Trang chủ

KINH TẾ VÀ CHÍNH TRỊ THẾ GIỚI NĂM 2011 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2012

Đăng ngày: 22-01-2013, 09:11 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: PGS. TS. Hoàng Thị Thanh Nhàn chủ biên

Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 2012, 342 trang

Kí hiệu: Vv 2443

Năm 2011 khép lại với nhiều diễn biến kinh tế và chính trị toàn cầu gây nhiều cảm xúc trái chiều. Sau khủng hoảng tài chính Châu Á 1997-1998 và khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008-2009, năm 2011 chứng kiến nền kinh tế toàn cầu chật vật đạt mức tăng trưởng thấp hơn dự kiến, lạm phát và thất nghiệp cao nhưng mang tính địa phương, thị trường tài chính ảm đạm, nợ công lan rộng và đặc biệt trầm trọng ở khu vực đồng euro, giá hàng hóa nhiên liệu gia tăng… Tất cả cảnh báo về một tương lai kinh tế năm 2012 không sáng sủa do quá nhiều mâu thuẫn phức tạp và nhiều điểm nóng bất chắc về kinh tế - xã hội.

Năm 2011 cũng chứng kiến nền chính trị toàn cầu thay đổi đáng kể với biến động chính trị chưa hề được dự báo như bất ổn ở Bắc Phi – Trung Đông, với các chính sách hạt nhân đầy bất chắc ở Triều Tiên hay Iran, với căng thẳng gia tăng và không dễ giải quyết ở biển Đông… Trong rất nhiều biến động này, người ta nhìn thấy vai trò can dự của các cường quốc cũng như cuộc tranh giành quyền lực giữa hai siêu cường là Mỹ và Trung Quốc. Bàn cờ chính trị toàn cầu đang chuyển động phức tạp và rất khó đoán định trong năm 2012 khi mà lãnh đạo quốc gia ở Mỹ, Nga và Trung Quốc thay đổi sau các cuộc bầu cử hoặc chuyển giao quyền lực.

Trên đây là những vấn đề mà cuốn sách “Kinh tế và chính trị thế giới năm 2011 và triển vọng năm 2012” đề cập đến. Nội dung của cuốn sách này gồm 4 chương như sau:

Chương I: Kinh tế thế giới năm năm 2011. Trong đó nhóm tác giả trình bày tổng quan về nền kinh tế thế giới năm 2011; thương mại quốc tế năm 2011; đầu tư quốc tế năm 2011; và tài chính quốc tế năm 2011.

Cuối năm 2010, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2011 sẽ giảm 0,7% còn 4,2% so với trước đó là 4,9%. Khi đó, hầu hết giới quan sát đều lạc quan tin rằng dự báo sẽ thành hiện thực sáng sủa. Tuy nhiên những gì diễn ra trong năm 2011 đã làm những hy vọng của năm 2010 nhanh chóng tan biến. Nền kinh tế thế giới năm 2011 hiển hiện với nhiều ngổn ngang và lo ngại. Nền kinh tế thế giới đang ở trong một giai đoạn khó khăn bởi phải đối mặt với quá nhiều vấn đề trong cả tầm ngắn hạn và trung hạn. Chẳng hạn như tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự báo; tình trạng thất nghiệp đáng lo ngại; lạm phát cao; khủng hoảng niềm tin đối với vai trò của nhà nước và thị trường. Bên cạnh đó, thương mại quốc tế cũng phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề như tốc độ tăng trưởng thương mại quốc tế thấp hơn năm 2010; xu hướng tăng giá đối với hầu hết các nhóm hang hóa; tác động lên cán cân, điều kiện thương mại. FDI ở các nước phát triển vẫn tiếp tục sụt giảm. Các thị trường chứng khoán suy thoái. Cuộc khủng hoảng nợ công ở Châu Âu chưa có lối thoát…

Chương II: Chính trị thế giới năm 2011. Ở đây, các tác giả cũng nêu lên tổng quan tình hình chính trị thế giới năm 2011; quan hệ giữa các nước lớn năm 2011; xung đột và ly khai năm 2011; vấn đề toàn cầu và an ninh phi truyền thống năm 2011.

Năm 2011 được khắc họa đạm nét bở sự tan vỡ của hàng loạt thể chế xã hội từng thành công trong quá khứ, bởi sự sụp đổ của chính thể độc tài tại Bắc Phi và Trung Đông… Sự dâng trào tranh chấp biển Đông, nghi vấn Iran làm giàu uranium làm nóng mâu thuẫn giữa phương Tây và quốc gia Hồi giáo này, sự chuyển giao quyền lực tại Bắc Triều Tiên, xung đột biên giới Thái Lan – Campuchia, tuyên bố cải cách theo hướng dân chủ tại Myanmar… Tất cả tạo ra những nét khác biệt của năm 2011.

Chương III: Tình hình kinh tế một số nước và khu vực năm 2011. Cụ thể là ở Mỹ, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và khu vực Đông Nam Á (ASEAN).

Mặc dù nước Mỹ đã và đang bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế sau  hơn 2 năm suy thoái, song các chỉ số cơ bản được công bố trong năm 2011 cho thấy tốc độ phục hồi của nền kinh tế này khá yếu ớt và thấp hơn nhiều so với dự đoán trước đó của các nhà kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp cao, nợ công kịch trần và thâm hụt ngân sách khổng lồ trở thành những thách thức lớn đe dọa tiến trình phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm qua.

Chương IV: Triển vọng kinh tế và chính trị thế giới năm 2012 và một số hàm ý chính sách cho Việt Nam. Sau hai năm phục hồi mong manh và thiếu cân bằng kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2009, những biến cố xảy ra với kinh tế thế giới hiện tại, nền kinh tế thế giới lại đứng trước bờ vực của một cuộc suy thoái mới. Các tổ chức nghiên cứu kinh tế trên toàn thế giới đều đưa ra nhận định,  kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng trưởng yếu ớt và sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong năm 2012.

Nhiều chuyên gia phân tích chính trị cho rằng, năm 2012 sẽ là năm bản lề cho việc hình thành một trật tự thế giới mới, những biến đổi của năm 2012 sẽ khiến thế giới thay đổi hẳn diện mạo khi có đến 76 quốc gia trên thế giới bước vào các cuộc bầu cử tìm kiếm người lãnh đạo mới. Sự thay đổi chính sách đối ngoại và đối nội của họ chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn tới quan hệ quốc tế.

Cuốn sách ra đời không chỉ cung cấp thông tin thuần túy mà còn bình luận, phân tích sự kiện, so sánh với các năm trước, đồng thời dự báo năm tiếp theo để người đọc có được cái nhìn tổng quan về thế giới dưới góc độ kinh tế và chính trị. Ngoài ra, căn cứ trên thực tiễn và lý luận, nhóm tác giả đưa ra một số hàm ý chính sách cho Việt Nam nhằm cung cấp luận cứ cho Nhà nước ra quyết sách và điều hành vĩ mô.

Thực hiện: Hà Hậu

0thảo luận