Tác giả tập thể: Bộ Công thương
Nhà xuất bản Công thương, Hà Nội, 2012, 227 trang
Kí hiệu: Vv 2438
Quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản không ngừng phát triển. Hiện nay, Nhật Bản không chỉ là nhà tài trợ ODA lớn nhất mà còn là bạn hàng thương mại lớn thứ hai của Việt Nam. Nhật Bản là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam trong nhiều năm. Đây là một thị trường tiêu dùng vào loại lớn nhất thế giới, đặc biệt đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản – nhóm hàng xuất khẩu mạnh của nước ta. Trong giai đoạn 2001-2010, thương mại Việt Nam – Nhật Bản chiếm tỷ lệ trung bình 11,62% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Hiệp định đối tác toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) đã mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa xuất khẩu của nước ta thâm nhập vào thị trường Nhật Bản nếu tận dụng và khai thác có hiệu quả những ưu đãi trong các Hiệp định này.
Tuy nhiên, có một thực tế là tỷ trọng của thị trường Nhật Bản trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có xu hướng giảm dần, từ 34,46% trong năm 1991 xuống còn 10,70% trong năm 2010. Cùng với đó là sự sụt giảm của tốc độ tăng trưởng kim ngạch với 12,67% trong giai đoạn từ 2001-2010 so với 20,63% của giai đoạn 1991-2000. Sự sụt giảm này do nhiều nguyên nhân như hoạt động xuất khẩu của nước ta sang thị trường này đạt hiệu quả thấp, hàng hóa xuất khẩu chưa đáp ứng tốt tiêu chuẩn chất lượng, nghèo nàn về chủng loại, doanh nghiệp còn thiếu thông tin và kinh nghiệm kinh doanh với thị trường này…
Nhằm góp phần vào việc đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Nhà xuất bản Công thương biên soạn và xuất bản cuốn sách “Đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản”. Nội dung chính được thể hiện trong 4 chương của cuốn sách.
Trong chương 1, cuốn sách trình bày một cách tổng quan về thị trường Nhật Bản gồm những thông tin về các số liệu cơ bản, điều kiện tự nhiên, xã hội, thể chế và cơ cấu hành chính; hệ thống pháp luật, các ngày nghỉ lễ. Ngoài ra, cuốn sách cũng đề cập đến tình hình phát triển kinh tế và thương mại của Nhật Bản; xu hướng xuất nhập khẩu của Nhật Bản theo khu vực và theo chủng loại hàng hóa; tình hình phát triển đầu tư.
Chương 2 trình bày về quan hệ thương mại Việt Nam – Nhật Bản trên hai khía cạnh là cán cân thương mại Việt Nam – Nhật Bản và hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Nhật Bản. Trong đó nhấn mạnh đến kim ngạch và cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Nhật Bản; kim ngạch và cơ cấu các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Nhật Bản.
Chương 3 giới thiệu về Hiệp định AJCEP và VJEPA; lộ trình cam kết thuế quan; phân tích về việc tận dụng ưu đãi theo các Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản và Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản để đẩy mạnh xuất khẩu sang Nhật Bản; những thuận lợi và khó khăn, thách thức. Tình hình thực hiện tận dụng ưu đãi trong Hiệp định VJEPA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Nhật Bản từ năm 2009 đến nay; những kết quả đạt được và những hạn chế cũng như nguyên nhân của chúng.
Chương 4 cung cấp một số thông tin cần biết khi kinh doanh với Nhật Bản bao gồm các quy định về xuất nhập khẩu như chứng từ nhập khẩu, các luật và quy định liên quan, các mặt hàng cấm nhập khẩu; chính sách thuế và thuế suất như hệ thống thuế và thuế xuất nhập khẩu; quy định về bao gói nhãn mác; quy định về kiểm dịch động, thực vật; quyền sở hữu trí tuệ; quy định về tiêu chuản đối với hàng hóa dịch vụ như quy chuẩn tiêu chuẩn công nghiệp Nhật Bản – JIS, quy định tiêu chuẩn nông nghiệp Nhật Bản – JAS, quy định tiêu chuẩn môi trường Ecomark và một số quy định và dấu chứng nhận chất lượng khác; thành lập doanh nghiệp như văn phòng đại diện, văn phòng chi nhánh, công ty liên doanh, thủ tục thành lập văn phòng đại diện tại Nhật Bản, thủ tục đăng ký thành lập chi nhánh tại Nhật Bản; văn hóa kinh doanh như giờ làm việc, một số nguyên tắc kinh doanh và tập quán tiêu thụ; kinh nghiệm kinh doanh một số mặt hàng sang thị trường Nhật Bản như mặt hàng nội thất, rau quả, thủy sản và may mặc; một số địa chỉ hữu ích như các cơ quan có thẩm quyền của Nhật Bản và Việt Nam.
Như vậy có thể thấy, nội dung chủ yếu của cuốn sách cung cấp thông tin cơ bản về thị trường Nhật Bản, phân tích hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản hiện nay, thực trạng và giải pháp để tận dụng tốt các ưu đãi theo Hiệp định AJCEP và VJEPA, kinh nghiệm kinh doanh một số mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như nội thất, nông sản, hải sản, dệt may sang thị trường Nhật Bản. Những thông tin này là nguồn tham khảo bổ ích cho các nhà doanh nghiệp khi muốn đẩy mạnh hoạt động thương mại với Nhật Bản. Với những nội dung được nói ở trên, cuốn sách đã mang đến cho bạn đọc những hiểu biết sâu sắc và cái nhìn toàn diện hơn về thị trường Nhật Bản. Đặc biệt cuốn sách mang đến những thông tin hữu ích giúp cho các nhà hoạch định chính sách thuận lợi hơn trong việc hoạch định chính sách đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản trong thời gian tới. Xin giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.
Thực hiện: Hà Hậu