng chính quyền Thăng Long cũng đã thực thi nhiều chính sách tích cực để khuyến khích sản xuất, ổn định xã hội, mở rộng quan hệ quốc tế. Có thể nói, tình thế chính trị đối lập giữa hai miền vô hình chung đã tạo nên những động lực phát triển cho cả Đàng Ngoài cũng như Đàng Trong.
Do vậy, tuy trọng tâm tư duy chính trị, xã hội của chính quyền Đàng Ngoài là giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội bức thiết của vùng châu thổ sông Hồng nhưng rõ ràng chính quyền này không muốn và không thể tiếp tục duy trì Đàng Ngoài như một “xã hội thuần nông” tức là chỉ sống và dựa vào kinh tế nông nghiệp. Theo đó, “Chúa Trịnh đã thừa hưởng một hệ thống hành chính có chức năng tương đương với bất kỳ nền hành chính bản địa nào ở Đông Nam Á nhưng họ đã cải tiến đi rất nhiều”(14). Trong thế kỷ XVII-XVIII, phủ Chúa đã nhiều lần tiến hành điều tra điền địa, cải cách chế độ thuế, thu nạp các ruộng đất còn lọt trong dân để cấp cho các công thần, quý tộc. Mục tiêu căn bản là nhằm khẳng định quyền sở hữu tối cao của nhà nước về tư liệu sản xuất. Tuy nhiên, sự tồn tại của các loại ruộng tư như Chiếm xạ, Thông cáo, Miễn hoàn là một thực tế mà chính quyền Đàng Ngoài phải chấp nhận. Năm 1711, Luật quân điền mới được ban hành nhưng cũng không thể ngăn chặn quá trình tư hữu hóa diễn ra mạnh mẽ(15). Năm 1722, Trịnh Cương (cq: 1709-1729) lại cho điều tra điền địa đồng thời ban hành Luật thuế mới. Theo đó, tất cả các ruộng đất được phân làm hai loại là ruộng công và ruộng tư. Như vậy, sau 2 thế kỷ ruộng tư mới được đánh thuế! Tuy mức thuế chỉ bằng 1/3 so với ruộng công nhưng cũng đã đem lại nguồn thu đáng kể cho nhà nước. Mặc dù gặp không ít đợt thiên tai, mất mùa nhưng nhìn chung, theo những mô tả của các nguồn sử liệu trong nước, quốc tế thì vào thế kỷ XVII-XVIII, do có những biến đổi về chất trong quyền sở hữu, nền kinh tế nông nghiệp Đàng Ngoài đã có nhiều biểu hiện phát triển thịnh đạt(16).
Dựa vào châu thổ sông Hồng màu mỡ cùng nguồn lực dân cư đông đúc, chính quyền Thăng Long vẫn tiếp tục củng cố được quyền lực, sức mạnh của mình. Tuy nhiên, vào thế kỷ XVI-XVII, trên cơ sở những biến chuyển từ thời Mạc và những tác động từ môi trường kinh tế quốc tế, chính quyền Lê - Trịnh cũng đã sớm nhận thức được những nguồn lợi từ kinh tế công thương và có những biện pháp tương đối tích cực khuyến khích các ngành kinh tế này phát triển. Nói cách khác, Thăng Long cũng hiểu khá rõ những nhân tố mới trong quan hệ kinh tế, chính trị quốc tế cùng sự chuyển biến, lớn mạnh của Đàng Trong. Trong thế cuộc đó, phủ Chúa muốn tiếp tục khẳng định vị thế của mình như một chính thể mạnh. Nhưng do những sức ép chính trị liên tục từ phương Bắc, sự gắn kết quá sâu với đồng đất, với tư duy nông nghiệp, với hệ tư tưởng Nho giáo… nên chính quyền này đã không thể đưa xã hội Đàng Ngoài đến những thay đổi về chất, thực sự tạo nên những chuyển biến căn bản trong lịch sử Việt Nam.
Tuy nhiên, với cả Đàng Ngoài và Đàng Trong, trên phương diện kinh tế, xã hội điểm nổi bật của thời kỳ này là sự biến chuyển của một số đô thị vốn là các trung tâm hành chính, chính trị thành các đô thị đa chức năng. Các đô thị đó đã đồng thời trở thành trung tâm kinh tế quan trọng, điều phối hoạt động chung cũng như của mỗi vùng nền kinh tế(17). Điều đáng chú ý là, cùng với các mô hình thành thị truyền thống, thể hiện những đặc tính tiêu biểu của thành thị phương Đông, từ thế kỷ XVI-XVII do sức phát triển của nền kinh tế hàng hóa cũng như tác động của môi trường giao thương quốc tế, ở nhiều vùng duyên hải Việt Nam đã có sự trỗi dậy và hồi sinh của các cảng thị (city-ports)(18). Bên cạnh đó, được kích hoạt bởi các yếu tố ngoại sinh (exdogenous factors), một mạng lưới phân phối, tiêu thụ hàng hóa cũng đã được thiết lập trong mỗi vùng và giữa các vùng có độ liên kết tương đối chặt chẽ. Cùng với những biến chuyển đó là sự hình thành của nhiều trung tâm sản xuất thủ công gắn với sự chuyển hóa của các làng nghề từ kiêm nghiệp sang chuyên nghiệp. Vào thế kỷ XVI-XVIII, ở Đàng Ngoài cũng như Đàng Trong đã xuất hiện nhiều làng thủ công chuyên nghiệp có năng lực sản xuất và tổ chức khá cao như làng dệt, làm gốm sành, các làng làm mỹ nghệ, mộc, rèn, đúc, sơn mài, làm nón v.v… Riêng nghề làm gốm, ở Đàng Ngoài có những làng nổi tiếng như Chu Đậu, Bát Tràng, Thổ Hà, Hương Canh; ở Đàng Trong có Mỹ Thiện, Lộc Thiện, Mỹ Cương, Mỹ Xá, Thanh Hà... Như vậy, cùng với các quan xưởng do nhà nước hoặc chính quyền địa phương trực tiếp quản lý, sự phát triển của các làng nghề trong các vùng thôn quê đã làm thay đổi thậm chí đã “phá vỡ” tính chất thuần nông của không ít vùng quê truyền thống. Bên cạnh đó, hệ thống chợ phiên cũng làm cho đời sống kinh tế của nhiều vùng nông thôn trở nên sôi động. Như là một kết quả tất yếu, trên cả nước đã hình thành không ít làng buôn (trading villages) có phạm vi hoạt động tương đối lớn(19). Sức mua của thị trường trong nước, quốc tế đã cuốn hút một số ngành sản xuất vốn gắn với cuộc sống nông thôn, với nền kinh tế “tự cung tự cấp” (self-sufficiencing economy) dự nhập vào nền kinh tế sản xuất hàng hóa. Hoạt động của các làng buôn đã tạo nên gạch nối giữa thành thị với nông thôn, giữa các trung tâm sản xuất thủ công, khu vực khai thác với thương cảng. Các hoạt động kinh tế đó đã thúc đẩy các tiềm năng kinh tế, đem lại sinh lực phát triển mới cho nhiều trung tâm sản xuất thủ công cũng như toàn bộ nền kinh tế. Như vậy, không chỉ ở thành thị và cảng thị, ngay trong chính các làng quê cũng xuất hiện các thương nhân chuyên nghiệp. Họ là một tầng lớp mới, có nhiều nét đặc thù trong bối cảnh xã hội Việt Nam truyền thống đang diễn ra nhiều biến đổi với biết bao mối quan hệ xã hội đan xen, phức hợp.
Cùng với các ngành kinh tế công - thương, vào thế kỷ XVI-XVIII, ngành công nghiệp khai thác cũng có nhiều bước phát triển. Ở Đàng Ngoài, chính quyền trung ương cũng như địa phương rất chú trọng đến công nghiệp khai mỏ. Nguồn lợi từ các mỏ đồng, sắt, thiếc… đã đem lại sức mạnh cho vương quyền. Nhà sử học Phan Huy Chú từng nhận xét về tình hình khai mỏ ở Đàng Ngoài: “Mối lợi về hầm mỏ phần nhiều là ở các xứ Tuyên Quang, Hưng Hóa, Thái Nguyên, Lạng Sơn. Các mỏ vàng, bạc, đồng, thiếc, đáng giá không biết bao nhiêu của. Việc chi dùng của nhà nước sở dĩ được dồi dào, là do ở thuế các mỏ nộp đầy đủ”(20). Với Đàng Trong, cùng với các nguồn lâm sản nổi tiếng như trầm hương, gỗ quý, quế, hương liệu, đường… kế thừa kinh nghiệm của người Chăm, chính quyền Phú Xuân cũng rất chú tâm đến việc tổ chức khai thác các mỏ khoáng sản như mỏ vàng vùng sông Thu Bồn đồng thời khuyến khích nhân dân trồng dâu, quế, làm đường để phục vụ nhu cầu xuất khẩu(21). Các hoạt động kinh tế đó đã nối kết các vùng cung cấp nguyên liệu với trung tâm sản xuất thủ công, thương nghiệp đồng thời biến nhiều nguồn lợi tự nhiên, vật phẩm vốn chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước thành sản phẩm hàng hóa, đạt giá trị cao trên thương trường quốc tế.
2. Quan hệ giao thương và giao lưu gốm sứ Việt - Nhật
Vào thế kỷ XVI-XVIII trước những tác động khu vực và quốc tế, lịch sử các dân tộc phương Đông đã diễn ra nhiều biến đổi sâu sắc. Ở Đông Á, nhà Minh (1368-1644) rồi nhà Thanh (1644-1911) vẫn là những đế chế lớn trong khu vực. Tuân thủ những nguyên tắc truyền thống, vì các mục tiêu khác nhau, nhiều nước phương Đông đặc biệt là các quốc gia Đông Nam Á phải chịu sự thần thuộc và thực hiện chế độ bang giao triều cống các đế chế này(22). Tuy nhiên, sau khi thiết lập được cứ điểm ở Goa, năm 1511 Bồ Đào Nha lại tiếp tục làm chủ được eo biển Malacca, con đường giao thương giữa phương Tây với phương Đông được chính thức xác lập. Thế giới phương Đông (Oriental world) bắt đầu đứng trước những thách thức to lớn. Sự hiện diện ngày càng thường xuyên của các đoàn thuyền buôn, chiến hạm phương Tây ở vùng biển Đông Á đã làm thay đổi nhiều mối quan hệ bang giao, giao thương truyền thống cũng như vị thế của các quốc gia trong khu vực. Trong ý nghĩa đó, phương Đông không còn là “thế giới thuần khiết” nữa. Tầm nhìn của nhiều dân tộc đã trở nên rộng mở, họ hiểu rằng cùng với Trung Hoa, Ấn Độ còn có nhiều quốc gia xa lạ mà họ chưa biết tới trong đó đặc biệt là các nước phương Tây. Có thể cho rằng, sự hiện diện của các nhà thám hiểm, giáo sĩ, thương nhân phương Tây là những chỉ báo rất có ý nghĩa về thời đại trỗi dậy của các quốc gia tư bản, của nền văn minh công - thương nghiệp châu Âu đồng thời đánh dấu sự suy thoái và cuối cùng là sự sụp đổ của các “Đế chế lục địa” (Continental Empires) Châu Á. Hình thành, phát triển ở khu vực Địa Trung Hải, các “Đế chế đại dương” (Oceanic Empires) đã mau chóng vươn đến xã hội phương Đông, chiếm lĩnh những vùng đất giàu có, tuyến giao thương quốc tế. Quá trình hội nhập, tiếp giao kinh tế, văn hóa và cả những xung đột chính trị Đông - Tây đó đã diễn ra trong nhiều thế kỷ. Trong thời đại thương mại tự do cạnh tranh nhìn chung các dân tộc phương Đông vẫn giữ được quyền chủ động và chủ quyền trong các quan hệ giao thương. Điều đáng chú ý là, không chỉ có các đoàn thuyền buôn phương Tây, một số quốc gia Đông Á mà tiêu biểu là Nhật Bản, đã tích cực dự nhập vào các hoạt động kinh tế sôi động thời kỳ này.
Trong quan hệ giao thương khu vực, so với các quốc gia phương Đông như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Philippines… thuyền buôn Nhật Bản đến Việt Nam tương đối muộn. Nhưng nếu coi các hoạt động giao thương của Lưu Cầu (Ryukyu), một vương quốc độc lập nhưng đã thuộc về Nhật Bản từ thời Minh Trị (1868-1912), với Đông Nam Á thì quan hệ đó đã diễn ra từ cuối thế kỷ XIV và được duy trì liên tục cho đến đầu thế kỷ XVI(23). Kế thừa kinh nghiệm và tri thức đi biển của cư dân Lưu Cầu cũng như của giới Hoa thương, từ năm 1592 các thuyền buôn Châu ấn (Shuin-sen) của Nhật Bản đã bắt đầu thâm nhập vào nhiều thương cảng Đông Nam Á. Điều đáng chú ý là, ngay từ điểm khởi đầu ấy họ đã lập tức phải đối diện với giới Hoa thương, các thương nhân Đông Nam Á. Nhưng, cuộc cạnh tranh gay gắt nhất là với các tập đoàn doanh thương hùng hậu Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và đến đầu thế kỷ XVII là với các Công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC), Công ty Đông Ấn Anh (EIC), Công ty Đông Ấn Pháp (CIO). Do có tiềm năng kinh tế, được tổ chức tốt lại được Mạc phủ Edo (1600-1868) đứng ra bảo trợ, các hoạt động kinh doanh của Nhật Bản ở Việt Nam, Đông Nam Á trong những năm cuối thế kỷ XVI và hơn 3 thập kỷ đầu thế kỷ XVII đã thu được nhiều thành tựu quan trọng. Các hoạt động giao thương đó không chỉ góp phần vào sự phát triển phồn thịnh của kinh tế Nhật Bản cùng nền thương mại châu Á mà còn thúc đẩy mối bang giao, giao lưu kinh tế cũng như sự hiểu biết giữa các dân tộc.
Như đã trình bày ở trên, trước sự hưng thịnh của hoạt động giao thương Đông Á, chính quyền Đàng Ngoài cũng như Đàng Trong đã thực thi nhiều chính sách tích cực. Tuy nhiên, nếu như có cái nhìn so sánh, trong quan hệ đối ngoại, các chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã có tư duy hướng ngoại mạnh mẽ, thoáng đạt hơn so với Đàng Ngoài. Theo Christophoro Borri, giáo sĩ người Ý từng đến nhiều quốc gia phương Đông và chính ông đã sống ở Đàng Trong 4 năm (1618-1622) thì: “Tất cả các nước phương Đông đều coi người Châu Âu là những kẻ xa lạ và dĩ nhiên họ căm ghét đến nỗi khi chúng tôi vào đến lãnh thổ họ thì tất cả đều bỏ trốn. Thế nhưng trái lại, ở xứ Đàng Trong, họ đua nhau đến gần chúng tôi, trao đổi với chúng tôi trăm nghìn thứ, họ mời chúng tôi dùng cơm với họ. Tóm lại, họ rất xã giao, thân mật và lịch sự với chúng tôi”. Bên cạnh đó, ông còn cho rằng: “Vì người Đàng Trong tử tế và có tính hòa nhã, nên họ rất trọng người ngoại quốc, họ để cho mỗi người tự do sống theo đạo của mình”(24).
Mặc dù các mối quan hệ của Đàng Trong không phải bao giờ cũng diễn ra êm thấm và thực tế đã có không ít cuộc xung đột đã xảy ra nhưng nhìn chung trong ứng xử với các thế lực phương Tây, khách thương ngoại quốc, chúa Nguyễn luôn cố gắng duy trì mối quan hệ hữu nghị đồng thời thực thi chính sách “trung lập hóa”, giữ cân bằng giữa các thế lực. Tuy nhiên, thông qua chế độ thuế và các chính sách cụ thể chính quyền Đàng Trong cũng muốn tỏ thái độ ưu ái đối với một số tập đoàn thương nhân quốc tế. Với các thương nhân phương Tây, mặc dù đến thế kỷ XVII chính quyền Phú Xuân đều thiết lập quan hệ với Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh… nhưng thương nhân Bồ Đào Nha luôn nhận được nhiều điều kiện thuận lợi(25). Sự biệt đãi đó không chỉ vì nguồn lợi thương mại mà còn vì những vũ khí hiện đại mà người Bồ đưa đến. Về phần mình, giới doanh thương Bồ Đào Nha cũng nhận thấy Hội An là một trong những thương cảng trung chuyển lý tưởng (leading entrepôt) của Đông Nam Á cũng như trên tuyến thương mại trọng yếu giữa Malacca với Macao. Để rồi, từ Macao họ có thể thâm nhập vào hai thị trường lớn là Trung Quốc và Nhật Bản. Bên cạnh đó, hiểu rõ vai trò của các thế lực doanh thương lớn ở Châu Á, chúa Nguyễn luôn tỏ ra trọng dụng Nhật thương và Hoa thương. Theo C.Borri thì chúa Đàng Trong đã cho họ được chọn địa điểm thuận tiện để buôn bán, được thiết lập chế độ quản chế riêng và sống theo tập tục của mình. Trên thực tế, chúa Nguyễn đã dành cho họ được hưởng chế độ “Ngoại trị pháp quyền”. Ở khía cạnh nào đó, Hội An có dáng vẻ như một số cảng thị phương Đông hay Tây Âu trung đại. Do được chính quyền dành cho những điều kiện ưu đãi nên thế lực kinh tế của Hoa thương, Nhật thương đã mau chóng được mở rộng. Họ đã trở thành “những người làm thương mại chính yếu ở xứ này"(26). Trên thực tế, trong quan hệ giữa Đàng Trong với Nhật Bản thời đại bấy giờ, mục tiêu kinh tế được hết sức coi trọng nhưng qua các hoạt động đó chính quyền Phú Xuân cũng muốn thiết lập quan hệ bang giao chính thức với Mạc phủ Edo.
Đón nhận được nhiều điều kiện phát triển thuận lợi, trong ba thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XVII, các thuyền buôn Châu ấn đã dồn về vùng biển Đông Nam Á. Trong công trình khảo cứu của mình, nhà nghiên cứu Iwao Seiichi cho rằng từ năm 1604 đến 1635 đã có tổng số 356 thuyền Châu ấn đến Đông Nam Á và Đài Loan. Theo đó, đã có 87 chiếc đến Đàng Trong, số thuyền đến Siam (Thái Lan) và Luzon (Phillipines) mỗi nơi là 56 chiếc, đến Campuchia là 44 và Đàng Ngoài là 37 chiếc(27). Như vậy, trong vòng 31 năm, số thuyền Châu ấn đến Việt Nam chiếm gần 1/3 tổng số thuyền Nhật Bản đến Đông Nam Á. Số liệu đó cho thấy tầm quan trọng của các thương cảng Việt Nam, tiềm năng kinh tế, khả năng cung cấp các mặt hàng thiết yếu cũng như vị trí của các thương cảng đó trong mối liên hệ mật thiết với trung tâm kinh tế miền Nam Trung Hoa và “vai trò trung gian kép” của các cảng Việt Nam giữa hai trung tâm kinh tế Đông Bắc Á và Tây Nam Á(28).
Từ đầu thế kỷ XVII, trong mối quan hệ đa dạng với Đàng Trong, Nhật Bản đã đem đến đồng, tiền đồng, bạc, vũ khí… Trong các thương thuyền trở về Nhật Bản giới doanh thương đảo quốc thường đem theo tơ lụa, trầm, gỗ quý, đường và nhiều lâm thổ, hải sản khác. Đó là những sản phẩm đặc thù của xứ nhiệt đới mà khu vực kinh tế ôn đới rất hiếm hoặc không có. Những sản vật đó thị trường Nhật Bản đều sẵn sàng tiêu thụ với giá cao. Hiển nhiên, trong những sản phẩm trao đổi đó có cả gốm sứ từ các lò của miền Trung. Sau khi Nhật Bản thực thi chính sách tỏa quốc (sakoku), thông qua vai trò của một số thương nhân quốc tế như Hà Lan, Trung Quốc… quan hệ giao thương giữa Việt Nam với Nhật Bản vẫn tiếp tục được duy trì. Trong vòng 63 năm (1637-1700) hoạt động của Công ty Đông Ấn Hà trong tam giác kinh tế: Indonesia (Batavia) - Việt Nam (Thăng Long - Phố Hiến, Hội An) - Nhật Bản (Deshima) đã đem lại nhiều nguồn lợi không nhỏ cho công ty này(29). Điều đáng chú ý là, các hiện vật gốm sứ Nhật Bản (Hizen) phát hiện được ở Hội An và nhiều thương cảng miền Trung như Thanh Hà, Nước Mặn hay ở khu mộ Đại Làng, Đại Lào, Đạ Đờn tỉnh Lâm Đồng thuộc cao nguyên miền Trung… đều có niên đại nửa sau thế kỷ XVII. Điều đó có nghĩa rằng, mặc dù chính sách sakoku (1649-1853) mà chính quyền Edo theo đuổi là rất hà khắc nhưng đó không phải là một chính sách đóng cửa tuyệt đối(30). Nhật Bản vẫn duy trì quan hệ giao thương với Hà Lan và một số quốc gia Đông Á như Trung Quốc, Triều Tiên, Lưu Cầu, Xiêm La, Đại Việt v.v…
Trong vòng hơn ba thập kỷ buôn bán với Đàng Trong, người Nhật đã để lại nhiều ký ức, dấu ấn văn hóa sâu đậm(31). Trong ý nghĩa đó, sự hiện diện của các hiện vật gốm sứ ở Hội An cũng như các di tích khác là những chỉ báo quan trọng. Theo T.Volker, trong thời gian 1650-1679 thuyền buôn Trung Quốc đã chở 7.100 đồ sứ Hizen từ Nagasaki đến Quảng Nam (Hội An) rồi từ đó tới Batavia(32). Đó hẳn là con số hết sức khiêm tốn so với lượng gốm sứ thực tế được đưa từ Nhật Bản đến Đàng Trong trong thế kỷ XVII. Điều đáng chú ý là, những phát hiện gốm sứ ở khu vực Hội An tập trung ở các dãy phố Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai cho phép đoán định về sự tồn tại của một khu phố Nhật (Nihon machi) thế kỷ XVII(33). Tuy gốm sứ Nhật Bản được đưa đến Hội An cũng như Đàng Trong tương đối muộn nhưng sau khi chính quyền Edo thực thi chính sách tỏa quốc, một số nhóm người Nhật vẫn sinh sống ở Đàng Trong, họ làm nhiều nghề như phiên dịch, mãi biện… và dần hòa nhập với cộng đồng người Hoa, người Việt. Do vậy, có thể cho rằng, việc Đàng Trong tiếp tục nhập về gốm sứ Hizen vào nửa sau thế kỷ XVII có nhiều mục tiêu khác nhau nhưng một trong những mục tiêu căn bản là đáp ứng nhu cầu sử dụng của các nhóm Nhật kiều. Hơn thế, tuy Đàng Trong cũng có nhiều làng chuyên sản xuất gốm sành nhưng những sản phẩm này không thể so sánh với gốm sứ Đàng Ngoài, Nhật Bản hay Trung Quốc. Từ đó, chúng ta cũng hiểu thêm về tính đa dạng cùng chất lượng của gốm sứ Nhật Bản được đưa đến Đàng Trong và các quốc gia khu vực so với những sản phẩm xuất sang châu Âu hay tiêu dùng nội địa.
Với Đàng Ngoài, vào thế kỷ XVI-XVII cùng với các cảng biển, hệ thống cảng sông cũng được khai mở. Không chỉ thuyền buôn trong nước mà nhiều thương thuyền quốc tế cũng có thể thâm nhập vào sâu vào các cảng nội địa như Domea, Phố Hiến, Thăng Long cũng như các trung tâm sản xuất thủ công. Trong tác phẩm Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, giáo sĩ Alexandre de Rhodes cho rằng khoảng trước năm 1627 đã có nhiều người Nhật và Hoa thương đến Đàng Ngoài buôn bán. Theo tác giả thì: “Người Nhật xưa kia đem rất nhiều bạc tới đây để buôn tơ lụa, họ đem theo nhiều gươm đao và các thứ vũ khí đến để bán”(34). Đến cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII, nhu cầu về tơ lụa của thị trường Nhật Bản là rất lớn. Mạc phủ Edo đã cử nhiều thương thuyền đến Đàng Ngoài để đem bạc, đồng đổi lấy tơ lụa, hương liệu và gốm sứ(35). Thuyền buôn của Nhật Bản đến buôn bán ở Đàng Ngoài thường có trọng tải 400-500 tấn. Thông thường, mỗi thuyền Shuin-sen đều có thể đem về 4.000kg tơ lụa. Quan hệ giao thương giữa Nhật Bản với Đàng Ngoài đã đem lại nhiều mối lợi lớn cho cả hai phía. Với tư cách là người đứng đầu phủ Chúa, năm 1624 trong bức thư gửi tướng quân Tokugawa Iemitsu, Thanh đô vương Trịnh Tráng (1623-1657) khẳng định: “Chúng tôi chỉ muốn phát triển, không dừng lại ở việc buôn bán nhỏ, nên thăm hỏi kỹ càng”(36). Để thể hiện thiện chí và quyết tâm, năm 1624 chúa Trịnh đã gửi biếu chính quyền Edo 7 lạng vàng ròng, 38 lạng kỳ nam đồng thời đề nghị Mạc phủ tiếp tục cử thương thuyền đến buôn bán đồng thời gửi sang cho 10 cây kiếm, 10 cây đao thật tốt. Vào thế kỷ XVII, cùng với kim loại quý, vũ khí là vật phẩm mà chính quyền Đàng Ngoài hết sức ưa chuộng.
Sau khi Nhật Bản thực thi chính sách tỏa quốc, thông qua vai trò trung gian của các thương nhân Trung Hoa và Hà Lan… quan hệ giao thương giữa Nhật Bản với Đàng Ngoài vẫn được tiếp tục duy trì. Từ Nhật Bản, tiền đồng, bạc và một số loại hàng hóa khác trong đó có gốm sứ Hizen vẫn được đưa tới Việt Nam. Cũng có một thực tế là, trước đây một số nhà nghiên cứu cho rằng, sứ Hizen Nhật Bản ít được đưa đến Đàng Ngoài vì đây vốn là một trung tâm sản xuất gốm sứ lớn. Nhưng những phát hiện gần đây ở phố Hiến, di tích Lam Kinh (Thọ Xuân, Thanh Hóa), các di tích thuộc thủ đô Hà Nội như Văn Miếu, Bách hóa Tràng Tiền (được coi là một trong những khu dinh thự của phủ Chúa xưa), đặc biệt là khu vực hoàng thành Thăng Long đã cho thấy một tỷ lệ đáng kể gốm sứ Hizen được đưa đến Việt Nam(37). Ở Phố Hiến, cùng với 1 chiếc bình Hizen rất đẹp hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hưng Yên, trong mùa điền dã năm 1999 các nhà khảo cổ học cũng đã phát hiện thêm một mảnh sứ Hizenniên đại thế kỷ XVII ở trước chùa Hiến. Như vậy, cho đến nay so với các hiện vật gốm sứ Việt Nam, Trung Quốc tìm được trong các đợt khảo sát, khai quật tại khu thương cảng thì sự hiện diện của gốm sứ Hizen ở Phố Hiến là rất hy hữu. Trong khi đó, nguồn tư liệu của VOC cho thấy chỉ riêng năm 1665, VOC đã nhập 17.320 sản phẩm đến Đàng Ngoài đồng thời Hoa thương cũng đem đến thị trường này một số lượng lớn gốm sứ Hizen. Năm 1676, họ đã tiếp tục đưa đến 9.000 sản phẩm gồm cả chén, đĩa, hũ, bình, bát... (có thể cả gốm sứ Trung Quốc). Bên cạnh đó, thương nhân Đài Loan cũng chở đến Đàng Ngoài gần 100.000 sản phẩm gốm sứ Nhật cùng năm đó. Theo các tài liệu đáng tin cậy của VOC, Đàng Ngoài không những đã nhập một số lượng đáng kể gốm sứ Nhật Bản mà còn đặt làm một số sản phẩm “gốm sứ ký kiểu” tại đảo quốc(38).
Điều đáng chú ý là, không chỉ được sử dụng ở các thương cảng và trung tâm chính trị, kinh tế quan trọng, gốm sứ Hizen có thể còn được dùng là vật phẩm biếu tặng các thủ lĩnh, hào tộc vùng xa xôi. Nguồn tư liệu Nhật Bản cho biết vào năm 1647 có một thuyền buôn Trung Quốc đã chở 174 kiện gốm sứ thô từ Nagasaki đến Xiêm(39). Nhiều khả năng, chiếc thuyền này đã ghé vào Tonkin để bán bớt hàng. Tiếp đó, tháng 10-1650 một tàu buôn Hà Lan đã đem 145 kiện gốm sứ đến Đàng Ngoài để giao cho thương điếm Hà Lan ở đây. Việc phát hiện các hiện vật gốm sứ có niên đại sớm ở khu mộ thuộc dòng họ Đinh (Đinh Văn Kỷ) ở Đống Thếch, huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình là những chỉ báo rất có ý nghĩa và giá trị khoa học về sự xuất hiện rất sớm của gốm sứ Hizen ở Việt Nam, lịch sử phát triển của dòng gốm sứ thương mại Nhật Bản cũng như quan hệ giữa chính quyền Thăng Long với các thủ lĩnh, hào tộc miền núi(40).
Theo quan điểm của một số nhà nghiên cứu, tuy gốm sứ Hizen xuất ra nước ngoài được ghi lại trong thư tịch lần đầu tiên vào năm 1647 nhưng từ năm 1650 trở đi gốm sứ Hizen Nhật Bản mới được xuất khẩu với khối lượng lớn. Mặc dù còn một vài điểm nghi vấn về chuyến vận chuyển gốm sứ của VOC năm 1650 nhưng chắc hẳn đó là sứ Hizen Nhật Bản(41). Theo tính toán của T.Volker trong vòng 80 năm (1602-1682) VOC đã nhập khoảng 12 triệu tiêu bản gốm sứ. Trong đó, nhập của Đàng Ngoài 1.450.000 tiêu bản, của Nhật Bản 1.900.000 tiêu bản, số còn lại nhập từ Trung Quốc và các nước khác(42). Như vậy, tranh thủ những “điều kiện thuận lợi” bởi sự thay thế quyền lực từ nhà Minh sang nhà Thanh cũng như sự khủng hoảng của nhiều ngành sản xuất ở Trung Quốc trong đó có gốm sứ, do tiếp thu được kỹ thuật, tri thức sản xuất gốm sứ từ Triều Tiên và Trung Quốc, Nhật Bản đã đẩy mạnh việc xuất khẩu gốm sứ ra thị trường thế giới cho đến khoảng năm 1677 khi gốm sứ nổi tiếng của Trung Hoa dần từng bước chiếm lĩnh lại thị trường khu vực. Điều quan trọng là, chiến lược xuất khẩu sản phẩm thương mại đó đã được thực hiện trong điều kiện Mạc phủ Edo thực thi chính sách hạn chế giao thương quốc tế mà về sau chúng ta vẫn thường gọi đó là “thời kỳ tỏa quốc” (sakoku jidai).
Cho đến nay, cùng với phố cổ Hội An, cầu Nhật Bản và các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể khác, gốm sứ Hizen được đưa đến Việt Nam trong thế kỷ XVII hẳn vẫn còn được lưu tồn trong lòng đất nhiều miền đất nước. Các hiện vật gốm sứ đó vẫn tiếp tục được phát hiện ở các di tích, thương cảng. Hơn thế, nhiều hiện vật sứ Hizen còn được bảo tồn trân trọng trong các bảo tàng, sưu tập tư nhân cũng như vẫn được sử dụng như những bảo vật trong các nghi lễ linh thiêng trên bàn thờ tổ tiên của không ít gia đình người Việt.
Điều cuối cùng là, các mối bang giao, giao lưu kinh tế của Việt Nam thế kỷ XVI-XVIII đặc biệt là sự xác lập quyền lực của chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã đưa Việt Nam hòa nhập với những biến đổi chung của khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, quá trình xác lập, mở rộng quan hệ bang giao của các chính thể còn có ý nghĩa thúc đẩy quá trình nhận thức lại chính mình trong bối cảnh nhiều quốc gia Đông Nam Á hướng mạnh đến việc thiết lập các mối quan hệ nội vùng, ngoại vi với các cường quốc, quốc gia thương nghiệp giàu tiềm năng nhằm tranh thủ tiềm lực kinh tế, quân sự, công nghệ… để bảo vệ chủ quyền và khẳng định vị thế khu vực.
NGUYỄN VĂN KIM
(PGS, TS, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Viện Văn học: Thơ văn Lý - Trần, 3 tập, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 1977, 1978 & 1981; Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý - Trần, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 1981; Phan Huy Lê - Hà Văn Tấn - Trần Quốc Vượng - Đinh Xuân Lâm - Chu Thiên - Vương Hoàng Tuyên…: Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, 3 tập, Nxb. Giáo Dục, H., 1960; Phan Huy Lê - Phan Đại Doãn: Khởi nghĩa Lam Sơn, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 1977.
2. Nola Cooke - Li Tana: Water Frontier - Commerce and the Chinese in the Lower Mekong Region, 1750-1880, Rowman & Kittlefield Publishers, INC, 2004.
3. John K.Whitmore: The Development of Le Government in Fiteenth Century, Cornell University, Disertation, Sep. 1968. Nguyễn Văn Kim: Lê Thánh Tông - Cuộc đời và sự nghiệp quan nhận xét của một số nhà sử học nước ngoài, Tạp chí Khoa học, Đại học Quốc gia Hà Nội, số 3 (T.XVIII), 2002, tr.25-38.
4. Luận đề của A.Woodside: Vietnam and Chinese Model, Harvard University Press, 1988.
5. Nguyễn Văn Kim: Dấu ấn cổ xưa của các xã hội Đông Nam Á, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 6 (386), 2008, tr.25-39.
6. Nguyễn Văn Kim: Về cơ chế hai chính quyền cùng song song tồn tại trong lịch sử Việt Nam và Nhật Bản, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 1(326), 2000, tr.62-74. Có thể tham khảo thêm Lê Kim Ngân:Chế độ chính trị Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII, Tủ sách khảo cứu Đại Việt, Viện Đại học Vạn Hạnh ấn hành, SG, 1974, tr.31-32.
7. Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục, Viện Sử học dịch, Nxb.Văn hóa - Thông tin, H. 2007, tr.137-138.
8. Đại Nam thực lục tiền biên, Nxb. Giáo Dục, H., 2002, tr.28.
9. Keith W. Taylor: Nguyen Hoang and the Beginning of Vietnam’s Southward Expansion; in: Anthony Reid (Ed.): Southeast Asia in the Early Modern Era: Trade, Power, and Belief, Cornell University Press, 1993, pp.42-68.
10. Sau khi bị thất bại trong cuộc chiến tranh năm 1069, vua Champa Rudravarman III đã cắt cho Đại Việt 3 châu Bố Chính, Địa Lý va Ma Linh. Tiếp đó, năm 1306 để cưới công chua Huyền Trân đồng thời để củng cố quan hệ với Đại Việt, Quốc vương Champa Simhavarman III lại tiếp tục cắt 2 châu Ô, Lý (tương đương với vùng đất từ huyện Triệu Phong Quảng Trị đến huyện Duy Xuyên, Quảng Nam hiện nay) cho thượng hoàng Trần Nhân Tông để làm vật sính lễ. Năm sau, nhà Trần đổi thành Thuận Châu và Hóa Châu.
11. Quân Trịnh đã 6 lần tấn công vào Nam trong các năm 1627, 1633, 1643, 1648, 1661 và 1672. Có những đợt tấn công chúa Trịnh huy động tới 20 vạn quân thủy bộ, 600 chiến thuyền, 500 thuyền vận tải và 500 voi chiến. Xem Cadière: Le mur de Đồng Hới, BEFEO, 1906, pp.126-127.
12. Keith W.Taylor: Nguyen Hoang and the Beginning of Vietnam’s Southward Expansion; in: Anthony Reid (Ed.): Southeast Asia in the Early Modern Era: Trade, Power, and Belief, Cornell University Press, 1993, pp.42-65.
13. F.Valentijin: Oud en Nieuw Oost-Indien, Dordrecht 1724-26, Vol.IIIb, pp.17; dẫn theo John Cleinen: About Former Friends and Feigned Foes Dutch Relations with ‘Quinam’ in the 17th Century; in: John Cleinen - Bert van dez Zwan - Hans Moor and Ton van Zeeland (Ed.): Lion and Dragon - Four Centuries of Dutch-Vietnamese Relations, Boom - Amsterdam, 2008, pp.26.
14. Josep Buttinger: The Smaller Dragon - A Political History of Vietnam, Praeger Publisher, pp.195.
15. Vào đầu thế kỷ XVIII, có những điền chủ ví như bà Bổi ở huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) sở hữu tới hơn 1.000 mẫu ruộng, hơn 1 vạn quan tiền ngoài ra còn có rất nhiều thóc gạo, gia súc. Dẫn theo Nguyễn Quang Ngọc (Cb): Tiến trình lịch sử Việt Nam, Nxb. Giáo Dục, H., 2001, tr.142.
16. Nhà thám hiểm người Anh William Dampier đến Đàng Ngoài năm 1688 có nhận xét: “Vương quốc Đàng Ngoài sản xuất ra rất nhiều gạo, nhất là ở những vùng đất trũng - nơi được bón tưới bởi phù sa của các con sông. Người ta gặt một năm hai vụ; mùa vụ đặc biệt tươi tốt nếu như mưa thuận gió hòa. Một vụ thu hoạch vào tháng 5 còn vụ kia vào tháng 11 dương lịch. Tuy rằng xứ này đất thấp, thỉnh thoảng lại bị ngập lụt trong mùa gặt nhưng lúa không vì vậy mà bị thối. Người ta chở lúa đã gặt về trên những chiếc thuyền, bó lúa thành những tóm nhỏ và treo trong nhà để cho giọt nước đến khô. Họ ăn gạo thay cho lúa mỳ và vì trong nước sản xuất được nhiều gạo nên dân chúng hầu như sống nhờ gạo là chính”, W. Dampier: Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688, Hoàng Anh Tuấn dịch, Nxb. Thế Giới, H., 2006, tr.45.
17. Nguyễn Thừa Hỷ: Economic History of Hanoi in the XVIIth, XVIIIth and XIXth Centuries, National Political Publishing House, 2002. Pho Hien - The Centre of Commerce in the XVIIth-XVIIIth Centuries, The Gioi Publishers, H., 1994. Xem thêm Viện Sử học: Đô thị cổ Việt Nam, H., 1989.
18. Nola Cooke - Li Tana: Water Frontier - Commerce and the Chinese in the Lower Mekong Region, 1750-1880, Rowman & Kittlefield Publishers, INC, 2004. And John K. Whitmore: The Rise of the Cost: Trade, State and Culture in Early Dai Viet, Journal of Southeast Asian Studies, 37 (1), Feb. 2006, pp.103-122.
19. Nguyễn Quang Ngọc: Về một số làng buôn ở đồng bằng Bắc Bộ thế kỷ XVII-XIX, Hội sử học Việt Nam, H., 1993.
20. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, phần Quốc dụng chí, Tập II, Viện Sử học dịch, Nxb Giáo dục, H. 2007, tr.141.
21. Thương nhân Anh M.Chapman từng nhận xét: “Đàng Trong là xứ sở của vàng. Vàng ở đây tốt đẹp nhất, tinh khiết nhất thế giới”. M.Chapman: Apercue de la Géographie de Cochinchine, dẫn theo Thành Thế Vỹ: Ngoại thương Việt Nam hồi thế kỷ XVII, XVIII và XIX, H., 1961, tr.244. Sách Phủ biên tạp lục cũng cho biết thêm: “Ngoại tả quốc Trương Phúc Loan thường được cấp nguồn ấy (tức nguồn Thu Bồn huyện Duy Xuyên phủ Thăng Hoa sản vàng - TG) làm ngụ lộc, cho người nhà là Án Điện trưng thu, hơn 20 năm, được vàng không biết bao nhiêu mà kể. Người địa phương có tên là Giang Huyền là thông gia với Án Điện mua riêng một núi, tự khai thác lấy đem bán các nơi, hắn đem đến phố Hội An bán cho nhà buôn khách, hàng năm không dưới nghìn hốt. Những người ở các thôn phường Kim Hộ đều là hắn sai khiến, nộp thuế công chẳng qua một phần mười thôi”. Xem Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục, Sđd, tr. 286.
22. J.K.Fairbank - S.Y.Teng: On The Ch’ing Tributary System, Harvard Journal of Asiatic Studies, Vol. 6, No.2 (Jun, 1941), pp.135-246. John King Fairbank (Ed.): The Chinese World Order, Cambridge University Press, 1968. Andornino Giovanni: The Nature and Linkages of China’s Tributary System under the Ming and Qing Dynesties, Department of Economic History, London School of Economics, 2006.
23. Trong số các quốc gia Đông Nam Á có thể Ryukyu có quan hệ với Siam sớm nhất. Nhiều khả năng, trong điều kiện đi biển thời đại bấy giờ, các thuyền buôn của nước này cũng đã thường ghé vào vùng biển Việt Nam. Tư liệu sớm nhất liên quan đến quan hệ Ryukyu - Siam được ghi lại trong Rekidai hoan là năm 1425. Tuy nhiên, có nhà nghiên cứu cho rằng từ cuối thế kỷ XIV, khoảng những năm 1380, quan hệ giữa hai nước đã được thiết lập. Trong bức thư gửi cho triều đình Ayutthaya năm 1425, quốc vương Ryukyu đã viết: “Từ thời cụ tổ cao quý của chúng tôi cho đến đời ông rồi đời cha chúng tôi đến nay nước tôi vẫn thường cử các phái bộ mang quà đến tặng quý quốc”. Theo A.Kobana và M.Matsuda cụm từ: “Cụ tổ vĩ đại” chính là chỉ vua Satto (1350-1395), còn từ “đời ông rồi đời cha” chính là vua Bunei (1396-1405) và Shisho (1406-1421). Như vậy, có khả năng quan hệ Ryukyu (Chuzan?) với Siam đã bắt đầu từ cuối thế kỷ XIV. Với Việt Nam, một văn thư trong Rekidai hoanxác định chắc chắn năm 1509 hai nước đã có quan hệ. Xem Ryukyuan Relations with Korea and South Sea Countries, Kawakita Printing Co., Ltd, Kyoto, Japan, 1969, pp.53-57.
24. Christophoro Borri: Xứ Đàng Trong, Nxb. Trẻ, Tp. HCM, 2003, tr.49 & 53.
25. Bồ Đào Nha đã có quan hệ với Đàng Trong từ thế kỷ XVI, trong suốt thế kỷ XVII họ là thương nhân phương Tây được chính quyền Đàng Trong tin cậy nhất. Năm 1601, thương nhân Hà Lan đã đến Đàng Trong nhưng không thiết lập được quan hệ. Năm 1618, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã gửi thư mời VOC đến buôn bán nhưng phải đến năm 1633 quan hệ mới chính thức được thiết lập. Năm 1636, thương điếm của VOC đã được lập ở Hội An và hoạt động đến ngày 18-1-1652. Năm 1697, Công ty Đông Ấn Anh cũng cho thuyền đến buôn bán ở Hội An và năm 1702 đã chiếm Côn Lôn, lập thương điếm. Trong thời gian đó, Pháp cũng cho một số thuyền buôn đến Đàng Trong nhưng hoạt động kém hiệu quả.
26. Christophoro Borri: Xứ Đàng Trong, Sđd, tr.92 & 89.
27. Iwao Seiichi: Nanyo Nihon Machi no kenkyu (Nghiên cứu Phố Nhật ở Nam Dương), Iwanami Shoten, 1966, tr.10-11. Căn cứ theo “Ngoại phiên thông thư” chúng tôi cho rằng số thuyền cụ thể đến Việt Nam và Đông Nam Á là vấn đề cần xem xét lại. Phải chăng đã có 37 chuyến (đoàn) thuyền đến Tonkin?
28. Shigeru Ikuta: Role of Port Cities in Maritime Southeast Asia from the Second Centuries B.C to the Early Nineteenth Century; in: Ancient Town of Hoi An, The Gioi Publishers, H., 2006, pp.231-244.
29. Ví như giai đoạn 1641-1654, lợi nhuận VOC thu được từ buôn bán tơ lụa Đàng Ngoài đóng góp khoảng 71% vào tổng số lợi nhuận thương điếm Deshima ở Nhật Bản chuyển về Batavia. Hoàng Anh Tuấn: The Dutch East India Company in Tonkin; in: John Cleinen…(Ed.): Lion and Dragon - Four Centuries of Dutch-Vietnamese Relations, pp.41.
30. Nguyễn Văn Kim: Chính sách đóng cửa của Nhật Bản thời kỳ Tokugawa: Nguyên nhân và hệ quả, Nxb. Thế Giới, H., 2000.
31. The National Committee for the International Symposium on the Ancient Town of Hoi An: Ancient Town of Hoi An, The Gioi Publishers, H., 2006.
32. T. Volker: Porcelain and the Duth East India Company, Leiden, E.J.Brill, 1971.
33. Những thám sát, khai quật khảo cổ học tại Hội An do GS.TS. Kikuchi Seiichi (Trường ĐH nữ sinh Chiêu Hòa) và các nhà khoa học Nhật Bản kết hợp với các chuyên gia khảo cổ học, sử học Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH & NV, Đại học Quốc gia Hà Nội đã thu được nhiều kết quả khả quan. Trong số đó, đợt nghiên cứu mùa Hè năm 2006 với các hố thám sát ở phía đông chân Cầu Nhật Bản và ở số 89 Nguyễn Thị Minh Khai đã cho thấy những bằng chứng tin cậy về vết tích của một cấu kiện gỗ có khả năng liên quan đến “Nihon bashi” và khu định cư của người Nhật (Nihon machi) ở khu vực này thế kỷ XVII.
34. Alexandre de Rhodes: Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, Ủy ban đoàn kết Công giáo Tp Hồ Chí Minh, 1994, tr.65.
35. Hiromu Honda - Noriki Shimazu: Vietnamese and Chinese Ceramic Used in the Japanese Tea Ceremony, Oxford University Press, 1993.
36. Phan Thanh Hải: Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản nhìn t