Lịch sử văn hóa Nhật Bản sau chiến tranh 1945-1980
Tác giả: Shunsuke Tsurumi
Nhà xuất bản Routledge, USA, 2011, 174 trang
Kí hiệu: Lv 810
Ngôn ngữ: tiếng Anh
Nhật Bản là một quốc gia phát triển, giàu mạnh hiện đại. Sản phẩm công nghiệp của Nhật nổi tiếng về chất lượng và được nhiều người trên thế giới yêu chuộng. Nhưng trước thời kỳ Minh trị duy tân, Nhật cũng chỉ là một quốc gia phong kiến nghèo khổ như Việt Nam chúng ta thời đó.
Trước sự bành trướng của các thế lực Châu Âu hùng mạnh, các nước Á Châu chỉ có thể nghĩ ra được cách “bế quan tỏa cảng” để chống lại liệt cường Châu Âu, nhưng cuối cùng đã bị các cường quốc Âu Châu xâu xé như Trung Quốc hoặc bị thành thuộc địa như Việt Nam. Tại sao ở Châu Á chỉ có Nhật Bản đã lợi dụng được sức mạnh của người khác để cận đại hóa quốc gia, tạo ra một nước Nhật hùng cường như ngày nay?
Người ta thường nói một dân tộc, một quốc gia có thể phát triển được hay không, điều này phụ thuộc nhiều vào cách suy nghĩ, sinh hoạt xã hội, nói một cách vắn tắt là văn hóa của dân tộc đó, quốc gia đó.
Chúng ta có thể nói rằng, không có dân tộc nào nhạy bén về văn hóa của nước ngoài như người Nhật. Họ không ngừng theo dõi những biến động tình hình bên ngoài, đánh giá và cân nhắc những ảnh hưởng của các trào lưu xã hội và xu hướng chính đang diễn ra đối với Nhật, và nếu như họ phát hiện ra trào lưu nào đang thắng thế thì họ có xu hướng sẵn sàng học hỏi, nghiên cứu để bắt kịp trào lưu đó. Và chính tinh thần thực dụng, tính hiếu kỳ và óc cầu tiến của người Nhật là những động lực thúc đẩy họ bắt kịp với các nước tiên tiến. Họ không đặt vấn đề phê phán hay chọn lọc khi học mà bằng mọi cách học cho hết. Sau đó họ mới nghiền ngẫm tìm ra những yếu tố có thể cải biến. Đến đây họ lại phát huy được thế mạnh của óc quan sát tỉ mỉ và sự tinh tế vốn có của văn hóa dân tộc.
Mặc dù rất nhạy cảm đối với văn hóa nước ngoài, song người Nhật rất ý thức về tài sản văn hóa của họ. Tư liệu lịch sử văn hóa, đền đài, chùa chiền... đại bộ phận vẫn còn được bảo tồn cho đến ngày nay. Hơn thế các ngành nghề truyền thống của Nhật Bản không những không bị mai một đi mà còn được cải tiến kỹ thuật và càng trở nên tinh tế hơn.
Nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về lịch sử văn hóa của Nhật Bản giai đoạn sau chiến tranh, tác giả Shunsuke Tsurumi đã cho ra đời cuốn sách “A cultural history of postwar Japan 1945-1980” (Lịch sử văn hóa Nhật Bản sau chiến tranh 1945-1980).
Sự đầu hàng của Nhật Bản vào ngày 15 tháng 8 năm 1945 là một sự kiện chưa từng có trong lịch sử Nhật Bản. Sự thay đổi từ cuộc sống thiếu đói sang cuộc sống no đủ diễn ra trong thời gian giữa năm 1945 và 1980 đã mang lại một thay đổi lớn trong phong cách sống. Tầm quan trọng của sự thay đổi này sẽ là một chủ đề được đánh giá lại trong nhiều năm tới. Trong khuôn khổ nội dung của cuốn sách này, tác giả đã trình bày phác thảo sự thay đổi trong lĩnh vực văn hóa đại chúng, một lĩnh vực của văn hóa Nhật Bản biểu thị rõ nét nhất về sự thay đổi sau thất bại của nước này và sự phục hồi kinh tế sau đó.
Xin trân giới thiệu công trình khoa học này để bạn đọc cùng khám phá vấn đề đầy lý thú đang được nhiều người quan tâm.
Thực hiện: Hà Hậu
Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á