Trang chủ

KOKINSHU VÀ NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN HỌC CỦA TÁC PHẨM TRONG DÒNG THƠ DÂN TỘC NHẬT

Đăng ngày: 15-03-2013, 09:50 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2008 » Số 12

  1. Lược sử nghiên cứu và những vấn đề chung

Kokinshu là tên gọi ngắn gọn của Tuyển tập Kokinwakashu, một tác phẩm thơ đã đi vào kinh điển của thơ ca Nhật Bản. Ra đời vào đầu thế kỉ X (thời Heian). Tuyển tập đã  khẳng định được những giá trị to lớn của mình và thu hút được sự quan tâm của  nhiều nhà thơ và các học giả đương thời cũng như nhiều thế hệ dịch giả và các nhà nghiên cứu trong và ngoài Nhật Bản.

Kokinshu thuộc dòng thơ waka (和歌) - một trong những thể loại  thơ tiêu biểu của người Nhật, tương đương với cách gọi “thơ quốc âm” trong tiếng Việt. Đây  là hình thức thơ được viết bằng hệ chữ kana, mỗi bài có số lượng 31 âm tiết, được phân ra thành các chuỗi ngữ đoạn có thứ tự 5-7-5-7-7 âm tiết.  Waka có một quá trình hình thành và phát triển lâu đời cùng với bề dày của lịch sử đất nước Nhật Bản. Lúc đầu, Waka được dùng để chỉ chung cho nhiều thể loại thơ khác nhau của Nhật Bản như Tanka, Chōka, Sedōka,… nhưng về sau, trong quá trình phát triển của thơ Nhật Bản, các tên gọi cũng như sự phân biệt giữa chúng không còn mang tính chất đặc trưng như ban đầu, bản thân các loại thơ cũng dần thay đổi, chỉ còn lại thể Tanka là phổ biến và định hình hơn cả nên Waka cũng có thể được hiểu là Tanka.

Sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng của văn hóa đại lục Trung hoa, thời Heian (cuối thế kỉ VIII đến cuối thế kỉ XII) là thời kì trỗi dậy và khẳng định các giá trị của nền văn hóa bản địa. Đặc biệt, thể thơ Waka đã được những người đứng đầu trong triều chính lúc bấy giờ rất quan tâm và dành nhiều công sức để phát triển, tạo dựng tinh hoa và bản sắc dân tộc. Nhiều tuyển tập thơ Waka đã được Thiên hoàng ban chỉ biên soạn, tiêu biểu nhất là tuyển tập Kokinshū.

Tại Nhật Bản, trong thư viện của Trung tâm Quốc tế nghiên cứu văn hoá Nhật Bản ở Kyoto, có đến hơn 100 công trình khảo cứu, dịch thuật, giới thiệu và nghiên cứu  về tác phẩm Kokinshū, trong đó chủ yếu là các công trình nghiên cứu được biên soạn bằng tiếng Nhật và khoảng 20 các công trình bằng các thứ tiếng khác .

Các nghiên cứu về Kokinshū rất đa dạng, trong đó có thể kể ra một số hướng nghiên cứu chính như sau:

(1). Theo tác giả Ozawa, bắt đầu giữa  thời Heian đã có rất nhiều văn nhân và học giả  tiến hành công việc chú giải và sao chép lại tác phẩm này. Hiện nay, ở Nhật vẫn còn lưu giữ khoảng 40 loại phiên bản viết tay khác nhau về tác phẩm được biên soạn từ thời Heian. Những bản  sao chép đầu tiên được các thi nhân của dòng họ Fujiwara tiếp nối từ đời này sang đời khác, trong đó, văn bản cổ tập trung tương đối đầy đủ các bài thơ là của  Fujiwara  Nakazane, sau đó là các văn bản của các thi nhân như  F. Kyosuke(1),  F. Norikane,  F.  Kintou F. Yorimichi, F. Sadazane, và  F. Shunzei.  Đây chủ yếu là các văn bản được sao chép, thu lượm, tổng hợp lại từ các  bản rời rạc, đứt đoạn được gọi là các Kohitsugire, được lưu lại trong tư liệu của những người yêu thích thơ waka đương thời. Không ai dám chắc được đâu là tác phẩm hoàn chỉnh nhất, nguyên gốc đúng nghĩa nhất của tác phẩm này. Vản bản cổ được coi là hoàn chỉnh nhất hiện được lưu hành là bản sao do Atsukai Masatsune chép lại vào đầu thời Kamakura từ một bản gốc trước đó do 3 thi nhân dòng họ Fujiwara là F.Norinaga  F. Kyosuke, F.Shunzei sao chép lại vào cuối thời Heian .

Trong dòng họ Fujiwara vào thời Heian, lúc đầu là Kyosuke,  sau đó, bước sang thời Kamakura thì Shunzei và con trai của ông là F.Teika đã  dày công chỉnh sửa và biên soạn lại tác phẩm. Về sau, đến thời Kamakura, các hậu duệ của Shunzei và Teika đã phát triển và tách ra thành các chi nhánh với các trường phái khác nhau trong việc nghiên cứu  thơ Waka  nói chung và các bản sao chép về  Kokinshu nói riêng. Đó là Trường phái Nijouke, trường phái Reizeike, trường phái Kyogoku. Trong các trưòng phái này thì những sao chép của  Nijouke vẫn được đánh giá cao nhất trong việc phản ánh đúng tinh thần của văn bản gốc.

(2). Các thi nhân và học giả không chỉ đơn thuần  sao chép lại Kokinshū mà còn thêm vào rất nhiều phần chú  giải thơ, truyền tải lại  (biên, phiên dịch) ý tưởng của các tác giả từ ngôn ngữ thơ sang ngôn ngữ văn xuôi, từ ngôn ngữ cổ thời Heian sang các ngôn ngữ đương đại và gần đây nhất là tiếng Nhật hiện đại.

Từ những biên soạn và chú giải chưa thật sự hệ thống và chi tiết trong thời Heian và đầu thời Kamakura, đến giữa thời Kamakura đã có F. Norinaga  và  F. Kenshō bỏ công sức chú giải cho các cụm từ, thuật ngữ cũng như nội dung của từng bài thơ trong tuyển tập này.

Từ giữa thời Kamakura đến thời Muromachi, trong khuynh hưóng thần bí hoá tác phẩm, vào thế kỉ 15, đặc biệt có Tono Tsuneyori  và đệ tử của ông là Sougi cũng là những nhà nghiên cứu đã bỏ rất nhiều công sức cho việc chú giải tác phẩm.

Đến thời Cận thế, dần có những hướng tiếp cận mới về tác phẩm của Motonori Norinaga  hay Motonori Haruniwa. Trên cơ sở tiếp thu các thành tựu nghiên cứu trước, các tác giả này đã đưa tác phẩm gần về với hiện thực hơn hoặc lí giải chúng có tính khoa học về ngôn ngữ hơn. Từ sau thời Minh trị, tuy việc nghiên cứu tác phẩm không được tập trưng như trước đây, nhưng vẫn có nhiều tác gia theo đuổi việc khảo cứu và dịch giải tác phẩm ra tiếng Nhật hiện đại. Trong các tuyển tập về văn học cổ điển Nhật Bản, có  thể kể tên một số tác giả nghiên cứu và dịch thuật Kokinshu như  Kaneko Motoomi, Kubota Utsubo, Sugitani Juro, Matsuda Shigeho, Ozawa Masao và nhiều tác giả khác.

(3). Các công trình mang tính lí luận, phân tích, bình giải, nghiên cứu về tác phẩm và các tác giả. Đó là những công trình đi sâu vào phân tích nội dung, bố cục cũng như những đặc điểm nghệ thuật thơ ca nổi bật của tác phẩm. Hơn nữa, cũng như các tác phẩm nghệ thuật vĩ đại của các dòng văn học nổi tiếng trên thế giới, những nghiên cứu này có thể được triển khai theo nhiều cách tiếp cận khác nhau cho từng vấn đề của tác phẩm. Đến nay, công cuộc nghiên cứu tuyển tập này vẫn đang được các học giả, các nhà nghiên cứu tiếp tục triển khai.

Trong những năm 80 của thế kỉ XIX, đã xuất hiện nhiều công trình nghiên cứu và dịch thuật Kokinshū ra tiếng Pháp và tiếng Đức. Việc nghiên cứu này được tiếp tục phát triển lên những năm đầu thế kỉ XX, dần mở rộng ra tiếng Anh trong những năm 20, 30 của thế kỉ XX và đến cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI, bắt đầu xuất hiện các công trình nghiên cứu và dịch thuật tác phẩm ra tiếng Nga.

Ở Việt Nam, trong các công trình  nghiên cứu tổng thể về lịch sử, văn hóa hay văn học Nhật Bản cũng có các phần giới thiệu về Tuyển tập hay việc dịch lẻ tẻ một vài bài thơ trong đó ra tiếng Việt như các công trình của G. B Sansom(2) và N. I. Konrat(3).

Trong một số bài viết riêng về lĩnh vực thơ ca, tác phẩm Kokinshū cũng được một số  tác giả như Nam Trân(4) hay Nhật Chiêu đề cập đến. Tuy nhiên, việc nghiên cứu hay giới thiệu về tác phẩm còn khá sơ sài và hiện vẫn chưa có được một tài liệu dịch trọn vẹn tác phẩm ra tiếng Việt, kể cả các tài liệu dịch từ tiếng Anh. Trong tương lai, để hiểu được ngọn ngành về tác phẩm vĩ đại này, điều cần thiết đầu tiên là phải hiểu thấu đáo được nội dung của từng bài thơ trong tác phẩm, cần tiến hành những nghiên cứu sâu về các tác giả và về từng vấn đề trong nội dung cũng như nghệ thuật của tác phẩm. Có như vậy, chúng ta mới tiếp cận tác phẩm này một cách xác thực và sâu sắc.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi cũng chỉ  đưa ra những phác thảo sơ lược về tác phẩm và chủ yếu sẽ tập trung vào các giá trị văn học mà tác  phẩm đem lại cho nền thơ ca Nhật thời cổ đại và văn học Nhật Bản nói chung. Việc nghiên cứu chi tiết về các nội dung của từng bài thơ và của toàn tác phẩm xin được dành cho những chuyên luận nghiên cứu sâu hơn.

2. Tác phẩm Kokinshu

Sau khi tuyển tập Manyōshū ra đời, thơ Waka đã trải qua một thời gian khá dài bị bị lu mờ vì sự phát triển của trào lưu thơ chữ Hán. Từ cuối thế kỷ thứ IX, với sự ra đời của loại hình chữ viết mới và cộng thêm các yếu tố khách quan thuận lợi, thơ Waka đã được triều đình chính thức công nhận và bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Waka đã ngày càng khẳng định được vị thế của mình đã dần chiếm lĩnh vai trò trên thi đàn Nhật thời Heian.  Năm 905, được sự uỷ thác của Thiên hoàng Daigo,  Ki no Tsurayuki đã cùng với Ki no Tomonori, Mibu no Tadamine và Ōshikōchi no Mitsune bắt tay soạn thảo Tác phẩm.

2.1.  Bố cục của Tuyển tập

Theo Ozawa,  có đến 1111 bài thơ được đưa vào tuyển tập,  trong đó có 1100 bài nằm ở phần chính và có 11 bài thuộc các bài thi thơ được bổ sung về sau nằm ở phần phụ của tác phẩm.

Các bài thơ được bố trí vào 20 phần, thường được gọi là 20 quyển, với các chủ đề chính và số lượng bài trong từng quyển như bảng sau :

 

 

Chủ đề chính và số lượng bài trong 20 quyển của Kokinshū

TT

Tiếng Nhật

Phiên âm Romaji

Nghĩa tiếng Việt

Số lượng bài

1

春歌上

Haru no uta (Jō)

Thơ mùa xuân (Tập trước)

68

2

春歌下

Haru no uta (Ka)

Thơ mùa xuân (Tập sau)

66

3

夏歌

Natsu no uta

Thơ mùa hạ

34

4

秋歌上

Aki no uta (Jō)

Thơ mùa thu (Tập trước)

80

5

秋歌下

Aki no uta (Ka)

Thơ mùa thu (Tập sau)

65

6

冬歌

Fuyu no uta

Thơ mùa đông

29

7

賀歌

Ga no uta

Thơ chúc tụng

22

8

離別歌

Ribetsu no uta

Thơ ly biệt

41

9

羇旅歌

Kiryo no uta

Thơ lữ hành

16

10

物名歌

Butsumei no uta

Thơ vạn vật

47

11

恋歌一

Koi no uta (ichi)

Thơ tình yêu (Tập 1)

83

12

恋歌二

Koi no uta (ni)

Thơ tình yêu (Tập 2)

64

13

恋歌三

Koi no uta (san)

Thơ tình yêu (Tập 3)

61

14

恋歌四

Koi no uta(yon)

Thơ tình yêu (Tập 4)

70

15

恋歌五

Koi no uta (go)

Thơ tình yêu (Tập 5)

82

16

哀傷歌

Aishō no uta

Thơ bi thương

34

17

雑歌上

Zatsu no uta (Jō)

Một số chủ đề khác

(Tập trước)

70

18

雑歌下

Zatsu no uta (Ka)

Một số chủ đề khác

(Tập sau)

68

19

雑躰

Zatsutei

Thơ nhiều thể loại

68

20

大歌所御歌

Ōutadokoro o-uta

Thơ Nghi lễ triều đình

32

Nguồn : “Kokinwakashū” của tác giả Ozawa.

 

 

Ngoài ra, tác phẩm còn kèm theo hai lời tựa được viết theo thể thức để dâng lên Thiên hoàng là Manajo và Kanajo.

Về thể loại, hầu hết thơ trong Kokinshū là các bài Tanka, ngoại trừ 5 bài Chōka và 4 bài Sedōka được đưa vào quyển thứ 19. Riêng thơ trong quyển thứ 20 được viết theo thể thức ca khúc do Ban nhạc của Triều đình Ōutadokoro  chịu trách nhiệm quản lý và tập dượt âm nhạc để biểu diễn tại các nghi lễ trong cung đình.

Trong 20 chủ đề của tác phẩm thì thiên nhiên và tình yêu là hai chủ đề chính chiếm số lượng bài nhiều nhất. Nội dung thơ về thiên nhiên chiếm tới 6 quyển, từ quyển số 1 đến số 6, gồm 342 bài và chủ đề về tình yêu chiếm 5 quyển, từ quyển số 11 đến số 15, gồm 360 bài.

Trong chủ đề thiên nhiên, các bài thơ lại được sắp xếp theo sự thay đổi của mùa và thời tiết. Đó là những bài thơ miêu tả cảnh từ khi lập xuân cho đến lúc kết thúc một năm, miêu tả tâm trạng ngạc nhiên lẫn vui mừng khi nhận ra sự thay đổi của thời tiết, tâm trạng luyến tiếc, bịn rịn khi mỗi mùa đi qua. Còn trong chủ đề tình yêu, các bài lại tiếp tục được sắp xếp theo trình tự phát triển của các cung bậc phát triển, từ những cảm giác đầu tiên thầm yêu trộm nhớ, đến tình cảm yêu mến lứa đôi sau khi hai bên gặp mặt, sau đó là tâm trạng lo lắng không biết người yêu có thay lòng đổi dạ không, và kết thúc bằng những bài thơ thể hiện nỗi buồn xót xa khi hoài tưởng về những mối tình đã qua.

Với những chủ đề khác, trước cùng một chủ đề thường là  những bài thơ khuyết danh được đưa lên trước, sau đó các bài thơ còn lại sẽ lần lượt được sắp xếp theo trình tự niên đại của các tác giả và lại theo từng “chủ đề con”. Cách thức bố trí các bài  thế này có thể thấy qua một vài ví dụ như từ bài số 32 đến 41 của quyển số 1 (Thơ mùa xuân - Tập trước) nói về chủ đề Hoa mơ, từ bài số 173 đến 183 trong quyển số 4 (Thơ mùa thu) về chủ đề lễ hội Tanabata hay những bài thơ được sáng tác tại lễ hội Sanga  trong quyển số 7 với chủ đề Cầu chúc sự trường thọ.

Việc sắp xếp tên các tác giả cũng thể hiện sự nhìn nhận, đánh giá của các soạn giả về các tác giả và tác phẩm được đưa vào đây. Chẳng hạn như trong chủ đề tình yêu, mở đầu quyển Thơ tình yêu (tập 2), (quyển thứ 20 trong toàn Tuyển tập) là các bài thơ của Ono no Komachi, mở đầu quyển Thơ Tình yêu tập 3 (tức quyển thứ 21 trong toàn Tuyển tập) là bài của Ariwara no Narihira, mở đầu của chủ đề Ly biệt (tức quyển thứ 8 trong toàn tuyển tập) là các bài thơ của Ariwara no Yukihira, mở đầu của chủ đề lữ hành (tức quyển thứ 9 trong toàn tuyển tập)  là các bài thơ của tác giả Abe no Nakamaro. Rõ ràng đây là các tác giả được các nhà soạn giả đánh giá cao và và các bài thơ đã được “xếp hạng” trong cách nhìn nhận của họ.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ngoại lệ. Đó là một tập hợp gồm 69 bài khuyết danh liên tiếp, từ bài số 483 cho đến 551 đứng cuối quyển số 11, trong chủ đề thơ tình yêu (quyển 1) hoặc có một số bài mặc dù được sáng tác trong một hoàn cảnh giống nhau nhưng lại được đưa vào các quyển khác nhau với các chủ đề khác nhau. Ví dụ như hình ảnh chim cuốc (ほととぎす– hototogisu) thường xuất hiện trong các cảnh đầu mùa hạ. Tương tự như vậy, có những bài  lẽ ra phải được xếp vào chủ đề tình yêu thì lại được đưa vào chủ đề mùa hạ hay ngược lại… Tuy nhiên, những điều này cũng dễ hiểu và hợp logic khi các soạn giả và cả người đọc chúng ta vẫn có thể lĩnh hội đối tượng theo nhiều cách hiểu và góc độ khác nhau và những tiêu chuẩn được đưa ra không phải là những qui tắc cứng nhắc có thể áp dụng nhất loạt cho mọi trường hợp.

2.2. Các thời kỳ sáng tác trong tác phẩm Kokinshū

Xét về bối cảnh lịch sử cũng như phong cách sáng tác, có thể chia các bài thơ trong tác phẩm thuộc vào 3 thời kì sáng tác chính  theo như bảng dưới đây :

 

 

Các thời kỳ sáng tác trong tác phẩm Kokinshū

 

Thời kỳ thứ nhất

(Thời kì thơ khuyết danh)

Thời kỳ thứ hai

(Thời kỳ của

Lục ca tiên)

Thời kỳ thứ ba

(Thời kỳ của các

nhà biên soạn)

Mốc thời gian

Daidō năm thứ tư (大同4年) (809) ~

Kashō năm thứ 2 (嘉祥2年) (849)

Kashō năm thứ 3 (嘉祥3年) (850)

~

Kanpyō năm thứ 2 (寛平2年) (890)

Kanpyō năm thứ 2 (寛平3年) (891)

~

Tengyō năm thứ 8 (天慶8年) (945)

Các đời Thiên hoàng

Saga (嵯峨)
Junna (淳和)
Ninmyō (仁明)

Montoku (文徳)
Seiwa (清和)
Yōzei (陽成)
Kōkō (光孝)
[Uda (宇多)]

Uda (宇多)
Daigo (醍醐)
Suzaku (朱雀)

Nhà thơ

tiêu biểu

Ono Takamura

(小野篁)

Ariwara Narihira

(在原業平)
Ono Komachi

(小野小町)

Ki no Tsurayuki

(紀貫之)

Oshikochi no Mitsune  (凡河内躬恒)

 

 

Nguồn: “Kokinwakashū” của tác giả Ozawa.


2.2.1. Thời kỳ thứ nhất

Có 450 bài thơ khuyết danh được đưa vào thời kì này, trong đó có một số bài kèm thêm chú thích cho các tác giả là các nhà thơ trước thời kỳ Heian. Ví dụ như tác giả Kakinomoto no Hitomaro– nhà thơ tiêu biểu nhất của tuyển tập Manyōshū và các tác giả khác như Azumahito, Abe no Nakamaro  hay Kiyotomo. Nhân vật tiêu biểu của thời kỳ này, cũng là người mở đường cho sự hưng thịnh trở lại của thơ Waka, chính là nhà thơ Ono no Takamura. Ngoài ra, còn có Fujiwara Sekio, nhà thơ cùng thế hệ với Takamura. Đa số các bài thơ trong thời kỳ này được đánh giá là còn chất phác và thiếu cá tính.

2.2.2. Thời kỳ thứ hai

Thời kỳ này còn được gọi là thời kỳ của “Sáu nhà thơ Waka lỗi lạc” (hay Lục ca tiên), bao gồm Ariwara no Narihira, Ōtomo Kuronushi, Ono no Komachi, Kisen Hōshi, Funya no Yasuhide  và Sōjō Henjō.

Các thi nhân thời kỳ này đều thuộc tầng lớp thượng lưu trong xã hội nhưng lại thích sống tự do theo cách riêng của mình. Hoạt động sáng tác của họ mặc dù đều đứng trên lập trường không liên quan đến quyền lực nhưng họ được hậu thuẫn bởi những người có quyền lực và hình thành nên những nhóm riêng. Thơ Waka thời kỳ này nặng về kỹ xảo với các lối tu từ như Engo, Kake-kotoba.

2.2.3. Thời kỳ thứ ba

Đây là thời kỳ của các nhà biên soạn như Ki no Tsurayuki, Trong đó, Ki no Tsurayuki là người có số lượng bài được tuyển chọn nhiều nhất (102 bài) và cũng là nhân vật chính đóng vai trò quan trọng trong việc biên soạn tuyển tập này. Bên cạnh bốn soạn giả chính kể trên, còn có một số tác giả có số bài được tuyển chọn vào khá nhiều trong tuyển tập. Đó là Fujiwara no Toshiyuki – một trong những thi nhân hàng đầu, Ariwara no Motokata – tác giả của bài thơ mở đầu tuyển tập Kokinshū, nhà sư Sosei – con của nhà thơ Henjō, nữ thi sĩ Ise, Kiyohara no Fukayabu, Fujiwara no Okikaze, Saka no ue Korenori …

2.3. Một số tác giả tiêu biểu trong tác phẩm Kokinshū

Ngoài bốn soạn giả của tác phẩm, còn có khoảng gần 130 thi nhân xuất hiện trong tuyển tập Kokinshū. Ứng với 3 thời kì sáng tác đã phân chia trên đây, có thể nêu lên một số tác giả tiêu biểu trong tác phẩm như bảng sau:

 

 

Các tác giả tiêu biểu  trong tuyển tập Kokinshū

Thời kì sáng tác

Tác giả

Số bài

Thời kỳ thứ nhất

(Thời kì thơ khuyết danh)

Kakinomoto no Hitomaro (柿本人麻呂)

7

Ono no Takamura (小野篁)

6

Thời kỳ thứ hai

(Thời kì của sáu nhà thơ lỗi lạc: Lục ca tiên)

Ariwara no Narihira(在原業平)

30

Ono no Komachi (小野 小町)

18

Henjo (僧正遍昭)

17

Funya no Yasuhide (文屋康秀)

5

Onomo no Kuronushi  (大友黒主),

3

Kisen (喜撰法師)

1

Thời kỳ thứ ba

(Thời kì của các soạn giả)

Ki no Tsurayuki (紀貫之)

102

Oshikochi no Mitsune  (凡河内躬恒)

60

Ki no Tomonori (紀友則)

46

Mibu no Tadamine  (壬生忠岑)

40

Sosei (素性)

36

Ise (伊勢)

22

fujiwara no Toshiyuki (藤原敏行)

19

Kiyohara no Fukayabu (清原深養)

17

Ariwara no Motokata (在原元方)

14

Saka no ue Korenori (坂上是則)

8


2.4. Một số vấn đề cần tiếp tục xác minh thêm về  tác phẩm Kokinshū

Không ai có thể phủ nhận được những giá trị to lớn mà tuyển tập này đã đem lại cho văn học Nhật Bản nói chung, thơ ca thời Heian nói riêng. Tuy vậy, liên quan đến tuyển tập này hiện nay vẫn còn một số vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ hơn nữa. Đó là các vấn đề như: xác định năm tháng tác phẩm chính thức ra đời hay xác định sự phân chia các thời kì sáng tác hay xác định năm sinh năm mất và một số thông tin của các tác giả chính trong tác phẩm Kokinshū.

Đây cũng là các thông tin mà hiện nay chưa có sự thống nhất giữa các nhà nghiên cứu. Việc làm này cũng đòi hỏi nhiều công sức và kĩ thuật xác định văn bản thời hiện tại. Nếu được xác định đúng đắn, chúng cũng góp phần rất quan trọng, là các căn cứ hỗ trợ cho việc tìm hiểu tác phẩm một cách toàn diện và chính xác hơn.

3. Các giá trị văn học của tác phẩm Kokinshū trên thi đàn Nhật Bản

Tác phẩm Kokinshū mang nhiều giá trị to lớn đối với thơ Waka nói riêng và văn học Nhật Bản nói chung.

(1). Tác phẩm đã đánh dấu giai đoạn khôi phục và phát triển hưng thịnh nhất của thơ Waka sau một thời gian vắng bóng. Sau khi Manyōshū – tuyển tập thơ đầu tiên của dân tộc Nhật được hoàn thành, trước ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa Trung Quốc, văn thơ Hán đã chiếm được vị trí độc tôn trong xã hội, đặc biệt là trong triều đình.   Kokinshū đã cho thấy sự trở lại  và ngày càng khẳng định vị thế vững chắc của thơ dân tộc. Waka đã chính thức được thừa nhận trong phạm vi văn hóa thượng lưu của xã hội Nhật Bản và khẳng định được vai trò của mình ngang hàng với văn thơ Hán trong dòng văn học chính thống. Điều này đã tiếp tục được khẳng định trong nhiều thế kỉ theo.

(2). Đây là tuyển tập thơ ca lớn thứ hai sau Manyōshū và cũng là tuyển tập đầu tiên được biên soạn theo chiếu chỉ của triều đình. Điều này cũng khẳng định xu hướng coi trọng những giá trị văn hoá của xã hội Nhật, đặc biệt là những người đại diện cho tầng lớp lãnh đạo của dân tộc luôn có xu hướng giữ gìn và phát huy văn hoá của dân tộc và đã  trở thành một đặc trưng của xã hội Nhật, thành văn hoá ứng xử của nhà nước, của quốc gia Nhật bản trước những giá trị văn hoá bản địa của mình, góp phần vun đắp và tạo dựng văn hoá truyền thống của Nhật trước những ảnh hưởng của xã hội bên ngoài.

Tác phẩm đã thể hiện vai trò sáng tác của tầng lớp quí tộc thời Heian, Kokinshū  là tác phẩm đầu tiên chỉ riêng của tầng lớp quý tộc hoặc những người trong Hoàng thất. Không chỉ có sáu nhà thơ Waka lỗi lạc hay bốn nhà biên soạn mà phần lớn các thi nhân thời này đều là những nhà thơ thuộc tầng lớp quý tộc. Kể cả những người tuy không theo đuổi mục đích chính trị nhưng họ  đều vẫn giữ những chức vị  nào đó trong xã hội đương thời. Chính vì ở vào địa vị như vậy, các thi nhân này có thể quan sát cuộc sống chốn cung đình mà không sợ bị ảnh hưởng bởi những cuộc tranh giành quyền lực giữa các dòng họ, vừa có thể tận dụng những mối quan hệ xã hội trong những lần nhiệm chức tại các vùng để sáng tác thơ ca và để lại những vần thơ Waka bất hủ cho đời sau.

(3). Tuyển tập cũng đã thể hiện được sự tiếp thu có ý thức các giá trị truyền thống, việc nhân bản, phát huy và gìn giữ nó lên ở mức độ ngày càng cao của người Nhật nói chung. Các soạn giả và tác giả của Kokinshu rất có ý thức tiếp thu những giá trị thơ ca từ trước qua tác phẩm Manyōshū ngay từ cái tên đầu tiên của tuyển tập là ShokuManyōshū  “Tuyển tập tiếp nối Manyoshu” hay việc tiếp thu những kỹ thuật cơ bản trong sáng tác từ các nhà thơ trước đó. Ngoài ra, trong tuyển tập có rất nhiều bài có sử dụng những địa danh được lấy từ Manyōshū (uta-makura) và được coi là những “điển cố”  trong sáng tác thơ Waka. Cùng với Manyoshu, Tuyển tập này đã đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển thơ Waka của Nhật Bản sau này.

(4). Về mặt nghệ thuật, có thể thấy các nhà thơ thời kỳ này cố gắng đạt đến sự hoàn thiện về cả ngôn từ và kỹ thuật làm thơ. Thơ ở thời kì này không còn vẻ thô sơ, mộc mạc nữa mà đã được gọt dũa rất công phu và tinh tế. Thậm chí, có lúc, cũng bởi các tác giả quá coi trọng hình thức  mà dẫn đến bị coi là thiếu sự phát hiện tinh tế với cảm xúc sâu lắng. Sự cầu kỳ, coi trọng hình thức cũng có thể coi là một trong những đặc trưng của văn hóa Nhật Bản, và điều này cũng được thể hiện trong tác phẩm Kokinshū.

(5) Về bố cục, Tuyển tập đã thể hiện được sự khéo léo, tài tình, trí tuệ của những người biên soạn  trong việc sắp xếp tổng thể cũng như từng nội dung của tác phẩm. So với tuyển tập Manyōshū thì rõ ràng bố cục của Kokinshū đã thể hiện một đẳng cấp cao, vượt trội. Từng bài trong tuyển tập, dựa vào nội dung của nó đều được các nhà biên soạn sắp xếp rất công phu vào  từng chủ đề một, trong đó có hai chủ đề lớn nhất là thiên nhiên và tình yêu. Tất cả các chủ đề đều có sự phân bố hợp lý về mặt logic, từ thời gian, diễn biến tâm lý cho đến tên tác giả hay năm sáng tác. Vì vậy, nếu nhìn vào bố cục tổng thể, người đọc có thể cảm nhận được một không gian ba chiều với độ cao về kỹ thuật, độ rộng của nội dung và độ sâu xuất phát từ dư âm, dư vị của mỗi bài. Điều này chắc chắn là các nhà biên soạn Manyōshū trước đó chưa thực hiện được. Tuyển tập này cũng trở thành khuôn mẫu cho các tuyển tập ra đời trong các thế kỷ tiếp sau đó.

(6). Đây không chỉ đơn thuần là một tuyển tập thơ thông thường mà còn là tác phẩm văn học đầu tiên có sự xuất hiện của hình thức phê bình, lý luận về thơ ca. Chính bản Lời tựa Kanajo đã được coi là bản khảo luận đầu tiên về thơ Waka. Ở đây, Ki no Tsurayuki đã nhấn mạnh vào truyền thống bản địa của thơ ca Nhật Bản, tranh luận về bản chất cơ bản, vạch ra nguồn gốc và lịch sử, phân loại phong cách của Waka, và phê bình, đánh giá các tác phẩm của Sáu Thiên tài hơ. Như những nguyên tắc của thi pháp, tính không gò bó của cách viết thơ và sự hòa hợp giữa cảm xúc (kokoro) và cách thể hiện (kotoba) được đánh giá cao. Có thể thấy thi pháp ngày càng phát triển theo xu hướng thẩm mỹ, đánh giá sự sáng tạo hơn sự thể hiện cảm xúc. Tính chất tươi trẻ và mới mẻ ngày càng được nhấn mạnh, nhất là từ khi thơ Waka bị hạn chế trong những giới hạn của cuộc sống cung đình. Tính chất không gò bó này đã góp phần mở đường cho thi pháp trung đại, coi trọng tính chất ngắn gọn, súc tích và tính chất gợi cảm của thơ.

(7). Đây cũng là Tuyển tập mở ra một thời đại văn học Nhật Bản mang phong cách nhẹ nhàng, tình cảm, giàu chất trữ tình và đó cũng là đặc điểm chung của các tác phẩm lớn thời kì này. Quan niệm thẩm mĩ “Miyabi”về sự nho nhã, thanh tao, tâm trạng rung động sâu sắc trước vẻ đẹp của tự nhiên, mặc dù đã có từ trước, trong Manyoshu, nhưng đến Kokinshu thì mới bắt đầu được ý thức hoá một cách rõ ràng. Đặc điểm này đã mang lại cho văn học Nhật Bản nói chung và thơ ca Nhật Bản  một vẻ riêng mà khó một quốc gia phong kiến nào có được và Kokinshu đã khẳng định thêm vào đó cái phong cách thơ nhẹ nhàng giàu chất trữ tình của mình.

KẾT LUẬN

Tác phẩm Kokinshū ghi nhận một thành tựu văn học lớn của thời Heian. Không những thế, các nhà nghiên cứu, các học giả sau này còn có thể tìm thấy  nhiều giá trị to lớn khác về văn hoá, dân tộc học...ẩn chứa trong lòng tác phẩm.

Cũng như các giá trị văn hoá khác của dân tộc Nhật, thơ dân tộc của Nhật cũng không ngừng thay đổi, phát triển, dần thoát khỏi những hình ảnh sáo rỗng, cứng nhắc, các qui phạm về câu chữ, từ ngữ để đến với những cái mới mẻ, tinh tế và thực chất hơn. Các thể thức mới cũng xuất hiện bên cạnh Tanka như Renga, Haiku, rồi senryo.… với số lượng âm tiết cũng dần biến đổi đi. Trong văn học Nhật Bản, điều đáng nói là khi dòng văn thơ Hán đầu thời Heian chiếm ưu thế, dòng thơ dân tộc Waka không hề mất đi hoàn toàn mà chỉ chuyển sang dạng biểu hiện tình cảm riêng tư, cho đến khi  được phục hưng vào giữa Heian thì dòng thơ này đã trỗi dậy, phát triển  rực rỡ bên cạnh dòng văn thơ Hán, đạt được vị trí tương đương với văn thơ Hán trong triều đình. Ngày nay, thể thơ Tanka 31 âm tiết tuy không được ưa chuộng như trước nữa, nhưng vẫn tồn tại bên cạnh thể thơ Haiku và đặc biệt là loại thơ senryo. Điều này  dường như trở thành một nét đặc trưng cho nền văn hóa nơi đây: cái cũ không bao giờ bị thay thế hoàn toàn mà chỉ biến đổi để phù hợp hơn và vẫn luôn song hành cùng cái mới. Điều này  càng khiến cho thơ dân tộc Nhật càng đa dạng, phong phú hơn bởi sự tiếp thu có chọn lọc các yếu tố bên ngoài, ở sự kế tục và phát huy những cái cũ vốn có bên cạnh việc khích lệ sáng tạo những cái mới ngày càng thích hợp và hoàn thiện hơn.

 

TRẦN THỊ CHUNG TOÀN - LẠI HỒNG HÀ

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nhật Chiêu (2003) Câu chuyện văn chương Phương Đông, Nxb Giáo dục.

2. H. H. Honda  (1970) The Kokin Waka-Shu: The 10th – Century Anthology Edited by the Imperial Edict, The Hukuseido & Eirinsha press, Japan.

3. G.B. Samson (1994) Lịch sử Nhật Bản từ thượng cổ đến năm 1334, Lê Năng An dịch, Nxb. Khoa học Xã hội.

4. Nam Trân (2006) Bản thảo “Tổng quan lịch sử văn học Nhật Bản”, http://www. erct.com.

5. N.I. Kônrat (1999) Văn học Nhật Bản từ cổ đến cận đại, Trịnh Bá Đĩnh dịch, Nxb. Đà Nẵng.

6. 上田正昭 (ほか) (2001),『コンサイス日本人名事典』, (第4版) 三省堂.

7. 小沢正夫, 松田成穂(1994)『古今和歌集』、(新編日本古典文学全集 11).

8.  小学館佐伯梅友(1994),『古今和.

9. 歌集』, 岩波書店.

 

 

 

 



(1) F. là chữ viết tắt, kí hiệu thay thế cho tên gọi đầy đủ của dòng họ Fujiwara.

(2) G.B. Samson (1994) Lịch sử Nhật Bản từ thượng cổ đến năm 1334, Lê Năng An dịch, Nxb. Khoa học Xã hội.

(3) N.I. Kônrat (1999) Văn học Nhật Bản từ cổ đến cận đại, Trịnh Bá Đĩnh dịch, Nxb. Đà Nẵng.

(4) Nam Trân (2006) Bản thảo “Tổng quan lịch sử văn học Nhật Bản”, http://www. erct.com.

 

 

 

 

0thảo luận