Tác giả: Peter R. Mitchell, John Schoeffel
Dịch giả: Hoàng Văn Vân, hiệu đính: Đinh Hoàng Thắng
Nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội, 2012, 576 trang
Kí hiệu: Vv 2450
Cuốn sách “Nhận diện quyền lực” của Noam Chomsky được xuất bản tại Mỹ với sự tham gia biên tập của Peter R. Mitchell và John Schoeffel. Qua ấn phẩm này, cái nhìn tổng quan về tư tưởng chính trị của Noam Chomsky thông qua hình thức hỏi đáp lần đầu tiên được giới thiệu với bạn đọc Việt Nam nhờ công lao dịch thuật của GS. TS. Hoàng Văn Vân.
Với kết cấu đặc biệt và hình thức độc đáo, cuốn sách soi sáng các giá trị dân chủ, lòng khoan dung, tính công khai minh bạch, quyền tự do và quyền con người qua lăng kính của Noam Chomsky, một nhà tư tưởng với tư duy tích hợp, một trí thức cánh tả hàng đầu của Mỹ trong hơn 30 năm qua. Theo Noam Chomsky, ngoài chủ nghĩa khủng bố, các nhà nước thất bại, tội phạm có tổ chức, dịch bệnh và vũ khí giết người hàng loạt, còn nhiều thách thức toàn cầu khác, từ các vấn nạn môi trường đến các mô hình phát triển, đòi hỏi các quốc gia trụ cột trong hệ thống quốc tế phải có ý thức trách nhiệm cao hơn trước cộng đồng quốc gia và cộng đồng nhân loại. Cuốn sách đã truyền tải tư tưởng của Noam Chomsky một cách trung thực nhất, tôn trọng các quan điểm khác biệt của ông.
Bản gốc của cuốn sách là tập hợp các bài nói chuyện, thuyết trình, tọa đàm và phỏng vấn về những vấn đề tư tưởng, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học đương thời giữa giáo sư Noam Chomsky với cử tọa của ông, bao gồm các học giả, học viên cao học và nghiên cứu sinh thuộc nhiều ngành khoa học khác nhau ở nhiều nơi trên nước Mỹ. Như vậy có thể thấy, “Nhận diện quyền lực” chứa đựng một phạm vi rộng lớn những vấn đề tư tưởng, ý thức hệ, chính trị, kinh tế, xã hội, quyền lực, văn hóa, giáo dục, khoa học đương đại ở cả nước Mỹ và trên thế giới. Những vấn đề này được Noam Chomsky lý giải một cách súc tích, tường minh nhưng thực sự không dễ nắm bắt. Để giải thích chúng, ông đã sử dụng một khối lượng kiến thức đồ sộ từ cổ chí kim, một hiểu biết rộng về nhân tình thế thái, làm cho nhiều lí luận kinh viện trở nên hấp dẫn đối với độc giả.
Cuốn sách tập hợp lại công trình của một trong những nhà hoạt động chính trị tích cực nhất và nhà tư tưởng nổi tiếng nhất của thời đại chúng ta. Các cuộc thảo luận gồm chuỗi các chủ đề từ những hoạt động của các phương tiện truyền thông hiện đại đến toàn cầu hóa, từ hệ thống giáo dục đến các cuộc khủng hoảng môi trường, từ các tổ hợp công nghiệp – quân sự đến các chiến lược của các nhà hoạt động chính trị và nhiều vấn đề khác. Tất cả được trình bày thành một tổng thể mang tính cách mạng để đánh giá thế giới và để nhận diện quyền lực.
Nội dung cuốn sách gồm 10 chương. Chương mở đầu giới thiệu hai chủ đề bao quát hầu như mọi phương diện của cuốn sách đó là sự tiến triển của trào lưu tiến bộ nhằm thay đổi thế giới, vai trò của các phương tiện truyền thông trong việc chặn đứng trào lưu tích cực đó và trong việc hình thành nên phong cách tư duy của chúng ta. Cuốn sách đi theo trật tự thời gian phỏng chừng, bắt đầu bằng bốn cuộc thảo luận diễn ra trong hai năm 1998-1999, buổi bình minh của kỉ nguyên hậu Chiến tranh Lạnh. Những chương đầu tiên đặt nền móng cho các phân tích sau này của Noam Chomsky. Những chương còn lại khám phá các tiến triển gần đây (2001-2002) trong chính sách đối ngoại của Mỹ, kinh tế học thế giới, môi trường chính trị, xã hội trong nước cũng như các chiến lược và những vấn đề còn tồn tại của các nhà hoạt động chính trị. Cuốn sách và những lời chú giải kèm theo đã đưa những suy luận của Noam Chomsky đến gần độc giả ngày nay.
Điểm khác biệt trong tư duy chính trị của Noam Chomsky không phải là cái nhìn sâu sắc mới lạ hay một ý tưởng bao quát đơn lẻ nào. Trên thực tế, lập trường chính trị của ông có cội nguồn từ những khái niệm đã được hiểu rõ qua nhiều thế kỷ. Đóng góp vĩ đại của Noam Chomsky là việc có được một tài sản đồ sộ những thông tin có thật và kỹ năng phi thường của ông trong việc vạch trần, từ trường hợp này đến trường hợp khác, những hoạt động và sự lừa dối của các thể chế đầy quyền lực trong thế giới ngày nay. Phương pháp của ông bao gồm việc giảng giải thông qua các ví dụ không trừu tượng như là các phương tiện giúp người đọc học được cách tư duy phê phán cho chính họ.
Cuốn sách với nội dung rộng lớn đã giúp độc giả hiểu một cách tổng thể và sâu sắc hơn về diễn biến quyền lực trên toàn thế giới. Từ đó, giúp cho các nhà hoạch định chính sách có được những giải pháp đúng đắn phù hợp với tình hình thế giới, khu vực và trong chính quốc gia mình. Cuốn sách là nguồn tư liệu tham khảo hữu ích để các nước áp dụng vào thực tế nước mình trong cục diện chung của thế giới, đặc biệt là các nước trong khu vực Đông Bắc Á, khu vực đang diễn ra nhiều vấn đề nóng bỏng, trên cơ sở nhận diện quyền lực toàn cầu.
Thực hiện: Hà Hậu, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á