Trung Quốc là một trong những quốc gia có nền văn minh lâu đời nhất thế giới. Nếu tính từ thế kỷ thứ XXI trước công nguyên khi nhà Hạ thành lập đến nay, Trung Quốc đã có bề dày gần 5000 năm lịch sử([1]). Với chiều dài lịch sử, diện tích rộng lớn (9,6 triệu km), với dân số đông đúc (1,3 tỷ người) như vậy, lại mang trong mình một kho tàng văn hoá vô cùng đồ sộ, phong phú và thần bí, Trung Quốc trong 30 năm tiến hành cải cách - mở cửa vừa qua, đã phát huy hết mọi tiềm năng về lịch sử, đất nước, con người, văn hoá và đã trở thành một cường quốc kinh tế, ngày càng có vai trò to lớn về mọi mặt trên trường quốc tế, được cả thế giới chú ý theo dõi. Kinh nghiệm cải cách - mở cửa, phát triển kinh tế đất nước đã quá rõ ràng, chúng tôi không trình bày ở đây, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ muốn phân tích những kinh nghiệm tiếp thu các giá trị văn hoá phương Tây trong 30 năm Trung Quốc tiến hành cải cách mở cửa vừa qua. Hy vọng nó sẽ góp phần nhỏ bé cho việc nghiên cứu và rút ra những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam chúng ta trong sự nghiệp đổi mới đất nước hội nhập quốc tế, vừa tiếp thu các giá trị văn hoá nước ngoài, vừa bảo tồn và giữ vững bản sắc văn hoá dân tộc.
1. Các quan niệm về văn hoá, bản sắc văn hoá trong giao lưu, hội nhập, tiếp thu các giá trị văn hoá phương Tây
1.1. Văn hoá là gì?
Từ điển Triết học Việt Nam viết “Văn hoá là toàn bộ giá trị vật chất và tinh thần đã được nhân loại sáng tạo ra trong quá trình hoạt động thực tiễn lịch sử – xã hội, các giá trị ấy nói lên mức độ phát triển của lịch sử loài người”.
Trong “thập kỷ thế giới phát triển văn hoá” của UNESCO có định nghĩa: “Văn hoá là tổng thể các hệ thống giá trị bao gồm các mặt tình cảm tri thức, vật chất, tinh thần của xã hội. Nó không chỉ là thuần tuý bó hẹp trong các hoạt động sáng tác nghệ thuật, mà bao hàm cả phương thức sống, những quyền cơ bản của con người, truyền thống, tín ngưỡng”.
Khi còn sống Bác Hồ có viết “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người phải sáng tạo và phát sinh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn hoá nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở, và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá. Văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”.
Và nhà Triết học nổi tiếng trên thế giới Edouard Herriot đã cho rằng: “Văn hoá là cái còn lại khi người ta đã quên đi tất cả”.
Hiện nay trên thế giới người ta đã đưa hàng trăm những khái niệm khác nhau về văn hoá. Mỗi người dựa trên những cách tiếp cận khác nhau mà có những cách đưa ra những khái niệm văn hoá khác nhau. Chúng tôi tạm dẫn ra bốn khái niệm khác nhau nói trên về văn hoá, các khái niệm này có ý nghĩa bổ sung lẫn nhau để làm phong phú cho định nghĩa văn hoá
1.2. Bản sắc văn hoá?
Theo Tiến sĩ khoa học Lương Văn Kế: Bản sắc văn hoá là các yếu tố truyền thống và các chuẩn mực về cảm thụ, về giá trị và về ứng xử thể hiện thống nhất ở tuyệt đại đa số thành viên của một cộng đồng nhờ học tập từ kinh nghiệm của một cộng đồng văn hoá. Nếu cộng đồng đó là một dân tộc thì bản sắc văn hoá dân tộc chính là những yếu tố truyền thống, chuẩn mực về giá trị, về cách ứng xử hiện hữu ở mọi thành viên của cả dân tộc/nhóm sắc tộc ([2]).
Theo Phó giáo sư Phan Ngọc, nói đến bản sắc văn hoá tức là nói đến các mặt bất biến của văn hoá trong quá trình phát triển của lịch sử. Dĩ nhiên, văn hoá là một hệ thống những quan hệ, không phải là những vật. Các hệ thống quan hệ này mang những tên gọi riêng, có thể chứa đựng những cách lý giải khác nhau trong cách biểu hiện qua các thời đại. Cải tạo thành tính bất biến của các hệ thống quan hệ này là những nhu cầu của tâm thức con người. Các nhu cầu này về cơ bản là như nhau ở mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, không liên quan đến tài sản, học vấn, và khá ổn định, mặc dù một tầng lớp người có thể chiếm ưu thế so với các tầng lớp khác([3]).
Theo Giáo sư Phạm Xuân Nam, bản sắc văn hoá dân tộc là kết tinh sức sống của dân tộc, là sức mạnh thể hiện động lực của nền văn hoá dân tộc trong phát triển nói chung, trong công nghiệp hoá, hiện đại hoá nói riêng([4]) và văn hoá của một dân tộc trước hết thể hiện ở bản sắc của dân tộc ấy. Bản sắc dân tộc không phải là cái nhất thành bất biến, mà là một sản phẩm gắn với từng bước phát triển của cộng đồng dân tộc, tức là luôn có xu thế hướng tới hiện đại. Vậy bản sắc dân tộc và hiện đại hoá văn hoá giữ vai trò là động lực cho phát triển([5]).
1.3. Hội nhập kinh tế quốc tế?
Hội nhập kinh tế quốc tế là quá trình gắn kết nền kinh tế và thị trường của một quốc gia với nền kinh tế và thị trường thế giới và khu vực thông qua các biện pháp tự do hóa và mở cửa thị trường trên các cấp độ đơn phương, song phương và đa phương([6]). Hội nhập kinh tế quốc tế có 5 cấp độ từ thấp lên cao như sau:
1. Xây dựng khu vực mậu dịch tự do (FTA) khu vực mậu dịch tự do là giai đoạn thấp nhất của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
2. Xây dựng liên minh thuế quan (Custom Union)
Liên minh thuế quan là giai đoạn tiếp theo trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
3. Xây dựng thị trường chung (Common Market)
Thị trường chung là mô hình liên minh thuế quan cộng thêm việc bãi bỏ các hạn chế đối với việc lưu chuyển các yếu tố sản xuất khác như vốn và lao động.
4. Xây dựng Liên minh kinh tế (Economic Union)
Liên minh kinh tế là mô hình hội nhập ở giai đoạn cao dựa trên cơ sở mô hình thị trường chung cộng thêm việc phối hợp các chính sách kinh tế giữa các nước thành viên.
5. Liên minh toàn diện (Comprehensive Union)
Liên minh kinh tế toàn diện là giai đoạn cuối cùng của quá trình hội nhập([7]).
1.4. Giao lưu văn hoá?
Giao lưu văn hoá gắn liền với bản sắc dân tộc và cũng là điều kiện không thể thiếu được đối với sự tồn tại và sự phát triển của cả dân tộc. Giao lưu văn hoá càng mang một ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thời đại ngày nay. Theo GS.Phạm Xuân Nam: “Xét về thực chất, giao lưu văn hoá chính là sự tác động qua lại biện chứng giữa các yếu tố nội sinh và ngoại sinh của quá trình phát triển. Trong đó, các yếu tố nội sinh… giữ vai trò chủ thể, có ý nghĩa quyết định trong việc định hướng mối quan hệ của chúng với các yếu tố ngoại sinh. Ngược lại, các yếu tố ngoại sinh ảnh hưởng mạnh mẽ dưới dạng kích thích hay kìm hãm sự tiến hoá của các yếu tố nội sinh([8]).”
Trong lịch sử, đã không ít các quốc gia chậm tiến đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trong quá trình giao lưu văn hoá, tiếp thu một cách sáng tạo trí tuệ và kinh nghiệm tiên tiến của nước ngoài. Nhưng lịch sử nhân loại cũng ghi nhận không ít những dân tộc đã thất bại, thậm chí bị diệt vong do những sai lầm trong giao lưu văn hoá mà một trong hai nguyên nhân: bảo thủ, tự khép kín mình trong sự trì trệ lạc hậu; hoặc mù quáng, tiếp thu một cách nô lệ đối với văn hoá nước ngoài và tự thủ tiêu mình về văn hoá. Trong thời cận đại, sự phát triển nhanh chóng của Nhật Bản sau cuộc cải cách Minh Trị và sự trì trệ của Trung Quốc cuối triều Mãn Thanh là những ví dụ nổi bật. Nước Nhật thì chủ trương mở cửa để "tiếp thu kỹ thuật của các nước phương Tây trên nền tảng văn hoá, đạo lý truyền thống của dân tộc", còn Trung Quốc thì khăng khăng thi hành chính sách "bế quan toả cảng", "tự ru ngủ mình về nền văn hoá rực rỡ trong quá trình mấy ngàn năm([9]).
2. Những kinh nghiệm tiếp thu những giá trị của văn hoá phương Tây ở Trung Quốc từ khi cải cách mở cửa đến nay (12/1978-2008)
2.1. Khái quát quá trình hội nhập ở Trung Quốc
Ngày nay, Trung Quốc đã và đang phát triển một cách mạnh mẽ. Công cuộc cải cách mở cửa hiện đại hoá đã làm thay đổi nhanh chóng diện mạo Trung Quốc.Trung Quốc lạc hậu, nghèo đói "một nghèo, hai trắng" đã lùi xa vào quá khứ. Trung Quốc đang khẳng định con đường và xây dựng một xã hội đặc sắc Trung Quốc. Với 30 năm (12/1978-5/2008) cải cách, mở cửa, Trung Quốc đã bước những bước tiến khổng lồ bằng ngàn năm đúc lại. Nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa đã lớn mạnh, quyết tâm xây dựng xã hội khá giả với tổng lượng kinh tế đứng vào hàng thứ 4 trên thế giới, GDP (2007) đạt 3.420 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình 30 năm qua đạt khoảng 10%, dự trữ ngoại tệ lên đến hơn 1.520 tỷ USD (đứng đầu thế giới); kim ngạch thương mại năm 2007 đạt 2.170 tỷ USD, xuất siêu lên đến 262 tỷ USD (đứng thứ 2 thế giới). Trung Quốc đã trở thành một trong 3 cường quốc vũ trụ, kiêu hãnh đưa con người bay vào vũ trụ bằng chính con tàu của mình([10]).
Tuy vậy, chúng ta cũng hiểu rằng có được những thành tựu như ngày nay, Trung Quốc đã phải trăn trở, thực thi, nhận thức mất khoảng hơn một thế kỷ rưỡi (từ năm 1840 ® 2008 = 168 năm). Còn tính từ khi Trung Quốc nhận thức ra con đường cải cách mở cửa hội nhập cũng phải mất 138 năm (1840 - 1978). Cuộc chiến tranh nha phiến (thuốc phiện) (1840) đã khiến cho Trung Quốc lạc hậu, khép kín phải giật mình thức tỉnh trước sự xâm lược chinh phục của đế quốc phương Tây. Bọn đế quốc tư bản phương Tây đã dùng súng đạn và đại bác cuốn các nước lạc hậu trên thế giới vào cơn lốc của kinh tế tư bản chủ nghĩa, buộc Trung Quốc phải mở cửa từ cuộc thất trận, phải ký Hiệp ước Nam Kinh năm 1842, buộc phải mở cửa 5 cảng khẩu dọc ven biển phía Nam từ cửa sông Châu giang đến Trường giang (Quảng Châu, Phúc Châu, Hạ Môn, Ninh Ba, Thượng Hải)([11]). Như thế, công cuộc "mở cửa thụ động" (mở cửa cưỡng bức) của Trung Quốc được bắt đầu từ sự thất bại của cuộc "chiến tranh nha phiến" (1840) giữa triều đình nhà Thanh với đế quốc Anh và các đế quốc khác. Và quá trình nhận thức cần mở cửa học tập chủ nghĩa tư bản phương tây, nhận ra sức mạnh của con đường phát triển công thương nghiệp tư bản là một quá trình lâu dài được bắt đầu từ việc thua trận trong chiến tranh thuốc phiện năm 1840, nhận ra không phải "Tây dương" lạc hậu mà chính là Trung Quốc lạc hậu thua kém. Phong trào Dương Vụ từ những năm 60 của thế kỷ XIX mòn mỏi học hỏi kỹ thuật phương Tây: "Sư Di trường dĩ chế Di", học phương Tây kỹ thuật để ngự trị người tây, mong phát triển công thương nghiệp để "Phú quốc cường binh". Đến phong trào Duy Tân (1898) của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu theo mô hình Nhật Bản Minh Trị Duy tân và cuộc cách mạng Tân Hợi (1911) do Tôn Trung Sơn lãnh đạo với mục đích hoàn thành sứ mạng dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc mong muốn đưa Trung Quốc phát triển theo con đường dân chủ tư sản. Cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo đã tiến hành thành công trên phần lục địa vào tháng 10 năm 1949, sau đó công cuộc trăn trở tìm tòi mô hình phát triển kinh tế kéo dài 30 năm (1978-2008), cả hai giai đoạn kéo dài tới 59 năm (1949-2008) - Đảng cộng sản với sự lãnh đạo công cuộc cải cách - mở cửa, tổng kết những kinh nghiệm phát triển, trong đó có những kinh nghiệm tiếp thu các giá trị của văn hoá phương Tây, đã khẳng định: chỉ có hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, chấp nhận sự hợp tác, phân công quốc tế, tiếp thu những giá trị tinh hoa của nhân loại, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế đất nước, đồng thời biết gìn giữ những tinh hoa, đặc sắc của dân tộc thì Trung Quốc mới phát triển hài hoà bền vững. Bởi mở cửa, hội nhập là xu thế tất yếu của lịch sử nhân loại. Trung Quốc không thể tách khỏi bối cảnh quốc tế, Trung Quốc không thể xa rời thế giới([12]).
2.2. Những nội dung chính trong việc tiếp thu các giá trị văn hoá phương Tây ở trung Quốc từ 1978 - 2008
Một thực tế hiển nhiên ai ai cũng đều cảm nhận được rằng công cuộc cải cách, mở cửa trong 3 thập kỷ vừa qua đã và đang diễn ra ở Trung Quốc, đã tạo nên "thần tích kinh tế" Trung Hoa. Nhưng ít ai lý giải được hết nhẽ cũng là việc thực hiện mô hình phát triển chung của nhân loại: nhà nước pháp quyền-kinh tế thị trường-xã hội dân sự, nhưng người Trung Quốc lại thành công. Họ vừa tiến hành cải cách, hiện đại hoá, ra sức học tập về khoa học, công nghệ, cách quản lý, phương thức điều hành hiện đại, nhưng mặt khác người Trung Hoa lại vừa biết kết hợp với những phương thức tư duy, những nếp nghĩ mang bản sắc Trung Hoa, và sự kết hợp ấy đã tạo ra bộ mặt Trung Hoa độc đáo: "Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc", tạo ra những bước nhảy vọt của thần tích kinh tế Trung Hoa trong 3 thập kỷ vừa qua.
- Điểm nhấn đầu tiên, theo chúng tôi là việc ông Đặng Tiểu Bình và những người đồng sự trong Đảng cộng sản Trung Quốc đã đưa quyết sách chuyển trọng tâm chiến lược của đất nước từ đấu tranh giai cấp sang xây dựng và phát triển kinh tế, (tại Hội nghị Trung ương 3 khoá XI - tháng 12/1978). Nghĩa là ông Đặng đã thay đổi tư duy "đấu tranh giai cấp" sang tư duy "xây dựng và phát triển kinh tế". Nên nhớ vào thời điểm năm 1978, chiến tranh lạnh vẫn chưa kết thúc, phải hơn 10 năm sau chiến tranh lạnh mới kết thúc, nhưng ông Đặng đã có tầm nhìn chiến lược vượt trước thời đại, do biết tiếp thu những tinh hoa văn hoá yêu chuộng hoà bình, phát triển kinh tế bền vững những giá trị văn hoá vĩnh hằng của nhân loại.
- Điểm nhấn thứ hai, trong những kinh nghiệm thành công cải cách mở cửa ở Trung Quốc, mọi người đều tâm đắc với phương pháp cải cách "dò đá qua sông" do ông Đặng Tiểu Bình đưa ra. Nghĩa là cải cách phải thận trọng; làm từ từ; cái dễ làm trước, cái khó làm sau, làm thí điểm trước, làm đại trà sau, mục tiêu cuối cùng là thành công. Nó khác hẳn với phương pháp cải tổ vội vã, "liệu pháp sốc" dễ gây đổ vỡ, thất bại. Bình luận về vấn đề này, học giả Andre Chieng nhận xét: Cách làm đó thể hiện “tinh thần thực dụng” của văn hoá Mỹ, mà cơ sở triết học của nó được Lênin đánh giá rất cao bằng câu nói: “phải biết kết hợp tinh thần cách mạng Nga với tinh thần thực dụng của Mỹ”. Những đại diện xuất sắc theo quan điểm thực dụng Mỹ là C.S Pierce (1839-1914), William Jame (1842 – 1910), J.Dewey (1859-1952), những tư tưởng và lý thuyết phải được thử nghiệm trong thực tiễn([13]). Rõ ràng Đặng Tiểu Bình là người đầy bản lĩnh trong việc học tập tiếp thu các giá trị văn hoá của văn hoá Mỹ và văn hoá phương Tây trong việc đưa ra những đường lối, phương pháp cải cách – mở cửa đầy sáng tạo ở Trung Quốc.
- Điểm nhấn thứ ba, trong công cuộc cải cách - mở cửa ở Trung Quốc, nội dung mở cửa kinh tế đối ngoại đã phản ánh rất sâu sắc việc tiếp thu các giá trị của văn hoá phương Tây của người Trung Quốc. Ai ai cũng biết, mở cửa là biểu hiện của quá trình hội nhập, đặc biệt là hội nhập kinh tế. Nó đối ngược với tư duy và hành động đóng cửa, "bế quan toả cảng" lạc hậu của phương Đông bảo thủ, trì trệ. Đặng Tiểu Bình đã từng nói: "Độc tập, tự chủ không phải là đóng cửa giữ mình, tự lực cánh sinh không phải là bài ngoại một cách mù quáng"([14]) và "Thế giới ngày nay là một thế giới mở…ở thế giới này, nước phát triển và nước không phát triển nếu thoát ly khỏi sự hợp tác, phân công quốc tế, đóng cửa lại thì đối với sản xuất vật chất, tinh thần đều không thể thành công. Muốn độc lập ngoài thế giới, tránh cạnh tranh trong thị trường thế giới và tránh thách thức là không thể phát triển phồn vinh được. Vì vậy, Trung Quốc không thể tách khỏi bối cảnh thế giới, Trung Quốc không thể xa rời thế giới"([15]). Tiếp thu các giá trị văn hóa mở cửa, hội nhập của phương Tây một cách đúng đắn, sáng tạo, 30 năm cải cách vừa qua, Trung Quốc đã thu được những thành tựu rất đáng trân trọng. Đó là việc xây dựng thành công 6 đặc khu kinh tế: Thâm Quyến, Chu Hải, Sán Đầu (Quảng Đông), Hạ Môn (Phúc Kiến), Phố Đông (Thượng Hải) và tỉnh đảo Hải Nam; Mở cửa 14 thành phố ven biển, xây dựng thành công chiến lược vùng ven biển dài 18 ngàn km, diện tích 32 vạn km2, mở cửa vùng ven sông Trường Giang, Châu Giang; mở cửa vùng ven biên giới, xây dựng gần 100 các khu khai thác phát triển kỹ thuật kinh tế các cấp (trung ương và địa phương). Đặc biệt là xây dựng chiến lược "một nhà nước, hai chế độ" tiếp thu hoàn hảo, hiệu quả các khu Hồng Kông, Ma Cao. Vừa tiếp thu vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý, các giá trị văn hoá của phương Tây; nhưng vẫn giữ vững được bản sắc văn hoá dân tộc, phát triển hài hoà, bền vững.
Điểm nhấn thứ tư, trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập đang diễn ra hết sức mạnh mẽ và sâu sắc như hiện nay, ở các nước chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường như Trung Quốc, mọi giai tầng trong xã hội đều chịu tác động của quá trình chuyển đổi giá trị quan tức có sự thay đổi sâu sắc về quan niệm, về thứ tự ưu tiên của các bậc thang giá trị, cả tích cực và tiêu cực. Đặc biệt có sự thay đổi trong giá trị của một số người, đáng chú ý là tầng lớn trẻ, chuyển từ cực đoan này sang cực đoan khác: từ lý tưởng sang thực dụng, từ tinh thần sang vật chất, từ đức sang tài (tiền tài), từ tập thể sang cá nhân … Vì vậy, vai trò của văn hóa rất quan trọng. Toàn cầu hóa, hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, tiến hành cải cách, mở cửa, Trung Quốc đương nhiên sẽ tiếp nhận những giá trị văn hóa phương Tây, nhưng họ vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc. Toàn cầu hóa, hội nhập đã buộc Trung Quốc phải mở cửa nhiều hơn nữa, trong kinh doanh đã xuất hiện những khái niệm mới lạ như “văn hoá kinh doanh”, “văn hoá doanh nghiệp” do các nước phương Tây đem lại. Văn hóa doanh nghiệp được khởi nguồn từ nước Mỹ và châu Âu, sau đó được Nhật Bản xây dựng và phát triển mạnh mẽ. Nó phát huy cao độ những quan điểm kinh doanh, lợi nhuận, cạnh tranh của nền kinh tế thị trường (phương Tây), nhưng mặt khác nó phải bám sâu vào nền văn hóa dân tộc, hình thành khái niệm giao thoa văn hóa. Nghĩa là, các công ty kể cả các công ty đa quốc gia cũng phải biết kết hợp kinh doanh, lợi nhuận với phát triển văn hóa kinh doanh một cách hài hòa.
Trung Quốc sau 30 năm phát triển kinh tế thị trường, học đã tiếp thu mạnh mẽ văn hóa Âu – Mỹ trong quản lý, quản trị doanh nghiệp hiện đại, nhưng đồng thời họ đã biết xây dựng văn hóa doanh nghiệp hợp lý, kích thích được sự hứng thú lao động, niềm say mê sáng tạo của công nhân, xây dựng bản sắc văn hóa độc đáo Trung Hoa hòa quyện trong văn hóa doanh nghiệp hiện đại Âu – Mỹ.
Bây giờ, trong văn hóa doanh nghiệp Trung Hoa, một mặt người ta thấy nổi lên bản sắc Trung Hoa: hòa đồng, gắn bó mật thiết với tinh thần “trung thành hiếu đế” của Khổng Tử trong cách quản lý như chế độ làm việc suốt đời, lao công hàng năm, công đoàn nằm trong nội bộ doanh nghiệp…, cùng với sự tiếp thu tinh hoa văn hóa phương Tây như: tất cả mọi người đều bình đẳng về cơ hội phát triển: ai nhanh hơn, thức thời hơn, giỏi cạnh tranh hơn thì người đó giành được thắng lợi. Đó là tinh thần suy tôn tự do, chú trọng hiệu quả thực tế, phương hướng, khuyến khích phấn đấu cá nhân…
- Điểm nhấn thứ năm, trong hành trang lý luận xây dựng "CNXH đặc sắc Trung Quốc", từ những nhà lãnh đạo đầu tiên như Đặng Tiểu Bình, kế tiếp là Giang Trạch Dân và hiện nay là Hồ Cẩm Đào, họ đã cùng nhau xây dựng một công thức về đường lối lãnh đạo đất nước mà theo chúng tôi nó đã kết hợp rất nhuần nhuyễn những tư tưởng, giá trị của nhân loại với đặc thù bản sắc của Trung Quốc. Đó là công thức: CN Mác Lênin + tư tưởng Mao Trạch Đông + Lý luận cải cách Đặng Tiểu Bình + Lý thuyết 3 đại diện của Giang Trạch Dân + Lý luận xây dựng xã hội hài hoà XHCN Hồ Cẩm Đào = Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Công thức này là hiện thân, là sự kết tinh cô đọng nhất những ý tưởng và hành động đúng đắn trong việc tiếp thu và kết hợp các giá trị văn hóa phương Tây với các giá trị văn hóa chuẩn mực trong nước tạo thành bản sắc của Trung Hoa hiện đại.
- Điểm nhấn thứ sáu, theo chúng tôi trong 3 thập kỷ cải cách, mở cửa vừa qua, Trung Quốc đã tiếp nhận được mô hình kinh tế thị trường + dân chủ của phương Tây, mà trong đó nhân tố quyết định tạo ra sự thần kỳ kinh tế đó chính là văn hóa hướng về dịch lý (Culture de la Transformation) của Trung Hoa. Trong khi đó văn hóa của phương Tây là văn hóa hướng về chân lý (Culture de la Verite). Văn hóa hướng về chân lý của phương Tây có nhiều cách hiểu, nhưng ở đây, chúng tôi muốn nói đến là trong lĩnh vực xã hội, nhân văn, nghĩa là bằng sự nghiền ngẫm học thuật, bằng những sự từng trải và chiêm nghiệm người ta đã đề ra những quy luật, và một khi quy luật được sự đồng thuận rộng rãi, nó trở thành chân lý; từ những quy luật được đề ra giả thuyết và từ nhiều giả thuyết được xây dựng thành những lý thuyết. Từ những quy luật, những chân lý, những lý thuyết… những người hoạt động thực tiễn đã đề ra những mô hình, những kế hoạch, dự án (ít nhiều có tính chất tự biện, mang tính ý niệm) và khi được đề ra chúng trở thành những mục tiêu và hoạt động thực tiễn là thực hiện chúng, nghĩa là đưa chúng vào thực tại, vào đời sống. Thực chất của việc đưa mô hình, kế hoạch, dự án, mục tiêu… vào thực tại là tạo ra những quá trình biến hóa (dịch lý) trong thực tế.
Văn hóa hướng về dịch lý của Trung Quốc không coi nhẹ quy luật, chân lý, lý thuyết, mục tiêu… nhưng đặc biệt quan tâm đến biến hóa và quá trình. Thực ra hai khái niệm này thường gắn bó với nhau, biến hóa của những quá trình, và quá trình biến hóa. Văn hóa dịch lý coi trọng dịch lý hơn chân lý bởi vì trong các lĩnh vực lĩnh vực xã hội, nhân văn, những quy luật, chân lý, lý thuyết… có giá trị hết sức tương đối vì sự vận dụng chúng đụng đến thế giới những con người hành động theo chủ quan hết sức phức tạp của nó. Bởi vì, trong chân lý, đặc biệt trong thế giới vật lý của Newton: “nếu như chúng ta có những thông tin chính xác về trạng thái ban đầu của một hệ thống vật lý bao gồm những vật thể vận động, chúng ta có thể tiên đoán chính xác trạng thái của hệ thống này ở mọi thời điểm trong tương lai”([16]). Nhưng trong thế giới con người, cơ sở khoa học hiện đại của các ngành học thuật xã hội và nhân văn còn lâu mới cho phép nhân loại tiên đoán sự phát triển tương lai của xã hội một cách chính xác tuyệt đối giống như thiên văn học tiên đoán những hiện tượng nhật thực, nguyệt thực. Người Trung Hoa đã có lý khi họ đặc biệt quan tâm đến sự biến hóa của những quá trình thực tại, và từ thực tại này kiểm tra lại những quy luật, xác định lại những chân lý và rà soát lại những lý thuyết. Những quá trình biến hóa thực tại không bao giờ tuân theo sơ đồ của những chân lý (lý thuyết), những mô hình, những kế hoạch, những dự án được đặt thành mục tiêu. Quan tâm đến chân lý, là quan tâm đến vấn đề đúng hay sai, trong khi đó với văn hóa hướng về dịch lý, thì vấn đề số một là quá trình biến hóa bế tắc (bĩ) hay hanh thông. Nếu như sơ đồ chân lý (lý thuyết), tiến lên chân lý là đúng, nhưng trong thực tế quá trình biến hóa lại bị bế tắc thì phải đổi hướng, rẽ sang phải vẫn bị bế tắc, thì phải rẽ sang trái… và nếu như lùi lại mà hanh thông thì lùi lại thuận với sự biến hóa. Văn hóa Trung Hoa không coi nhẹ chân lý (lý thuyết), nhưng tiêu chuẩn cao nhất là sự hanh thông (trong quá trình biến hóa), cũng có thể nói hanh thông là tiêu chuẩn thực tiễn của chân lý. Ông Đặng Tiểu Bình đã thành công trong công cuộc cải cách, mở cửa vì ông tiến lên từng bước một, bảo đảm sao cho mỗi bước đi có sự hanh thông. Phương Tây hướng về chân lý (lý thuyết), còn Trung Hoa lại hướng về dịch lý, sự biến hóa, bảo đảm sự hanh thông([17]).
Thay cho lời kết
Sự nghiệp 30 năm cải cách, mở cửa vừa qua đã đem lai cho Trung Hoa một bộ mặt hoàn toàn khác xưa, một kỳ tích rạng rỡ về thành tựu phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội. Từ đất nước “một nghèo, hai trắng”, đến nay Trung Hoa đã trở thành đất nước đứng hàng đầu thế giới về rất nhiều tiêu chí phát triển kinh tế đất nước (tốc độ tăng trưởng kinh tế; tổng sản phẩm quốc dân; dự trữ ngoại tệ; kim ngạch xuất nhập khẩu…). Để đạt được những kỳ tích ấy, Trung Quốc đã phải phấn đấu lao động cần cù, sáng tạo trong tất cả các lĩnh vực, vừa có đường lối lãnh đạo đúng đắn, vừa có phương pháp cải cách đúng đắn, biết kết hợp các nhân tố trong nước và quốc tế một cách hài hòa, đồng thời biết tiếp thu những giá trị nhân văn cao cả của nhân loại. Yếu tố văn hóa phương Tây được Trung Quốc tiếp thu và phát triển, đã hòa quyện một cách uyển chuyển với văn hóa bản địa, đã nâng lên một tầm cao mới, trở thành những giá trị, những tinh hoa nhân văn, kết tinh sống động của nhân loại./
ĐINH CÔNG TUẤN
(PGS, TS, Viện Nghiên cứu Châu Âu)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ngô Tuyết Lan "Tiến trình phát triển của văn hoá truyền thống Trung Quốc", 10 năm Khoa Đông phương học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội 2005.
2. Lương Văn Kế, "Thế giới đa chiều - Lý thuyết và kinh nghiệm nghiên cứu khu vực" Nxb Thế giới, Hà Nội 2007.
3. Phan Ngọc: “Bản sắc văn hoá Việt Nam”, Nxb Văn học, Hà Nội 2002.
([1]) Phạm Xuân Nam (Chủ biên) “Triết lý phát triển ở Việt Nam – mấy vấn đề cốt yếu” Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 2005.
4. Bộ Ngoại giao “Việt Nam hội nhập kinh tế trong xu thế toàn cầu hoá: Vấn đề và giải pháp” NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002.
5. Nguyễn Văn Hồng “Văn hoá nho giáo và xã hội hài hoà với thời đại mở cửa và phát triển và kinh tế thị trường Trung Quốc” Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc số 6 (76)/ 2007.
6. Phan Ngọc: “Bản sắc văn hoá Việt Nam”, Nxb Văn học, Hà Nội 2002.
([1]) Ngô Tuyết Lan "Tiến trình phát triển của văn hoá truyền thống Trung Quốc", 10 năm Khoa Đông phương học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội - 2005, trang 335.
([2]) Lương Văn Kế, "Thế giới đa chiều - Lý thuyết và kinh nghiệm nghiên cứu khu vực" Nxb Thế giới, Hà Nội - 2007 tr 329.
([4]) Phạm Xuân Nam (Chủ biên) “Triết lý phát triển ở Việt Nam – mấy vấn đề cốt yếu” Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội - 2005, tr 309.
([6]) Bộ Ngoại giao “Việt Nam hội nhập kinh tế trong xu thế toàn cầu hoá: Vấn đề và giải pháp” Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội - 2002, tr. 55.
([7])Nguyễn Anh Tuấn (chủ biên) “Giáo trình kinh tế đối ngoại Việt Nam", Nxb chính trị Quốc gia, Hà Nội - 2005, trang 323, 324.
([10]) Nguyễn Văn Hồng “Văn hoá Nho giáo và xã hội hài hoà với thời đại mở cửa và phát triển và kinh tế thị trường Trung Quốc” Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc số 6 (76)/ 2007 tr. 54.
([13]) Andre Chieng “Bàn về thực tiễn của Trung Hoa cùng với Francois Jullien” Hoàng Ngọc Hiếu dịch và giới thiệu, Nxb Đà Nẵng, 2007, tr. 5-15.