Trang chủ

Tọa đàm khoa học “Kinh tế Trung Quốc và những tác động đối với Việt Nam”

Đăng ngày: 30-09-2024, 04:17 | Danh mục: Hoạt động khoa học, Hội nghị - Hội thảo

Nằm trong kế hoạch hoạt động khoa học chung năm 2024, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học “Kinh tế Trung Quốc và những tác động đối với Việt Nam”. Tham dự tọa đàm, về phía khách mời có PGS.TSKH Võ Đại Lược – Tổng Giám đốc Trung tâm Kinh tế châu  Á – Thái Bình Dương; TS. Hoàng Minh Lợi – nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Những vấn đề chung của khu vực Đông Bắc Á. Về phía Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á có TS. Trần Hoàng Long – Phó Viện trưởng điều hành Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, cùng toàn thể cán bộ, viên chức Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.

Tọa đàm bao gồm hai báo cáo tham luận chính, cung cấp những góc nhìn chuyên sâu về kinh tế của Trung Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan (viết tắt là Đài Loan), cũng như những tác động chính đến Việt Nam. Báo cáo đầu tiên do PGS.TSKH Võ Đại Lược, chuyên gia kinh tế nổi tiếng, trình bày với tiêu đề “Kinh tế Trung Quốc và một số vấn đề đặt ra”. Trong báo cáo, PGS.TS Võ Đại Lược đã phân tích những thách thức mà nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt, bao gồm sự giảm tốc trong tăng trưởng kinh tế; tình hình nợ công; những thay đổi trong chiến lược phát triển; mô hình phát triển của Trung Quốc đang gặp nhiều vấn đề; không gian đầu tư ngày càng thu hẹp; các vấn đề xã hội diễn biến ngày càng phức tạp; thị trường bất động sản biến động lớn…. PGS.TSKH Võ Đại Lược nhấn mạnh việc Việt Nam cần theo dõi sát sao các diễn biến này, chọn lọc những yếu tố phù hợp với tình hình nước ta để xây dựng chiến lược phát triển, đồng thời khai thác các cơ hội từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu khi các công ty lớn có xu hướng giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Tọa đàm khoa học “Kinh tế Trung Quốc và những tác động đối với Việt Nam”

PGS.TSKH. Võ Đại Lược trình bày báo cáo tại Tọa đàm

Báo cáo thứ hai do TS. Phí Hồng Minh trình bày với tiêu đề “Kinh tế Đài Loan trước cơn bão địa chính trị và hàm ý cho Việt Nam”. Tác giả đã chỉ ra bối cảnh kinh tế toàn cầu tác động đến nền kinh tế Đài Loan hiện nay, nhấn mạnh một số yếu tố chính như: kinh tế toàn cầu đình trệ; xung đột địa chính trị tiếp tục diễn biến phức tạp; các vấn đề khí hậu cực đoan diễn ra thường xuyên hơn… Trên cơ sở đó, tác giả đã nêu bật những điểm chính của nền kinh tế Đài Loan. Sau giai đoạn đình trên, nền kinh tế của hòn đảo này đã dần khởi sắc từ quý 4/2023; việc làm và tiêu dùng có xu hướng cải thiện theo hướng tích cực, tỷ lệ thất nghiệp giảm; các lĩnh vực công nghệ cao luôn là động lực tăng trưởng chủ yếu tại Đài Loan. Tác giải cũng đã đưa ra một số dự báo về triển vọng kinh tế Đài Loan trong thời gian tới, từ đó gợi ý một số bài học quan trọng cho Việt Nam, nhất là trong việc phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.

Tọa đàm khoa học “Kinh tế Trung Quốc và những tác động đối với Việt Nam”

TS. Phí Hồng Minh trình bày báo cáo tại Tọa đàm

Sau khi nghe hai báo cáo tham luận của PGS.TSKH Võ Đại Lược và TS. Phí Hồng Minh, các nhà nghiên cứu tham gia tọa đàm đã tiến hành thảo luận sôi nổi về chủ đề này. Các ý kiến không chỉ tập trung vào việc phân tích các vấn đề nổi cộm của kinh tế Trung Quốc và Đài Loan mà còn thảo luận về chiến lược hợp tác và ứng phó của Việt Nam trước những thay đổi nhanh chóng của bối cảnh kinh tế và chính trị khu vực. Hai báo cáo viên cùng các đại biểu tham dự tọa đàm cũng đã thảo luận sôi nổi về triển vọng kinh tế Trung Quốc trong tương lai, so sánh với nền kinh tế Nhật Bản vào thời kỳ khủng hoảng; tác động từ mô hình phát triển của Trung Quốc đến Việt Nam; tác động từ việc nền kinh tế Trung Quốc suy giảm đến các vấn đề chính trị - an ninh của cường quốc này...

Tọa đàm khoa học “Kinh tế Trung Quốc và những tác động đối với Việt Nam”

Các đại biểu tham dự Tọa đàm trao đổi, thảo luận

Tổng kết toạ đàm, TS. Trần Hoàng Long cho rằng, buổi toạ đàm đã mang lại những thông tin mới mẻ, hữu ích, những góc nhìn đa chiều hơn về tình hình kinh tế Trung Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan hiện nay. Tọa đàm khép lại với nhiều kiến nghị giá trị, nhằm giúp Việt Nam tận dụng cơ hội và đối phó hiệu quả với những thách thức do sự biến động kinh tế khu vực mang lại, đồng thời đẩy mạnh hợp tác song phương với cả Trung Quốc và Đài Loan để phát triển bền vững.

 

Phan Huyền

0thảo luận