Trang chủ

PHỤ NỮ CHÂU Á VÀ GIÁO DỤC – QUAN ĐIỂM Á, ÂU VÀ NHỮNG NHÌN NHẬN KHÁC

Đăng ngày: 22-01-2013, 09:17 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Trần Thị Phương Hoa

Nhà xuất bản Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2012, 519 trang

Kí kiệu: Vv2437

Châu Á hiện diện như một bức tranh đa màu sắc về văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị với sự đa dạng của các quốc gia về diện tích, dân số, truyền thống, phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng. Mặc dù có những khác biệt như vậy, hình ảnh người phụ nữ Châu Á dường như cũng có những điểm tương đồng. Trong lịch sử, phụ nữ Châu Á từng được coi là “những sinh vật bị nhốt trong hộp. Họ [phụ nữ] có tay, chân và giọng nói nhưng họ dường như là vô hình vì tự do của họ bị trói chặt” (trường hợp Nhật Bản). Rất nhiều người trong số họ bị ràng buộc bởi giáo lý nghiệt ngã như Nho giáo quy định vị trí của phụ nữ trong xã hội và trong mối quan hệ với đàn ông “họ [phụ nữ] phải cố lấy lòng đàn ông bằng cách phục tùng mệnh lệnh như những con ngựa và con bò. Họ không hơn gì kẻ ăn người ở và trở thành thứ đồ chơi không biết liên sỉ của đàn ông” Thậm chí họ còn bị bó chân để không thể đi đâu được (trường hợp Trung Quốc). Phụ nữ buộc phải quên đi những khát vọng và nhu cầu riêng của họ và luôn được giáo dục rằng “đàn bà về bản chất là thấp kém và chỉ biết nghe lời” (trường hợp Việt Nam). Ở các nước Hồi giáo, phụ nữ buộc phải quên đi diện mạo của mình và luôn che mặt.

Thế kỷ XX chứng kiến nhiều đổi thay với thân phận người phụ nữ, liên quan đến vai trò và vị trí của họ trong gia đình và trong xã hội. Vào đầu thế kỷ XX, phụ nữ đã đòi những quyền cơ bản như quyền được đến trường và quyền bầu cử. Quá trình này được khích lệ bởi những cải cách giáo dục ở Châu Âu cuối thế kỷ XIX, khi giáo dục thế tục thay thế cho giáo dục nhà thờ mở ra kỷ nguyên mới của giáo dục đại chúng bao gồm cả trường học dành cho nữ giới.

Hơn một thế kỷ đã trôi qua kể từ quá trình hiện đại hóa giáo dục diễn ra ở Châu Á. Nhưng liệu giáo dục có cải thiện cuộc sống của người phụ nữ? Và khi điều kiện sống đã được cải thiện, liệu người phụ nữ có ảm thấy hạnh phúc hơn? Câu trả lời không phải bao giờ cũng là có. Một nghiên cứu gần đây về điều kiện sống của phụ nữ ở 15 nước Châu Á cho biết “điều kiện sống của phụ nữ ở Đông Á và Đông Nam Á được cải thiện nhanh chóng khi thu nhập của phụ nữ tăng nhanh hơn so với phụ nữ ở Nam Á. Điều này cho thấy tăng trưởng kinh tế làm lợi cho phụ nữ. Tuy nhiên, truyền thống văn hóa, đôi khi gây tác động đến địa vị của người phụ nữ mạnh mẽ hơn so với các điều kiện về kinh tế và chính trị. Chẳng hạn, ở Nam Á và Đông Á, truyền thống gia trưởng chiến ưu thế và người ta thích sinh con trai hơn. Trong khi đó, ở Đông Nam Á truyền thống văn hóa khiến kho bình đẳng giới có phận được coi trọng hơn”. Phụ nữ Châu Á cũng có quyền được đi học vào thời điểm không muộn hơn nhiều so với phụ nữ Châu Âu. Tuy nhiên, kết quả của nó (mối liên quan giữa học vấn với địa vị của phụ nữ trong xã hội) vẫn chưa tương xứng với những công sức phụ nữ đã bỏ ra và những gì mà họ hy vọng do ảnh hưởng của truyền thống văn hóa, tôn giáo, phong tục tập quán xã hội.

Để hiểu rõ hơn và giải đáp những câu hỏi liên quan đến vấn đề này, Viện Nghiên cứu Châu Âu và Viện Khoa học xã hội Việt Nam được sự ủng hộ của Viện Harvard-Yenching đã tổ chức hội thảo khoa học quốc tế với tên gọi “Phụ nữ Châu Á và giáo dục – quan điểm Á, Âu và những nhìn nhận khác” trong năm 2011. Kỷ yếu của Hội thảo này đã được xuất bản thành sách cùng tên. Hội thảo đã thu hút được các nhà khoa học đến từ Châu Âu, Châu Á, Mỹ với 18 tham luận được trình bày về một chủ đề luôn hấp dẫn và chưa bao giờ mất đi tính thời sự, đó là phụ nữ và giáo dục.

Các tham luận của Hội thảo cho thấy có những điểm tương đồng mà các học giả từ những châu lục khác nhau có thể trao đổi đó là giáo dục là một trong những yếu tố quan trọng giúp người phụ nữ vươn lên tự khẳng định mình trong xã hội. Nhưng chúng ta hiểu rằng hiện vẫn còn nhiều quan điểm khác biệt nhau, thậm chí xung đột về vấn đề bình đẳng giới, nhất là giữa Châu Á và Châu Âu, giữa phương Đông và phương Tây. Trong giáo dục, dường như sự bình đẳng giới được thể hiện rất rõ và đây cũng là một thành tựu đáng ghi nhận về nỗ lực của phụ nữ trong cuộc đấu tranh bình quyền mang tính phổ biến. Tuy nhiên, liệu giáo dục có làm thay đổi được tất cả? Liệu giáo dục có đem lại cho người phụ nữ một địa vị tương xứng với khả năng của họ?

Các tham luận trình bày trong Hội thảo tập trung vào một số chủ đề cơ bản đó là từ giáo dục tại gia tới trường học – thay đổi trong phương thức và quá trình học tập của phụ nữ; giáo dục cho phụ nữ và phong trào nữ quyền; giáo dục  cho phụ nữ và bình đẳng giới; giáo dục cho phụ nữ và vấn đề tộc người, tôn giáo; giáo dục cho phụ nữ và quá trình tham gia vào các hoạt động xã hội/chính trị của nữ giới. Với những nội dung này hy vọng bạn đọc sẽ tìm được câu trả lời trong các tham luận được trình bày trong Hội thảo và đã được tập hợp đẩy đủ trong cuốn sách này. Xin giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc.

Thực hiện: Hà Hậu

0thảo luận