Trang chủ

Tọa đàm khoa học “Điều tra, nghiên cứu nội dung liên quan đến Hàn Quốc trong sách giáo khoa Việt Nam”

Đăng ngày: 8-12-2020, 02:17 | Danh mục: Hoạt động khoa học

Ngày 26/11/2020, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học trong khuôn khổ dự án “Điều tra, nghiên cứu nội dung liên quan đến Hàn Quốc trong sách giáo khoa Việt Nam” do TS. Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc - Triều Tiên làm chủ nhiệm, với sự tài trợ của Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam.

Tham dự buổi tọa đàm, về phía khách mời có ông Han Sung-ho, Tham tán- Công sứ, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam; ông Woo Hyoung-min, Giám đốc Văn phòng Quỹ Korea Foudation Hà Nội; về phía Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á có PGS.TS. Phạm Quý Long, Phó Viện trưởng phụ trách; PGS.TS Nguyễn Duy Lợi, Phó Viện trưởng cùng các cán bộ nghiên cứu Trung tâm Hàn Quốc - Triều Tiên, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.

 

Tọa đàm khoa học “Điều tra, nghiên cứu nội dung liên quan đến Hàn Quốc trong sách giáo khoa Việt Nam”

Tại buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Thị Thắm, chủ nhiệm dự án, đã trình bày kết quả nghiên cứu gồm các nội dung chính: (1) bối cảnh nghiên cứu; (2) phương pháp nghiên cứu, khảo sát; (3) Hàn Quốc trong sách giáo khoa Việt Nam hiện hành; (4) phương hướng đổi mới sách giáo khoa của Việt Nam; (5) đánh giá và một số kiến nghị.

 

Sau khi điểm qua bối cảnh nghiên cứu chủ yếu, chủ nhiệm dự án trình bày về phương pháp nghiên cứu và khảo sát dự án dựa trên những xuất phát điểm mang tính lí luận và thực tiễn. Cụ thể, nội dung về Hàn Quốc được ghi chép trong các loại sách giáo khoa khả năng cao chủ yếu được ghi chép trong sách giáo khoa các môn khoa học xã hội. Về chủng loại sách, bên cạnh sách giáo khoa chính còn có sách bài tập và các tập bản đồ, lược đồ kèm theo. Với đặc điểm riêng về chính trị, lịch sử Hàn Quốc nên nội dung trong sách giáo khoa của Việt Nam không chỉ là nội dung về Hàn Quốc mà còn về các thực thể liên quan khác như Triều Tiên, bán đảo Triều Tiên, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên… Phương pháp ghi chép nội dung về Hàn Quốc trong sách giáo khoa bậc trung học phổ thông được báo cáo phân loại thành hai hình thức là trực tiếp và gián tiếp.

Phần thứ ba của báo cáo - “Nội dung về Hàn Quốc trong sách giáo khoa hiện hành” - khảo sát tần suất, dung lượng, vị trí ghi chép và phân tích nội dung ghi chép về Hàn Quốc trong sách giáo khoa hiện hành của Việt Nam, được xuất bản từ năm 2018 đến năm 2020, bao gồm cả sách giáo khoa lớp 1 mới đưa vào sử dụng trong năm học 2020-2021. Kết quả khảo sát cho thấy, nội dung về Hàn Quốc được ghi chép tập trung ở sách giáo khoa của các lớp cuối cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông là lớp 8, 9, 11, 12 và nội dung về Hàn Quốc chủ yếu là nội dung về lịch sử, địa lí. Nội dung về địa lí Hàn Quốc ghi chép tập trung trong sách giáo khoa lớp 8, 9 còn nội dung về lịch sử Hàn Quốc được ghi chép tập trung trong sách giáo khoa lớp 9, 11, 12.  Đặc biệt, sách giáo khoa Lịch sử lớp 12, nhất là sách giáo khoa Lịch sử 12 nâng cao, dành dung lượng lớn nhất cho các nội dung về lịch sử Hàn Quốc.

Về phương hướng đổi mới sách giáo khoa của Việt Nam, TS. Nguyễn Thị Thắm trình bày phương hướng đổi mới chương trình sách giáo khoa của Việt Nam thông qua các văn bản được công bố từ năm 2013 đến năm 2018 về kế hoạch đổi mới căn bản chương trình giáo dục, sách giáo khoa của Đảng, Quốc  hội, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo… Việc tăng quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục được coi là giải pháp đột phá để thực hiện mục tiêu của chiến lược phát triển giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045. Đáng chú ý, trong chương trình mới và khung biên soạn sách giáo khoa, trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp ở bậc phổ thông trung học (lớp 10, 11, 12), các môn học khoa học xã hội như lịch sử, địa lý có các chuyên đề nhằm củng cố kiến thức cơ bản và mở rộng nền tảng tri thức, kĩ năng phổ thông cốt lõi đã hình thành ở giai đoạn giáo dục cơ bản.

Phần cuối trong bài báo cáo là một số kiến nghị trên cơ sở khảo sát, nghiên cứu phân tích nội dung về Hàn Quốc trong sách giáo khoa hiện hành cũng như trên cơ sở phân tích kế hoạch đổi mới chương trình, khung biên soạn sách giáo khoa trong thời gian tới của Việt Nam. Báo cáo đã đưa ra những kiến nghị đính chính, sửa chữa về mặt hình thức và những kiến nghị về mặt nội dung liên quan đến Hàn Quốc trong sách giáo khoa. Trong đó, báo cáo chỉ rõ Hàn Quốc không được biên soạn thành một bài riêng như một số quốc gia khác nên có kiến nghị bổ sung chuyên đề về Hàn Quốc trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, nhất là tại các địa phương có mối quan hệ mật thiết với Hàn Quốc.

 

Tọa đàm khoa học “Điều tra, nghiên cứu nội dung liên quan đến Hàn Quốc trong sách giáo khoa Việt Nam”

Sau khi lắng nghe phần trình bày của TS. Nguyễn Thị Thắm, các đại biểu tham dự đã đưa ra nhiều bình luận và góp ý có giá trị. Ông Han Sung-ho, Tham tán - Công sứ Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam cảm ơn bài báo cáo của TS. Nguyễn Thị Thắm và cho rằng báo cáo kết quả nghiên cứu rất thành công, nội dung quan trọng và có ích. Sách giáo khoa cung cấp nhiều thông tin tổng hợp về Hàn Quốc giúp học sinh hiểu về Hàn Quốc nhiều hơn, điều này đặc biệt có ý nghĩa trong việc phát triển quan hệ hai nước. Ông Han Sung-ho nhấn mạnh, những kiến nghị mà báo cáo đưa ra rất kịp thời trong thời điểm hiện nay, khi Việt Nam đang tiến hành đổi mới chương trình, biên soạn sách giáo khoa mới. Ông Woo Hyoung-min, Giám đốc Quỹ KF cũng đánh giá cao sự làm việc nghiêm túc, chu đáo của người thực hiện dự án. Để tăng giá trị tham khảo cho kết quả của dự án, cần có bản dịch tiếng Hàn Quốc hoàn chỉnh. Đồng thời, ông cũng mong phía Việt Nam quan tâm đến những kiến nghị của báo cáo và thực hiện những chỉnh sửa, bổ sung trong nội dung của sách giáo khoa mới.

 

Về phía cơ quan chủ trì, PGS.TS Phạm Quý Long đánh giá dự án nghiên cứu khảo sát nội dung liên quan đến Hàn Quốc trong sách giáo khoa của Việt Nam do TS. Nguyễn Thị Thắm chủ nhiệm mặc dù thực hiện trong một thời gian ngắn nhưng đã hoàn thành đúng thời hạn, đạt được kết quả đúng như mong đợi và có ý nghĩa rất lớn về mặt thực tiễn.

Sau một thời gian thảo luận sôi nổi và cởi mở, buổi tọa đàm đã kết thúc tốt đẹp. Thay mặt Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, PGS.TS. Phạm Quý Long gửi lời cảm ơn sự hỗ trợ của Đại sứ quán Hàn Quốc và các vị khách quý đã dành thời gian tham dự tọa đàm; mong muốn mối quan hệ hợp tác trong nghiên cứu Hàn Quốc giữa Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á với phía Hàn Quốc sẽ tiếp tục được quan tâm hơn nữa, góp phần nâng cao sự hiểu biết và mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Hàn Quốc./.

Phan Thị Oanh

0thảo luận