Trong xu thế toàn cầu hóa kinh tế và công nghệ diễn ra rộng khắp từ cuối những năm 1990 và đặc biệt là sau khi WTO ra đời vào năm 1995 thì làn sóng hội nhập kinh tế đã bùng phát mạnh mẽ với nhiều biểu hiện mới về quy mô, mức độ và phạm vi trong đó có việc hình thành các FTA khu vực hay song phương trên thế giới. So với Tây Âu và Bắc Mĩ, Đông Á được coi là khu vực đi sau trong làn sóng hội nhập kinh tế. Nhưng trong những năm gần đây cũng đang có những bước chuyển biến khá mạnh mẽ theo hướng tăng cường liên kết kinh tế khu vực với hàng loạt các thỏa thuận thương mại tự do khu vực và song phương đã ra đời hoặc đang trong quá trình đàm phán. Một trong những hiệp định đầu tiên và quan trọng nhất của khu vực Đông Á đó là Hiệp định thương mại tự do giữa Nhật Bản và Hàn Quốc (JKFTA). Đây là một cuộc đua mang tính chính trị và nó cũng là phương tiện để hai nước láng giềng Đông Bắc Á thiết lập nên một cơ chế thể chế hóa hợp tác kinh tế và cải thiện mối quan hệ chính trị căng thẳng bấy lâu nay.
Tổng quan về đàm phán FTA Nhật - Hàn
Tháng 10 năm 1998, Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-Jung đã có chuyến thăm chính thức tới Nhật Bản. Đây là chuyến thăm đầu tiên kể từ tháng 3 năm 1994 của nhà lãnh đạo cấp cao Hàn Quốc tới Nhật Bản, hy vọng cải thiện mối quan hệ song phương giữa hai nước. Chuyến thăm này đánh dấu sự hợp tác song phương thân thiện giữa Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như giúp họ tổ chức những cuộc đàm phán về thương mại và đầu tư một cách toàn diện mà khó có thể thực hiện được trước đó. Tổng thống Hàn Quốc đã đề xuất một “Kế hoạch hành động quan hệ đối tác mới Hàn Quốc - Nhật Bản trong thế kỷ 21” bao gồm hợp tác về kinh tế, an ninh và trao đổi văn hóa. Kể từ đó, hầu như năm nào hai nước cũng giành cho nhau những cuộc nghiên cứu và hội đàm, cho đến tháng 10 năm 2003, Thủ tướng Nhật Bản Koizumi và Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun đã thỏa thuận bắt đầu những cuộc đàm phán chính thức nhằm ký kết FTA vào cuối năm 2005.([1]) Tháng 12 năm 2003, hai bên đã triệu tập cuộc hội đàm cấp chính phủ chính thức đầu tiên về việc ký FTA ở Seoul liên quan đến các vấn đề xóa bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan, tỷ lệ thuế, tự do hóa các ngành dịch vụ, mở rộng đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ, các chính sách cạnh tranh và mở rộng hợp tác kinh tế ([2]). Đến tháng 11 năm 2004, hai nước đã tổ chức được 6 vòng đàm phán FTA song phương. Nhưng kết cục cuộc đàm phán này đã lâm vào tình trạng bế tắc do sự khác biệt quá lớn trong lập trường của hai nước về mức độ mở cửa thị trường đối với ngành nông sản. Nhật Bản đã yêu cầu hạ thấp mức độ mở cửa trong lĩnh vực nông nghiệp của họ. Song đối với Hàn Quốc, các lĩnh vực có sức cạnh tranh với Nhật Bản chỉ là nông nghiệp và dệt may nên Hàn Quốc sẽ gặp rất nhiều bất lợi nếu đáp ứng yêu cầu của Nhật Bản. Đó chính là nguyên nhân dẫn tới sự thất bại của các vòng đàm phán FTA Nhật - Hàn.
Như vậy, đàm phán FTA Nhật - Hàn đã bị gián đoạn do lo ngại của Nhật Bản về vấn đề mở cửa thị trường nông sản. Tỷ lệ nhập khẩu nông sản phẩm Hàn Quốc ở Nhật Bản là tương đối cao. Vào thời điểm năm 2004, các mặt hàng nông sản Hàn Quốc chiếm tới 4,4% toàn bộ các mặt hàng nhập khẩu của Nhật Bản. Nông dân Nhật Bản sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu chính phủ nước này dỡ bỏ 10% thuế đang áp dụng đối với nông sản nhập khẩu. Trong khi đó, nếu ký kết FTA với Nhật Bản - một cường quốc trong lĩnh vực chế tạo thì mức độ thâm hụt thương mại của Hàn Quốc sẽ tăng mạnh, và để bù đắp điều đó Hàn Quốc đã yêu cầu Nhật Bản phải mở cửa tối đa thị trường nông sản.
Sau một thời gian bị gián đoạn, vậy tại sao đến nay hai nước lại muốn nối lại các cuộc đàm phán FTA?
Thứ nhất, cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều mong muốn ký kết FTA song phương vì cả hai nhận thấy về lâu dài cần phải xây dựng một cộng đồng kinh tế hợp nhất để tăng cường ưu thế cạnh tranh với các khu vực kinh tế khác. Đặc biệt cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều có năng lực cạnh tranh mang tầm cỡ thế giới trong ngành công nghiệp chế tạo và đang dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ. Do đó, hai nước sẽ mở rộng được tầm ảnh hưởng của mình đối với nền kinh tế toàn cầu nếu chiếm được các tiêu chuẩn của thế giới trong ngành chế tạo.
Thứ hai, Nhật Bản và Hàn Quốc đều coi FTA song phương là bước đột phá kinh tế mới. Việc hai nước gần nhau về mặt địa lý và có cấu trúc công nghiệp giống nhau thì việc ký kết FTA sẽ hình thành nên một thị trường với hơn 170 triệu dân, chiếm 17% GDP thế giới. Ngoài ra, hai nước sẽ kìm chế được Trung Quốc, một siêu cường mới ở khu vực Đông Á, đồng thời lại có thể đi tiên phong trong lĩnh vực công nghệ thông qua sự hợp tác chặt chẽ trong công nghiệp. Nếu hai nước chậm chân hơn nữa trong quá trình này thì có thể sẽ bị đẩy ra khỏi quá trình hướng tới một “cộng đồng kinh tế Đông Á”. Xét về mặt lâu dài thì FTA Nhật - Hàn là sự cam kết tương sinh, nhưng nỗi lo trước mắt đó là thâm hụt trong giao dịch thương mại.
Về thương mại
Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều là những quốc gia phát triển và là thành viên của OECD và WTO. Kể từ năm 2000, kim ngạch mậu dịch giữa hai nước đã tăng lên đáng kể (đạt 67,8 tỷ USD trong năm 2007). Năm 2002, Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Hàn Quốc, trong khi đó Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Nhật Bản (xem bảng 1 và 2).
Bảng 1: Những đối tác thương mại chính của Hàn Quốc (2002)
(Đơn vị: triệu USD, %)
Vị trí |
Nước |
Xuất khẩu |
Nhập khẩu |
Giá trị thương mại |
Tỷ lệ phần trăm |
1 |
Mĩ |
32.780 |
23.009 |
55.789 |
24 |
2 |
Nhật |
15.143 |
29.856 |
44.999 |
19 |
3 |
Trung Quốc |
23.754 |
17.400 |
41.154 |
17 |
4 |
Hồng Kông |
10.146 |
1.695 |
11.841 |
5 |
5 |
Đài Loan |
6.632 |
4.832 |
11.464 |
5 |
6 |
Đức |
4.287 |
5.472 |
9.759 |
4 |
7 |
Ả rập xê út |
1.259 |
7.551 |
8.810 |
4 |
8 |
Úc |
2.340 |
5.973 |
8.313 |
4 |
9 |
Inđônêxia |
3.145 |
4.723 |
7.868 |
3 |
10 |
Singapo |
4.222 |
3.430 |
7.652 |
3 |
11 |
Malaysia |
3.218 |
4.041 |
7.259 |
3 |
12 |
Anh |
4.255 |
2.437 |
6.692 |
3 |
13 |
Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất |
2.269 |
4.210 |
6.479 |
3 |
14 |
Philippin |
2.950 |
1.867 |
4.817 |
2 |
15 |
Italia |
2.217 |
2.274 |
4.491 |
2 |
Tổng cộng |
118.617 |
118.770 |
237.387 |
100 |
Nguồn: Korea Trade Information Services (KOTIS)
Bảng 2: Những đối tác thương mại chính của Nhật Bản (2002)
(Đơn vị: triệu USD, %)
Vị trí |
Nước |
Xuất khẩu |
Nhập khẩu |
Cán cân thương mại |
Giá trị thương mại |
Tỷ lệ phần trăm |
1 |
Mĩ |
118.409 |
57.616 |
60.793 |
176.025 |
23,4 |
2 |
Trung Quốc |
39.645 |
61.522 |
-21.877 |
101.167 |
13,5 |
3 |
Hàn Quốc |
28.441 |
15.419 |
13.022 |
43.860 |
5,8 |
4 |
Đài Loan |
26.122 |
13.525 |
12.597 |
39.647 |
5,3 |
5 |
Hồng Kông |
25.287 |
1.417 |
23.870 |
26.704 |
3,6 |
6 |
Đức |
14.085 |
12.362 |
1.697 |
26.420 |
3,5 |
7 |
Thái Lan |
13.125 |
10.466 |
2.659 |
23.590 |
3,1 |
8 |
Úc |
8.270 |
13.959 |
-5.689 |
22.228 |
3,0 |
9 |
Malaixia |
10.967 |
11.156 |
-189 |
22.124 |
2,9 |
10 |
Inđônêxia |
6.208 |
14.123 |
-7.915 |
20.331 |
2,7 |
11 |
Singapo |
14.127 |
4.990 |
9.138 |
19.117 |
2,5 |
12 |
Anh |
11.925 |
5.392 |
6.533 |
17.317 |
2,3 |
13 |
Ả rập Xê út |
3.741 |
11.582 |
-7.841 |
15.323 |
2,0 |
14 |
Philippin |
8.420 |
6.512 |
1.908 |
14.933 |
2,0 |
15 |
Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất |
2.935 |
11.546 |
-8.610 |
14.481 |
1,9 |
Tổng cộng |
414.847 |
336.179 |
78.668 |
751.027 |
100 |
Nguồn: Trade Statistic, Ministry of Finance, Japan
Theo báo cáo của Tổ chức nghiên cứu FTA Nhật Bản- Hàn Quốc thì JKFTA sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho cả hai nước. Dựa vào những mô hình hiệu quả ổn định và năng động, bản báo cáo này cho rằng JKFTA sẽ mở rộng đầu tư và thương mại song phương và sẽ mang lại kết quả giảm giá các mặt hàng nhập khẩu, đẩy mạnh trao đổi thương mại; góp phần phân phối hiệu quả các nguồn tài nguyên công nghiệp; thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các ngành công nghiệp và tăng cường sự giao lưu giữa nhân dân hai nước. Bản báo cáo cũng cho thấy rằng, JKFTA sẽ thúc đẩy cải cách kinh tế và góp phần tăng trưởng kinh ở cả hai nước([3]).
Tuy nhiên, JKFTA cũng có thể đem lại những kết quả không mong muốn đó là có thể làm tăng nguy cơ thâm hụt thương mại của Hàn Quốc với Nhật Bản (năm 2001 là 10,1tỷ USD tăng lên 14,7 tỷ USD năm 2002), hoặc khả năng cạnh tranh có thể bị giảm sút do khoảng cách về công nghệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. Cả hai nước đều có khả năng trong lĩnh vực sản xuất xe hơi, chất bán dẫn, điện tử, đóng tàu và thép. Thuế xuất nhập khẩu xe hơi và máy móc hiện nay ở Hàn Quốc lần lượt là 8% và 7,5% còn ở Nhật Bản là 0%. Thuế xuất nhập khẩu điện tử ở Hàn Quốc là 8% và Nhật Bản là 0,8%. Ở cả hai nước, không có thuế xuất nhập khẩu đối với mặt hàng thép và 60% chất bán dẫn là được miễn thuế. Do đó, có thể nói rằng, ngoại trừ thuế xuất nhập khẩu đối với các ngành sản xuất chính có thể làm tăng cán cân thương mại của Hàn Quốc. Hơn nữa, cuối năm 1998, Hàn Quốc đã bãi bỏ hầu hết những hạn chế nhập khẩu từ Nhật Bản bằng cách áp dụng Chương trình đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu năm 1978. Kể từ đó, việc nhập khẩu các sản phẩm từ Nhật Bản đã tăng lên một cách đáng kể.([4]) Đây cũng là nhân tố làm tăng gấp đôi khả năng kinh tế của JKFTA đối với Hàn Quốc.
Những mặt hàng mà Hàn Quốc nhập khẩu từ Nhật Bản là máy móc, các thiết bị điện, điện tử và các sản phẩm hóa chất. Những mặt hàng này sau khi được chế xuất với các sản phẩm trong nước lại được xuất sang các nước khác. Nếu hình thành tự do hóa nhập khẩu thì chi phí nhập khẩu hàng hóa sẽ giảm và giá xuất khẩu cũng sẽ giảm theo. Điều này có thể làm tăng hiệu quả các ngành công nghiệp xuất khẩu ở Hàn Quốc. Và thặng dư thương mại từ những nước nhập khẩu hàng hóa của Hàn Quốc sẽ bù đắp cho sự thâm hụt thương mại của Hàn Quốc với Nhật Bản. Do vậy, những tác động tiêu cực của JKFTA đối với nền kinh tế Hàn Quốc là không đáng kể.
Một vấn đề nữa thường được đề cập đến trong quan hệ kinh tế Nhật - Hàn đó là hàng rào phi thuế quan (non-tariff barriers - NTB) ở Nhật Bản. Trong khi JKFTA nghiên cứu thảo luận các vấn đề liên quan tới NTB, thì các công ty Hàn Quốc đang kinh doanh ở Nhật Bản đang phải đối mặt với các vấn đề liên quan tới NTB. NTB của Nhật Bản bao gồm sự trợ cấp một số sản phẩm như quotas lúa gạo, phân bổ và giải quyết các rào cản và thủ tục khách hàng cũng như các biện pháp liên quan tới dịch vụ và đầu tư. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chính sách Kinh tế quốc tế của Hàn Quốc (KIEP), Viện Nghiên cứu Tiến bộ quốc gia của Nhật Bản (NIRA) và Trung tâm nghiên cứu Phát triển của Trung Quốc, so với Trung Quốc và Hàn Quốc thì Nhật Bản được nhận thấy có ít NTB nhất([5]). Kết quả này chỉ ra rằng, cho dù các công ty Hàn Quốc phải đối mặt với những khó khăn từ NTB Nhật Bản nhưng dường như ít phiền hà hơn so với Trung Quốc. Một nghiên cứu khác về NTB đối với các mặt hàng quan trọng như gạo, thịt bò và thép ở Nhật Bản dựa vào sự tiếp cận mức giá chênh lệch cho thấy rằng sự khác biệt giữa giá nhập khẩu và giá trong nước dường như được giải thích do các nhân tố khác hơn là do NTB, chẳng hạn như tiền trợ cấp của Chính phủ để bình ổn giá trong nước. Do đó, cho dù còn tồn tại vấn đề NTB ở Nhật Bản nhưng điều đó sẽ không bị tăng lên quá mức và cả hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc nên có những biện pháp để cải thiện sự ảnh hưởng lẫn nhau về hòa hợp thị trường thông qua FTA.
Vấn đề quan trọng nữa liên quan tới JKFTA đó là nông nghiệp. Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều phản đối tự do hóa nông nghiệp trong các cuộc đàm phán WTO cũng như đàm phán FTA. Hai nước cũng chia sẻ những điểm tương đồng về nhiều mặt như mức sản xuất nhỏ và tỷ lệ tự cung tự cấp thấp([6]). Nhìn chung, tự do hóa nông nghiệp không phải là một vấn đề nghiêm trọng trong tiến trình đàm phán. Tuy nhiên, việc Hàn Quốc xuất khẩu các mặt hàng thủy sản như nori và tảo biển khô sang Nhật Bản vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong lĩnh vực thủy sản, dường như Hàn Quốc có nhiều thuận hơn so với Nhật Bản. Công nghiệp cá của Nhật Bản đang mất dần quyền cạnh tranh và tỷ lệ tự cấp tự túc về cá đã giảm từ 71% năm 1991 xuống còn 53% vào năm 2001.([7])
Nhật Bản vẫn hạn chế lượng nhập khẩu cá ven bờ như cá trích, cá tuyết, cá vàng, cá thu… Tuy nhiên, dựa vào sự đánh giá mức thu nhập trong nghề cá của các hộ gia đình thì Nhật Bản có thuận lợi hơn so với Hàn Quốc trong lĩnh vực nghề cá. Do đó, chiến lược tìm kiếm mậu dịch trong công nghiệp có thể được áp dụng cho nghề cá. Song vấn đề này bị bao phủ bởi các vấn đề liên quan tới Hiệp định nghề cá Nhật - Hàn. Xung quanh vấn đề cá và các sản phẩm biển đã gây ra sự cạnh tranh và những cuộc đàm phán về việc quản lý và bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên nói chung đối mặt với nhiều khó khăn. Trong buôn bán sản phẩm biển giữa hai nước, Hàn Quốc xuất khẩu sang Nhật Bản lớn hơn 30 lần so với Nhật Bản xuất sang Hàn Quốc. Từ triển vọng quản lý nguồn tài nguyên và duy trì tính cộng đồng khu vực, Nhật Bản buộc phải hạn chế nhập khẩu và đánh thuế khá cao đối với các sản phẩm này. Hàn Quốc cũng điều chỉnh mức thuế đối với một số sản phẩm biển. Vì vậy, thật cần thiết để hai nước cùng nhau quản lý nguồn tài nguyên này và hợp tác hơn nữa trong việc sử dụng sản phẩm biển.
Về đầu tư
Lĩnh vực đầu tư giữa hai nước không phát triển như thương mại, nhưng nó lại là một phần quan trọng của hợp tác kinh tế. Kể từ năm 1962, lượng đầu tư của Nhật Bản sang Hàn Quốc đạt mức 13,1 tỷ USD và chiếm 1,5% FDI của Nhật Bản và 15% FDI ở Hàn Quốc, chỉ đứng sau Mĩ (chiếm 31%) (xem bảng 3). Nhật Bản là nước lớn thứ hai về FDI của Hàn Quốc. Kể từ khi Hiệp định đầu tư song phương Nhật - Hàn có hiệu lực từ năm 2003, thì lượng FDI này được dự đoán là sẽ ngày càng tăng mạnh hơn. Các công ty chủ chốt của Nhật Bản đã tập trung hoạt động của họ trong lĩnh vực thiết bị điện, điện tử, hóa chất, và các ngành dịch vụ
Bảng 3: Đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Hàn Quốc
(Đơn vị: 1.000 USD)
|
2000 |
2001 |
2002 |
Tổng số (1962-2002) |
||||
Số trường hợp |
Tổng giá trị |
Số trường hợp |
Tổng giá trị |
Số trường hợp |
Tổng giá trị |
Số trường hợp |
Tổng giá trị |
|
Các tổ chức |
2 |
17.592 |
1 |
15.625 |
1 |
320 |
117 |
271.799 |
Châu Mĩ |
999 |
6.039613 |
766 |
5.584.067 |
588 |
4.858960 |
6.353 |
33.259.149 |
Mĩ |
803 |
2.922.306 |
658 |
3.889.094 |
488 |
4.499.552 |
5.536 |
26.298.874 |
Canada |
54 |
519.887 |
26 |
1.506.425 |
32 |
260.907 |
262 |
2.919.312 |
Khác |
142 |
2.597.420 |
82 |
188.548 |
68 |
98.501 |
555 |
4.040.963 |
Châu Á |
2.702 |
4.721.128 |
2.077 |
2.343.371 |
1.421 |
2.269.195 |
13.717 |
24.763.651 |
Nhật Bản |
614 |
2.448.222 |
591 |
772.184 |
474 |
1.403.312 |
7.225 |
12.715.137 |
Singapo |
82 |
304.192 |
58 |
189.564 |
48 |
146.189 |
409 |
2.494.268 |
H. Kong |
68 |
123.462 |
71 |
167.484 |
86 |
234.148 |
613 |
1.758.026 |
Malaisia |
151 |
1.408.185 |
117 |
784.777 |
70 |
209.963 |
531 |
6.077.139 |
Tr. Quốc |
1.1165 |
76.496 |
812 |
70.422 |
411 |
249.357 |
3.101 |
471.885 |
Đài Loan |
73 |
250.922 |
32 |
314.186 |
29 |
8.785 |
269 |
703.720 |
Khác |
549 |
109.649 |
396 |
44.754 |
273 |
17.443 |
1.569 |
543.476 |
EU |
375 |
4.391.469 |
306 |
3.061.939 |
264 |
1.662.850 |
3.138 |
24.578.982 |
Đức |
112 |
1.599.400 |
62 |
459.410 |
68 |
283.664 |
857 |
5.205.961 |
Anh |
44 |
83.956 |
51 |
431.976 |
36 |
115.441 |
519 |
1.960.596 |
Pháp |
45 |
607.189 |
35 |
425.546 |
39 |
110.826 |
429 |
3.120.384 |
Bỉ |
16 |
164.679 |
15 |
200.833 |
9 |
73.019 |
90 |
974.870 |
Hà Lan |
67 |
1.768.403 |
64 |
1.244.808 |
43 |
450.516 |
598 |
10.359.631 |
Ai Len |
18 |
48.533 |
16 |
174.376 |
10 |
22.592 |
125 |
1.375.311 |
Khác |
73 |
119.309 |
63 |
124.990 |
59 |
606.792 |
520 |
1.582.229 |
Khu vực khác |
193 |
46.909 |
268 |
286.842 |
161 |
309.769 |
1.179 |
1.775.989 |
Tổng cộng |
4.271 |
15.216.711 |
3.418 |
11.291.844 |
2.435 |
9.101.094 |
24.504 |
84.649.570 |
Nguồn: Ministry of Commerce, Industry and Energy
Một số vấn đề còn gây tranh luận giữa hai nước cũng tồn tại trong lĩnh vực đầu tư. Chi phí sản xuất cao ở Hàn Quốc, sự phức tạp về các thủ tục cấp phép và môi trường sống không phù hợp, xu hướng quản lý lao động gặp trở ngại… tất cả những điều đó đã làm hạn chế đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản. Một nghiên cứu của Bộ Kinh tế, Thương mại và Đầu tư (METI) Nhật Bản đã chỉ ra rằng mối quan hệ công việc không ổn định của Hàn Quốc, cùng với sự phân biệt đối xử với các công ty nước ngoài, và tính thiếu minh bạch trong quản lý đang là những vấn đề quan trọng đối với các công ty Nhật Bản hoạt động ở Hàn Quốc.
Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á 1997, khi đó Hàn Quốc đã thông qua một chính sách thúc đẩy đầu tư và đã được chính phủ Nhật Bản đánh giá rất cao. Cho dù trong một chừng mực rất hạn chế, những nguyên tắc đầu tư trực tiếp các mặt hàng kinh doanh đặc biệt hiện nay đã được Hàn Quốc áp dụng. Tháng 4 năm 1999, 7 lĩnh vực chưa được tự do hóa (trong đó có các mặt hàng thủy sản và dịch vụ truyền thanh), trong khi đó 16 lĩnh vực đã được tự do hóa một phần (trong đó có xuất bản báo chí và dịch vụ viễn thông). Hơn nữa, Hiệp ước đầu tư song phương giữa Nhật Bản và Hàn Quốc có hiệu lực kể từ tháng 1 năm 2003 có những biện pháp khác nhau hướng tới khả năng đầu tư bằng việc xây dựng khung thể chế sẽ xúc tiến tự do hóa đầu tư và do đó tạo mặt bằng cho tự do hóa hơn nữa trong cơ chế JKFTA.
Vậy từ những phân tích trên đây, liệu FTA Nhật - Hàn có được phê chuẩn trong tương lai gần?
Việc phê chuẩn JKFTA tùy thuộc vào nỗ lực của cả hai bên. Sẽ có một số lĩnh vực nảy sinh mâu thuẫn về mặt cơ chế sau khi FTA Nhật - Hàn có hiệu lực song hai nước đã tìm được cho mình hướng giải quyết, nhưng tương lai của việc phê chuẩn JKFTA vẫn chưa được xác định rõ. Nếu chỉ xét trong bối cảnh hiện nay thì FTA Nhật - Hàn dường như đang dậm chân tại chỗ. Nhưng nếu xét trên quan điểm lâu dài thì tới một lúc nào đó JKFTA sẽ thoát khỏi tình trạng bế tắc hiện nay. Mặc dù không thể biết thời điểm chính xác nào JKFTA mới có hiệu lực; song nếu hai bên không chuẩn bị cho thời đại mở cửa đang tới gần thì FTA có thể trở thành nguy cơ chứ không phải cơ hội. Chính vì vậy ở thời điểm hiện nay, cả hai chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc cần mạnh dạn nới lỏng quy chế tăng cường năng lực cạnh tranh và đưa ra chính sách hỗ trợ có chiều sâu đối với các lĩnh vực có thể phải chịu thiệt hại khi FTA có hiệu lực.
Một tương lai đã hé mở đối với JKFTA đó là tại cuộc hội đàm thượng đỉnh ngày 21 tháng 4 vừa qua, hai nhà lãnh đạo cấp cao Nhật Bản và Hàn Quốc đã nhất trí mở lại các cuộc đàm phán FTA song phương. Để lôi kéo Hàn Quốc trở lại bàn thương lượng, Nhật Bản đặc biệt nhấn mạnh đến lợi ích mà Hàn Quốc có thể thu được, không chỉ bao gồm xóa bỏ và giảm bớt rào cản thuế quan mà còn tăng cường hợp tác giữa hai bên trong việc công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn hàng hóa. Hy vọng rằng với một tân tổng thống chú trọng nhiều vào việc cải cách và thúc đẩy nền kinh tế như ông Lee Myung-bak sẽ giúp tạo nên một kết quả đột phá trong hợp tác kinh tế Nhật - Hàn.
TRẦN THỊ DUYÊN
(Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Jung Sung Chun: “Japan’s Policy for an East Asian FTA and Korea’s Response” Korea Focus Review; July and August 2004.
2. Honma Masayoshi: “Agricultural Issues on Japan-Korea FTA: Toward a Model Case for East Asian Economic Integration”,Korean Institute for International Economic Policy, 2005
3. Sohn Yul: “The Political Economy of a Korea-Japan FTA” Korea Focus Review, March and April 2005.
4. Lưu Ngọc Trịnh (chủ biên): “Đối sách của các nước Đông Á trước việc hình thành các khu vực mậu dịch tự do (FTA) từ cuối những năm 1990”; Nxb Lao Động Xã hội; 2006.
5. Shin Hyun-soo and Sagong Mok: “Korea’s Trade Gap with Japan and Future Prospects” Korea Focus Review, November 2007.
6. Yuliya Ni: Cooperation and Integration in Asia: Economic Viability of Japan-Korea Free Trade Agreement (trên website http://www.wiaps.waseda.ac.jp)