Tác giả tập thể: Bộ Công thương
Nhà xuất bản Công thương, Hà Nội, 2010, 127 trang
Kí hiệu: Vv 2442
Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng có đường biên giới chung dài hàng ngàn km và có quan hệ kinh tế - thương mại từ lâu đời. Với đặc thù như vậy và với nhiều nét văn hóa tương đồng, quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước đã phát triển rất mạnh trong những năm gần đây cùng với ự phát triển mạnh mẽ của kinh tế, thương mại mỗi nước, đặc biệt là xu hướng tăng mạnh nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam.
Hiện Trung Quốc là thị trường cung cấp hàng hóa lớn nhất và quan trọng cho Việt Nam, từ các mặt hàng là vật tư, nguyên liệu, máy móc thiết bị… cho đến các mặt hàng tiêu dùng như quần áo, giày dép, hàng điện, điện tử gia dụng, rau quả, đồ chơi trẻ em…
Bên cạnh những tác động tích cực của hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc như giá rẻ, công nghệ phù hợp với trình độ sản xuất ở trong nước, giúp kích thích sản xuất trong nước phát triển… thì hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, nhất là hàng nhập lậu cũng đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước ta, đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp và cả người tiêu dùng.
Hưởng ứng chủ trương của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động, thời gian qua các doanh nghiệp và các ban ngành đoàn thể chính trị - xã hội đã tiến hành nhiều hoạt động cụ thể và thiết thực nhằm thực tế hóa chủ trương này.
Nhân dịp này, Nhà xuất bản Công thương đã xuất bản cuốn sách “Thực trạng hàng Trung Quốc tại thị trường nội địa – một số giải pháp cho hàng Việt Nam”. Nội dung cuốn sách kết cấu 6 chương.
Chương 1: Đánh giá thị phần hàng Trung Quốc tại thị trường nội địa. Trong đó trình bày tình hình thương mại Việt Nam – Trung Quốc; thị phần nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Trung Quốc gồm nhóm hàng thực phẩm tiêu dùng, nhóm hàng công nghiệp tiêu dùng và nhóm hàng vật tư, máy móc, nguyên nhiên liệu; thị phần hàng tiêu dùng Trung Quốc tại thị trường Việt Nam phân theo khu vực và phân theo chủng loại hàng hóa. Đưa ra nhận định, đánh giá xu hướng của hàng Trung Quốc tại thị trường nội địa và những tác động của ACFTA.
Chương 2: Tác động của hàng Trung Quốc đối với nền kinh tế. Chương này phân tích những tác động tích cực của hàng Trung Quốc đối với nền kinh tế đó là cung cấp máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ở trong nước; cung cấp hàng hóa phong phú, giá rẻ phục vụ tiêu dùng trong nước; tạo áp lực cạnh tranh cho hàng hóa sản xuất trong nước. Đồng thời chỉ ra những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế, đối với doanh nghiệp, đối với người tiêu dùng và một số vụ việc điển hình trên thế giới liên quan đến hàng hóa Trung Quốc ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người tiêu dùng.
Chương 3: Chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc kích cầu tiêu dùng hàng nội địa và hạn chế hàng hóa nhập khẩu. Trong đó đề cập đến chiến lược phát triển thương mại nội địa đến năm 2020; định hướng quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ trên phạm vi toàn quốc đến năm 2020; chiến lược phát triển thương mại nông thôn đến năm 2020; chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước.
Chương 4: Những thành công trong cạnh tranh với hàng Trung Quốc ở một số ngành hàng, mặt hàng. Đó là mặt hàng bia rượu, nước giải khát; mặt hàng bánh kẹo; và mặt hàng xe máy. Phân tích chính sách và giải pháp của nhà nước cũng như của doanh nghiệp và những thành công trong các mặt hàng này.
Chương 5: Một số biện pháp hạn chế hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc của một số nền kinh tế trên thế giới. Trong đó đề cập đến việc áp dụng hàng rào thuế quan đó là áp thuế chống bán phá giá, áp dụng các điều kiện khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó còn có biện pháp mở cửa thị trường cho nước thứ ba và hợp tác với công ty Trung Quốc.
Chương 6: Đề xuất những biện pháp để hạn chế hàng nhập khẩu chiếm lĩnh thị trường nội địa. Những giải pháp của Nhà nước như hoàn thiện và đổi mowias các chính sách của nhà nước; nghiên cứu xây dựng hàng rào kỹ thuật; xây dựng lực lượng hải quan và Quản lý thị trường đủ mạnh; xây dựng chính sách thương mại trong nước; tăng cường xúc tiến thương mại; khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc thông qua chủ trương “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”. Một số giải pháp đối với doanh nghiệp đó là giải pháp về thị trường và giải pháp về sản phẩm.
Nội dung của cuốn sách đề cập về tình hình nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc vào nước ta trong những năm gần đây; thị phần của hàng hóa Trung Quốc tại thị trường nội địa; những thành công của một số ngành hàng, mặt hàng và của một số doanh nghiệp trong quá trình cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu nói chung và hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nói riêng; kinh nghiệm trong cạnh tranh và hạn chế hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc của một số nền kinh tế trên thế giới và cuối cùng là đề xuất những giải pháp để hàng Việt Nam có thể cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Qua cuốn sách bạn đọc sẽ có một cái nhìn cụ thể về thực trạng hàng hóa Trung Quốc tại thị trường Việt Nam cũng như những giải pháp để cạnh tranh với hàng nhập khẩu, đặc biệt là hàng nhập lậu, góp phần giảm nhập siêu, từ đó thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển. Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.
Thực hiện: Hà Hậu