Nằm trong kế hoạch hoạt động khoa học chung năm 2024, ngày 31 tháng 10 năm 2024, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á phối hợp với Đại học Senshu, Nhật Bản tổ chức Hội thảo khoa học “Những vấn đề chính trị - kinh tế - xã hội nổi bật của Nhật Bản” tại Trụ sở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam 176 Thái Hà. Tham dự hội thảo, về phía các học giả đến từ Trường Kinh tế, Đại học Shenshu, có GS. Ohashi Hideo, GS. Ikebe Ryo, GS. Inada Juichi, GS. Xu Jirui, GS. Fu Hoi Yee. Ngoài ra còn có GS. Yoshikawa Sumie đến từ trường Luật Đại học Senshu và GS. Isozaki Atsuhito đến từ Trường Đại học Keio. Về phía Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, có TS. Trần Hoàng Long – Phó Viện trưởng điều hành Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á cùng toàn thể cán bộ, viên chức Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.
Toàn cảnh Hội thảo khoa học "Những vấn đề chính trị - kinh tế - xã hội nổi bật của Nhật Bản"
Hội thảo diễn ra trong hai phiên. Phiên buổi sáng với chủ đề “Các vấn đề chính trị - kinh tế Nhật Bản trong bối cảnh quốc tế mới và dự báo tác động tới Việt Nam” do TS. Trần Hoàng Long làm chủ tọa. Phiên sáng gồm hai báo cáo. Báo cáo thứ nhất “Tình hình kinh tế Nhật Bản năm 2014: Một số điểm nổi bật, chính sách” do ThS Trần Ngọc Nhật, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản trình bày. Báo cáo phân tích một số điểm nổi bật trong kinh tế Nhật Bản năm 2024 về cán cân thương mại, chỉ số niềm tin kinh doanh, tỷ lệ lạm phát, đồng yên suy yếu, du lịch tăng mạnh và đi sâu tìm hiểu chính sách kinh tế của chính phủ trên một số lĩnh vực nổi bật như tài chính, chi tiêu ngân sách, chính sách tiền tệ, phát triển du lịch… Báo cáo thứ hai “Xung đột Nga – Ucraina và phản ứng của Nhật Bản” do TS. Nguyễn Ngọc Nghiệp, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản trình bày. Báo cáo đi sâu tìm hiểu nguyên nhân và diễn biến của xung đột Nga – Ucraina, tác động của xung đột Nga – Ucraina đối với an ninh khu vực Đông Bắc Á; phân tích và đánh giá phản ứng của Nhật Bản đối với xung đột này trên các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, quân sự. Trên cơ sở đó đưa ra dự báo xung đột Nga – Ucraina trong thời gian tới.
Cả hai báo cáo đã nhận được trao đổi, thảo luận sôi nổi từ các đại biểu tham dự. Đa phần các học giả đều đánh giá cao hai báo cáo đã cung cấp nhiều vấn đề nóng, mang tính thời sự về tình hình kinh tế, chính trị Nhật Bản nói riêng và khu vực nói chung. Đối với báo cáo của ThS. Trần Ngọc Nhật, các học giả góp ý báo cáo viên nên trình bày cô đọng để làm nổi bật những vấn đề mang tính nổi bật trên hai khía cạnh kinh tế trong nước và kinh tế đối ngoại của Nhật Bản trong năm 2024. Đối với báo cáo của TS. Nguyễn Ngọc Nghiệp, các học giả đặt ra nhiều vấn đề sâu hơn đối với báo cáo viên như nguyên nhân cốt lõi của xung đột Nga – Ucraina; thái độ của Nhật Bản và Việt Nam đối với các bên và ảnh hưởng của xung đột này đến quan hệ Việt Nam – Nhật Bản…
Phiên buổi chiều với chủ đề “Hướng tới mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản mới trong thế giới đang thay đổi”, Hội thảo đã được nghe năm báo cáo từ các nhà khoa học đến từ Đại học Senshu và Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á. Phiên buổi chiều do TS. Trần Hoàng Long và GS. Ikebe Ryo đồng chủ tọa.
Báo cáo thứ nhất “Phát triển kinh tế ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương: Kinh nghiệm của Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam” do GS. Ohashi Hideo trình bày. Báo cáo đề cập đến vấn đề tăng trưởng kinh tế siêu tốc trong thời kỳ toàn cầu hóa và sự thay đổi trật tự kinh tế quốc tế trong giai đoạn hiện nay. Từ đó đưa ra một vài nhận định về thực trạng và xu hướng xuất nhập khẩu, phát triển thương mại của Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam hiện nay.
Báo cáo thứ hai “ Cạnh tranh Nhật Bản – Trung Quốc về phát triển cơ sở hạ tầng” do GS. Inada Juichi trình bày. Báo cáo tập trung vào ba điểm chính là tình hình phát triển cơ sở hạ tầng ở châu Á; các trường hợp xây dựng cơ sở hạ tầng của Nhật Bản và Trung Quốc và vấn đề “cơ sở hạ tầng chất lượng cao” ở Trung Quốc.
Báo cáo thứ ba “Quan hệ kinh tế Việt Nam – Nhật Bản trong kỷ nguyên cạnh tranh giữa các cường quốc: Thực trạng và triển vọng” do TS. Phí Hồng Minh, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á trình bày. Báo cáo đưa ra một vài so sánh nhanh giữa kinh tế Việt Nam và Nhật Bản; phân tích cơ chế hợp tác chính của Việt Nam – Nhật Bản, hỗ trợ ODI, FDI và những đóng góp tích cực của Nhật Bản vào quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa của Việt Nam. Trên cơ sở đó đánh giá những cơ hội và thách thức chính cho hợp tác Việt Nam-Nhật Bản trong thời gian tới.
Báo cáo thứ tư “Kinh tế và tài chính địa phương” do GS. Xu Yirui trình bày. Báo cáo đề cập các vấn đề liên quan đến cơ sở công cộng và cơ sở hạ tầng ở Nhật Bản hiện nay, cụ thể như các chi phí bảo trì đối với các cơ sở hạ tầng cũ; phân tích xu hướng và nguồn tài trợ cho các dự án công cộng; vấn đề tư nhân hóa và đầu tư vào các công trình công cộng theo hình thức đối tác công tư ở Nhật Bản.
Báo cáo thứ năm “Kinh tế Việt Nam – Thách thức và triển vọng” do GS. Ikebe Ryo hiện đang nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á trình bày. Báo cáo phân tích những đóng góp của FDI cho sự phát triển kinh tế Việt Nam; những thay đổi trong lịch sử dòng vốn FDI vào Việt Nam; tác động trực tiếp của FDI đến Việt Nam. Trên cơ sở đó, đánh giá những thách thức và triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Một số hình ảnh các diễn giả trình bày báo cáo và phát biểu bình luận tại Hội thảo
Trong phần thảo luận và nhận xét, Tọa đàm đã được nghe các ý kiến nhận xét và góp ý rất xác đáng từ GS Fu Hoi Yee; GS. Yoshikawa Sumie; TS Li Chunxia (Đại học Niigata Prefecture); TS Ikebe Ryo; TS. Đỗ Thị Ánh (Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á). Các ý kiến đều đánh giá cao giá trị lý luận và thực tiễn của các báo cáo đã trình bày. Nhiều vấn đề liên quan đến kinh tế Việt Nam- Nhật Bản và kinh tế khu vực đã được các học giả đặt ra và thảo luận sôi nổi như những vấn đề tồn tại trong quan hệ kinh tế Việt Nam – Nhật Bản và hướng khắc phục trong thời gian tới; ảnh hưởng và sự cạnh tranh của Trung Quốc đối với kinh tế khu vực; bài học kinh nghiệm từ việc áp dụng mô hình đối tác công tư (PPP) trong phát triển cơ sở hạ tầng ở Nhật Bản; vấn đề nguồn nhân lực trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dựa trên kinh nghiệm của Nhật Bản; một số quan sát về tuyến đường sắt Trung Quốc xây dựng ở Nigeria, Châu Phi…
Ngoài ra, Hội thảo còn có một số tham luận về “Quan hệ văn hoá Việt Nam - Nhật Bản trong bối cảnh mới”, “Một số vấn đề xã hội nổi bật của Nhật Bản hiện nay”...
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Phát biểu bế mạc Hội thảo, TS. Trần Hoàng Long gửi lời cảm ơn các nhà nghiên cứu đã đem đến Hội thảo nhiều tham luận có chiều sâu và ý nghĩa. Những nghiên cứu, đánh giá của các học giả về các vấn đề kinh tế Việt Nam và các nước trong khu vực là rất thú vị và xác đáng, có thể trở thành những tài liệu tham khảo và gợi mở quý báu cho những nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á trong thời gian tới. TS. Trần Hoàng Long cũng gửi lời cảm ơn các học giả người Nhật Bản và Trung Quốc đến từ trường Đại học Senshu đã không quản ngại xa xôi tới tham dự Hội thảo, cảm ơn ban tổ chức, phiên dịch viên cùng các cán bộ, nhà nghiên cứu đã tới tham dự và đóng góp vào thành công của Hội thảo.
Phương Hoa