Ngày 25 tháng 2 năm 2008, ông Lee Myung-bak vốn là một nhà kinh doanh thành đạt đã chính thức lên làm Tổng thống Hàn Quốc trước sự phấn khởi, kỳ vọng của nhân dân Hàn Quốc. Tuy nhiên kể từ đó đến nay, Hàn Quốc đã phải đối đầu với bao thử thách, khó khăn cả về đối nội lẫn đối ngoại. Các mối quan hệ của Hàn Quốc với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên vốn đã được hai đời tổng thống trước đây dày công vun đắp cũng gặp phải những sóng gió, trở ngại.
Sự tiến triển của mối quan hệ liên Triều ra sao kể từ khi ông Lee Myung-bak lên nắm quyền lãnh đạo đất nước, đâu là nguyên nhân dẫn tới tình hình đó, và quan hệ trước đó ra sao là những vấn đề cơ bản bài viết muốn đề cập tới.
1. Sơ lược quan hệ liên Triều trước thời Tổng thống Lee Myung-bak
Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, do hậu quả của cuộc Chiến tranh Lạnh, Bán đảo Triều Tiên bị chia cắt thành hai miền Nam và Bắc Triều Tiên, dẫn tới cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Chiến tranh Triều Tiên, về thực chất, chính là sự xung đột về hệ tư tưởng trong nước và là cuộc chiến tranh giữa phương Tây và khối các nước cộng sản.
Chiến tranh Triều Tiên đã phát triển trên quy mô lớn mang tính quốc tế và kết thúc với sự đình chiến tạm thời, quy định ngừng bắn trong phạm vi 155 dặm giữa hai miền Triều Tiên. Sau lệnh ngừng bắn, sự đối đầu trong Chiến tranh Lạnh trên Bán đảo Triều Tiên trở nên căng thẳng. Chính quyền Nam Triều Tiên (Hàn Quốc) theo đuổi chính sách thống nhất Bắc Triều Tiên (CHDCND Triều Tiên) bằng việc đánh bại chủ nghĩa cộng sản trên bán đảo này. Trong khi đó, CHDCND Triều Tiên tuyên bố chiến lược “thành trì cách mạng” và cố gắng cộng sản hóa Hàn Quốc.
Sự lắng dịu của tình hình Chiến tranh Lạnh từ đầu những năm 1970 đã giúp cho Seoul và Bình Nhưỡng nối tiếp tuyên bố Cộng đồng chung Bắc Nam vào ngày 4-7-1972 và chủ động đối thoại, trao đổi với nhau trên phạm vi hẹp, bao gồm những cuôc nói chuyện giữa hai hội chữ thập đỏ và các cuộc họp cộng đồng phối hợp Nam Bắc. Tuy nhiên, những cuộc tiếp xúc này cũng thể hiện một thực tế rằng khó có thể xóa đi sự hận thù và xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau, nhất là trong lĩnh vực chính trị, giữa hai miền Triều Tiên.
Quan hệ liên Triều xấu đi do sự xung đột giữa Liên bang Nga và Afganistan vào năm 1979. Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các mối quan hệ liên Triều chuyển sang một bước ngoặt quan trọng, mở đầu bằng các cuộc đối thoại cấp cao Nam - Bắc Triều Tiên giữa các thủ tướng vào năm 1990.
Tại cuộc đối thoại cấp cao lần thứ 5 vào năm 1991, hai vị Thủ tướng của hai miền đã ký bản thỏa thuận về hòa giải, không xâm lược và trao đổi hợp tác giữa Bắc và Nam Triều Tiên và đây cũng được coi là bản thỏa thuận cơ bản đánh dấu bước tiến đầu tiên tiến tới hòa bình và thống nhất trên Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, việc CHDCND Triều Tiên rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân vào tháng 3-1993 đã làm cho mọi người hoài nghi về việc CHDCND Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân, dẫn tới sự căng thẳng, gần như cắt đứt mọi mối quan hệ liên Triều vào giữa những năm 1990.
Khi chính quyền của Thủ tướng Kim Dae-jung (1998-2003) thực thi chính sách hòa giải và hợp tác mang tên Chính sách Ánh dương, quan hệ liên Triều được cải thiện từng bước. Cuộc họp thượng đỉnh liên Triều lần thứ nhất tại Bình Nhưỡng vào tháng 6-2000 và Tuyên bố chung Nam-Bắc Triều Tiên vào ngày 15-6 năm đó đã thể hiện những cố gắng tột bậc của cả hai bên, tạo ra bước ngoặt lịch sử trong quan hệ liên Triều kể từ tháng 6-2000. Tình trạng đối đầu và thù địch suốt 5 thập kỷ đã chuyển sang hòa giải và hợp tác. Các cuộc đối thoại diễn ra trên các lĩnh vực và mở đầu là sự gặp gỡ giữa các gia đình ly tán. Đồng thời, sự trao đổi về nhân sự và hàng hóa cũng được tăng lên.
Cuộc khủng hoảng hạt nhân vào tháng 10 năm 2002 và vụ thử tên lửa hạt nhân tháng 10 năm 2006 đã làm tan biến ý chí hòa giải và làm cho tình hình Bán đảo Triều Tiên lại trở nên căng thẳng. Tuy nhiên, Hàn Quốc cùng với cộng đồng quốc tế đã cố gắng tìm giải pháp hòa bình, thông qua đối thoại để giải quyết vấn đề hạt nhân.
Cùng với những tiến bộ của CHDCND Triều Tiên trong vấn đề hạt nhân thông qua thỏa thuận đã đạt được trong vòng đàm phán lần thứ 6, Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-Hyun và Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-Il đã nhất trí tổ chức cuộc họp thượng đỉnh tại Bình Nhưỡng vào tháng 10-2007. Cuộc họp này đã đưa ra bản tuyên bố về việc phát triển các mối quan hệ Nam-Bắc Triều Tiên, Hòa bình và Thịnh vượng, kêu gọi việc tiến tới hiệp ước hòa bình, chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên và thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế song phương giữa hai miền Triều Tiên.
2. Quan hệ liên Triều kể từ khi Lee Myung-bak lên nắm quyền
Từ khi Lee Myung-bak lên nắm quyền, ông chủ trương tiếp tục theo đuổi đường lối chính sách hòa bình và hòa giải, thúc giục CHDCND Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân dựa trên 3 nguyên tắc: không chấp nhận vũ khí hạt nhân, giải pháp hòa bình thông qua đối thoại và Hàn Quốc sẽ đóng vai trò tích cực trong quá trình giải quyết vấn đề Nam-Bắc Triều Tiên.
Để thực hiện mục tiêu, ngay sau khi nắm quyền tổng thống Lee Myung-bak đã đề ra kế hoạch “tầm nhìn 3000: giải trừ vũ khí hạt nhân và mở cửa” trong đó nói rõ rằng nếu CHDCND Triều Tiên chấp nhận từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân và mở cửa với bên ngoài, Hàn Quốc sẽ cùng với cộng đồng quốc tế sẽ giúp CHDCND Triều Tiên cải thiện tình hình kinh tế, giáo dục, tài chính và hệ thống phúc lợi xã hội để nâng thu nhập quốc dân bình quân theo đầu người của CHDCND Triều Tiên lên mức 3.000 USD trong vòng 10 năm.
CHDCND Triều Tiên đã vô cùng thất vọng khi Tổng thống Lee tuyên bố vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân phải đạt được trước khi có bất kỳ một sự hợp tác tích cực giữa hai miền Triều Tiên. CHDCND Triều Tiên đã phẫn nộ trước sự can thiệp của Hàn Quốc vào vấn đề này, cho rằng đây là vấn đề phải đàm phán với Mỹ. Rõ ràng sự thành công trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân chủ yếu phụ thuộc vào quá trình đàm phán giữa Mỹ với CHDCND Triều Tiên cũng như vào cộng đồng quốc tế, không phụ thuộc vào các hành động hay tuyên bố nào của Hàn Quốc mặc dù Hàn Quốc cũng là một trong những thành phần tham dự trong các cuộc đàm phán 6 bên. Chính vì vậy, chính sách gây áp lực của Hàn Quốc thực tế đã gây tác động ngược. Hàn Quốc không thể thuyết phục hay bắt buộc Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân. Việc tạo nên một vùng không có vũ khí hạt nhân chỉ có thể đạt được một khi vấn đề an ninh của CHDCND Triều Tiên được đảm bảo và đồng thời CHDCND Triều Tiên phải nhận được viện trợ của cộng đồng quốc tế.
Hàn Quốc đã sai lầm khi nghĩ rằng việc ngừng giúp đỡ sẽ làm cho CHDCND Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân và kêu gọi viện trợ. Trái lại, điều đó đã làm cho Bình Nhưỡng càng tức giận hơn và mối quan hệ hợp tác liên Triều gần như bị chấm dứt hẳn.
Khi nhận chức, ông Lee Myung-bak đã tuyên bố sẽ cải thiện quan hệ với Mỹ và gắn hợp tác kinh tế với tiến trình khủng hoảng hạt nhân ở CHDCND. Ông cũng tuyên bố rằng sẽ xem xét lại tất cả những bản thoả thuận đã đạt được trong cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Roh Moo-hyun với nhà lãnh đạo Kim Jong-il vào ngày 3-10-2007 tại Bình Nhưỡng. Trước những tuyên bố của Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên đã lên tiếng nói rằng Tổng thống Lee Myung-bak là kẻ theo đuôi Mỹ và chống lại các chính sách của CHDCND Triều Tiên.
Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng khi một tướng lĩnh cấp cao của Hàn Quốc tuyên bố rằng Hàn Quốc sẵn sàng tấn công phủ đầu vào các cơ sở hạt nhân của CHDCND Triều Tiên nếu thấy có dấu hiệu đe dọa đến quân đội Hàn Quốc. Tuyên bố đó đã làm cho Bình Nhưỡng nổi giận và phản ứng quyết liệt. Ngay ngày 28 tháng 3, sau một hôm nghe tuyên bố, CHDCND Triều Tiên cho thử tên lửa ở bờ biển phía Đông để thể hiện sức mạnh quân sự của mình. Đồng thời cho máy bay phản lực tuần tiễu gần không phận của Hàn Quốc, tuyên bố ngừng mọi đối thoại liên Triều, ngừng việc dỡ bỏ các lò phản ứng hạt nhân theo thoả thuận 6 bên đã đạt được từ năm trước và đe dọa sẽ biến Seoul thành tro bụi nếu bị tấn công. Tiếp theo đó, Bình Nhưỡng trục xuất lần lượt hầu hết các cán bộ Nam Triều Tiên đang làm việc tại Tổ hợp công nghiệp Kaesong về nước, cắt đứt mọi liên lạc với Hàn Quốc, chỉ trích Tổng thống Lee Myung-bak là “kẻ loè bịp chính trị”, lớn tiếng phản đối, kể tội ông là “Ưu tiên quan hệ Hàn Quốc-Mỹ, thanh lọc các thế lực theo đường lối thống nhất trước đây, diễn tập chiến tranh, tham gia vào quá trình làm tăng nguy bất ổn và huỷ diệt hàng loạt, nói ra sự mở cửa, buộc tội về nhân quyền”.
Trước sự phẫn nộ của Bình Nhưỡng, Hàn Quốc tỏ ra thận trọng vì e ngại rằng Bình Nhưỡng có thể có những hành động nguy hiểm hơn. Để xoa dịu tình hình, Tổng thống Lee Myung-bak đã gián tiếp thừa nhận qua báo Washington Post rằng “sự phản ứng ban đầu của Seoul cũng cần phải rút kinh nghiệm và cả Nam và Bắc Triều Tiên phải thay đổi đường lối”. Ông cũng khẳng định sẽ sẵn sàng gặp Chủ tịch Kim Jong Il không chỉ một lần mà có thể nhiều lần để nói chuyện nếu các cuộc gặp đó có thể đem lại kết quả. Đồng thời trong cuộc phỏng vấn của tờ Bưu điện Washington nhân dịp viếng thăm Mỹ, ông cũng đề nghị mở một kênh ngoại giao thường xuyên giữa hai miền bằng việc mở văn phòng liên lạc thường trực ở Seoul và Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên đã phản đối đề nghị này, chỉ trích Tổng thống Lee Myun-bak, cho rằng ý tưởng này là “không đáng xem xét” và coi đây như là “một mánh khoé lừa lọc” nhằm né tránh trách nhiệm về tình hình ngày càng xấu đi giữa hai bên. Đồng thời CHDCND Triều Tiên cũng cho rằng việc mở văn phòng liên lạc là một thông điệp nói rằng Hàn Quốc đang cố gắng hạ thấp cấp quan hệ liên Triều từ đặc biệt xuống quan hệ ngoại giao bình thường như đối với các quốc gia khác.
Vào đầu tháng 8-2008, CHDCND Triều Tiên còn đe doạ trục xuất những người Hàn Quốc “không cần thiết ra khỏi khu nghỉ Kumgang, Quân đội nhân dân Triều Tiên sẽ hạn chế và kiểm soát sự ra vào của người dân cũng như các phương tiện giao thông từ Hàn Quốc đến khu nghỉ, cáo buộc chính phủ Hàn Quốc đã đẩy mối quan hệ liên Triều vốn đã lạnh giá vào một giai đoạn hết sức tồi tệ bằng cách cố tình đối đầu với CHDCND Triều Tiên”, khẳng định rằng Bình Nhưỡng sẽ “đáp trả bằng biện pháp quân sự đối với những hành động thù địch dù là nhỏ nhất” của Hàn Quốc.
Đáp lại những tuyên bố trên, Bộ Thống nhất chỉ lên án hành động của CHDCND Triều Tiên là vô lý và nhắc đến yêu cầu điều tra về cái chết của bà Park, một du khách Hàn Quốc đã bị quân đội CHDCND Triều Tiên bắn chết tại khu nghỉ mát Kumgang.
Sự căng thẳng trong quan hệ liên Triều đầu năm 2008 đã làm chậm lại quá trình ngoại giao tìm kiếm giải pháp vấn đề an ninh CHDCND Triều Tiên. Rõ ràng thực tế đường lối, chính sách đối ngoại và an ninh của Hàn Quốc từ khi ông Lee Myung-bak lên nắm quyền (gọi là học thuyết MB), đặc biệt là đối với CHDCD Triều Tiên hoàn toàn đi ngược lại với nguyên tắc hoạt động của chính sách Ánh dương cũng như chính sách Hoà bình và thịnh vượng chung dưới thời Tổng thống Kim Dae-jung và Roh Moo- Hyun.
Về sự ưu tiên giữa mục đích và phương tiện, hai vị tổng thống trước đây nhấn mạnh đến những phương tiện chính sách Ánh dương, nghĩa là chủ yếu qua sự giúp đỡ về kinh tế, còn Tổng thống Lee Myung-bak tập trung vào mục đích, nghĩa là thay đổi CHDCND Triều Tiên. Hai chính quyền trước đây cho rằng nếu nhấn mạnh đến vấn đề thay đổi thì sẽ làm cho CHDCND Triều Tiên bác bỏ chính sách can dự và sự giúp đỡ về kinh tế sẽ làm cho CHDCND Triều Tiên tự thay đổi dần dần. Chính quyền Tổng thống Lee Myung-bak thì cho rằng thực tế chính sách can dự đã không làm cho CHDCND Triều Tiên mở cửa, cải cách và hòa giải với Hàn Quốc. Do vậy ông Lee Myung-bak muốn áp dụng mọi cách để thay đổi CHDCND Triều Tiên, không phải chỉ những bằng những củ cà rốt mà trong một số trường hợp phải dùng đến cả cái gậy. Ông đánh giá mối quan hệ liên Triều qua thước đo về những đóng góp vào mục đích chính sách.
Học thuyết MB mang tính kinh tế thực dụng, nhấn mạnh “chính trị trước, sau đó là kinh tế” hay “gắn kinh tế chính trị”, quan hệ liên Triều phải đem lại lợi ích kinh tế cho cả đôi bên. Tổng thống Lee đã khẳng định rằng các dự án kinh tế liên Triều sẽ được xem xét dựa trên 4 nguyên tắc: Tiến bộ trong việc giải trừ hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, khả năng kinh tế, tài nguyên sẵn có, sự đồng thuận quốc gia của Hàn Quốc. Điều này hoàn toàn trái ngược với chính phủ trước đây trong việc ưu tiên phát triển các dự án kinh tế, đẩy mạnh sự phục hồi kinh tế CHDCND Triều Tiên, phát triển đồng thời kinh tế 2 miền, gắn sự phát triển kinh tế 2 miền và giảm chi phí kinh tế trong vấn đề thống nhất Bán Triều Tiên.
Trong suốt mấy thập kỷ, sự đối đầu về chính trị và những xung đột quân sự đã luôn là vấn đề nóng bỏng trong quan hệ liên Triều. Dựa trên nguyên tắc tách vấn đề hợp tác kinh tế ra khỏi vấn đề chính trị và xung đột quân sự, hai chính phủ trước đây đã mở rộng hợp tác kinh tế trong tình trạng vẫn có xung đột về quân sự và thiếu tin tưởng lẫn nhau, cố gắng thúc đẩy hợp tác kinh tế tới mức cao nhất có thể được, thậm chí ngay cả khi CHDCND Triều Tiên gia tăng phát triển hạt nhân. Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Lee đã phê phán việc tách vấn đề kinh tế ra khỏi chính trị với lập luận rằng hai chính phủ tiền nhiệm đã không ngăn được việc CHDCND Triều Tiên gia tăng vũ khí hạt nhân và cho rằng cần phải gắn vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân với toàn bộ các mối quan hệ liên Triều, đặc biệt là các quan hệ kinh tế. Dựa vào chính sách gắn kết này có thể buộc CHDCND Triều Tiên từ bỏ hay giảm tốc độ phát triển vũ khí hạt nhân.
Học thuyết MB yêu cầu CHDCND Triều Tiên phải từ bỏ vũ khí hạt nhân trước khi có thể hợp tác kinh tế với Hàn Quốc. Nói cách khác, chỉ có sự giải trừ vũ khí hạt nhân, mở cửa ra bên ngoài mới có thể giúp CHDCND Triều Tiên triển khai các dự án kinh tế với Hàn Quốc. Trong khi đó dưới thời 2 tổng thống trước đây, Hàn Quốc thường phải đi trước một bước sau đó CHDCND Triều Tiên mới có thể hưởng ứng theo trong các mối quan hệ liên Triều. Nói cách khác, CHDCND Triều Tiên phải là người đi trước (giải trừ vũ khí hạt nhân), sau đó Hàn Quốc mới đáp lại bằng việc giúp đỡ kinh tế.
Hơn nữa, chính quyền Lee Myung-bak đã nhấn mạnh tới khái niệm trao đổi. Khái niệm trao đổi có thể hiểu có 2 kiểu: Trao đổi nhân nhượng và trao đổi sằng phẳng. Trao đổi nhân nhượng đề cao sự hợp tác liên tục hơn là sự đồng thời có đi có lại. Trao đổi nhân nhượng có thể đề cao sự hợp tác mở rộng nhưng lại làm giảm khả năng thực hiện cam kết. Trao đổi sằng phẳng dựa trên sự thực hiện đồng thời những thỏa thuận song phương và được đánh giá trong mọi giai đoạn. Trao đổi sằng phẳng khó có thể được chấp nhận nhưng lại đảm bảo việc thực hiện các thỏa thuận đã đạt được.
Chủ nghĩa thực dụng của Tổng thống Lee Myung-bak đã phản ánh một thực tế rằng nguyên tắc trao đổi đã được nêu rõ trong chính sách đối với CHDCND Triều Tiên. Tổng thống Kim Dae-jung cũng như Tổng thống Roh Moo- hyun đã áp dụng sự trao đổi nhân nhượng trong các quan hệ liên Triều. Cụ thể đã thực hiện cho trước, nhận sau; cho nhiều, nhận ít; cho những gì CHDCND Triều Tiên cần và nhận những gì CHDCND Triều Tiên có thể cho. Đây là một kiểu trao đổi linh hoạt hay trao đổi dễ dãi, là sự trao đổi liên tục, bất bình đẳng và không tương xứng. Cả hai tổng thống trước đây đã nhượng bộ kinh tế khá nhiều với CHDCND Triều Tiên để có được các cuộc họp thượng đỉnh liên Triều vào năm 2003 và năm 2007, đạt được nhiều thỏa thuận trong quan hệ hợp tác kinh tế liên Triều như hợp tác xây dựng tuyến đường bộ và đường sắt, xây dựng khu công nghiệp Kaesong, tổ chức được các cuộc đoàn tụ giữa các gia đình ly tán trong chiến tranh. Chính sách Ánh dương và chính sách Hoà bình và Thịnh vượng của hai thủ tướng tiền nhiệm bị chỉ trích là đã giúp đỡ kinh tế vô điều kiện đối với CHDCND Triều Tiên trong khi họ không hề từ bỏ tham vọng về hạt nhân. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu theo trường phái tự do thì cho rằng không có mối quan hệ nhân quả giữa chính sách nhượng bộ và sự bùng nổ hạt nhân ở CHDCND Triều Tiên. Nói cách khác, việc sở hữu hạt nhân của CHDCND Triều Tiên không phải là kết quả của chính sách nhượng bộ mà chính là sự phản ứng trước sự đe dọa an ninh từ phía Mỹ.
Chính quyền Lee Myung-bak đã phủ quyết Chính sách Ánh dương và chính sách Hoà bình và Thịnh vượng, giữ vững lập trường và áp dụng chính sách trao đổi sằng phẳng đối với CHDCND Triều Tiên. Hai tổng thống tiền nhiệm trước đây luôn tách bạch giữa quan hệ liên Triều với các quan hệ quốc tế và coi trọng sự hợp tác liên Triều, cả hai tổng thống đều dựa trên những chuẩn mực riêng, cơ bản dựa trên những vấn đề dân tộc trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, không áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong việc giải quyết mọi vấn đề. Chính sách Ánh dương và Chính sách hòa bình, thịnh vượng đã thể hiện mối quan hệ đặc biệt giữa hai miền Triều Tiên. Các quan hệ kinh tế và giúp đỡ nhân đạo được nhìn nhận theo các chuẩn mực cơ bản, đặc biệt. Quyền con người và các vấn đề nhân đạo được bỏ qua và nhìn nhận trong hoàn cảnh cụ thể của CHDCND Triều Tiên. Trong khi đó chính quyền Tổng thống Lee luôn chú ý đến những chuẩn mực chung, áp dụng những chuẩn mực quốc tế trong các chính sách đối với CHDCND Triều Tiên. Vì vậy khi xem xét các quan hệ liên Triều, ông cho rằng CHDCND Triều Tiên phải tuân thủ những nguyên tắc chung, không nên đòi hỏi có những chính sách ngoại lệ và vấn đề nhân quyền, các vấn đề nhân đạo ở CHDCND Triều Tiên đã làm ảnh hưởng tới quan hệ hai miền.
Chính sách Ánh dương đã đề cao sự hợp tác giữa 2 miền Triều Tiên và đã thành công trong việc tránh xung đột nhưng đã bị phái bảo thủ chỉ trích là đã để CHDCND Triều Tiên khai thác, lợi dụng. Chính quyền Tổng thống Lee muốn trao đổi sằng phẳng, bình đẳng và tương xứng với các quan hệ song phương. Ví dụ như Hàn Quốc muốn CHDCND Triều Tiên phải tỏ thái độ biết ơn khi nhận viện trợ lương thực và đáp lại chân thành qua việc thực hiện các vấn đề nhân đạo như việc đoàn tụ các gia đình ly tán, việc giải quyết vấn đề bắt cóc tù nhân.
Trên thực tế, ngày càng nhiều người phê phán Chính quyền Lee Myung-bak, đặc biệt là các nhà chính trị từ phía các đảng đối lập, bao gồm Đảng Dân chủ Thống nhất và các đảng khác. Họ đã biện luận rằng kể từ khi Lee Myung-bak lên nắm quyền, quan hệ Nam Bắc Triều Tiên gần như bị đổ vỡ hoàn toàn. Họ kêu gọi chính quyền hãy tôn trọng, kế thừa những thoả thuận có được với chính quyền CHDCND Triều Tiên trước đây.
Mặc dù CHDCND Triều Tiên có thừa nhận rằng Hàn Quốc cũng đã có một số cố gắng trong việc cải thiện mối quan hệ liên Triều như đã đối thoại, tiếp xúc, hội đàm cấp cao, thảo luận các vấn đề liên quan đến kinh tế, thể thao và các hoạt động văn hoá, đoàn tụ giữa các gia đình ly tán, xây dựng tổ hợp công nghiệp Gaeseong và nối lại các tuyến đường sắt, đường bộ liên Triều. Tuy nhiên CHDCND Triều Tiên vẫn không ngừng công kích, thể hiện ý chí quyết tâm chống lại Hàn Quốc, cho rằng “Miền Nam là một xã hội mục ruỗng về chính trị, khủng hoảng về kinh tế tài chính do sự phụ thuộc về kinh tế, dễ bị ảnh hưởng và là xã hội mục nát và điêu tàn”. Đồng thời ngợi ca quân đội nhân dân CHDCND Triều Tiên (KPA), “kiên quyết bắn chết những kẻ bù nhìn Nam Triều Tiên” và đề cao vai trò lãnh đạo của vị lãnh tụ Kim Jong Il của mình.
Hiện nay chính sách đối với CHDCND Triều Tiên của Chính quyền Lee Myung-bak đã có những dấu hiệu mềm dẻo hơn. Chẳng hạn ban đầu lập trường của chính quyền là sẽ không viện trợ lương thực cho CHDCND Triều Tiên một khi vấn đề hạt nhân chưa được giải quyết nhưng sau đã đề nghị có cuộc đối thoại liên Triều về việc sẽ cung cấp 50.000 tấn ngũ cốc cho CHDCND Triều Tiên. Tiếp theo là việc đồng ý nối lại viện trợ lương thực cho CHDCND Triều Tiên kể từ tháng 10-2008 mà không cần có sự đề nghị từ phía CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên quyết định này chưa được thực hiện vì vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên lại tiến triển theo chiều hướng xấu.
Sự thay đổi chính sách thực dụng đối với CHDCND Triều Tiên rõ ràng đã thể hiện có sự đánh giá lại quan hệ liên Triều của chính quyền ông Lee Myung-bak. Tuy nhiên, kế hoạch viện trợ lương thực của Hàn Quốc cũng gặp phải khó khăn. Trước hết Seoul phải đợi sự phản hồi tích cực từ phía Bình Nhưỡng. Sau nữa là vấn đề viện trợ nhân đạo cho CHDCND Triều Tiên không được nhân dân Hàn Quốc đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, ít nhất tại thời điểm hiện tại, quan hệ Nam Bắc Triều Tiên có phần êm dịu hơn đôi chút. Hai miền Triều Tiên đã có dự định đối thoại về quân sự, nối lại các cuộc tiếp xúc chính thức giữa hai chính phủ vốn đã nguội lạnh từ khi Tổng thống Lee Myung-bak lên nắm quyền.Việc Hàn Quốc hoan nghênh Mỹ đưa CHDCND Triều Tiên ra khỏi danh sách các nước tài trợ cho khủng bố trong khi Nhật Bản phản đối đã thể hiện phần nào động thái tích cực của Hàn Quốc trong việc cải thiện quan hệ liên Triều.
Có thể nói quan hệ Nam Bắc Triều Tiên đã trải qua những bước thăng trầm kể từ khi Bán đảo Triều Tiên chính thức bị chia cắt thành hai miền riêng biệt: CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc. Đường lối lãnh đạo cứng rắn, tính toán kinh tế thiệt hơn của Tổng thống Lee Myung-bak đã đẩy mối quan hệ liên Triều rơi vào tình trạng căng thẳng, gần như xóa hết đi những gì hai thời tổng thống tiền nhiệm đã cố gắng gây dựng. Mặc dù hiện nay đường lối lãnh đạo của Tổng thống Lee Myung-bak đã có dấu hiệu mềm dẻo hơn nhưng có lẽ còn phải mất một thời gian khá lâu nữa quan hệ Nam Bắc Triều Tiên mới có thể được như trước khi ông Lee Myung-bak lên nắm quyền và khó ai có thể dự báo chính xác được mối quan hệ liên Triều sẽ tiến triển ra sao, có đạt được mục đích cuối cùng là thống nhất đất nước hay không vì câu trả lời phụ thuộc vào quan điểm, đường lối lãnh đạo của các nguyên thủ hai quốc gia này và cũng đồng thời phụ thuộc vào sự can thiệp của các nước lớn, đặc biệt là Mỹ.
TRẦN THỊ NHUNG
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cheon, S., SPSI & the South Korean Poisition, Korea Institute for National Unification, Studies series 03-08, Seoul, 2008.
2. Chon, H,J., “Characteristics of North Korean Policy”, KINU Research Abstracts’02, Korea Institute for National Unification, Abstract series 03-1, pp 39-45, Seoul, 2003.
3.Huh, M.Y., “60th Aniversary of Korea Liberation: Current Status of Inter-Korean Reations and Future Direction”, International Journal of Korean Unification Studies, Vol 15,No 1, 2006, pp 66-106, Korea Institute for National Unification, Seoul, 2006.
4. Huh, M.Y., North Korea’s Negotiation Behavior toward SouthKorea: Continuities and Changes in the Post Inter-Korean Studies Era, Korea Institute for National Unification, Studies series 06-02, Seoul, 2006.
5. Kim, S.H., “North Korean Policy of the Lee Myung-bak Government”, KINU Insight, No 4, 2008, pp 1-12, Korea Institute for National Unification, Seoul, 2008.
6. Nakato, S., “South Korea’s Paradigm Shift in North Korean Policy and Trilateral Cooperation among the US, Japan, and Korea”, International Journal of Korean Unification Studies,, Vol 17, No 1, 2008, pp 41-61, Korea Institute for National Unification, Seoul, 2008.
7. Park, JC., “Paradigm Change of North Korea Policy from Engagement to Pragmatism: Focusing on Seven Points”, KINU Insight, No 7, 2008, pp 8-10, Korea Institute for National Unification, Seoul, 2008.