Tác giả: Brice M. Claget
Dịch giả: Nguyễn Quang Vinh, Cao Xuân Thự
Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2012, 155 trang
Kí hiệu: Vv 2436
Ngày 12/5/1977, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Tuyên bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Trong đó nêu rõ “thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển thuộc phần kéo dài tự nhiên của lục địa Việt Nam mở rộng ra ngoài lãnh hải Việt Nam cho đến bờ ngoài của rìa lục địa; nơi nào bờ ngoài của rìa lục địa cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam không đến 200 hải lý thì thềm lục địa nơi ấy mở rộng ra 200 hải lý kể từ đường cơ sở đó. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có chủ quyền hoàn toàn về mặt thăm dò, khai thác, bảo vệ và quản lý tất cả các tài nguyên thiên nhiên ở thềm lục địa Việt Nam bao gồm tài nguyên khoáng sản, tài nguyên không sinh vật và tài nguyên sinh vật thuộc loại định cư ở thềm lục địa Việt Nam” (mục 4).
Căn cứ Tuyên bố nói trên và phù hợp với các quy định của luật biển quốc tế hiện đại, các bãi ngầm Tư Chính cũng như các khu vực mỏ dầu Thanh Long và Đại Hùng hoàn toàn nằm trong giới hạn thềm lục địa Việt Nam. Trên cở sở đó, Nhà nước ta đã và đang tiến hành các hoạt động quy hoạch, thăm dò và khai thác khu vực này, Chính phủ ta đã có quyết định thành lập “Cụm khoa học, kinh tế và dịch vụ” thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (năm 1989). Tại đó, hiện đang có hàng chục trạm thường xuyên phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, khai thác hải sản và thăm dò dầu khí bình thường của nước ta. Ngày 08/05/1992, Công ty Dầu mỏ ngoài khơi Trung Quốc ký một hợp đồng đặc nhượng cho Công ty Năng lượng Crestone của Mỹ vào thăm dò dầu khí tại khu vực Tư Chính và lập luận rằng khu vực Tư Chính thuộc “vùng nước kế cận quần đảo Nam Sa, lãnh thổ Trung Quốc”
Trước sự quan tâm của thế giới và các nước trong khu vực, luật sư Brice M. Claget thuộc Văn phòng Luật sư Covington & Burling của Mỹ đã đưa ra tài liệu nghiên cứu phân tích về mặt pháp lý liên quan đến khu vực này đăng trên Tạp chí Dầu mỏ và Khí đốt của Anh (các số 10 và 11 năm 1995). Bằng phương pháp phân tích khách quan thực tiễn quốc tế và thông qua việc vận dụng các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế hiện nay, bao gồm cả Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, của Tòa án quốc tế, ông đã chứng minh rõ ràng “yêu sách của Trung Quốc… là bất hợp lý”, đối lập sâu sắc với những nguyên tắc cơ bản nhất của luật pháp quốc tế điều chỉnh quyền đối với thềm lục địa và hoạch định ranh giới biển và sẽ bị bất kỳ một tòa án nào bác bỏ khi áp dụng Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển hay luật tập quán quốc tế”.
Năm 1996, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia đã xuất bản cuốn sách “Những yêu sách đối kháng của Việt Nam và Trung Quốc ở khu vực bãi ngầm Tư Chính và Thanh Long trong biển Đông” của Luật sư Brice M. Claget, để có thêm căn cứ hiểu rõ quan điểm lập trường đúng đắn phù hợp với luật pháp của nước ta trong việc xác định phạm vi chủ quyền các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam, giải quyết các tranh chấp trên biển trong tình hình hiện nay thông qua đàm phán hòa bình.
Đáp ứng nhu cầu của bạn đọc trong việc tìm hiểu các vấn đề liên quan tới tranh chấp chủ quyền trên biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, góp phần tiếp tục khẳng định lập trường đúng đắn của Nhà nước ta về các vấn đề nêu trên, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật tái bản cuốn “Những yêu sách đối kháng của Việt Nam và Trung Quốc ở khu vực bãi ngầm Tư Chính và Thanh Long trong biển Đông”. Nội dung cuốn sách gồm 4 phần chính.
I. Vị trí địa lý và lịch sử của các yêu sách ở Biển Đông. Trong đó, tác giả mô tả bị trí địa lý của biển Đông và quần đảo Trường Sa; tóm tắt các yêu sách của các nước trong biển Đông; cơ sở về chủ quyền và những cuộc tranh chấp ranh giới biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.
II. Các nguyên tắc của luật pháp quốc tế có thể áp dụng. Trong đó tác giả đề cập đến việc hoạch định ranh giới biển; các tiêu chuẩn hoạch định; nguyên tắc sự kéo dài tự nhiên, đặc quyền trên thềm lục địa rộng tối thiểu 200 hải lý và quyền vượt ra ngoài 200 hải lý.
III. Việc áp dụng những nguyên tắc của luật pháp quốc tế vào những yêu sách của Việt Nam và Trung Quốc đối với khu vực Tư Chính và Thanh Long. Ở đây, tác giả phân tích những yêu sách của Trung Quốc và những yêu sách tiềm tàng của Việt Nam.
IV. Những triển vọng để giải quyết cuộc tranh chấp. Trong đó, tác giả đề cập đến triển vọng thương lượng ngoại giao đề đi đến một giải pháp hòa bình cho cuộc tranh chấp giữa hai bên; tiến hành các cuộc đàm phán song phương và đa phương giữa các nước trong khu vực; biện pháp hòa giải, dàn xếp và sử dụng người trung gian được cả hai bên tin cậy…
Tranh chấp biển đang là vấn đề rất được quan tâm, nhất là trong giai đoạn hiện nay, giữa các nước trên thế giới đang xảy ra nhiều cuộc tranh chấp. Đây là vấn đề khá nhạy cảm và đòi hỏi phải có những biện pháp khôn khéo để giải quyết. Với những nội dung nêu trên, cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nước đang xảy ra tranh chấp biển đảo hiện nay trên thế giới. Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.
Thực hiện: Hà Hậu