Chủ biên: SGCIME (エス・ジー・シム)
Nhà xuất bản OCHA NO MIZU SHOBO, Nhật Bản, 2010, 342 trang
Ngôn ngữ: tiếng Nhật
Kí kiệu: Nv 2033
Cuốn sách được viết trong bối cảnh có sự thay đổi về cơ cấu nền kinh tế thế giới do cuộc chạy đua phát triển kinh tế giữa hai nước Trung Quốc và Ấn Độ.
Cuốn sách đã nêu được hai điểm cơ bản đó là đưa ra những bài học từ sự suy thoái và sự chuyển đổi cơ cấu từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, mà đỉnh cao là những năm 2008- 2009. Đồng thời, cuốn sách cũng nêu lên được cái mới, cái hiện đại trong sự phát triển của lịch sử. Điểm cơ bản thứ hai của cuốn sách là, tác giả đã nêu lên được cái nhìn đa diện đối với nền kinh tế hiện đại về các lĩnh vực chính trị, xã hội và văn minh thế giới.
Nội dung cuốn sách được chia làm ba phần chính và 12 chương.
Phần I: Giới thiệu hiện trạng nền kinh tế thế giới.
Chương 1: Cục diện ngày nay của Chủ nghĩa tư bản toàn cầu.
Sau đại chiến thế giới thứ hai những bước tăng trưởng liên tục và trật tự hòa bình dưới sự thống trị và chỉ đạo của nước Mỹ được coi là có vị thế hàng đầu về quyền lực kinh tế, quân sự và nền chính trị áp đảo đã bị suy thoái vào những năm 1970, dần dần bước vào thời kỳ thay đổi lớn. Đó là chủ nghĩa tư bản toàn cầu hoá với lộ trình chủ yếu là chuyển sang hướng chủ nghĩa tự do mới các chức năng của chính phủ và toàn cầu hóa thông tin, tiền tệ, doanh nghiệp. Cuối những năm 1990, cùng với sự phát triển phồn thịnh nền kinh tế Mỹ, nền kinh tế của các khu vực kinh tế theo mô hình mới như Trung Quốc, BRICs và các nước Châu Á khác cũng tăng trưởng không ngừng. Thế nhưng động cơ của sự tăng trưởng này đang ẩn chứa mối nguy cơ về kinh tế, nguy cơ tiền tệ toàn cầu.
Chương 2: Những bước đi của nền kinh tế thế giới
Tăng trưởng cao độ ở các nước tiên tiến sau chiến tranh thường tập trung ở những nước tiên tiến có nền công nghiệp nặng phát triển. Sự tan rã của thể chế IMF nằm trong bối cảnh tan rã của nền kinh tế Mỹ. Sự phát sinh của nguy cơ dầu lửa cũng nằm trong bối cảnh mà mối quan hệ Nam Bắc trở nên sâu sắc do hệ thống kinh tế quốc tế sau chiến tranh.
Toàn cầu hóa sản xuất với bước đi đầu tiên dựa vào nền kinh tế hóa cao của các nước tiên tiến đang mở rộng các lĩnh vực, khu vực do sự phát triển của kỹ thuật ME, IT. Và ngày càng được phát triển trên toàn bộ hoạt động của các doanh nghiệp.
Chương 3: Nền kinh tế Châu Âu sau chiến tranh.
Sau chiến tranh, Châu Âu thực hiện thống nhất nền kinh tế. Việc đưa ngành công nghiệp nặng của Mỹ vào đã hình thành nên thị trường chung EEC và đã thúc đẩy nền kinh tế Châu Âu phát triển cao độ. Nhưng vào thời kỳ khủng hoảng dầu lửa thì nền kinh tế Châu Âu lại chuyển sang giai đoạn tăng trưởng thấp. Vào nửa sau những năm 80, tầm quan trọng của thị trường chung Châu Âu được khẳng định lại. Đến năm 1999, đồng tiền chung Châu Âu EU đã ra đời. Trong khu vực Châu Âu, hàng hóa, dịch vụ, tiền tệ được trao đổi tự do, con người cũng được tự do di chuyển. Đồng thời đồng EU đã được sử dụng trên 27 nước và được mở rộng trên toàn lãnh thổ Châu Âu.
Chương 4: Bối cảnh phát triển chung
Con đường đi đến sự tự lập về kinh tế của các nước đang phát triển giành được độc lập sau Đại chiến thế giới thứ hai vô cùng khắc nghiệt. Năm 1964, với sự hợp tác của 77 nước đang phát triển, với số phiếu ủng hộ của từng nước, đã đưa ra được 3 yêu cầu lớn đối với các nước công nghiệp tiên tiến. Nhưng cũng không đạt được kết quả khả quan vì thiếu sự hợp tác về thực chất. Đến năm 1974, các nước đang phát triển cũng giành được hai thắng lợi trong quyết nghị của Liên Hợp quốc. Đó là “Trật tự kinh tế quốc tế mới” (NIEO) và “ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa” (OPEC).
Các nước Đông Á đã thành công trong vấn đề công nghiệp hóa. Sự phát triển nền kinh tế đó đã khiến cho các nước đang phát triển thực hiện được NIEO bằng những phương hướng tích cực. Sự phát triển kinh tế và công nghiệp hóa của các nước BRICs tại Đông Á đã đem lại những giá trị lớn mang tính lịch sử.
Phần II: Hiện trạng nền kinh tế Nhật Bản.
Chương 5: Những bước đi của nền kinh tế Nhật Bản
Kinh tế Nhật Bản sau chiến tranh về cơ bản là một nền kinh tế chủ nghĩa tư bản. Một nền kinh tế thị trường được hình thành bởi nhu cầu cung cấp hàng hóa và tiền tệ nhưng trọng tâm vẫn là các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tiến hành sản xuất, buôn bán và đầu tư vào các lĩnh vực ngành nghề với mục đích kiếm lợi nhuận. Hoạt động của các doanh nghiệp này đã đem lại sự biến động về tiền tệ, tiêu dùng và thị trường thuê nhân công. Đặc trưng của các doanh nghiệp Nhật Bản sau chiến tranh là được hình thành trên nền tảng mối quan hệ ông chủ và người làm công, và mối quan hệ giữa các doanh nghiệp độc lập. Hơn nữa các doanh nghiệp này phải thực hiện các qui chế, chính sách do chính phủ Nhật Bản đề ra.
Chương 6: Cơ cấu ngành nghề của Nhật Bản và kinh doanh theo kiểu Nhật Bản - Hệ thống sản xuất mang tính Nhật Bản.
Cơ cấu ngành nghề Nhật Bản nếu nhìn từ sự biến động về kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chế tạo, có thể phân ra làm 4 ngành hệ máy móc: Máy móc thông thường, máy móc điện khí, máy móc vận chuyển và máy móc kiểm định.
Các doanh nghiệp Nhật Bản đã tiến hành cải cách kỹ thuật ME từng thành công trên thế giới trong cơ sở kỹ thuật sản xuất và đã xác định tính cạnh tranh trong các lĩnh vực này.
Hệ thống sản xuất theo hình thức kinh doanh kiểu Nhật Bản, tức là thuê nhân công lâu dài, người lao động được hưởng lợi theo thâm niên, có tổ chức công đoàn trong từng xí nghiệp, hợp tác cùng làm ăn…
Nhưng theo xu thế toàn cầu hóa ngày nay, lợi ích của vấn đề cải cách kỹ thuật ME đang bị giảm đi, việc thuê nhân công lâu dài cũng không được duy trì một cách toàn diện. Vấn đề sửa đổi kinh doanh theo kiểu Nhật Bản đang được chủ trương tại nước Nhật.
Chương 7: Sự biến đổi tiền tệ và tái cơ cấu tiền tệ - Trọng tâm là qui chế tiền tệ và tự do hóa tiền tệ
Tăng trưởng kinh tế cao độ sau thời kỳ phục hồi nền kinh tế của Nhật Bản sau chiến tranh đã đưa đến những sửa đổi cơ bản về nội dung qui chế tiền tệ. Phần này tìm cách lý giải phần nào về tổ chức tiền tệ Nhật Bản như chính sách lợi nhuận thấp, phương thức tiền tệ gián tiếp… Việc sửa đổi cơ bản nội dung qui chế tiền tệ cũng lý giải được nguyên nhân chủ yếu của tự do hóa tiền tệ đang lan rộng khắp Nhật Bản trong thời kỳ tăng trưởng thấp vào nửa sau những năm 1970. Vào năm 1990, sau sự tan rã của nền kinh tế bong bóng, toàn cầu hóa tiền tệ cũng được tiến hành. Cuối năm 1990 đầu năm 2000, qui chế về tỷ lệ vốn tự có về kinh doanh ngân hàng đã được đổi mới và cho đến nay vẫn đang được sửa đổi tại các cơ quan tiền tệ.
Chương 8: Cải cách Nhà nước phúc lợi Nhật Bản- Chính sách và tài chính
Nhà nước phúc lợi Nhật Bản chính là Nhà nước bảo vệ quyền sinh tồn của dân. Hệ thống chính sách bảo vệ đó, nếu lấy nền kinh tế chủ nghĩa tư bản làm tiền đề thì sẽ đưa ra được ba chính sách: - Chính sách thuê nhân công an toàn; - Chính sách lao động; - Chế độ bảo hiểm xã hội. Một trong ba chính sách đó đã trở thành đặc trưng của Nhà nước phúc lợi theo kiểu Nhật Bản. Mở rộng thế lực của chủ nghĩa tự do hóa mới với tư tưởng chính sách và mối nguy cơ của Nhà nước phúc lợi trong bối cảnh già hóa dân số, toàn cầu hóa, sự biến đổi về cơ cấu ngành nghề, tăng trưởng thấp… đang trở thành vấn đề được tranh luận tại Nhật Bản.
Phần III: Những điểm nhấn về kinh tế, xã hội hiện đại
Chương 9: Tin học hóa và sự biến đổi về kinh tế, xã hội
Từ sau năm 1970, chủ nghĩa tư bản bắt đầu có bước thay đổi lớn mà điển hình là Tin học hóa. Một loạt các hiện tượng bùng nổ như cuộc Cách mạng ME nửa sau năm 1970, cuộc Cách tân kỹ thuật về kỹ thuật thông tin điện khí vào nửa đầu năm 1980, cuộc Cách mạng Đa phương tiện, Internet vào nửa đầu năm 1990, IT vào năm 2000… đã lần lượt ra đời.
“Tin học hóa” xuất phát từ khái niệm “Thông tin” hay “Kỹ thuật thông tin”. Ý nghĩa mang tính lịch sử của Tin học hóa như tính cơ cấu, tính hiện thực trong chủ nghĩa tư bản hiện đại cũng đang được làm sáng tỏ.
Chương 10: Vấn đề năng lượng - Trọng tâm là dầu lửa
Trong chương này đề cập đến một loạt vấn đề liên quan đến dầu lửa như: - Nắm vững lượng dầu lửa có trong lòng đất và khả năng khai thác còn bao nhiêu năm; - Giá trị dầu lửa dễ biến động; - Nắm chắc vấn đề Nam Bắc và cơ cấu ngành nghề trong việc tiêu thụ năng lượng thời kỳ khủng hoảng dầu lửa đã phát sinh vào năm 1970; - Nghiên cứu những ảnh hưởng đối với cung cầu về năng lượng, vấn đề dầu lửa mang tính toàn cầu hóa, dịch vụ hóa.
Chương 11: Lao động và hiện trạng của sự chênh lệch ở Nhật Bản
Kinh tế Nhật Bản được vực lên từ đống tro tàn sau chiến tranh đã tăng trưởng cao độ vào năm 1970, đời sống của người dân được cải thiện. Thế nhưng, thời kỳ nền kinh tế tăng trưởng cao độ cũng qua đi trong quá khứ. Tuy mức sống của người dân về vật chất như ô tô, đồ gia dụng điện tử đã tăng lên đáng kể nhưng đã xuất hiện sự chênh lệch và phân hóa giàu nghèo rõ rệt.
Chương 12: Bảo hiểm xã hội ở Nhật Bản
Ở chương này tác giả muốn nhấn mạnh đến quyền lợi được hưởng hạnh phúc (Điều 13 Hiến pháp Nhật Bản) và quyền được hưởng cuộc sống khỏe mạnh có tính văn hóa cao (Điều 25 Hiến pháp Nhật Bản) của mỗi người dân Nhật Bản.
Trong cuộc sống của mỗi con người, không thể biết trước được là mình sẽ sống đến khi nào? Có bị rơi vào trạng thái ốm liệt giường…? Hoặc những đau khổ khi gặp khó khăn trong cuộc sống, thất nghiệp, bệnh tật, không đủ tiền sinh hoạt khi tuổi già… Trước hiện trạng đó, Nhà nước Nhật Bản đã tích cực xây dựng Quỹ Bảo hiểm xã hội cho dân nhằm vận hành chế độ bảo hiểm xã hội như hỗ trợ cuộc sống, bảo hiểm thuê nhân công, y tế, tiền lương… Nhật Bản ngày nay đang tiến hành nhiều cuộc hội thảo nhằm sửa đổi và nâng cao chính sách bảo vệ tài nguyên và giải quyết những vấn đề sau này.
Với chủ đề chính là “Chủ nghĩa tư bản toàn cầu” cuốn sách bao gồm ba phần và 12 chương do SGCIME biên soạn cùng nhiều tác giả bài viết đã giới thiệu cho chúng ta toàn cảnh về một nền kinh tế hiện đại, hiện trạng nền kinh tế Nhật Bản và những điểm nhấn về nền kinh tế xã hội hiện đại. Cuốn sách dài 342 trang với nội dung sâu sắc, phong phú và dễ hiểu. Hy vọng rằng cuốn sách sẽ rất có ích cho những nhà nghiên cứu về kinh tế- xã hội, đặc biệt là những nhà nghiên cứu có mối quan tâm đến nền kinh tế- xã hội hiện đại Nhật Bản.
Trần Thị Hoàng Mai
Trung tâm thông tin thư viện
Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á