Trang chủ

MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA TIẾNG NHẬT

Đăng ngày: 30-10-2012, 10:24 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2008 » Số 7

Cho đến nay, vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn cho câu hỏi về nguồn gốc của tiếng Nhật. Có rất nhiều ý kiến cho rằng tiếng Nhật thuộc hệ ngôn ngữ Altaic, cùng họ với tiếng Mông Cổ, Triều Tiên và các ngôn ngữ vùng Trung Á đến phía Tây Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, đó là xét về đặc điểm ngữ pháp của ngôn ngữ này, còn đứng trên bình diện văn hóa thì tiếng Nhật lại có nhiều nét giống với các ngôn ngữ phía nam Trung Quốc. Mặt khác, dựa trên đặc điểm cấu tạo từ vựng và hệ thống phát âm thì tiếng Nhật lại có vẻ tương đồng với các ngôn ngữ Nam Á Dravidian và nhóm ngôn ngữ châu Úc. Đó chính là cái khó để các nhà ngữ học đưa ra một kết luận chính thức về nguồn gốc của tiếng Nhật.

Nhật Bản không phải là một quốc gia đa dân tộc, và vì vậy lẽ tất nhiên là gần 120 triệu dân nước này đều sử dụng một ngôn ngữ duy nhất: tiếng Nhật. “Tiếng Nhật vừa là tiếng nói của người Nhật, vừa là ngôn ngữ quốc gia của Nhật Bản với tên gọi “Quốc ngữ” (kokugo)”(1). Tuy vậy, ở Nhật Bản lại tồn tại một hệ thống phương ngữ đa dạng của các vùng khác nhau. Có hai tuyến phương ngữ chính là phương ngữ Kanto (Tokyo và các vùng lân cận) và phương ngữ Kansai (Osaka...). Các phương ngữ này không chỉ khác nhau về mặt ngữ âm (trọng âm, độ cao khi phát âm) mà còn có sự khác biệt cả về mặt từ vựng nữa. Hiện nay, phương ngữ Tokyo được chọn làm ngôn ngữ chuẩn để sử dụng trên các phương tiện truyền thông.

1. Hệ thống chữ viết:

Có thể nói, tiếng Nhật là một ngôn ngữ vô cùng phức tạp và có một hệ thống chữ viết “kỳ dị” nhất thế giới. Điều này đã gây khó khăn cho trên 2 triệu người nước ngoài đang học tiếng Nhật hiện nay, trong đó có 30.000 học viên Việt Nam. Nhiều nhà nghiên cứu đã phát biểu một cách đầy khôi hài rằng: thật bất hạnh cho người Nhật Bản, khi mà tiếng Trung Quốc đã trở thành thứ chữ viết đầu tiên mà họ bắt gặp, để rồi từ đó họ lại cố gắng biến đổi, đồng hóa nó cho phù hợp với một ngôn ngữ còn phức tạp hơn nữa. Tuy nhiên, cũng nhờ có điều trớ trêu của lịch sử này mà người Nhật đã tạo ra hệ thống chữ viết độc đáo nhất, một sản phẩm văn hóa kỳ lạ nhất của Nhật Bản. Hiện nay, người Nhật sử dụng tới 4 loại chữ viết trong một văn bản: đó là chữ Hán được du nhập từ Trung Quốc vào thế kỷ thứ III và IV, chữ Hiragana và Katakana được người Nhật sáng tạo ra vào khoảng thế kỷ thứ VIII và IX và chữ Latin được các nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha truyền vào Nhật Bản khoảng thế kỷ thứ XVI và XVII.

Vậy thì, để có được một hệ thống chữ viết phức tạp gồm 4 loại như vậy, người Nhật đã phải trải qua một quá trình lịch sử du nhập và sáng tạo như thế nào?

Vào đầu công nguyên, trong các nước Đông Á, chỉ có Trung Quốc là nước duy nhất có hệ thống chữ viết. Do mối quan hệ, giao lưu giữa Nhật Bản và lục địa khá phát triển nên yêu cầu phải có chữ viết xuất hiện. Và việc du nhập chữ Trung Quốc là một lựa chọn mang tính tất yếu. Nhiều ý kiến cho rằng, chữ Hán được truyền từ Trung Quốc tới Nhật Bản qua Bán đảo Triều Tiên vào khoảng thế kỷ thứ III-IV. Những người di cư từ Bán đảo Triều Tiên tới, được gọi là Doraijin (người từ bên ngoài tới) đã mang theo chữ Hán. Họ trở thành những người viết thuê, sau này đảm nhiệm công việc ghi chép của triều đình.

Những ghi chép ban đầu được viết hoàn toàn bằng chữ Hán và được đọc bắt chước theo âm tiết tiếng Trung Quốc. Những âm đọc gần tương tự với tiếng Trung Quốc này được gọi là âm On (cách đọc On). Nhưng mặt khác, để hiểu được những văn bản chữ Hán lại phải dịch sang tiếng Nhật. Những từ tiếng Nhật có ý nghĩa trùng với chữ Hán lâu dần trở thành cách đọc Kun. Bởi vậy, từ Hán-Nhật có hai loại cách đọc: On và Kun.

Tuy nhiên, một chữ đơn có thể có hai hoặc ba cách đọc On dựa trên những cách phát âm tiếng Trung Quốc ở những vùng và những thời đại khác nhau. Phần lớn có ba loại: Go-on (âm Ngô), Kan-on (âm Hán) và To-on (âm Đường). Âm Ngô là cách phát âm sớm nhất chữ Trung Quốc ở Nhật Bản. Cách đọc này được đưa vào Nhật Bản khoảng thế kỷ thứ V và VI, khi hệ thống chữ viết Trung Quốc được du nhập vào cùng với Phật giáo.  Manyogana, hệ thống chữ viết cổ của Nhật Bản xuất hiện trong tập thơ Manyoshu và những tác phẩm khác vào thế kỷ thứ VI và VII được đọc bằng âm Ngô.

Nếu như âm Ngô là cách đọc thịnh hành trong thời kỳ đầu chữ Hán được du nhập vào Nhật Bản thì tiếp theo là cách đọc âm Hán (Kan-on), được sử dụng từ cuốn “Nhật Bản thư kỷ” (Nihonshoki). Âm Hán là cách phát âm được đưa vào Nhật Bản từ thế kỷ thứ VII và VIII. Đây là cách phát âm gần giống với cách phát âm đương thời của Tràng An (thủ đô nhà Đường) ở phía Bắc Trung Quốc và rất khác so với cách đọc âm Ngô là âm phương Nam. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng cách đọc âm Ngô có nguồn gốc ở vùng hạ lưu sông Dương Tử. Tuy nhiên, họ cũng không chắc rằng chữ Trung Quốc được truyền vào Nhật Bản lần đầu tiên từ vùng này. Có thể, sự khác nhau giữa âm Ngô và âm Hán là do sự khác nhau về âm vực giữa các vùng, miền. Người Nhật đã cố gắng đưa cách đọc âm Hán (Kan-on) trở thành cách đọc chính thức, nhưng nó không bao giờ có thể thay thế hoàn toàn âm Ngô vì cách đọc cổ đã ăn sâu vào các kinh Phật và trong những từ vay mượn được sử dụng hàng ngày.

Âm Đường (To-on) là cách phát âm được đưa vào Nhật Bản muộn hơn cả. Đó là cách phát âm của triều Tống và các triều đại sau đó. Vì vậy, đôi khi chúng được đề cập tới như là âm Tống (So-on). Những cách phát âm này gần với cách phát âm của tiếng Trung Quốc hiện đại. Tuy nhiên, chúng chỉ xuất hiện trong một số giới hạn các từ đơn lẻ và không được đồng hóa vào tiếng Nhật nhiều như hai cách phát âm trước.

Trong tiếng Nhật, mỗi chữ Hán thường có từ 2 cách đọc On trở lên và có nhiều hơn 1 cách đọc Kun, do cách đọc Kun là sự dịch nghĩa của chữ Hán sang tiếng Nhật, và có nhiều trường hợp nghĩa tùy thuộc vào nội dung hoặc từ loại mà chữ Hán đó được sử dụng. Ví dụ với chữ Hán “hành”, có 3 cách đọc On là: kou (cách đọc âm Ngô) trong “ryokou” (lữ hành), gyou (cách đọc âm Hán) trong “shugyou” (chấp hành) và an (cách đọc âm Tống) trong “andon” (hành đăng, nghĩa là đèn dầu). Chữ “hành” cũng có tới 3 cách đọc Kun là: iku (đi, nghĩa thông thường), yuku (đi, nghĩa bóng; VD: bước trên đường đời...), okonau (tổ chức).

Hiện nay, số lượng chữ Hán thường dụng trong tiếng Nhật vào khoảng 2000-3000 chữ.

Vào thời đại Heian (794-1192), người Nhật đã tạo ra chữ Kana (sau này là Hiragana và Katakana) dựa vào việc biến đổi một số chữ Hán. Động cơ ban đầu của việc này có lẽ là để ghi tên người và sử dụng chữ Hán như là các ký tự ghi âm. Cũng có cách lý giải khác cho rằng ban đầu chữ Kana được tạo ra là để ghi thơ. Trong tập Manyoshu (tập thơ được biên soạn vào khoảng thế kỷ thứ VIII), tiêu đề và lời tựa là Hán văn, nhưng thơ thì được viết bằng chữ Kana. Chữ Manyogana (được sử dụng để viết tập thơ Manyoshu) là bộ chữ tiền thân của chữ Kana. Đây thực ra vẫn là bộ chữ Trung Quốc không hề có bất cứ sự biến đổi nào về mặt hình thức, các chữ Hán được sử dụng như là những ký tự để ghi các âm tiết tiếng Nhật. Vào thời đó, có khoảng 87 loại âm tiết trong tiếng Nhật nhưng lại có tới hơn 970 chữ Hán được sử dụng để viết chúng. Rất nhiều chữ Hán được sử dụng để ghi cùng 1 âm tiết trong tiếng Nhật, ví dụ có tới 40 chữ Hán dùng để ghi âm “shi”, 32 chữ Hán dùng để ghi âm “ka”... Sau này, loại chữ này được chỉnh lý dần sao cho 1 chữ trùng với 1 âm tiết và vào khoảng thế kỷ thứ IX, hầu như sự chỉnh lý đã được hoàn thành và chữ Kana (Hiragana và Katakana) ra đời.

Chữ Hiragana được hình thành từ lối viết thảo chữ Manyogana, phổ biến vào thời Heian. Dựa trên những ghi chép còn lại đến ngày nay, người ta cho rằng chữ Hiragana đã ra đời vào khoảng cuối thế kỷ thứ IX, đầu thế kỷ thứ X. Vào thời đó, chữ này được gọi là Onnade, tức là loại chữ chỉ dành cho phụ nữ viết. Nhiều tác phẩm văn học viết bằng chữ Hiragana đã ra đời như “Tập hòa ca” (Wakashu) và bộ tiểu thuyết nổi tiếng đầu tiên của Nhật Bản “Truyện kể Ghên-ji” (Genji monogatari). Trong khi chữ Hiragana được coi là loại chữ dành cho phụ nữ, thì lúc này chữ Hán hay chữ Manyogana được gọi là Otode tức là loại chữ của nam giới. Chữ Hiragana (Kana biến thể) lúc đầu có số lượng rất lớn, nhưng đã được điều chỉnh dần dần để trở thành một hệ thống gồm 48 đơn vị ghi âm như ngày nay. Chữ Hiragana hiện nay được dùng để viết những từ Nhật Bản và những từ vay mượn gốc Trung Quốc nhưng không thể viết bằng chữ Hán trong bảng chữ Hán thường dụng.

Chữ Katakana cũng ra đời cùng thời với chữ Hiragana, tức là vào đầu thời đại Heian. Bộ chữ này được tạo thành do giản lược một phần chữ Manyogana, bởi vậy nó có tên là Kata (Phiến: một phần). Tuy nhiên loại chữ này chỉ được giới tăng lữ sử dụng vào việc ghi chép cách đọc kinh Phật, còn việc sử dụng loại chữ này trong các tác phẩm văn học phải vào thế kỷ thứ XII (tác phẩm “Konjaku Monogatari” được viết bằng chữ Hán và chữ Katakana). Ban đầu, nhiều chữ Katakana có thể được dùng để ghi 1 âm tiết. Sang thời Muromachi (1336-1603), mối liên hệ 1-1 giữa âm tiết và chữ Katakana được thiết lập. Loại chữ Katakana được sử dụng ngày nay đã được chuẩn hóa vào năm 1900.

2. Ngữ âm

Âm tiết trong tiếng Nhật giữ một vị trí rất quan trọng, nó vừa là đơn vị ngữ âm nhỏ nhất và vừa là đơn vị phát âm cơ bản. Mỗi âm tiết được thể hiện bằng một chữ Kana. Số lượng âm tiết trong tiếng Nhật không nhiều, có tất cả 112([1]) dạng âm tiết. Trong số này, có 21 dạng âm tiết chỉ xuất hiện trong các từ ngoại lai được vay mượn, do đó số lượng âm tiết sử dụng thường xuyên trên thực tế còn ít hơn.

Khác với tiếng Việt, âm tiết trong tiếng Nhật hầu hết đều không mang nghĩa. Nếu như trong tiếng Việt, có rất nhiều từ được cấu tạo bởi một âm tiết, và mỗi âm tiết đều mang ý nghĩa nhất định, VD: cây, hoa, ấm, tôi..., thì đối với tiếng Nhật, phần lớn các từ được cấu tạo từ hai âm tiết trở lên và mỗi một âm tiết thường không mang ý nghĩa nào cả. VD: từ “hay” - “omoshiroi” có 5 âm tiết /o/mo/shi/ro/i, khó có thể tìm thấy ý nghĩa của mỗi âm tiết này. Cũng có những từ được cấu tạo bởi 1 âm tiết và trong trường hợp này, âm tiết mang ý nghĩa của từ đó, VD: “ki” có nghĩa là cái cây, “e” có nghĩa là bức tranh, “te” có nghĩa là cái tay... nhưng những từ như vậy chiếm số lượng rất nhỏ trong vốn từ vựng tiếng Nhật.

Tiếng Nhật có tất cả 5 nguyên âm: /a, i, u, e, o/ và 12 phụ âm: /k, s, t, g, z, d, n, m, h, b, p, r/ một số lượng khá ít so với các ngôn ngữ khác. Ngoài ra còn có hai âm đặc biệt là âm mũi (N) và âm ngắt (Q).

Trong tiếng Nhật, trọng âm cũng giữ một vị trí khá quan trọng. Trọng âm được thể hiện chủ yếu bằng độ cao khi phát âm, và nhờ có trọng âm mà nhiều từ đồng âm khác nghĩa được phân biệt. Ví dụ như từ “hashi” nếu phát âm cao ở âm tiết thứ nhất thì có nghĩa là “đôi đũa”, nếu phát âm cao ở âm tiết thứ hai thì lại có nghĩa là “cây cầu”. Tuy nhiên, các phương ngữ lại có sự phân bố trọng âm không giống nhau. Vì vậy, phương ngữ Tokyo đã được lấy làm ngôn ngữ chuẩn.

3. Từ vựng

Có thể khẳng định rằng tiếng Nhật là một ngôn ngữ có một vốn từ vựng rất lớn và vô cùng phong phú. Điều này thể hiện rõ nét khi so sánh tiếng Nhật với tiếng Anh, tiếng Pháp và các thứ tiếng phổ biến khác. Các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã tiến hành so sánh ngôn ngữ của một số nước trên thế giới để tìm hiểu xem người ta biết bao nhiêu từ của một ngôn ngữ nào đó thì có thể hiểu nhau khi giao tiếp. Những chỉ số đưa ra từ cuốn sách “Tiếng Nhật hiện đại”([2]) cho thấy trường hợp của tiếng Pháp, nếu biết được khoảng 1000 từ thì khi hội thoại có thể hiểu được 83,5%. Nhưng ở tiếng Nhật, nếu biết 1000 từ thì chỉ hiểu được 60% hội thoại. Cũng như vậy, khi so sánh với tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, người ta đã kết luận rằng ngôn ngữ Nhật là thứ tiếng cần phải biết nhiều từ nhất thì mới có thể giao tiếp được. Cụ thể là, tiếng Pháp nếu biết 5000 từ thì có thể hiểu được 96%, tiếng Anh và Tây Ban Nha cũng tương tự như vậy, còn tiếng Nhật để hiểu được 96% thì cần phải biết tới 22.000 từ. Ngoài ra, trong tiếng Nhật còn có rất nhiều từ xuất hiện trong thơ ca, tiểu thuyết và những từ này lại chưa được thống kê ngay cả trong cuốn Đại từ điển tiếng Nhật. Cuốn “Đại từ điển” của nhà xuất bản Heibonsha được coi là lớn nhất hiện nay có tới hơn 720.000 từ.

Sự phong phú của từ vựng tiếng Nhật trước hết được thể hiện ở tính nhiều tầng lớp của vốn từ vựng. Từ xa xưa, người Nhật đã sớm có sự tiếp xúc và tiếp thu những ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa và điều này đã in dấu ấn ngay trong ngôn ngữ Nhật Bản. Lớp từ gốc Hán (Kango) được vay mượn từ Trung Quốc từ những thế kỷ đầu công nguyên vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay và chiếm tới hơn 60% vốn từ vựng tiếng Nhật. Lớp từ này chủ yếu là các danh từ, đặc biệt là danh từ biểu thị các khái niệm trừu tượng như tetsugaku (triết học), shugi (chủ nghĩa), kyokutan (cực đoan)... và mỗi danh từ thường được cấu tạo từ hai chữ Hán trở lên. Trong khi đó, lớp từ gốc Nhật (được gọi là Wago hay Yamato kotoba) cùng với số lượng các từ ngoại lai vay mượn từ các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Trung Quốc chỉ chiếm số lượng không nhiều, chưa đầy 40%. Lớp từ gốc Nhật chủ yếu bao gồm các danh từ, động từ, tính từ thuộc lĩnh vực ngôn ngữ đời sống sinh hoạt hàng ngày và nhóm các trợ từ biểu thị các kiểu ý nghĩa ngữ pháp (trợ từ cách, liên từ, thán từ, trợ động từ...). Nhóm từ ngoại lai (Gairaigo) được coi là những từ vay mượn từ các ngôn ngữ khác mà chủ yếu là tiếng Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha... Các từ ngoại lai gốc Hán không được xếp vào nhóm này. Để phân biệt với nhóm từ gốc Hán và từ thuần Nhật, nhóm từ ngoại lai được viết bằng chữ Katakana. Tuy nhiên, những từ ngoại lai đầu tiên xuất hiện ở Nhật Bản vào thế kỷ thứ 16 là các từ tiếng Bồ Đào Nha như: tabako (thuốc lá), tenpura (món tẩm bột rán)... trải qua một thời gian dài đã được coi ngang hàng như những từ thuần Nhật nên chúng đều được viết bằng chữ Hiragana. Phải đến nửa cuối thế kỷ thứ XIX, số lượng từ ngoại lai trong vốn từ vựng tiếng Nhật mới có sự tăng lên đáng kể và vẫn tiếp tục tăng nhanh chóng cho đến ngày nay. Theo thống kê([3]), vào cuối thế kỷ XIX, lượng từ ngoại lai mới chỉ chiếm 1,4% vốn từ vựng thì đến đầu những năm 1990, con số này đã tăng lên 13,5%. Trong số các từ ngoại lai, những từ có nguồn gốc tiếng Anh chiếm số lượng lớn nhất, hơn 80% tổng số từ ngoại lai. Một điều thú vị là khi xem xét nguồn gốc các từ ngoại lai, có thể thấy được mối quan hệ của Nhật Bản với từng nước trên những lĩnh vực khác nhau. Ví dụ, các từ ngoại lai gốc tiếng Anh chủ yếu là các từ có nội dung liên quan đến khoa học, kỹ thuật. Trong khi đó, các từ ngoại lai từ tiếng Pháp phần nhiều lại liên quan đến lĩnh vực mỹ thuật, các từ ngoại lai từ tiếng Ý đa số liên quan đến âm nhạc, nghệ thuật, các từ gốc tiếng Đức liên quan đến y học... Hiện nay, các từ ngoại lai chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống ngôn ngữ của người Nhật Bản. Các từ liên quan đến lĩnh vực kinh tế, chính trị và đời sống sinh hoạt hàng ngày đang tăng lên.

Một yếu tố khác làm nên sự phong phú của vốn từ vựng tiếng Nhật, đó là khả năng kết hợp các từ với nhau để tạo ra từ mới là rất lớn. Ví dụ từ “xe” trong tiếng Nhật là “shya” (từ gốc Hán), nếu ghép với các từ gốc Hán khác sẽ tạo ra được rất nhiều từ có nghĩa khác nhau liên quan đến “xe” như: hashya (khởi hành xe), joushya (lên xe), teishya (dừng xe), kushya (xe không), taikoushya (xe ngược hướng). Những từ này đem dịch ra tiếng Việt như trên cũng đã trở thành những cụm từ có ít nhất là hai từ độc lập, nhưng nếu dịch thử dịch ra tiếng Anh, phải thể hiện bằng cả một câu dài mới đủ nghĩa (VD: taikoushya (xe ngược hướng) dịch sang tiếng Anh là a car on the opposite lane...)([4]). Ngoài ra, cùng một khái niệm biểu đạt nhưng lại có nhiều từ khác nhau, thuộc những gốc khác nhau cũng là một hiện tượng khá phổ biến và làm nên sự phong phú của tiếng Nhật. Ví dụ, có đến 3 từ khác nhau cùng biểu đạt ý nghĩa “nhà” như: uchi (từ thuần Nhật), katei (từ gốc Hán), homu (từ gốc tiếng Anh). Hay từ “tin tức”, từ gốc Nhật là shirase, từ Hán-Nhật là houdou, từ ngoại lai từ tiếng Anh là niusu... Tất nhiên, cũng có sự phân chia phạm vi sử dụng những từ đồng nghĩa gốc khác nhau này.

4. Ngữ pháp

Đặc điểm nổi bật nhất của ngữ pháp tiếng Nhật là trật tự câu hoàn toàn đảo lộn so với các ngôn ngữ khác như tiếng Việt, Anh, Nga, Trung... Trong tiếng Nhật, vị ngữ đứng cuối câu là một nguyên tắc bất dịch. Hầu hết các ý nghĩa ngữ pháp được thể hiện bằng trợ từ và trợ động từ chứ không phải là bằng trật từ từ trong câu. Điều này khác xa với tiếng Việt vốn thể hiện các ý nghĩa ngữ pháp phần lớn bằng trật tự từ, và đôi khi là hư từ trong câu([5]). Ví dụ câu: “Mèo ăn chuột” trong tiếng Việt, nếu thay đổi trật tự từ (chủ ngữ và bổ ngữ) trong câu thành “Chuột ăn mèo” thì nghĩa của câu sẽ biến đổi hoàn toàn. Nhưng trong tiếng Nhật, nhờ sự “dán nhãn” của các trợ từ đi kèm mà các từ trong câu (trừ vị ngữ đứng cuối câu) có thể đổi chỗ cho nhau mà nghĩa của câu không hề bị thay đổi. Câu “Mèo ăn chuột” trong tiếng Nhật là:

- Neko-ga nezumi-wo taberu.

(mèo chuột ăn)

có thể được nói hoặc viết thành:

- Nezumi-wo neko-ga taberu.

(chuột mèo ăn)

Nghĩa của hai câu trên vẫn như nhau, không hề có bất cứ sự biến đổi nào.

Một đặc điểm quan trọng khác của ngữ pháp tiếng Nhật, giống với các ngôn ngữ biến hình như tiếng Anh, Nga, Pháp..., động từ và tính từ trong tiếng Nhật có sự biến đổi về mặt hình thức bằng cách ghép thêm tiếp vĩ ngữ để tạo thành thời, thể, trạng thái..., nhưng không biểu hiện ngôi và số. Ví dụ, động từ nomu (uống) có thể được biến đổi phần đuôi từ để biểu thị các ý nghĩa khác nhau như:

- Kohi-wo             nomu. (Uống cà phê)

- Kohi-wo nonda. (Đã uống cà phê)

- Kohi-wo nomitai. (Muốn uống cà phê)

- Kohi-wo nomeru. (Uống được cà phê)

- Kohi-wo nomou. (Nhất định sẽ uống cà phê)

Trong hội thoại tiếng Nhật, các ngôi nhân xưng, đặc biệt là chủ ngữ  thường được giản lược một cách tối đa có thể. Điều này là do các ý nghĩa ngữ pháp, nghĩa tình thái trong câu nói đã được biểu hiện ở dạng thức của động từ rồi. Chỉ cần nhìn vào dạng thức của động từ cũng có thể phân biệt được ai là chủ thể của lời nói, ai là đối tượng giao tiếp và mối quan hệ xã hội giữa họ.

Ngoài ra, kính ngữ cũng là một phạm trù ngữ pháp quan trọng của tiếng Nhật. Mặc dù các phương tiện biểu thị kính ngữ trong tiếng Nhật bao gồm cả từ vựng và ngữ pháp, song phương tiện ngữ pháp chiếm tỉ lệ khá lớn. Có rất nhiều định nghĩa về kính ngữ, tựu chung lại, có thể hiểu kính ngữ là các biểu hiện hay các dạng thức ngôn ngữ mà người nói (hoặc người viết) lựa chọn cho phù hợp với tình huống và đối tượng giao tiếp để biểu thị ý kính trọng đối với đối tượng giao tiếp. Kính ngữ thuộc phạm trù từ vựng chủ yếu bao gồm các danh từ, đại từ nhân xưng và một số ít các động từ đặc biệt. Ví dụ, để biểu hiện ngôi thứ nhất có tới 31 từ, biểu hiện ngôi thứ hai có tới 48 từ([6]) ở các sắc thái ý nghĩa khác nhau. Kính ngữ được biểu hiện bằng phương tiện ngữ pháp bao gồm các dạng thức của động từ, trợ động từ. Nói chung, có ba dạng chính là: dạng thức kính trọng, dạng lịch sự và dạng khiêm tốn. Trừ một số động từ đặc biệt mà dạng thức kính ngữ của chúng là những từ riêng biệt được quy định, phần lớn động từ trong tiếng Nhật đều có 3 dạng thức kính ngữ, được thể hiện bằng cách chia phần đuôi của động từ.

Ví dụ: động từ kakimasu (viết) có các dạng kính ngữ như sau:

- O kaki ni narimasu. (dạng kính trọng, dùng cho ngôi thứ hai hoặc ba)

- Kakimasu. (dạng lịch sự, dùng cho cả ba ngôi)

- O kaki shimasu. (dạng khiêm tốn, dùng cho ngôi thứ nhất)

Ngoài ra, cách thêm phụ tố (tiếp đầu ngữ o hoặc go) vào phía trước các danh từ cũng là một cách biểu hiện kính ngữ bằng phương tiện ngữ pháp.

Ví dụ:

- O taku (nhà, kính ngữ)

- O kane (tiền, kính ngữ)

- O sushi (món sushi, kính ngữ).

Tuy nhiên, sử dụng thành thạo kính ngữ là một vấn đề vô cùng khó, ngay cả đối với người Nhật. Để thể hiện được những sắc thái biểu cảm vô cùng tinh tế và phức tạp của kính ngữ, cần có sự am hiểu sâu sắc những đặc điểm tâm lý xã hội của dân tộc Nhật Bản.

 

NGÔ HƯƠNG LAN - HỒ HOÀNG HOA

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hồ Hoàng Hoa, 2002, Từ vựng trong tiếng Nhật. Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á, số 1/2002.

2. Phạm Ngọc Hoa, 2001, Vài nét về hệ thống chữ viết Nhật Bản. Luận văn cử nhân khoa Đông phương học, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

3. Nguyễn Thu Hương, 1998, Phạm trù kính ngữ của tiếng Nhật. Luận văn thạc sĩ khoa Ngôn ngữ học, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

4. Ngô Hương Lan, 1998, Trợ từ tiếng Nhật trong câu - so sánh tương ứng với tiếng Việt. Luận văn thạc sĩ khoa Ngôn ngữ học, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

5. Trần Sơn, 1996, Đặc điểm lớp từ Hán-Nhật. Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản, số 3/1996.

6. Nguyễn Thị Việt Thanh, 2000, Ngữ pháp tiếng Nhật. Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.

7. Japan as is it, 1997, Gakken company, Tokyo.

8. Nakanishi S., Yamamoto S., 1991, 漢字文化を考える (Suy nghĩ về văn hóa chữ Hán). Nxb. Taishukan, Tokyo.

9. Ikuko Sakairi, 1996,日本語を教える(Dạy tiếng Nhật). Nxb. Baberu Bureku, Tokyo.

10. Kendaiichi Haruhako, 日本語の本質(Bản chất của tiếng Nhật). Nxb. Nihon hoso shuppan kyoukai, Tokyo.

11. Satokawa Yuriko (chủ biên), 1998,日本語文法辞典(T đin ng pháp tiếng Nht). Nxb. Kuroshio, Tokyo,

 



(1) Nguyễn Thị Việt Thanh, “Ngữ pháp tiếng Nhật”, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2000.

([1]) Nguyễn Thị Việt Thanh, đã dẫn.

([2]) Hồ Hoàng Hoa, “T vng trong tiếng Nht”, Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á, số 1/2002.

([3]) Nguyễn Thị Việt Thanh, đã dẫn.

([4]) Hồ Hoàng Hoa, đã dẫn.

([5]) Ngô Hương Lan, Luận văn thạc sĩ “Tr t tiếng Nht trong câu - So sánh tương ng vi tiếng Vit”, 1998.

([6]) Nguyễn Thị Việt Thanh, đã dẫn.

0thảo luận