Theo nhiều nhà nghiên cứu Nhật Bản có bốn loại yếu tố được coi là cơ sở tạo lập chính sách Đông Á-Thái Bình Dương của nước này. Bài viết sau đây đề cập tới hai yếu tố đầu tiên đó là lịch sử dính líu của Nhật Bản ở khu vực này và lợi ích quốc gia.
1. Lịch sử của vấn đề
Như đã biết, trong lịch sử Nhật Bản có một vai trò đáng kể ở khu vực Đông Bắc Á - Thái Bình Dương mà cội nguồn của nó là những đặc thù về địa lý. Là một quần đảo lớn bao gồm hàng ngàn đảo hợp thành, ở đó Hokkaido, Honshu, Kyushu và Skikoku là xương sống tạo nên Nhật Bản. Do gần nhưng lại tách biệt với lục địa Trung Hoa nên Nhật Bản bị ảnh hưởng nhiều bởi văn hóa - văn minh Trung Hoa, cho dù không bị ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc như ở Việt Nam hay Bán đảo Triều Tiên. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đặc điểm này đã tạo ra sự khác biệt rõ nét trong tiến trình phát triển của Nhật Bản ngay từ những bước khởi đầu. Những thành công trong phát triển kinh tế xã hội thời kỳ Edo và chính sách đóng cửa với thế giới bên ngoài (ngoại trừ Hà Lan, Trung Quốc và Triều tiên), nhằm bảo vệ an ninh quốc gia trong gần 300 năm được coi là kết quả riêng có của người Nhật Bản và là hệ quả tất yếu xuất phát từ yếu tố địa lý đặc thù và những ảnh hưởng gián tiếp của văn minh Trung Hoa.
Nếu xâu chuỗi các sự kiện, chúng ta thấy dường như sự phát triển của Nhật Bản thời kỳ hậu Edo bắt đầu với những “duyên nợ” xuyên Thái Bình Dương mà cụ thể là với Mỹ. Cái duyên nợ đó gắn với Nhật Bản suốt từ đó cho tới ngày nay.
Người ta còn nhớ năm 1853, Đô đốc Mathew Perry xuất hiện tại Vịnh Edo (ngày nay là vịnh Tokyo) cùng với một hạm đội mạnh. Sứ mệnh của ông tướng này là hối thúc Nhật Bản mở cửa giao lưu với Mỹ. Sau một thời gian trì hoãn, Nhật Bản đã phải nhượng bộ Mỹ thông qua ký Hiệp ước Nagasaki.
Có thể nói sự xuất hiện của Mỹ và dưới sức ép của Mỹ, Nhật Bản đã mở cửa giao lưu với thế giới. Điều này đánh dấu một bước tiến lớn, có ý nghĩa như một cuộc cách mạng thực sự, ở đó Nhật Bản thực thi chính sách đối ngoại mở cửa với thế giới chấm dứt gần 300 năm tuyệt giao với bên ngoài. Rõ ràng, chính sách đối ngoại mở cửa của Nhật Bản bắt đầu với một đối tác Châu Á - Thái Bình Dương, đó là Mỹ.
Kỷ nguyên Minh Trị bắt đầu từ 1868. Mục tiêu chủ yếu của chính quyền Nhật Bản lúc bấy giờ là xây dựng Nhật Bản thành một cường quốc với một quyết tâm chính trị rất cao, thể hiện qua “công thức”: tinh thần Nhật Bản cộng với kỹ thuật phương Tây. Bài học đầu tiên được chính quyền Nhật Bản vận dụng từ phương Tây là khuyến khích nhập khẩu sách báo hoặc công nghệ của các nước này, nhất là từ Hà Lan. Sau đó là trong lĩnh vực chính trị, Nhật Bản đã vận dụng kinh nghiệm của nước Đức. Hiến pháp Minh Trị năm 1889 được coi là con đẻ của Hiến pháp nước Đức. Ở đó Quốc hội là cơ quan lập pháp, hoàng đế trở thành biểu tượng quốc gia chứ không giữ vai trò lập pháp.
Vào cuối thế kỷ 19, với những thành công trong phát triển kinh tế, xã hội, chính quyền Minh Trị đã đưa Nhật Bản trở thành một thế lực có ảnh hưởng ở Đông Á. Bằng chứng là Nhật Bản đã giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh Nhật - Trung (1894-1895) và Đài Loan trở thành thuộc địa của Nhật Bản. Sau đó không lâu, Nhật Bản là người chiến thắng trong cuộc chiến tranh Nhật - Nga (1904-1905). Nhật Bản bắt đầu gia tăng ảnh hưởng lên Bán đảo Triều Tiên; năm 1910 Nhật Bản thôn tính Triều Tiên và Bán đảo này trở thành thuộc địa của Nhật Bản; sau đó Nhật Bản mở rộng ảnh hưởng ra khu vực Mãn Châu Lý. Rõ ràng là vào thời kỳ đó Nhật Bản trở thành một đối thủ cạnh tranh nghiêng ngửa với các thế lực phương Tây ở khu vực này và trở nên một thách thức lớn đối với Trung Quốc. Năm 1902 Nhật liên minh với Anh, sau đó tham gia vào cuộc Chiến tranh Thế giới thứ nhất với giấc mộng mở rộng lãnh thổ về mặt địa lý song rút cuộc họ đã bị vỡ mộng.
Với chính sách công nghiệp hóa nhanh và tập trung phát triển các ngành công nghiệp nặng và công nghiệp quốc phòng dựa trên công nghệ nhập khẩu của phương Tây, Nhật Bản đã đạt được những bước tiến vượt bậc trong kinh tế và quân sự. Bởi vậy vào những năm 1930, ảnh hưởng quân sự của Nhật Bản tiếp tục gia tăng. Đây là chỗ dựa cho tham vọng bành trướng lãnh thổ của Nhật Bản thời kỳ đó. Năm 1931, Nhật Bản chiếm Mãn Châu Lý; và sau đó Nhật Bản tham dự trực tiếp vào cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai với vị trí là một trong ba trụ cột của phe trục Đức - Itali - Nhật Bản. Vào thời kỳ đỉnh cao của cuộc chiến tranh, Nhật Bản đã kiểm soát được một vùng lãnh thổ rộng lớn, bao gồm Đông Nam Á, đông Trung Quốc và một phần tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên, phe Đồng minh Xô - Mỹ - Anh đã giành thắng lợi cuối cùng. Với 2 quả bom nguyên tử của Mỹ ném xuống Hiroshima và Nagasaki năm 1945 chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản cùng với học thuyết đại Đông Á của họ đã bị khép lại.
Kết cục tất yếu là Mỹ chiếm đóng Nhật Bản thời kỳ 1945-1951. Sứ mạng chiếm đóng này được trao cho tướng Douglas Mac Arthur. Với sự chi phối của Mỹ, thể chế chính trị kiểu chiến tranh của Nhật Bản đã bị thay đổi hoàn toàn. Hiến pháp hòa bình 1947 đã được ban hành. Theo đó, quốc hội là cơ quan lập pháp với 2 nhánh quyền lực tập trung là Hạ viện và Thượng viện. Thiên hoàng vẫn giữ vị trí tượng trưng quốc gia. Nhật Bản không có quân đội chỉ có lực lượng phòng vệ; phát triển quốc gia theo hướng trung lập, theo kiểu “Thụy Sỹ ở Châu Á”.
Tuy nhiên, tình hình thế giới sau Chiến tranh Thế giới thứ hai đã biến đổi. Sự đối đầu giữa hai hệ thống xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa đã đẩy thế giới vào một cuộc chiến không có tiếng súng. Người ta gọi đó là Chiến tranh Lạnh. Cả Mỹ và Liên Xô lúc đó tìm mọi cách để mở rộng phạm vi ảnh hưởng, đặc biệt là tạo dựng các đồng minh mới. Bởi vậy, chính sách của Mỹ đối với Nhật Bản đã chuyển đổi căn bản, từ chiếm đóng sang hợp tác và đồng minh. Những kinh nghiệm phát triển kinh tế của Mỹ được phái hữu Nhật Bản đón nhận và Mỹ trở nên “hào phóng” trong việc viện trợ giúp Nhật Bản phục hồi sau chiến tranh. Hiệp ước hòa bình Mỹ - Nhật (1951) được ký kết đã mở ra một trang mới trong quan hệ Nhật - Mỹ. Hiệp ước này khẳng định Nhật Bản giữ vai trò như một căn cứ của Mỹ ở tây Thái Bình Dương([1]) và là một đồng minh quan trọng của Mỹ ở Đông Bắc Á. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, nhờ Hiệp định này và Điều 9 trong Hiến pháp năm 1947, Nhật Bản không cần tập trung phát triển quân sự mà chú ý vào phát triển kinh tế. Ô quân sự được Mỹ đảm bảo cho nên Nhật Bản chỉ dành 1% GDP cho ngân sách quân sự. Nếu xét ở chỉ số tương đối thì Nhật Bản là quốc gia giành một tỷ lệ nhỏ GDP cho quân sự - một chỉ số nhỏ nhất so với bất cứ một thế lực kinh tế nào. Chỉ số đó vẫn được duy trì cho đến tận ngày nay.
Thời kỳ những năm 1950, học thuyết Yoshida được vận dụng ở Nhật Bản thể hiện sự thắng thế của cánh hữu. Thực chất của học thuyết này là khôi phục kinh tế trong nước; thực thi chính sách đối ngoại dựa vào Mỹ, từng bước bình thường hóa quan hệ ngoại giao với các nước trong khu vực và thế giới…. Nhờ đó kinh tế Nhật Bản được phục hồi; tốc độ tăng GDP hàng năm xấp xỉ 6-7%; chính trị, xã hội bắt đầu ổn định; tâm lý “lệ thuộc vào kẻ chiếm đóng” đã bị lu mờ…. Có thể nói, tình hình này đã tạo cơ sở cho Nhật Bản tiến vào thời kỳ tăng trưởng nhanh sau đó (giai đoạn thần kỳ). Đảng Dân chủ Tự do (LDP) thành lập năm 1955 và trở thành Đảng thống trị suốt gần 4 thập niên mà không cần liên minh với bất kỳ đảng nào cho tới năm 1993. Sau đó, LDP vẫn giữ vị trò chi phối, song trong vị thế liên minh với một số đảng bé hơn.
Năm 1960, Nhật Bản ký Hiệp ước An ninh sửa đổi với Mỹ (Hiệp ước năm 1951 sửa đổi). Hiệp ước này tạo cho Nhật Bản một vị thế ngang bằng hơn với Mỹ và tái khẳng định Nhật Bản là một đồng minh chiến lược của Mỹ. Nhật Bản đã ủng hộ cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ cho dù không trực tiếp tham gia. Có lẽ Điều 9 Hiến pháp của nước này đã cản trở họ dính líu trực tiếp, nếu không thì….
Vào những năm 1970, môi trường an ninh của Nhật Bản có những thay đổi thuận lợi cho họ. Quan hệ của Nhật Bản với Trung Quốc và Liên Xô về cơ bản vẫn là thù địch song đã khác trước một phần, nhất là đối với Trung Quốc. Như đã biết, Nichxon thực thi chính sách ngoại giao “bóng bàn" với Trung Quốc từ năm 1972, mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ Mỹ - Trung. Theo gương Mỹ, Nhật Bản cũng xúc tiến quan hệ với Bắc Kinh từ năm 1972. Hành động này đã đặt quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc vào một hình thái mới; đó là vừa hợp tác vừa đấu tranh. Nói như người Việt Nam thì vừa là bạn vừa là thù. Một quan hệ nhìn bề ngoài thì phức tạp song thực chất thì đơn giản hơn, bởi nếu chỉ là thù thì người ta không giao lưu với nhau, không trao đổi với nhau để giải quyết những khác biệt, những mâu thuẫn, nhưng khi đồng thời là bạn thì cơ hội để xử lý các vẫn đề trên sẽ nhiều hơn. Quan niệm này trái ngược với nhiều người khi cho rằng môi trường an ninh của Nhật Bản sau năm 1972 nhất là trong quan hệ với Trung Quốc trở nên phức tạp hơn.
Quan hệ Nhật Bản với Liên Xô thời kỳ sau 1972 vẫn như trước. Đó không chỉ là sự thù địch về hệ tư tưởng chính trị mà còn là sự thù địch của người “bị mất đất”. Đây là hậu quả của việc Liên Xô chiếm giữ 4 hòn đảo phía bắc Hokkaido của Nhật Bản từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Câu chuyện này sau 60 năm vẫn chưa có lời kết; cho dù sự thù địch về hệ tư tưởng chính trị đã biến mất cùng với Chiến tranh Lạnh song sự thù địch về chủ quyền lãnh thổ thì vẫn tiếp tục hiện diện.
Điều gây ấn tượng sâu sắc đối với cả thế giới thời kỳ 1970-1980 đó là việc Nhật Bản trở thành siêu cường kinh tế thứ hai của thế giới. Những thành công trong phát triển kinh tế của Nhật Bản đến nay vẫn được nhiều quốc gia ngưỡng mộ và thậm chí khó lý giải. Khi so sánh với Mỹ về một số chỉ tiêu phát triển kinh tế, các chính giới ở Mỹ đã bị sốc thực sự bởi sự phát triển khó tin của người đồng minh Nhật Bản. Chẳng hạn, GNP/người của Nhật Bản tăng từ 56,2% so với Mỹ năm 1970 lên 66,6% năm 1980 và 73,2% năm 1988([2]).
Sự lớn mạnh về kinh tế của Nhật Bản trở thành một lý do để Mỹ yêu cầu nước này phải có vai trò lớn hơn về phòng vệ. Như đã biết, Nhật Bản chi cho ngân sách quốc phòng chỉ 1% GDP tuy nhiên chỉ số tuyệt đối thì ngân sách quốc phòng của Nhật Bản xếp hàng thứ 3 trên thế giới thời kỳ những năm 1980. Và để đáp ứng sự đòi hỏi của Mỹ, Thủ tướng Suzuki Zenko (1981) thời đó đã tuyên bố rằng “lực lượng phòng vệ Nhật Bản có đủ khả năng và trách nhiệm bảo vệ vùng lãnh hải xa 1000 dặm kể từ Nhật Bản”. Và sau đó là sự chia sẻ gánh nặng quân sự với Mỹ thông qua đóng góp tài chính và gửi một lực lượng quân đội hạn chế tham gia gián tiếp vào cuộc chiến tranh vùng vịnh lần thứ nhất 1991; sau đó gửi quân tham gia gìn giữ hòa bình ở Campuchia và một số nước khác; gần đây là gửi quân tới Irắc hỗ trợ liên quân do Mỹ đứng đầu.
Những năm 1990, sự đổ vỡ của nền kinh tế bong bóng ở Nhật Bản đã đẩy nước này vào tình thế khó khăn. Suốt cả thập niên này kinh tế Nhật Bản rơi vào tình trạng đình trệ. Tốc độ tăng GDP bị giảm sút nghiêm trọng thậm chí âm; thất nghiệp gia tăng; đời sống trở nên đắt đỏ. Tình hình này đã được khắc phục kể từ khi Thủ tướng Koizumi lên nắm quyền (2002). Với chương trình cải tổ nền kinh tế gây nhiều tranh cãi song với quyết tâm chính trị cao, chính quyền Koizumi đã vực dậy nền kinh tế Nhật Bản, đưa Nhật Bản bước vào một thời kỳ phát triển mới.
Có thể nói, ngay cả trong thời kỳ kinh tế khó khăn, Nhật Bản vẫn kiên trì chính sách coi quan hệ với Mỹ là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của họ. Nói cách khác, Mỹ vẫn là đối tác số một không thể thay thế xét trên tất cả các phương diện và cho dù môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản đã có những biến đổi sâu sắc.
2. Nhận biết lợi ích quốc gia của Nhật Bản
Người ta cho rằng, nhận biết lợi ích quốc gia của Nhật Bản chủ yếu được phản ánh ở khía cạnh vai trò quốc tế của nước này. Vấn đề đó nổi lên và được các chính giới Nhật Bản quan tâm, nhất là kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Có thể nói, có 3 luồng ý kiến đại diện cho 3 trường phái khác nhau ở Nhật Bản. Đó là Chủ nghĩa Quốc gia Truyền thống; Chủ nghĩa Quốc gia Thiên hữu và Chủ nghĩa Quốc gia Thiên tả. Tạm phân biệt như thế để nhận dạng và phân tích chứ trong thực tế phức tạp hơn nhiều và có thể có các cách gọi khác nhau.
Những người theo Chủ nghĩa Quốc gia Truyền thống cho rằng Chiến tranh Lạnh đã kết thúc song thế giới vẫn còn bất ổn, Nhật Bản cần tái hồi và tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại theo tinh thần học thuyết Yoshida. Điều này có nghĩa là Nhật Bản cần tiếp tục coi quan hệ với Mỹ là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại; ở đó vai trò của Nhật Bản sẽ lớn hơn, rõ ràng hơn, tức là có tính độc lập hơn trong quan hệ với Mỹ so với thời kỳ Chiến tranh Lạnh; đồng thời ưu tiên phát triển quan hệ với các quốc gia Đông Á. Trong khi đó những người theo Chủ nghĩa Quốc gia Thiên hữu lại cho rằng, trước hết Nhật Bản phải là một quốc gia “bình thường”; phải có quân đội theo đúng nghĩa của từ này và Nhật Bản cũng cần phải có vũ khí hạt nhân để răn đe. Họ lập luận rằng, một số nước láng giềng của Nhật Bản có vũ khí hạt nhân vậy không có lý do gì Nhật Bản lại không sở hữu vũ khí này để tự vệ. Và họ khẳng định rằng, Nhật Bản cần độc lập hơn đối với Mỹ trong chính sách đối ngoại. Điều này được phản ánh rõ nét trong nhiều công trình nghiên cứu của các học giả Nhật Bản; chẳng hạn cuốn sách “Nhật Bản có thể nói không” của Shintarho Ishihara là một thí dụ. Còn những người theo Chủ nghĩa Quốc gia Thiên tả cho rằng, Nhật Bản cần duy trì Hiến pháp năm 1947; Nhật Bản không cần có quân đội mà chỉ cần lực lượng phòng vệ là đủ; và cần phải chấm dứt sự có mặt của các căn cứ quân sự Mỹ tại Nhật Bản.
Có thể nói, những người theo Chủ nghĩa Quốc gia Truyền thống và những người có lập trường thiên hữu có quan điểm rõ ràng trong việc ủng hộ quan hệ Mỹ - Nhật và thừa nhận vai trò to lớn của quan hệ này trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Thực tế cho thấy, lực lượng này chiếm đa số và đang có ảnh hưởng lớn trên chính trường Nhật Bản; trong khi đó những người theo lập trường thiên tả thì ngược lại.
Bên cạnh vấn đề quan hệ với Mỹ, có 3 yếu tố khác thể hiện rất rõ lợi ích của Nhật Bản. Đó là đóng góp của Nhật Bản đối với Liên Hợp Quốc, hợp tác trong các thể chế đa phương (còn gọi là chủ nghĩa đa phương) và hợp tác Đông Á - Thái Bình Dương.
Nhìn tổng thể thì người ta thấy rằng đại đa số người Nhật ủng hộ nước này giữ vị trí lớn hơn trong tổ chức Liên Hợp Quốc. Vấn đề được quan tâm từ gần một thập niên qua là “liệu Nhật Bản có trở thành một thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc hay không?”. Trên thực tế, hoạt động quốc tế của Nhật Bản dưới sứ mệnh của Liên Hợp Quốc đã trở thành một nội dung căn bản trong chính sách đối ngoại của nước này trong suốt nhiều năm qua. Điều này được những người theo Chủ nghĩa Quốc gia Thiên hữu ở Nhật Bản ủng hộ và công luận quốc tế thừa nhận. Những người có lập trường thiên tả thì không ủng hộ, bởi theo họ một khi Nhật Bản trở thành thành viên thường trực của Hội đồng bảo an thì trách nhiệm của Nhật Bản sẽ gia tăng, bao gồm cả sứ mệnh quân sự và sự vi phạm Hiến pháp hòa bình 1947 là không tránh khỏi. Có người mỉa mai những người theo lập trường thiên tả rằng “có lẽ Nhật Bản không nên trở thành một nước bình thường” bởi khi đó sứ mệnh quốc tế của Nhật Bản sẽ quá lớn!
Công bằng mà xét thì việc Nhật Bản trở thành một thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc là hợp lý bởi sự đóng góp to lớn của nước này đối với cộng đồng quốc tế trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Vấn đề đó trở thành chương trình nghị sự của Liên Hợp Quốc trong mấy năm gần đây, đặc biệt là trong chương trình cải cách Liên Hợp Quốc năm 2005; song cho đến nay vẫn chưa có kết quả cuối cùng.
Có thể khẳng định rằng, đóng góp của Nhật Bản đối với các hoạt động gìn giữ hòa bình dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc diễn ra khá sôi động trong kỷ nguyên sau Chiến tranh Lạnh. Sự kiên trì của Nhật Bản trong vấn đề này được xem xét qua lăng kính lợi ích cho thấy, Nhật Bản muốn chứng tỏ với thế giới về vai trò của họ trong các hoạt động quốc tế và đổi lại Nhật Bản muốn được sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế; ở đó sự thừa nhận cao nhất là thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. Đồng thời sự đóng góp tích cực của Nhật Bản trong các hoạt động này cũng là cách thức mà Nhật Bản chứng tỏ với Mỹ rằng họ là một đồng minh đáng tin cậy. Những người theo Chủ nghĩa Quốc gia Thiên hữu ủng hộ chính sách này bởi theo họ tích cực tham gia họat động gìn giữ hòa bình và các hoạt động quốc tế khác được Liên Hợp Quốc ủy quyền sẽ giúp Nhật Bản trở thành một quốc gia “bình thường”. Trong khi đó, những người theo Chủ nghĩa Quốc gia Thiên tả lại cho rằng, Nhật Bản chỉ nên tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình mang tính phi quân sự bởi nó không là hành động phạm vào Điều 9 của Hiến pháp 1947.
Như chúng ta biết, từ cuối những năm 1980, Nhật Bản đã đóng góp một phần tài chính quan trọng cho các hoạt động gìn giữ hòa bình dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc. Chẳng hạn đóng góp cho phái bộ Liên Hợp Quốc ở Afghanistan và Pakistan (UNGOMAP), nhóm quan sát quân sự Iran - Irac (UNIIMOG), cho lực lượng giám sát Liên Hợp Quốc tại Lebanon (UNIFIL), lực lượng quan sát giải trừ quân bị ở Syria và Israel (UNDOF), ở Namibia và ở Nicaragua (ONUVEN)([3]).
Dưới sức ép của Mỹ và được sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc, Nhật Bản đã đóng góp một khoản tài chính khổng lồ, 13 tỷ đô la cho cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ nhất. Đây là khoản đóng góp tài chính lớn nhất cho một hoạt động quốc tế kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Cùng với đóng góp tài chính, Nhật Bản cũng đã gửi một đội tàu vớt mìn tới vùng vịnh để hỗ trợ liên quân do Mỹ cầm đầu. Có thể nói, để có sự đóng góp này, chính phủ của Thủ tướng Kaifu lúc đó đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn, nhất là do sự phản đối của những người có lập trường thiên tả. Như đã biết, tháng 8 năm 1990, chính phủ Kaifu đã đệ trình một dự luật lên quốc hội Nhật Bản với tên gọi “dự luật hợp tác hòa bình”. Dự luật này nhằm hợp pháp hóa sự dính líu của lực lượng phòng vệ Nhật Bản đối với hoạt động gìn giữ hòa bình ở nước ngoài thông qua cái gọi là “hoạt động an ninh tập thể” nhằm tránh điều cấm trong Hiến pháp. Song dự luật đã không được thông qua. Và cho tới tháng 6 năm 1992, thượng viện Nhật Bản mới phê chuẩn dự luật này với tên gọi sửa đổi “đạo luật về hợp tác gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và các hoạt động khác”. Dự luật này đã chính thức cho phép sự dính líu của lực lượng phòng vệ Nhật Bản với hoạt động gìn giữ hòa bình dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc và với những điều kiện khá chặt chẽ([4]). Dựa vào đạo luật này Nhật Bản đã gửi 600 quân tới Campuchia (UNTAC) tham gia hoạt động hòa bình dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc; các đội quân phòng vệ cũng được gửi tới Mozambique (ONUMOZ) trong thời gian 2 năm 1993-1995; gửi quân tới cao nguyên Golan (UNIDOF) năm 1996; gửi quân tới Kosovo (UNMIK) năm 1999….
Với chính sách can dự sâu hơn vào các hoạt động quốc tế và chuẩn bị dư luận cho việc sửa đổi Hiến pháp, chính phủ của Thủ tướng Koizumi đã đệ trình quốc hội Nhật Bản đạo luật sửa đổi “đạo luật về hợp tác gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và các hoạt động khác” vào tháng 12 năm 2002. Đạo luật sửa đổi này tạo cơ sở pháp lý cho việc lực lượng phòng vệ Nhật Bản can dự sâu hơn vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc trong bối cảnh mới.
Đồng thời với những mối quan tâm về Liên Hợp Quốc và hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, vai trò của Nhật Bản ngày càng gia tăng trong các thể chế đa phương hay như người ta còn gọi gia tăng các quan hệ với chủ nghĩa đa phương. Điều không thể phủ nhận là vai trò của Nhật Bản đã gia tăng nhanh chóng đối với các thể chế đa phương mang tính toàn cầu như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trong vấn đề liên kết và hợp tác khu vực, vai trò của Nhật Bản cũng ngày càng gia tăng. Như đã biết, Nhật Bản giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành diễn đàn hợp tác Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 1989. Nước này cũng là một trong những tác nhân chủ yếu tạo dựng Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF) năm 1994. Để giải quyết hậu quả của cuộc khủng hoảng tiền tệ Châu Á 1997-1998, Nhật Bản hành động như một nhân tố tích cực thông qua diễn đàn ASEAN + 3 (ASEAN + Trung Quốc + Nhật Bản + Hàn Quốc).
Rõ ràng là Nhật Bản có lợi khi tham gia tích cực vào các diễn đàn đa phương; đó là kết hợp và giúp giải quyết những mâu thuẫn có thể nảy sinh trong các quan hệ song phương. Đây là một thực tế hiển nhiên dễ nhận thấy. Chẳng hạn thông qua WTO, những vướng mắc trong quan hệ mậu dịch với Mỹ có thể được giải quyết; hay những vấn đề “tế nhị” trong quan hệ với Trung Quốc có thể tìm thấy sự chia sẻ qua diễn đàn khu vực ARF hay ASEAN + 3. Đánh giá lợi ích của Nhật Bản khi tham gia các thể chế đa phương, những người theo quan điểm dân tộc chủ nghĩa thiên hữu nước này cho rằng, đó là lợi ích quan trọng nhất mà Nhật Bản có được khi tham gia các hoạt động quốc tế. Còn những người theo quan điểm dân tộc chủ nghĩa thiên tả lại cho rằng, việc tham gia này chỉ thể hiện Nhật Bản như là một thế lực dân sự mà thôi . Tuy nhiên, giới nghiên cứu nước này nhấn mạnh tới lợi ích của Nhật Bản trong các diễn đàn đa phương là giúp Nhật Bản dễ dàng đạt tới các mục tiêu chủ yếu trong chính sách đối ngoại của mình.
* *
*
Có thể nhấn mạnh rằng đã có thời kỳ, Nhật Bản không muốn coi mình là một quốc gia thuộc khu vực này. Họ nghĩ và họ muốn sánh vai với các cường quốc phương Tây để xác lập vị thế của mình. Đây là câu chuyện của kỷ nguyên Minh Trị. Còn trong bối cảnh quốc tế ngày nay, Đông Á - Thái Bình Dương trở thành một mối quan tâm to lớn của Nhật Bản. Ở đây Nhật Bản tìm cách mở rộng ảnh hưởng quyền lực của họ, đặc biệt là trên các phương diện chính trị và kinh tế. Nhờ vị trí địa lý đặc thù Nhật Bản đã xác định nước này là cầu nối của các quan hệ liên Thái Bình Dương nhất là các quan hệ kinh tế, chính trị giữa Mỹ với Đông Á - Thái Bình Dương. Những người theo lập trường thiên hữu cho rằng, Đông Á - Thái Bình Dương rất quan trọng với Nhật Bản cả cơ hội và thách thức. Nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, thị trường rộng lớn nhiều tiềm năng chính là cơ hội; còn sự bất ổn về an ninh khu vực có nguồn gốc từ Bán đảo Triều Tiên và những tranh chấp lãnh thổ trên biển là những thách thức rõ ràng. Họ coi Trung Quốc là một đối thủ hiện tại và là “một kẻ thù tiềm tàng”. Bởi vậy, việc nuôi dưỡng tinh thần dân tộc chủ nghĩa sẽ tạo sức đề kháng cho Nhật Bản có thể đối phó tốt với thách thức đến từ khu vực trong tương lai.
PGS. TS NGÔ XUÂN BÌNH
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Melissa G. Curley and Nicholas Thomas (eds.), (2007). Advancing East Asian Regionalism. London, New York, Rouled
2. Frances McCall Rosenbluth, (ed.,), (2007), The Political Economy of Japan’s Low Fertility, Stanford, Calif.: Stanford University Press.
3. David Flath, (ed.,), (2005), The Japanese Economy, Oxford, England; New York: Oxford University Press.
4.Takatoshi Ito, Hugh Patrick, David E. Weinstein, (eds.,), (2005), Reviving Japan’s Economy, Cambridge, Mass. : MIT Press.
5. Janet Hunter and Cornelia Storz, (eds.,), (2006), Institutional and Techonological Change in Japan’s Economy: Past and Present, London; New York: Rouldge.
6. Ellis S. Krauss and T.J. Pempel, (eds.,), (2004), Beyond Bilateralism: US-Japan Relations in the New Asia-Pacific, Sanford, Cal; Sanford University Press.
7. Nishihara Masashi, (ed.,), (2000), The Japan-U.S. Alliance: New Challenges for the 21st Century, New York.
8. http://www.mofa.go.jp/