Trang chủ

NORTH KOREA’S MILITARY-DIPLOMATIC CAMPAIGNS, 1966-2008

Đăng ngày: 7-05-2013, 02:09 | Danh mục: Giới thiệu sách

Chiến dịch ngoại giao quân sự của Triều Tiên, 1966-2008

Tác giả: Narushige Michishita

Nhà xuất bản Routledge, USA, 2010, 276 trang

Kí hiệu: Lv 837

Ngôn ngữ: tiếng Anh

Khi nghiên cứu chính trị của đất nước Triều Tiên, một trong những nhiệm vụ đặt ra đối với các học giả phương Tây là tìm hiểu mối quan hệ giữa các hành động quân sự mà nước này với mục tiêu chính sách của họ đặt ra. Nói cách khác, các học giả cần là lý giải logic đằng sau những hành động quân sự của Triều Tiên có khác với phương Tây hay không?  Cuốn sách “North Korea’s military-diplomatic campaigns, 1966-2008” (Chiến dịch ngoại giao quân sự của Triều Tiên, 1966-2008) - tác giả Narushige Michishita – mang lại cho người đọc một phần nào câu trả lời cho những băn khoăn trên. Trong các chương của cuốn sách, tác giả đã chứng minh rằng logic của Triều Tiên trong việc sử dụng vũ lực trong thực tế về cơ bản không khác với logic thông thường. Tuy nhiên, trong điều kiện của mình, Triều Tiên thực hiện các hành động quân sự với một phong cách riêng để đạt được các mục tiêu chính trị của mình. Bên cạnh đó, cuốn sách cũng cho thấy đã có một quá trình học hỏi phần nào các nhà lãnh đạo Triều Tiên về cách thức mà họ đã sử dụng lực lượng quân sự.

Ngoài lời nói đầu và kết luận, cuốn sách bao gồm 9 chương. Trong Chương 1, tác giả trình bày quá trình hình thành và tiến triển các chiến dịch ngoại giao quân sự của Triều Tiên thông qua phương pháp liệt kê mang tính biên niên các hành động quân sự mà TriềuTiên tiến hành từ năm 1966 tới những năm cuối của thập niên đầu của Thế kỷ 21. Ở mỗi hành động quân sự hoặc vũ lực (hay còn gọi là chiến dịch), tác giả đều có những phân tích ngắn gọn, súc tích những mục tiêu chính trị và ngoại giao mà nước này hướng tới. Trong tám chương còn lại, ở mỗi chương, tác giả phân tích những chiến dịch quân sự chủ yếu mang tính chất như những cột mốc cho từng giai đoạn trong suốt thời gian nói trên. Đáng chú ý là các chiến dịch đột nhập qua giới tuyến phi quân sự, việc bắt giữ một chiến hạm tình báo hải quân của Mỹ, được biết đến với tên gọi Cuộc khủng hoảng Pueblo, hoạt động khủng bố và bắt cóc trong vận tải hàng không, và các chiến dịch ngoại giao hạt nhân.

Qua những phân tích và tư liệu trong từng chương, người đọc có thể thấy rằng, bốn thập kỷ phiêu lưu quân sự (cách dùng của tác giả-người giới thiệu) chứng tỏ sự kiên định mang tính hệ thống trong việc theo đuổi các mục tiêu chiến lược trong chính sách đối ngoại của Triều Tiên. Với nguồn tư liệu hết sức phong phú, bao gồm cả những tư liệu lần đầu được công bố, cùng với những cuộc phỏng vấn rộng rãi các chính khách, các học giả, các nhà quân sự…, tác giả muốn chứng minh rằng “Chủ nghĩa phiêu lưu có mục đích” thông qua những chiến dịch ngoại giao quân sự, có những giới hạn của nó.

Trong cuốn sách, tác giả đã đưa ra một số đánh giá nổi bật về chiến dịch ngoại giao quân sự của Triều Tiên. Thứ nhất, các mục tiêu chính sách của Triều Tiên đã thay đổi đáng kể theo thời gian, từ những mục tiêu đầy tham vọng, công kích và thù địch trong những năm 1960 sang những mục tiêu phòng thủ hơn từ những năm 1990 trở lại đây. Thứ hai, hành động quân sự của Triều Tiên phù hợp với các mục tiêu chính sách của nước này. Nói cách khác, các nhà lãnh đạo Triều Tiên đã sử dụng lực lượng quân sự một cách hợp lý nhằm mục đích đạt được các mục tiêu chính sách của họ. Phương thức hành động quân sự của Triều Tiên đang thay đổi, đặc biệt về cường độ và mục tiêu. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Triều Tiên đã luôn luôn thành công. Thứ ba, những hành động quân sự của Triều Tiên đã được định hình và bị giới hạn bởi các yếu tố cơ cấu, chẳng hạn như ưu thế quân sự mà họ đang hướng tới. Cụ thể hơn, ưu thế quân sự của Triều Tiên là một yếu tố thúc đẩy và quyết định trong lựa chọn bố trí cho những hành động quân sự của mình. Chúng cũng là một nhân tố quyết định sự thành công. Thứ tư, các nhà lãnh đạo Triều Tiên đã rút ra được nhiều bài học từ quá khứ và kỹ năng của họ trong việc sử dụng lực lượng quân sự kết hợp với hành động ngoại giao đã trở nên tinh vi hơn theo thời gian. Triều Tiên đã chứng minh khả năng của mình khi tiến hành các chiến dịch ngoại giao quân sự rất tinh vi và phức tạp kể từ đầu những năm 1990. Thực tế, những hoạt động quân sự trong những năm 1990 đã được tái diễn ở cấp độ cao hơn những gì họ đã làm trong những năm 1970; từ năm 2002, các hoạt động quân sự lại tái diễn cùng với sự nâng tầm hơn nữa so với những gì họ đã làm trong những năm 1990. Tuy nhiên, qua thời gian những mục tiêu chính sách trở nên cực kỳ thận trọng hạn chế. Với những chiến dịch này, nước này hiện hướng tới những mục tiêu cốt yếu là duy trì sự tồn tại của chế độ hiện nay, bình thường hóa quan hệ với Mỹ và Nhật Bản, cũng như giành được viện trợ kinh tế.

Mặc dù nhiều nhận định và đánh giá trong cuốn sách phản ánh quan điểm riêng của tác giả, song bằng những phân tích tỉ mỉ, sâu sắc, cuốn sách thực sự là tài liệu tham khảo hữu ích cho những ai quan tâm tới tình hình chính trị và ngoại giao của CHDCNN Triều Tiên trong bối cảnh hiện nay

Xin trân trọng giới thiệu tác phẩm này tới bạn đọc.

Thực hiện: Hà Hậu

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận