Tác giả: Nguyễn Xuân Thắng chủ biên
Nhà xuất bản: Khoa học xã hội, Hà Nội, 2013, 231 trang
Kí hiệu: Vv 2461
Năm 2012 đã trôi qua với nhiều biến động lớn của nền kinh tế thế giới và Việt Nam, thể hiện nhiều gam màu tối, sáng khác nhau. Tiếp nối với những khó khăn của năm 2011, tình hình phát triển kinh tế của năm 2012 vẫn chủ yếu là khó khăn, vướng mắc kinh tế gắn với khủng hoảng, bất ổn. Ở cấp độ toàn cầu, cuộc khủng hoảng nợ công Châu Âu diễn ra ngày càng nghiêm trọng trong khi các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản trong cả năm 2012 không cho thấy nhiều tín hiệu tích cực. Các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ đều cho thấy đà tăng trưởng chậm lại. Các quốc gia ASEAN, các nước đang phát triển Châu Phi tuy vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng tương đối cao nhưng do ảnh hưởng của môi trường toàn cầu với nhu cầu hàng hóa, dịch vụ giảm sút nên các thành quả phát triển đạt được trở nên thiếu tính bền vững. Khó khăn chung của nền kinh tế thế giới năm 2012 tiếp tục trở nên trầm trọng hơn do ảnh hưởng của tình hình bất ổn tại khu vực Bắc Phi – Trung Đông bao gồm những khó khăn trong cải cách chính trị thời kỳ hậu “Mùa xuân Arab” ở nhiều quốc gia, sự căng thẳng của cuộc khủng hoảng Iran, nguy cơ xung đột leo thang tại Syria… Đây đều là những nhân tố có rủi ro tiềm ẩn cao, có thể gây ra những có sốc về nguồn cung dầu mỏ và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
Trong bối cảnh tương đối ảm đạm của nền kinh tế thế giới như vậy, Việt Nam không tránh khỏi phải đương đầu với rất nhiều khó khăn, thách thức. Đối với nền kinh tế Việt Nam, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2012 ngay từ đầu đã được xác định là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mức tăng trưởng một cách hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Kết quả thực hiện được cho đến đầu năm 2013 cho thấy tuy đã có tiến triển bước đầu nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm để thực hiện các nhiệm vụ đầy khó khắn, thách thức này. Trong mọi trường hợp, một số tín hiệu tích cực đã được ghi nhận: lạm phát đã giảm mạnh so với năm 2011, tý giá hối đoái được điều hành tốt và giữ ở mức ổn định nhờ hỗ trợ của lượng kiều hối dồi dào và cán cân thương mại cân bằng. Mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay giảm mạnh về cuối năm , giúp cho khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp đã phần nào dễ dàng hơn trước.
Mặc dù vậy, bên cạnh những kết quả tích cực trong kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô thì Chính phủ Việt Nam vẫn chịu rất nhiều áp lực trong công tác điều hành, ổn định kinh tế xã hội, tạo việc làm và duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế hợp lý. Tính đến hết năm 2012, tín hiệu tích cực đã rõ ràng hơn nhưng nếu xét về trung và dài hạn thì kinh tế vĩ mô vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, khó lường, đòi hỏi quá trình tái cơ cấu nền kinh tế tiếp tục phải được thúc đẩy một cách quyết liệt.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã liên tục nghiên cứu, đánh giá và thực hiện các báo cáo về tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam để tham gia góp ý kiến vào quá trình điều hành chính sách kinh tế - xã hội. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu với 12 báo cáo thực hiện trong 12 tháng của năm 2012, nhóm nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã cập nhật những thông tin mới nhất, tiến hành phân tích, đánh giá về các vấn đề của năm 2012 và cho công bố cuốn sách “Kinh tế thế giới và Việt Nam 2012-2013: trên bước đường phục hồi đầy thách thức”. Nội dung cuốn sách gồm 3 chương:
Chương 1: Kinh tế thế giới năm 2012 và triển vọng năm 2013. Trong chương này, các tác giả đã trình bày tổng quan tình hình kinh tế thế giới năm 2012 và triển vọng năm 2013. Bên cạnh đó, các tác giả cũng phân tích tình hình kinh tế ở một số nước và khu vực trong năm 2012 và dự báo triển vọng năm 2013 như kinh tế Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á, Châu Phi – Trung Đông.
Chương 2: Tổng quan tình hình kinh tế Việt Nam 2012 và triển vọng 2013. Ở đây, các tác giả trình bày tổng quan tình hình kinh tế Việt Nam năm 2012; một số vấn đề nổi bật của kinh tế Việt Nam năm 2012; phản ứng chính sách kinh tế vĩ mô năm 2012; đánh giá tổng quát kinh tế Việt Nam năm 2012 và dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2013.
Chương 3: Đánh giá chung và kiến nghị chính sách. Trong đó các tác giả đưa ra những đánh giá chung đồng thời đưa ra những kiến nghị chính sách trong ngắn hạn cũng như kiến nghị chính sách và giải pháp trung hạn 2013-2015.
Thông qua 231 trang, lối trình bày khoa học và dễ hiểu, cuốn sách đã mang đến cho bạn đọc cái nhìn tổng quan về tình hình kinh tế thế giới cũng như ở Việt Nam trong năm 2012. Bên cạnh những phân tích, đánh giá về tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2012, cuốn sách cũng đưa ra dự báo về triển vọng năm 2013 và các kiến nghị chính sách liên quan. Cuốn sách đã cũng cấp những thông tin phong phú, có giá trị khoa học và thực tiễn. Xin giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc.
Thực hiện: Hà Hậu
Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á