Kinh tế Hàn Quốc: Sáu thập kỷ tăng trưởng và phát triển
Tác giả: Il SaKong, Youngsun Koh
Nhà xuất bản Korea Development Institute, Seoul, Korea, 2010, 331 trang
Kí hiệu: Lt 109
Ngôn ngữ: tiếng Anh
Trong 6 thập kỷ qua, Hàn Quốc đã đạt được tăng trưởng kinh tế chưa từng có. Hàn Quốc là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới vào năm 1948 khi thành lập Chính phủ. Hiện nay Hàn Quốc đã phát triển thành một nước kinh tế toàn cầu với nền tảng công nghiệp vững chắc. Trong khi đó, chế độ dân chủ và đa nguyên đã bám rễ sâu trong xã hội nước này. Không cường điệu khi nói rằng Hàn Quốc là một trong số ít các quốc gia đã kết hợp thành công chuyển đổi kinh tế với chuyển đổi dân chủ trong thời kỳ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Sự chuyển đổi của nền kinh tế Hàn Quốc có thể được tóm gọn trong 2 từ là “công nghiệp hóa” và “toàn cầu hóa”. Đóng góp của ngành công nghiệp trong tổng giá trị gia tăng là hơn gấp đôi từ 17% trong năm 1950 đến 38% vào những năm 1980, và đã dao động quanh mức này kể từ đó. Lĩnh vực dịch vụ cũng đã tăng đóng góp của mình từ 41% trong những năm 1950 đến 60% vào những năm 2000. Cùng với công nghiệp hóa nhanh chóng, hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu cũng được đẩy mạnh, như được chứng minh qua tổng khối lượng thương mại, tăng từ khoảng 10% GDP trong những năm 1950 đến 80-90% trong những năm gần đây. Dòng vốn xuyên biên giới (Cross-border) cũng tăng nhanh chóng trong giai đoạn này.
Cuốn sách “The Korean economy: six decades of growth and development” (Kinh tế Hàn Quốc: sáu thập kỷ tăng trưởng và phát triển) của tác giả Il SaKong và Youngsun Koh mô tả sự phát triển của nền kinh tế Hàn Quốc từ những quan điểm khác nhau. Chương 2 ghi chép những can thiệp thị trường khác nhau của Chính phủ Hàn Quốc, bao gồm cả đẩy mạnh xuất khẩu, đẩy mạnh công nghiệp nặng và hóa chất (HCI), áp chế tài chính, cứu trợ tài chính của các công ty tư nhân và kiểm soát giá. Một số biện pháp can thiệp, đặc biệt là đẩy mạnh xuất khẩu và đầu tư vào cơ sở hạ tầng và giáo dục, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Nhưng nhiều can thiệp khác đã gây hại nhiều hơn là có lợi cho sự tăng trưởng dài hạn và ổn định của nền kinh tế Hàn Quốc. Tác giả kết luận rằng chính phủ có thể và nên đóng một vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của một quốc gia, nhưng cố gắng tránh các lỗi mà Chính phủ Hàn Quốc đã mắc phải.
Chương 3 chứng minh quá trình công nghiệp hóa của Hàn Quốc và đưa ra lời giải thích về sự thay đổi cấu trúc của nó trong khuôn khổ tăng trưởng. Các tác giả chỉ ra rằng, một nhiệm vụ quan trọng đối với Chính phủ Hàn Quốc là duy trì tính năng động trong khu vực tư nhân, hơn là chỉ định một số ngành công nghiệp nào đó là “chiến lược” và cung cấp cho các ngành này những khoản trợ cấp được nêu rõ trong chính sách công nghiệp.
Chương 4 giải thích sự phát triển của các chính sách kinh tế đối ngoại trong các lĩnh vực khác nhau - thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài, hợp tác kinh tế, nông nghiệp, dịch vụ và thị trường tài chính. Theo các tác giả, 3 chu kỳ/vòng quay phá giá vào năm 1960 và 1961 đã thúc đẩy một bước nhảy đột phá trong xuất khẩu vào đầu những năm 1960 và đã dẫn đến sự thay đổi chính sách vào giữa những năm 1960 từ công nghiệp hóa dựa vào nhập khẩu đến đẩy mạnh xuất khẩu.
Chương 5 xem xét lại quá trình phát triển lãnh thổ của Hàn Quốc trong 60 năm qua. Tại Hàn Quốc, chính sách lãnh thổ đã chia ra 3 trách nhiệm chính: (1) cung cấp cơ sở hạ tầng vật chất cho sự tăng trưởng kinh tế, (2) ổn định giá bất động sản, và (3) đẩy mạnh cân bằng tăng trưởng khu vực.
Chương 6 nghiên cứu sự phát triển xã hội của Hàn Quốc tập trung vào giáo dục, thị trường lao động, phúc lợi và chính sách chăm sóc sức khỏe. Đến đầu những năm 1990, Hàn Quốc có thể duy trì phân phối thu nhập tương đối công bằng nhờ một số yếu tố, bao gồm tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và nhanh chóng tạo công ăn việc làm; chính phủ thúc đẩy giáo dục quần chúng nhân dân; và một thị trường lao động hoạt động trơn tru trong hầu hết các khu vực. Nhưng Hàn Quốc hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Và do đó cần phải có những bước đi và chính sách phù hợp hơn.
Tóm lại, Hàn Quốc đã không chỉ đạt được tăng trưởng kinh tế to lớn mà còn đạt được những phát triển xã hội rộng rãi trong vòng 60 năm qua. Các chính sách của Chính phủ đã phù hợp với các nguyên tắc thị trường, đặc biệt là liên quan đến các chính sách tỷ giá hối đoái và thương mại. Dù vẫn còn nhiều thách thức, nhưng nếu Hàn Quốc duy trì động lực kinh tế và xã hội, tương lai sẽ có lợi cho Hàn Quốc. Đây là cuốn sách rất hấp dẫn. Xin giới thiệu để bạn đọc cùng khám phá.
Thực hiện: Hà Hậu
Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á