Thách thức trong quản lý nguồn nhân lực ở Nhật Bản
Tác giả: Ralf Bebenroth, Toshihiro Kanai
Nhà xuất bản Routledge, USA, 2011, 241 trang
Kí hiệu: Lv 822
Ngôn ngữ: tiếng Anh
Trong nhiều thập kỷ từ sau Chiến tranh thế giới lần 2, trên góc độ nghiên cứu kinh tế vi mô của khoa học quản lý, người ta nhận thấy rằng ở một số nền kinh tế trong thế giới phương Tây có đặc điểm là năng suất thấp, tăng trưởng chậm và lại có hiện tượng tranh chấp thường xảy ra giữa người lao động và giới chủ. Bên cạnh đó, trong nhiều kết quả nghiên cứu có được từ nền kinh tế Nhật Bản đã chứng minh rằng một trong nhiều nguyên nhân góp phần tạo nên sự thành công về kinh tế của Nhật Bản là nhờ có mô hình quản lý nguồn nhân lực độc đáo. Mô hình quản lý này đã phát huy được các tác dụng tích cực trong việc nâng cao năng suất của người lao động trong điều kiện cạnh tranh của nền kinh tế thị trường. Từ đó, nó đồng nghĩa với khả năng tạo ra sức cạnh tranh ghê gớm trong mỗi công ty Nhật Bản mà người ta đã được chứng kiến. Trên khía cạnh tổ chức quản lý, một nền kinh tế có phát triển hay không cũng sẽ phụ thuộc nhiều vào các khâu tổ chức của nó. Và thực tiễn của Nhật Bản đã chứng minh cho sự thành công của mô hình quản lý nguồn nhân lực ở nước này.
Bước vào thập niên 1990 của thế kỷ XX, môi trường kinh doanh toàn cầu đã và đang tiếp tục thay đổi, mà ảnh hưởng mạnh mẽ trước hết là theo xu thế tất yếu của quá trình toàn cầu hóa kinh tế và của những phát triển mạnh mẽ trong công nghệ thông tin được vận dụng trong sản xuất và quản lý. Nhiều nhà nghiên cứu quản lý đã tìm thấy các bất cập trong chiến lược quản trị kinh doanh của các công ty Nhật Bản hiện nay, đặc biệt là trong hệ thống quản lý lao động. Bên cạnh đó, nền kinh tế Nhật Bản trong thời gian này tiếp tục bộc lộ nhiều vấn đề nan giải, hệ quả của hơn một thập kỷ kinh tế trì trệ. Do vậy người Nhật thấy rằng cần phải có sự thay đổi cả trong mô hình quản lý ở cấp độ vĩ mô và vi mô. Khi tính phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia trên thế giới ngày càng tăng lên, cũng như xuất hiện những thay đổi về các điều kiện kinh tế và xã hội của chính nước Nhật thì mô hình quản lý nguồn nhân lực cũng cần phải có những thay đổi nhằm thích ứng cao hơn với hoàn cảnh mới.
Quản lý nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quyết định đối với tăng trưởng kinh tế cũng như tăng cường sức mạnh của mỗi quốc gia. Hơn thế nữa, đó không chỉ là mối quan tâm của chính phủ, xã hội mà còn của chính các chủ thể kinh tế, nhất là các công ty tư nhân. Vấn đề đào tạo, sử dụng và quản lý nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp được coi như là một nội dung chủ yếu phản ánh rõ nét nhất việc thực hiện chính sách quản lý và phát triển nguồn nhân lực của quốc gia. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường.
Hệ thống quản lý nguồn nhân lực giữa các công ty trên khắp thế giới là khác nhau. Nhật Bản có những đặc trưng độc đáo tạo ra những thách thức cụ thể đối với quản lý nguồn nhân lực, và hiện đang thiếu những nghiên cứu tập trung vào các vấn đề nhân sự của Nhật Bản dành cho người phương Tây. Trước yêu cầu tìm hiểu về chính sách quản lý nguồn nhân lực cũng như những thách thức gặp phải ở Nhật Bản, tác giả Ralf Bebenroth và Toshihiro Kanai đã cho ra đời cuốn sách “Challenges of human resource management in japan” (Thách thức trong quản lý nguồn nhân lực ở Nhật Bản) . Cuốn sách này xem xét những khó khăn và thách thức chủ yếu trong quản lý nguồn nhân lực để xã hội công nghiệp của Nhật Bản tiếp tục trỗi dậy trên trường quốc tế.
Nội dung của cuốn sách này gồm 2 phần. Phần đầu tiên giải quyết vấn đề quản lý nguồn nhân lực Nhật Bản từ góc độ quốc tế, phân tích tổng thể cấu trúc của hệ thống quản lý nguồn nhân lực Nhật Bản và so sánh nó với các hệ thống quản lý nguồn nhân lực quốc tế hiện hành. Phần thứ hai của cuốn sách này xem xét vấn đề quản lý nguồn nhân lực Nhật Bản từ góc độ trong nước và các vấn đề vi mô trong quản lý nguồn nhân lực thực tiễn tại Nhật Bản.
Như vậy có thể thấy, cuốn sách đã góp phần hoàn thiện lý luận và thực tiễn trong vấn đề quản lý nguồn nhân lực Nhật Bản; lý giải một cách hoàn chỉnh hơn các nội dung cốt lõi về quản lý nguồn nhân lực ở nước này, đồng thời đưa ra những bài học quý báu cho các nước trong vấn đề này. Cuốn sách là tài liệu vô cùng bổ ích cho mọi đối tượng bạn đọc khi nghiên cứu về vấn đề quản lý nguồn nhân lực nói chung, thách thức trong quản lý nguồn nhân lực của Nhật Bản nói riêng.
Thực hiện: Hà Hậu
Trung tâm Thông tin thư viện
Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á