Từ đầu những năm 60 của thế kỷ XX, Hàn Quốc bắt đầu sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trước vô vàn khó khăn và thách thức. Chỉ sau mấy chục năm lặng lẽ gian khổ phấn đấu, người Hàn Quốc đã làm được những điều kỳ diệu, xây dựng được nền kinh tế phồn thịnh, nền văn hoá mang đậm bản sắc dân tộc kết hợp hài hoà với văn minh thế giới, đào tạo được nguồn nhân lực có kỹ năng, xây dựng một nếp sống mới trong con người Hàn Quốc hiện đại. Để làm được điều đó, yếu tố con người có vai trò quan trọng, yếu tố văn hoá có tác động tích cực, là động lực thúc đẩy. Đây là điều các nhà nghiên cứu ở Hàn Quốc và các nhà nghiên cứu Hàn Quốc của Nhật Bản và phương Tây khẳng định. Bài viết sẽ đề cập tới vấn đề phát triển văn hoá ở Hàn Quốc trong quá trình hội nhập và nêu bài học kinh nghiệm để chúng ta cùng tham khảo.
II.Tình hình phát triển văn hoá ở Hàn Quốc trong quá trình hội nhập
1. Giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống
Hàn Quốc có vị trí nằm ở giữa khu vực Đông Bắc Á. Xét ở góc độ lịch sử thì Hàn Quốc tiếp giáp với vùng Đông Bắc Trung Quốc, chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hoá Trung Hoa. Cũng giống như Việt Nam, người Hàn Quốc coi trọng lễ nghi cưới hỏi, tang ma, giỗ tết, có tục lệ mừng tuổi và thăm hỏi, chúc tụng lẫn nhau trong ngày Tết, có tục lệ trọng tuổi già, tổ chức mừng thọ lên lão, coi trọng cả tam giáo Nho Phật Đạo. Đặc biệt, vào mùa xuân và mùa thu, Hàn Quốc có nhiều lễ hội, chủ yếu là lễ hội theo tôn giáo tín ngưỡng dân gian...
Giá trị văn hoá truyền thống của Hàn Quốc (gồm cả giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể) hầu như đều có liên quan tới tôn giáo. Ở đây, chúng tôi coi Nho giáo không chỉ là một học thuyết chính trị xã hội mà có cả yếu tố tôn giáo. Học thuyết Nho giáo không còn phù hợp với thời đại mới nhưng giá trị của Nho giáo (phần lớn mang yếu tố tôn giáo như thờ cúng tổ tiên, tế lễ tông miếu, các lễ nghi, tập tục...) vẫn được giữ gìn và phát huy ở Hàn Quốc. Cách xưng hô, chào hỏi, những giá trị đạo đức, tôn ti trật tự, tục mừng tuổi, nghi lễ kết hôn truyền thống, lễ thượng thọ, nghi lễ tang ma... mang màu sắc Nho giáo vẫn tồn tại và đã góp phần không nhỏ tạo nên bản sắc riêng của văn hoá Hàn QuốcĐối với sự phát triển thần kỳ về kinh tế của Hàn Quốc trong quá trình hội nhập, một số nhà nghiên cứu của Hàn Quốc và phương Tây đã nhất trí khẳng định rằng có sự đóng góp không nhỏ của các giá trị văn hoá Nho giáo. Một số học giả phương Tây cho rằng, sự phát triển của Hàn Quốc nói riêng, Đông Á nói chung là do triết lý của Nho giáo đem lại. Điều này khác biệt đối với phương Tây, sự phát triển kinh tế dựa vào triết lý kinh tế của các nhà tư bản trên cơ sở triết lý của Công giáo. Nathan Glazer, Giáo sư Trường Đại học Harvard giải thích sự khác biệt ấy như sau: " Sự khác biệt được thể hiện trong tập hợp những nghĩa vụ đã ràng buộc các cá nhân với nhau và tạo ra thể chế gia đình chặt chẽ. Về cơ bản, do sự mở rộng của trường học và nơi làm việc mà các giá trị cá nhân và nhu cầu của một tổ chức gắn kết với nhau (dưới một dạng thức của sự liên kết hữu cơ và với việc giảm nhẹ tình trạng căng thẳng do sức ép tâm lý của cá nhân). ([1])
Trong quá trình tiến tới hội nhập quốc tế, những di sản văn hoá Phật giáo ở Hàn Quốc càng được chú trọng giữ gìn, có thể nói là cẩn thận hơn thời kỳ phong kiến. Giáo lý nhà Phật được truyền bá rộng rãi, công khai, hướng con người thời đại mới tới điều thiện, từ bỏ điều ác. Một kênh truyền hình của Phật giáo hàng ngày quảng bá giá trị văn hoá Phật giáo và số lượng tín đồ Phật giáo ở Hàn Quốc vẫn chiếm tỉ lệ cao nhất.
Trong khu vực Đông Á, đối với vấn đề giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống thì Hàn Quốc và Nhật Bản là những quốc gia có tính kế thừa, tính liên tục cao nhất. Tính kế thừa, tính liên tục, thể hiện rõ nét ở chỗ không bị đứt đoạn, không bị tàn phá do những chính sách sai lầm, coi nhẹ giá trị văn hoá truyền thống, thể hiện ở chỗ tính dân tộc thuần nhất và mạnh mẽ, một dân tộc có tri thức văn hoá và coi trọng văn hoá.
2. Xây dựng văn hoá gia đình và văn hoá cộng đồng
Chế độ phong kiến ở Hàn Quốc có đặc điểm nổi bật là ổn định kéo dài, suốt hơn một nghìn năm mà chỉ hai lần thay đổi triều đại. Điều này đã tạo nên nếp văn hoá gia đình và văn hoá xã hội rất bền vững với những quy tắc ngặt nghèo của chế độ phong kiến. Từ khi Đại Hàn dân quốc ra đời, đặc biệt là từ khi Hàn Quốc tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đời sống văn hoá gia đình và xã hội Hàn Quốc đã biến đổi mạnh. Một xã hội phát triển theo hướng kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa cộng với sự ảnh hưởng mạnh từ Mỹ trên mọi phương diện đã tác động không nhỏ tới văn hoá gia đình và xã hội Hàn Quốc. Đứng trước tình thế đó, người Hàn Quốc đã biết chọn hướng đi cho mình là giữ gìn giá trị văn hoá gia đình và xã hội kết hợp với văn hoá tiên tiến của Mỹ và phương Tây. Sự kết hợp đó thể hiện cụ thể từ việc thiết kế ngôi nhà đến xây dựng nếp văn hoá gia đình và xã hội. Ngôi nhà truyền thống Hàn Quốc luôn có lò sưởi ở dưới sàn để sưởi ấm suốt mùa đông dài, gọi là Ôntôlbang. Người Hàn Quốc thường nằm sàn; trực tiếp sưởi ấm từ sàn bốc lên. Những khu chung cư mọc lên khắp nơi, kiến trúc theo kiểu mới nhưng được quy hoạch quy củ theo những tính toán mang dấu ấn thuật phong thuỷ của phương Đông, đặc biệt, lò sưởi dưới sàn vẫn được tính đến với những nguyên liệu mới, kiểu thiết kế mới. Những bức hoành phi, câu đối xưa kia nay được thay bằng những bức thư hoạ bằng chữ Hán hoặc chữ Hàn ghi chép những châm ngôn, lời hay ý đẹp răn dạy mọi thành viên trong gia đình cố gắng noi theo. Nếp sống trong gia đình tuy có sự xáo trộn, mọi thành viên trong gia đình đi làm hoặc đi học theo thời gian quy định của xã hội mới nhưng người mẹ hoặc người vợ trong nhà vẫn là người dậy sớm nhất, chăm lo bữa ăn sáng cho cả nhà, thậm chí còn chuẩn bị cả bữa ăn trưa cho người đi làm. Mọi thành viên trong gia đình ứng xử với nhau giờ đây đã cởi mở hơn, bình đẳng hơn nhưng tôn ti trật tự vẫn được tôn trọng. Người ông, người cha trong nhà vẫn là những người được kính trọng nhất, người trên nói người dưới nghe và anh chị em trong nhà vẫn coi hoà thuận làm trọng. Đối với ông bà, cha mẹ, lễ thượng thọ thất tuần, bát tuần được con cháu tổ chức trọng thể.
Trong quá trình đô thị hoá, người ở nông thôn nườm nượp kéo ra thành thị, đặc biệt là họ đến thủ đô Seoul làm ăn sinh sống, khiến Seoul có số dân lên tới hơn chục triệu người. Cùng với quá trình đô thị hoá là quá trình quốc tế hoá, người Hàn Quốc sang nước ngoài làm ăn sinh sống cũng tăng lên đáng kể. Theo số liệu thống kê của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, tới năm 2006, có 5,2 triệu người Hàn Quốc sinh sống ở 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là cộng đồng người sinh sống ở hải ngoại và có số lượng đứng thứ 5 trên thế giới sau Trung Quốc, Do Thái, Ấn Độ và Italia.([2]) Tuy làm ăn sinh sống xa quê hương, tiếp nhận sự ảnh hưởng của văn hoá đô thị và thế giới nhưng người Hàn vẫn giữ phong tục của quê hương mình, đất nước mình. Dù ở trong nước hay ngoài nước, có hai dịp lễ tết khiến họ không thể quên việc về quê hương tế lễ tổ tiên, thăm hỏi người thân. Đó là lễ rằng trung thu và tết nguyên đán. Tết rằm trung thu được gọi là lễ Chusơk (thu tịch), được coi là ngày lễ quốc gia, các công sở, công ty đều được nghỉ nhiều ngày, thường kéo dài một tuần lễ. Kỳ nghỉ tết nguyên đán cũng vậy, số ngày nghỉ cũng tương tự và việc đoàn tụ gia đình, việc thực hiện các nghi lễ đối với người trên, chăm sóc phần mộ, tế lễ tổ tiên được coi trọng hàng đầu.
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế Hàn Quốc, thu nhập bình quân tính theo đầu người tăng lên nhanh chóng (năm 1995 đạt con số 10.000 USD, năm 2007 đạt tới 20.000 USD) và nhu cầu ra ở riêng của các cặp vợ chồng trẻ nên cấu trúc gia đình truyền thống theo mô hình đại gia đình dần dần bị phá vỡ. Mô hình đại gia đình có ba bốn thế hệ chung sống đã từng bước nhường chỗ cho mô hình tiểu gia đình. Một mô hình gia đình nhỏ tách biệt với gia đình truyền thống được hình thành nhanh chóng chỉ trong vài thập niên đã không tuân theo nếp văn hoá gia đình truyền thống lại chưa định hình nếp văn hoá gia đình mới, cộng thêm ảnh hưởng của lối sống Âu - Mỹ chạy theo tự do cá nhân nên nếp văn hoá gia đình của Hàn Quốc đã có những rạn nứt. Những vấn đề mới nảy sinh trong đời sống văn hoá gia đình như tỷ lệ ly hôn gia tăng, tỉ lệ sinh con giảm quá mức, tỉ lệ người tự sát tăng... đã trở thành vấn đề xã hội khiến nhà nước phải quan tâm, tìm hướng giải quyết.
Về vấn đề xây dựng văn hoá cộng đồng, có thể nói Hàn Quốc đã phát huy được giá trị văn hoá Nho giáo kết hợp chặt chẽ với việc ban hành và thực hiện nghiêm chỉnh qui tắc, luật lệ mới. Điều này thể hiện rõ nét ở nếp văn hoá trong cộng đồng cư dân, văn hoá nơi công cộng và giữ gìn, bảo vệ môi trường trong sạch.
Giá trị văn hoá Nho giáo ở đây là nói tới lễ giáo, lễ nghi. Lễ giáo, lễ nghi rườm rà, khắt khe của chế độ phong kiến xưa kia đã lùi vào dĩ vãng. Nhưng, lễ giáo, lễ nghi trong quan hệ ứng xử xóm giềng và ứng xử xã hội trong thời đại mới mà người Hàn Quốc cho rằng tốt đẹp thì vẫn được trân trọng. Những qui tắc, luật lệ mới được ban ra như Thực hiện nếp sống văn hoá khu dân cư, nếp sống văn hoá nơi công cộng, cụ thể như ưu tiên cho người già lão, phụ nữ mang thai, người tàn tật, không chen lấn xô đẩy khi lên tàu xe, không vứt rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh chung... nếu không dựa trên nền tảng ý thức con người có văn hoá (hiểu theo cách nói của người Hàn Quốc là con người có lễ giáo, lễ nghi) thì có lẽ chỉ là khẩu hiệu.
Theo cách nghĩ cách biểu hiện của người Hàn Quốc, con người có lễ giáo, lễ nghi (con người có văn hoá) là người tôn trọng qui tắc luật lệ của cộng đồng và được cộng đồng tôn trọng. Cách nghĩ cách hiểu đó cộng với những qui tắc, luật lệ mới ban hành kịp thời tạo nên một xã hội hài hoà giữa văn hoá truyền thống và văn minh hiện đại. Chỉ có lý giải như vậy mới giải thích được vấn đề tại sao văn hoá Âu Mỹ vẫn được du nhập vào Hàn Quốc, xã hội Hàn Quốc phát triển theo hướng tự do, dân chủ mà văn hoá Hàn Quốc vẫn mang đậm bản sắc dân tộc. Cũng chỉ có lý giải như vậy mới có thể lý giải được hiện tượng các cửa hàng tự giác không bán thuốc lá cho trẻ vị thành niên, không cho trẻ vị thành niên băng đĩa hình của người lớn, không được vào những nơi vui chơi giải trí của người lớn...
Đối với vấn đề bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng cũng có thể hiểu theo hướng như vậy. Cùng với những pháp lệnh của nhà nước mang tầm vĩ mô như tạo vành đai xanh quanh thủ đô Seoul, xử lý rác thải công nghiệp, xử lý ô nhiễm môi trường từ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, giao thông công cộng..., những qui định, qui tắc giữ gìn vệ sinh trong cộng đồng cư dân, vệ sinh công cộng cũng được thực hiện một cách tự giác. Rác thải được phân loại từ các gia đình theo qui định cụ thể, được đựng trong các túi đựng rác cũng được qui định cụ thể vào các buổi sách sớm, nhân viên của công ty môi trường đến mang đi tới nơi xử lý rác. Rác thải ở nơi công cộng cũng được công dân xử lý theo những qui định phân loại rác và ý thức trách nhiệm giữ gìn vệ sinh công cộng trở thành nét văn hoá văn minh đô thị. Vào những dịp lễ tết, những dịp diễn ra sự kiện thể thao lớn như WorldCup 2002, những buổi công diễn văn hoá nghệ thuật ngoài trời..., đặc biệt là những cuộc biểu tình lớn ở trung tâm Seoul, số lượng người tập trung một nơi có thể lên tới mấy chục vạn người, nhưng tới buổi sáng hôm sau ta vẫn thấy sạch sẽ và phong quang như những ngày bình thường. Điều đó thực hiện được chính là do ý thức tự giác của mỗi công dân.
Để xây dựng tính tự giác của công dân và duy trì bền vững, việc xử phạt nghiêm, liên tục, lâu dài là một hình thức rất thực tế khuyến cáo công dân.
3. Xây dựng văn hoá hành chính và văn hoá công ty
a.Văn hoá hành chính
Theo cách hiểu của một số học giả Hàn Quốc, khái niệm văn hoá hành chính được hiểu như sau:
" Văn hoá hành chính là một trong những quy phạm thuộc văn hoá nói chung, là tổng hợp cách suy nghĩ, cấu trúc ý thức, giá trị quan và thái độ của con người nhằm chi phối, điều khiển hành động của con người có liên quan đến điều hành công việc trong thể chế hành chính." ([3])
Như vậy, qua đây, ta có thể hình dung, văn hoá hành chính là bộ phận của văn hoá, thuộc phạm trù ý thức xã hội, có tác động tích cực hoặc tiêu cực tới hành động của con người trong từng công việc hành chính nhất định. Thể chế hành chính có phạm vi rất rộng, từ cơ quan hành chính trung ương đến các cơ quan hành chính địa phương, từ đơn vị hành chính nhà nước đến đơn vị hành chính tư nhân, bao gồm hầu hết các đơn vị, tổ chức, đoàn thể... tạo thành cơ chế xã hội, nhà nước. Thể chế hành chính có chức năng thực thi quyền lực hành pháp, tức là quyền thống nhất tổ chức và quản lý xã hội trên cơ sở chấp hành luật pháp. Theo đó, văn hoá hành chính cũng có chức năng chi phối, điều khiển hoạt động của con người thực thi quyền lực hành pháp trên cơ sở luật pháp và hiến pháp.
Nội dung cụ thể của văn hoá hành chính ở Hàn Quốc biến đổi theo từng thời kỳ của quá trình hội nhập nhưng luôn được thực hiện một cách sách tạo, mãnh liệt trên nền tảng tư tưởng yêu nước, tinh thần dân tộc.
Công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Hàn Quốc được bắt đầu từ khi tướng Park Chung Hee lên cầm quyền vào năm 1961. Nhiệm vụ hàng đầu của tổng thống Park là xây dựng một bộ máy hành chính nhà nước vững mạnh, có tính kỷ luật cao (mang tính quân sự) để thực hiện mục tiêu đặt ra là phát triển kinh tế. Nội dung chủ yếu của văn hoá hành chính thời kỳ này là chấp hành nghiêm (như kỷ luật quân đội) kỷ luật hành chính. Bộ máy hành chính nhà nước phải đi đầu trong việc nghiêm chỉnh thực hiện pháp lệnh nhà nước, trong đó, có cả luật giới nghiêm trước 12h đêm. Ở nông thôn, phong trào "làng mới" được phát động và chính quyền địa phương quán triệt một cách triệt để, từng bước xoá bỏ lều tranh và được nông dân hưởng ứng nhiệt liệt. Ở thành thị, các vấn đề về qui hoạch đô thị, giải toả giải phóng mặt bằng được giải quyết nhanh chóng gọn gàng. Các khu công nghiệp, chung cư mọc lên theo quy hoạch, kiến trúc chung của thành phố, của quốc gia đã tạo cho Seoul và các thành phố lớn có một vẻ kiến trúc hài hoà hợp lý giữa truyền thống và hiện đại.
Có thể nói, văn hoá hành chính thời kỳ này được thực hiện nghiêm chỉnh và có tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế Hàn Quốc.
Tuy nhiên, vào những năm cuối của thời kỳ Tổng thống Park nắm quyền, tính quan liêu, sự lạm dụng quyền hạn của các công chức hành chính ngày càng bộ lộ rõ. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tham nhũng. Điều này bị coi là những tệ nạn nghiêm trọng vào cuối thời tổng thống Park. Hơn nữa, sự phân hoá giàu nghèo, phân hoá giữa những công chức làm việc trong bộ phận kinh tế với bộ phận không có quan hệ trực tiếp tới kinh tế (chẳng hạn như Bộ Kinh tế, Bộ Tài chính, Bộ Đầu tư với các bộ khác), phân hoá giữa các nhân vật cấp cao quân sự với dân sự đã tạo ra sự bất bình đẳng trong xã hội. Xã hội Hàn Quốc khi đó đã bắt đầu hướng tới một nền chính trị rộng mở hơn và cơ chế thị trường tự do hơn. Các đảng phái đối lập kêu gọi công chức và dân chúng ủng hộ hướng phát triển dân chủ và trong sạch. Vì thế, tình hình chính trị Hàn Quốc lâm vào khủng khoảng, ngày 26 tháng 10 năm 1979, Tổng thống Park bị ám sát.
Vào thời kỳ của các Tổng thống kế tiếp như Chun Doo Hwan, Poh Tae Wo, văn hoá hành chính vẫn tiếp tục theo nội dung cũ là chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật hành chính nhưng đã lồng ghép thêm nội dung phòng và chống tham nhũng. Chẳng hạn như Phong trào làm trong sạch xã hội của chế độ Chun Doo Hwan, Phong trào xây dựng một trật tự mới và nếp sống mới của chế độ Poh Tae Wo...
Ở Hàn Quốc, một trong những điểm nóng của các hoạt động chống tham nhũng là vấn đề tố cáo và xoá bỏ nạn quỹ đen.Việc giao dịch tài chính thông qua các tài khoản mang tên giả là mọt phương tiện thuận lợi cho các nhà chính trị, các nhà kinh doanh thông đồng với nhau làm ăn phi pháp và khiến cho các hành vi tham nhũng của các quan chức khó bị phát hiện. Bởi thế, ngay từ những tháng đầu tiên của chính quyền Poh Tae Wo, vấn đề giao dịch hành chính bằng tên thật được đưa ra bàn luận rộng rãi, được đông đảo nhân dân và công chức hưởng ứng. Song, phải đến thời Tổng thống Kim Young Sam, vấn đề này mới thực sự được tiến hành mạnh mẽ. Tổng thống Kim Young Sam ban bố Lệnh khẩn cấp số 16 vào ngày 12 tháng 8 năm 1993 về việc sử dụng hệ thống giao dịch tài chính bằng tên thật. Hơn nữa, Tổng thống Kim còn yêu cầu quan chức phải công khai hoá tài sản cá nhân và ông đã gương mẫu công khai hoá đầu tiên. Dư luận Hàn Quốc đã theo dõi chặt chẽ quá trình này và phát hiện ra những khoản chênh lệch lớn giữa tài sản công khai và tài sản thực của một số quan chức. Sau cuộc khủng hoảng tài chính 1997 - 1998, chính quyền của Tổng thống Kim Dae Jung còn mạnh tay hơn nữa đối với vấn đề này, Hội đồng chống tham nhũng của Phủ Tổng thống và Uỷ ban điều tra đặc biệt về tham nhũng được thành lập.
Chính quyền của Tổng thống Kim Dae Jung cho rằng, tham nhũng là một trong những nguyên nhân cơ bản làm suy yếu nền chính trị và kinh tế Hàn Quốc, khiến cho đất nước lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính và đã quyết định chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Một chiến dịch chống tham nhũng được phát động rộng rãi cả trong công chức nhà nước lẫn toàn thể người dân. Một số các tổ chức dân sự chống tham nhũng được thành lập và phát huy tác dụng tích cực, nổi bật nhất là Liên hiệp công dân giám sát thanh tra chính phủ của Quốc hội (CAMPIC) được thành lập vào năm 1999. Liên hiệp này là sự hợp nhất của 40 tổ chức dân sự có kế hoạch hành động làm trong sạch cuộc Tổng tuyển cử lần thứ 16. Cụ thể là ngăn chặn những ứng cử viên tham nhũng tham gia tranh cử và phanh phui các vụ bê bối có dính líu tới một số quan chức. Công chức nhà nước cũng là công dân, họ hoàn toàn có thể cung cấp thông tin cho tổ chức này để loại bỏ những quan chức có hành vi tham nhũng. Kết quả là sức mạnh của đông đảo công dân được phát huy và hoạt động chống tham nhũng thu được thành tựu đáng khích lệ.
Thành quả mà Hàn Quốc được như ngày nay là có sự đóng góp to lớn của cả một quá trình chống tham nhũng gian nan vất vả của chính phủ và nhân dân Hàn Quốc. So với các nước ở Đông Á, Hàn Quốc được đánh giá cao nhất trong lĩnh vực chống tham nhũng có hiệu quả trong quá trình hội nhập.
Tóm lại, một số nội dung chủ yếu của văn hoá hành chính Hàn Quốc như nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật hành chính, phong cách giao dịch, ứng xử có văn hoá (có lễ giáo lễ nghi), phòng và chống tham nhũng thì không chỉ riêng Hàn Quốc mới có mà cũng từng xuất hiện ở một số nước Đông Á. Nhưng, qua đây, ta nhận thấy, người Hàn Quốc thực hiện quyết liệt hơn, vận dụng sáng tạo hơn trên nền tảng tư tưởng dân tộc thuần nhất mang đậm phong cách Hàn.
b.Văn hoá công ty
Văn hoá công ty ở Hàn Quốc được xác định là nét văn hoá đặc sắc, mang phong cách riêng của công ty, là xây dựng kỷ luật kỷ cương, phát huy cái hay cái đẹp, trừ bỏ thói hư tật xấu trong công ty, làm sao cho công ty phát triển.
Văn hoá công ty ở Hàn Quốc được hình thành và phát triển song song với quá trình hội nhập. Ngay từ thuở ban đầu bước vào công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, người Hàn Quốc nhận thức được rằng, yếu tố văn hoá, yếu tố Nho giáo được coi là động lực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế xã hội. Bởi thế, nét văn hoá trong công ty được các công ty lớn của Hàn Quốc rất chú trọng.
Thứ nhất là từng bước xây dựng và giảng dạy truyền thống văn hoá của công ty. Mỗi một công ty lớn đều có phương châm và bài hát truyền thống. Nội dung bài hát thường là khích lệ nhân viên làm việc chăm chỉ, khắc phục khó khăn, vươn lên trong lao động sản xuất, tự hào về công ty của mình. Bài hát truyền thống chính thức được cất lên trong những dịp có sự kiện liên quan đến công ty hoặc cả trong các buổi họp, đôi khi cả trong lúc liên hoan, trà dư tửu hậu. Mỗi nhân viên từ khi gia nhập công ty đều học thuộc lòng bài hát đó và suy ngẫm, tìm hiểu về công ty mình.
Phòng truyền thống của công ty được xây dựng và đóng vai trò như một giảng đường trực quan để giảng dạy cho nhân viên công ty. Ta gọi nôm na là Phòng truyền thống chứ thực ra là một triển lãm đẹp với kiến trúc đặc thù, trang trí nội thất và ánh sáng đẹp, có phòng chiếu phim và diễn thuyết riêng. Đến Phòng truyền thống, các nhân viên được xem các bộ phim video về quá trình xây dựng và trưởng thành của công ty để phần nào hình dung được ngôi nhà của họ. Sau đó, họ sẽ được tham gia những thành tựu, phát minh, sáng kiến mà thế hệ trước đã tạo dựng. Sau buổi tham quan đó, các nhân viên phải viết cảm nghĩ, nêu ý kiến của mình một cách dân chủ đối với mọi vấn đề, mọi góc cạnh, mọi phát kiến mà họ được nghe được thấy.
Thứ hai là giáo dục kỷ luật lao động, xây dựng tính tự giác, tác phong công nghiệp, phát huy tính sáng tạo của nhân viên.
Kỷ luật lao động ở đây không chỉ là không được đi muộn về sớm, lao động có tổ chức có kỷ luật trong 8 giờ một ngày mà bao gồm nhiều vấn đề từ trang phục trong công ty, trang phục an toàn lao động trong sản xuất, cách xưng hô chào hỏi, thực hành tiết kiệm, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, bảo vệ môi trường xung quanh...
Chấp hành kỷ luật lao động, thực hiện chế độ dân chủ, phát huy tính sáng tạo, tính tự giác, tác phong công nghiệp trên cơ sở tôn trọng, giá trị truyền thống, khiêm tốn học hỏi kinh nghiệm của tiền bối.
Người Hàn Quốc không phải không có khả năng sáng tạo lớn. Trong lịch sử, người Hàn đã phát minh ra máy đo lượng mưa, nghề in con chữ rời, thuốc nổ sớm hơn cả phương Tây. Nhưng trong quá trình học tập và tiếp nhận tri thức, họ không đặt vấn đề phê phán hay chọn lọc mà bằng mọi cách học hết tri thức cơ bản lẫn bí quyết của thầy. Kính cẩn tôn trọng thầy, không phê phán khi chưa học hết chữ của thầy. Sau khi tiếp nhận kiến thức của thầy, kết hợp với sự phát triển của khoa học kỹ thuật mới, họ nghiền ngẫm và tìm ra những chi tiết có thể cải tiến sao cho phù hợp với thực tế và điều kiện ở Hàn Quốc hoặc quốc gia họ cần xuất khẩu hàng hoá. Về điểm này, có lẽ người Hàn Quốc giống người Nhật Bản. Đây là một trong những bí quyết thành công của Hàn Quốc. Đồng thời, đây cũng chính là bí quyết tăng cường nội lực, nội sinh của các công ty Hàn Quốc.
Trong các công ty Hàn Quốc, tuy không có chế độ làm việc suốt đời như các ty Nhật Bản, tức là cống hiến trọn đời, trung thành suốt đời với một công ty, nhưng các công ty Hàn Quốc rất chú trọng đến việc giáo dục lòng trung thành cho nhân viên.
Sự giáo dục đó theo cả hai cách truyền thống và hiện đại. Những luân lý Nho giáo về lòng trung thành được khai thác và giảng giải. Vốn là quốc gia văn hiến, những lễ giáo về lòng trung thành mang tính truyền thống dân tộc dễ dàng được nhân viên tiếp nhận.
Một bí quyết nữa để tăng cường nội lực, nội sinh là giáo dục tính trung thực cho nhân viên. Tuy khoa học kỹ thuật phát triển mạnh ở Hàn Quốc, chế độ kiểm kê kiểm toán đã được điện tử hoá, các máy camera được đặt ở các vị trí xung yếu để kiểm tra nhưng không vì thế mà giáo dục tính trung thực cho nhân viên bị xem nhẹ. Tính trung thực là một trong những tiêu chuẩn hàng đầu cho việc tuyển chọn nhân viên và đề bạt thăng chức.
Thứ ba là quan hệ giữa cấp lãnh đạo với nhân viên mang tính dân chủ nhưng vẫn tôn trọng giá trị truyền thống lễ nghĩa.
Quan hệ trong công ty là quan hệ dân chủ nhưng không có nghĩa là cao bằng. Lễ nghĩa, lễ nghi truyền thống vẫn được tôn trọng, cấp dưới tôn trọng, phục tùng cấp trên, hậu bối (những người học khoá dưới và thế hệ kế tiếp) phải tôn trọng và nghe theo tiền bối.Ở các công ty nhỏ, các chức vụ trung gian ít hơn và Giám đốc thường là người bỏ vốn và trực tiếp điều hành công việc. Quan hệ giữa Giám đốc và nhân viên gần gũi, có tính chất gia đình hơn. Song, về cách xưng hô, chào hỏi và tác phong làm việc thì cũng học theo công ty lớn. Những ngày lễ tết, sinh nhật, hiếu hỷ, các công ty tỏ ra quan tâm chu đáo, có thiếp chúc mừng hoặc lời chia buồn. Đặc biệt là vào dịp Trung thu và Tết nguyên đán, quà chúc mừng thường nhiều hơn theo tỷ lệ thu nhập nhiều hay ít của công ty.Điều này khiến cho quan hệ giữa nhân viên với công ty càng thắt chặt và khích lệ nhân viên cố gắng làm việc chăm chỉ.
Như vậy, qua đôi điều về văn hoá công ty Hàn Quốc, ta có thể thấy rằng văn hoá công ty không chỉ đơn thuần là cải thiện vấn đề tinh thần, tư tưởng, giải trí sau những ngày làm việc mà được coi là động lực phát triển, được nhìn nhận như là một nhân tố kinh tế trong sự phát triển của công ty.
1. Mỗi dân tộc có một truyền thống văn hoá riêng. Điều đó tức là văn hoá dân tộc mang tính di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong thế ứng xử với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và hoàn cảnh lịch sử? Bởi thế, văn hoá chứa đựng yếu tố trường tồn. Mặt khác, tính di truyền đó không phải nhất thành bất biến, văn hoá có thể biến đổi, thậm chí đột biến nhưng phải theo những qui tắc mà thực thể văn hoá đó quy định.
Với ý nghĩa đó, ta cần nhận thức rằng bản sắc văn hoá là một thực thể khách quan, mặt khác, không nên coi là cố hữu, không thể thay đổi. Bởi vậy, ta cần nghiên cứu một cách khoa học, khai thác những ưu điểm của văn hoá truyền thống để tác động tích cực vào vấn đề xây dựng nếp văn hoá của cuộc sống hiện tại như xây dựng văn hoá gia đình, văn hoá cộng đồng, văn hoá công ty... Kinh nghiệm thành công của Hàn Quốc cho thấy, nếu biết khai thác tốt vốn quý của truyền thống văn hoá dân tộc thì không chỉ tăng sức mạnh cho dân tộc về mặt ý chí mà còn biến thành giá trị vật chất to lớn. Việt Nam dồi dào tiềm năng ở lợi thế này. Vấn đề còn lại là làm thế nào để khai thác tốt và phục vụ hiệu quả cho quá trình hội nhập. Bởi thế, những vấn đề mà Hàn Quốc biết khai thác và vận dụng trong quá trình hội nhập mà bài viết đã nêu có lẽ là điều tham khảo hữu ích.
2. Khái niệm văn hoá hành chính tuy mang nét đặc trưng riêng của văn hoá Hàn Quốc thời kỳ hội nhập nhưng những nội dung chủ yếu của nó không phải đặc biệt mà là mang tính phổ biến. Trong đó, nội dung phòng và chống tham nhũng cũng là vấn đề nổi cộm ở nước ta hiện nay. Kinh nghiệm phòng và chống tham nhũng ở Hàn Quốc cho thấy, những nỗ lực phòng và chống tham nhũng từ phía công chức và các tổ chức dân sự chỉ phát huy tác dụng tích cực trong điều kiện xã hội có dân chủ. Chính bầu không khí dân chủ bắt đầu từ chính quyền Kim Young Sam, đặc biệt là từ chính quyền Kim Dae Jung đã tạo điều kiện khuyến khích công chức và nhân dân nói chung tham gia tích cực. Hơn nữa, người đứng đầu Phủ Tổng thống là người làm gương trong vấn đề liêm chính để công chức noi theo, nhân dân có chỗ dựa vững chắc để đấu tranh tới hành vi tham nhũng. Lại nữa, các hoạt động chống tham nhũng trong xã hội Hàn Quốc đạt được kết quả đáng khích lệ là nhờ tạo ra được mối liên hệ hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức chống tham nhũng của Phủ Tổng thống và chính phủ với các tổ chức nhân sự. Nếu chống tham nhũng chỉ là công việc riêng của chính phủ sẽ không tránh khỏi sự hạn chế nửa vời do những cản trở cố hữu từ bên trong. Ngược lại, nếu hoạt động của tổ chức quần chúng không hợp tác chặt chẽ với chính phủ thì chỉ dừng lại ở chỗ tạo nên sức ép chính trị, nhiều khi bị lợi dụng bởi những thế lực đối lập, gây bức xúc cho nhân dân, làm mất ổn định chính trị xã hội.
3. Để xây dựng tốt nếp văn hoá gia đình, văn hoá công cộng thì việc xây dựng một hệ thống luật pháp và thực hiện pháp luật một cách nghiêm chỉnh, thường xuyên liên tục, lâu dài là một trong bí quyết thành công của Hàn Quốc. Bên cạnh bí quyết đó, những lễ nghi, lễ giáo truyền thống tốt đẹp đã được khai thác và vận dụng nên đã tạo ra môi trường gia đình, xã hội hài hoà, văn minh. Những điểm nêu trên, Việt Nam đã có, song, sự thực hiện mới chỉ mang tính chất nửa vời,không nghiêm chỉnh và bền bỉ lâu dài. Đây âu cũng là bài học để xây dựng một xã hội hài hoà, văn minh, hội nhập với khu vực và thế giới.
LÝ XUÂN CHUNG
(Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ngô Xuân Bình (Chủ biên), Những vấn đề xã hội của Hàn Quốc, Nxb Lao động 2007.
2. Ngô Xuân Bình (Chủ biên), Tìm hiểu nền hành chính Hàn Quốc và Việt Nam, Nxb Thống kê 2001.
3. Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á số 7 (67) 2006.
4. Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc á số 4 (40) 2002.
5. Cơ quan Thông tin Hải ngoại Hàn Quốc, Hàn Quốc: Đất nước con người, xuất bản năm 2006, www.korea.net
6. Byung Nak Song, kinh tế Hàn Quốc đang trỗi dậy, Nxb Thống kê 2002.
7. Dương Phú Hiệp - Ngô Xuân Bình (Chủ biên), Hàn Quốc trước thềm thế kỷ XXI, Nxb Thống kê 1999.
8. Hàn Quốc lịch sử và văn hoá; Nxb Chính trị Quốc gia 1995.
9. Lê Quang Thiêm, Khái niệm văn hoá văn minh, văn hoá truyền thống Hàn; Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội 2005.
10. Bộ Ngoại giao (Việt Nam), Hội nhập quốc tế và giữ vững bản sắc, Nxb Chính trị quốc gia 1995.