Trang chủ

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “70 năm quan hệ Việt Nam – Mông Cổ: thành tựu và triển vọng”

Đăng ngày: 19-09-2024, 11:24 | Danh mục: Hoạt động khoa học, Hội nghị - Hội thảo

Ngày 12/09/2024, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “70 năm quan hệ Việt Nam – Mông Cổ: thành tựu và triển vọng”. Tham dự Hội thảo khoa học có PGS.TS. Phạm Hồng Thái, nguyên Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, TS. Võ Hải Thanh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mông Cổ và vùng lãnh thổ Đài Loan, TS. Phí Hồng Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mông Cổ và vùng lãnh thổ Đài Loan và toàn thể viên chức Trung tâm Nghiên cứu Mông Cổ và vùng lãnh thổ Đài Loan, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.

Thực hiện nhiệm vụ do Lãnh đạo Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam giao phối hợp tổ chức Hội thảo “70 năm quan hệ Việt Nam – Mông Cổ: thành tựu và triển vọng”, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á chủ trì xây dựng Đề án tổ chức Hội thảo và viết bài tham luận tại Hội thảo. Viện đã đóng góp 04 báo cáo khoa học tại Hội thảo, trong đó có 02 báo cáo trình bày và 02 báo cáo không trình bày.

Tại Phiên trình bày tham luận, PGS.TS. Phạm Hồng Thái, nguyên Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đã báo cáo chủ đề “Quan hệ Việt Nam – Mông Cổ: chặng đường 70 năm và triển vọng”. Bài báo cáo tham luận của PGS.TS. Phạm Hồng Thái tập trung nghiên cứu quan hệ Việt Nam – Mông Cổ từ khi hai nước thiết lập quan hệ đến nay qua các giai đoạn chủ yếu trong các lĩnh vực chính trị, quốc phòng và an ninh, từ đó đưa ra phân tích dự báo sự phát triển của quan hệ hai nước trong thời gian tới. Báo cáo đề cập 03 vấn đề chính: (1) Nền tảng quan hệ Việt Nam – Mông Cổ; (2) Những giai đoạn phát triển chính của quan hệ Việt Nam – Mông Cổ; (3) Triển vọng phát triển của quan hệ Việt Nam – Mông Cổ trong thời gian tới. Quan hệ ngoại giao Việt Nam – Mông Cổ đã trải qua chặng đường 70 trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều biến động. Với nỗ lực của chính phủ và nhân dân hai nước, quan hệ song phương không ngừng được củng cố, vun đắp.  Cho đến trước kết thúc Chiến tranh Lạnh, quan hệ Việt Nam – Mông Cổ được xây dựng dựa trên nền tảng chính trị với tư cách là quan hệ hữu nghị của các nước thành viên phe xã hội chủ nghĩa. Sau kết thúc Chiến tranh Lạnh, nhất là từ 1994 đến nay, quan hệ Việt Nam – Mông Cổ bước sang giai đoạn mới được đẩy mạnh trên nhiều lĩnh vực, nhất là hợp tác về chính trị, an ninh, quốc phòng và kinh tế. Hợp tác song phương trong bối cảnh trong nước và quốc tế mới đã đạt được những kết quả to lớn, đáp ứng lợi ích của cả hai nước. PGS.TS. Phạm Hồng Thái đánh giá việc tiếp tục phát triển quan hệ Việt Nam – Mông cổ trên những tầm cao mới là lợi ích chiến lược của cả hai nước và điều đó đòi hỏi cả Việt Nam và Mông Cổ cần nỗ lực hơn nữa trong những giải pháp tăng cường hợp tác sâu rộng và hiệu quả.

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế  “70 năm quan hệ Việt Nam – Mông Cổ: thành tựu và triển vọng”

PGS.TS. Phạm Hồng Thái trình bày tại Hội thảo

Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, TS. Võ Hải Thanh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mông Cổ và vùng lãnh thổ Đài Loan, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đã có bài trình bày tham luận với chủ đề “Quan hệ kinh tế Việt Nam – Mông Cổ: Tiềm năng, thách thức và giải pháp”. Trong 70 năm qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Mông Cổ, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế đã có những bước tiến đáng kể. Mặc dù hai nước có những khác biệt về địa lý, văn hóa, cơ chế chính sách, môi trường đầu tư và quy mô kinh tế, nhưng vẫn tồn tại nhiều điểm sáng, tiềm năng và cơ hội hợp tác để cùng nhau phát triển. Mông Cổ luôn khẳng định Việt Nam là đối tác chính, quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mông Cổ tại khu vực Đông Nam Á, coi Việt Nam là cửa ngõ quan trọng để gia nhập ASEAN một thị trường đầy tiềm năng với 700 triệu dân. Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đánh giá cao tiềm năng hợp tác phát triển với Mông Cổ, một đất nước có vị trí địa kinh tế-chính trị quan trọng nằm giữa hai nước lớn là Nga và Trung Quốc, có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng phong phú. Bài trình bày của TS. Võ Hải Thanh đã tập trung phân tích những điểm sáng trong quan hệ kinh tế giữa hai nước và tiềm năng hợp tác trên một số lĩnh vực như nông nghiệp, khai thác và chế biến khoáng sản, du lịch, đầu tư và thương mại. Đồng thời, tác giả cũng chỉ ra những thách thức và giải pháp tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước. Những đề xuất chính sách được đưa ra bao gồm: (1) Tổ chức thường xuyên các chuyến thăm cấp cao để trao đổi về các vấn đề hợp tác song phương; (2) Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp của hai nước tiếp cận thông tin thị trường, tìm kiếm đối tác và mở rộng hợp tác; (3) Tổ chức các hoạt động quảng bá văn hóa, du lịch để tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa người dân hai nước.

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế  “70 năm quan hệ Việt Nam – Mông Cổ: thành tựu và triển vọng”

TS. Võ Hải Thanh trình bày tại Hội thảo

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế  “70 năm quan hệ Việt Nam – Mông Cổ: thành tựu và triển vọng”

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế  “70 năm quan hệ Việt Nam – Mông Cổ: thành tựu và triển vọng”

Đại biểu tham dự của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Hội thảo khoa học quốc tế “70 năm quan hệ Việt Nam – Mông Cổ: thành tựu và triển vọng” đã diễn ra thành công tốt đẹp, Hội thảo là một kênh đối thoại quan trọng giữa các nhà hoạt động thực tiễn, các chuyên gia và các nhà khoa học, cùng nhau trao đổi ý kiến, thảo luận. Các báo cáo khoa học của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đã có đóng góp nhất định đối với sự thành công của Hội thảo. Các kiến nghị, đề xuất của các nhà nghiên cứu Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á tại Hội nghị đã được chắt lọc, xây dựng thành báo cáo tư vấn chính sách trong việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Mông Cổ phát triển một cách toàn diện lên tầm cao mới, hiệu quả và sâu sắc hơn.

Phạm Thị Nhung

0thảo luận