Ngày 24/11/2020, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc và vai trò của Việt Nam”. Tham dự hội thảo, khách mời ngoài Viện có PGS.TS. Nguyễn Huy Hoàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á; TS. Trần Hoàng Long, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á; về phía Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á có PGS.TS. Phạm Quý Long, Phó viện trưởng phụ trách, PGS.TS. Nguyễn Duy Lợi phó viện trưởng và toàn thể viên chức của Viện.
Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 6 tham luận liên quan đến chủ đề hội thảo từ các cán bộ trong và ngoài Viện. Ban tổ chức chọn ra 2 tham luận – là các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học trong Viện, để trình bày tại hội thảo. PGS.TS. Phạm Quý Long, Phó Viện trưởng phụ trách, PGS.TS. Nguyễn Duy Lợi Phó viện trưởng đồng chủ trì hội thảo.
Tại hội thảo, TS. Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Triều Tiên đã trình bày bài tham luận đầu tiên với chủ đề “Động cơ thực hiện chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc”. Chính sách hướng Nam mới là một phần trong “Kế hoạch 5 năm”, “100 nhiệm vụ quốc gia” đến năm 2020 của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Hàn Quốc sẽ cùng với 10 nước ASEAN và Ấn Độ - những quốc gia ở phía Nam lãnh thổ Hàn Quốc, hợp tác, xây dựng “cộng đồng tương lai” với 3 mục tiêu, 16 nội dung chính và 4 lĩnh vực hợp tác trọng điểm gồm giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin, tài nguyên nước. TS. Nguyễn Thị Thắm đã đi sâu phân tích và lý giải động cơ định hướng, thúc đẩy, duy trì và nhu cầu nâng cấp, đổi mới chính sách hướng Nam mới dưới chính quyền Tổng thống Moon Jae-in. Các động cơ, mục tiêu thực hiện chính sách hướng Nam được phân tích bao gồm: tìm kiếm thị trường mới, việc làm mới, cơ hội mới phát triển kinh tế; đa dạng hóa các hướng tiếp cận Triều Tiên và vấn đề hạt nhân; giảm thiểu những khó khăn trong mối quan hệ với các cường quốc; thực hiện nghĩa vụ đồng minh của Mỹ trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở. Bài tham luận thứ hai với chủ đề “Vai trò của Việt Nam trong chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc” do PGS.TS. Phạm Hồng Thái, nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, trình bày tập trung phân tích và đánh giá vai trò và vị trí quan trọng của Việt Nam trong sự hình thành và phát triển chính sách hướng Nam mới, thể hiện qua ba khía cạnh: Việt Nam là cửa ngõ và trọng điểm trong quan hệ Hàn Quốc – ASEAN; Việt Nam có nhiều tiềm năng góp phần tích cực vào tiến trình hòa bình bền vững trên Bán đảo Triều Tiên; sự phát triển ngày một nhanh chóng và hiệu quả của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc.Sau phần trình bày tham luận của hai báo cáo viên, các cán bộ tham dự đã có những ý kiến trao đổi, thảo luận sôi nổi về động cơ của Hàn Quốc đối với việc đề xuất và thực hiện chính sách hướng Nam mới, quan hệ giữa Hàn Quốc với Việt Nam và các nước ASEAN; quan điểm của Ấn Độ đối với chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc; nhấn mạnh vai trò quan trọng, vị trí cầu nối của Việt Nam trong chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc.
Phát biểu tổng kết hội thảo, PGS.TS. Phạm Quý Long, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội thảo, khẳng định rằng các báo cáo và ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo đã cung cấp bức tranh toàn cảnh về chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc và vai trò, vị trí của Việt Nam trong chính sách đó. Các vấn đề phân tích, thảo luận không chỉ dừng lại ở nghiên cứu khu vực mà còn mở rộng hơn ở nghiên cứu quốc tế, tạo điều kiện cho hợp tác nghiên cứu giữa các viện trong khối nghiên cứu quốc tế qua đó có thể đưa ra những luận cứ khoa học và tư vấn chính sách hiệu quả nhất.
Phương Hoa