Trang chủ

Hội thảo khoa học “Những vấn đề chính trị - an ninh nổi bật của Hàn Quốc năm 2024 và dự báo”

Đăng ngày: 25-09-2024, 10:50 | Danh mục: Hoạt động khoa học, Hội nghị - Hội thảo

Ngày 17/9/2024, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á tổ chức Hội thảo khoa học “Những vấn đề chính trị - an ninh nổi bật của Hàn Quốc năm 2024 và dự báo” do các cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Triều Tiên trình bày. Tham dự Hội thảo có TS. Trần Hoàng Long – Phó Viện trưởng điều hành Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á cùng toàn thể cán bộ, viên chức Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.

Phiên I của Hội thảo gồm 02 báo cáo do TS. Nguyễn Thị Thắm và TS. Tống Thùy Linh trình bày. Mở đầu Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Thắm có bài trình bày với chủ đề “An ninh nguồn nước giữa Hàn Quốc và Triều Tiên”. Báo cáo đã tập trung làm rõ hai nội dung chính: (i) vấn đề an ninh nguồn nước sông Imjin và (ii) vấn đề an ninh nguồn nước sông Bukhan. Imjin là con sông phần lớn thuộc lãnh thổ Triều Tiên, có tất cả 7 con đập: Triều Tiên có 5 đập gồm đập số 1, 2, 3, 4 và đập Hwanggang; Hàn Quốc có 2 đập: Gunnam và Hantangang. Trên sông Imjin đập Hwanggang là đập lớn nhất của Triều Tiên; đập Gunnam là đập lớn nhất của Hàn Quốc. Hàn Quốc khá lo lắng vì trữ lượng đập nhỏ hơn rất nhiều so với đập Imnam của Triều Tiên và bất an với khả năng điều tiết dòng chảy trong trường hợp xả lũ lớn. Do đó, tầm quan trọng của việc hợp tác quản lí nguồn nước sông Imjin giữa Hàn Quốc và Triều Tiên càng được quan tâm. Sông Bukhan là một nhánh sông Hangang, có 12 đập, Triều Tiên có 5 đập và phía Hàn Quốc có 7 đập. Liên quan đến vấn đề an ninh nguồn nước tại đây, Triều Tiên đã có 3 lần thông báo cho Hàn Quốc để cùng phối hợp quản lí nguồn nước sông Bukhan. Do tình hình đối thoại giữa Hàn Quốc và Triều Tiên bị đình trệ dưới thời Tổng thống Yoon Suk-yeol nên khi các dự án hợp tác chưa được thực hiện thì các động thái chủ động quản lý nguồn nước sông Bukhan được Hàn Quốc chú trọng hơn. Trên cơ sở chỉ ra những vấn đề an ninh nguồn nước giữa Hàn Quốc và Triều Tiên ở hai con sống Imjin và Bukhan, báo cáo đã đưa ra một số đánh giá, trong đó chủ yếu nhấn mạnh quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên thăng trầm với những thời điểm căng thẳng và nồng ấm đan xen nên hợp tác về đảm bảo an ninh nguồn nước giữa hai bên cũng không ổn định. Đồng thời, hợp tác về đảm bảo an ninh nguồn nước giữa hai bên như một hàn thử biểu cho quan hệ liên Triều, được triển khai rồi dừng lại nhiều lần và có thể sẽ chỉ ổn định và phát triển một khi hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên được thiết lập và duy trì bền vững.

Hội thảo khoa học “Những vấn đề chính trị - an ninh nổi bật của Hàn Quốc năm 2024 và dự báo”

TS. Nguyễn Thị Thắm trình bày báo cáo tại Hội thảo

Báo cáo tham luận thứ hai do TS. Tống Thùy Linh trình bày với chủ đề “An ninh việc làm ở Hàn Quốc: Trường hợp lao động hợp đồng (Gig worker)”. Báo cáo tập trung phân tích và làm rõ 3 vấn đề chính: (i) Khái niệm an ninh việc làm; (ii) Lao động hợp đồng (Gig worker); (iii) Các vấn đề an ninh việc làm đối với lao động hợp đồng ở Hàn Quốc. Khái niệm An ninh việc làm là một khái niệm mới xuất hiện ở Việt Nam, nó được bắt nguồn từ các nước châu Âu. Theo Tổ chức Lao động thế giới ILO (1998) thì “an ninh việc làm” có nghĩa là người lao động được bảo vệ chống lại việc sa thải bất ngờ và thông báo ngắn hạn về kết thúc công việc, cũng như có hợp đồng lao động dài hạn và có quan hệ lao động tránh được tình trạng làm việc không thường xuyên. Theo định nghĩa của ILO và nhiều chuyên gia, an ninh việc làm được hiểu là chỉ áp dụng đối với lao động được thuê từ một chủ thể pháp lý mà không áp dụng đối với lao động tự do và những công việc không tuân thủ theo tiêu chuẩn. Tại Hàn Quốc, luật đảm bảo việc làm được ban hành nhằm đáp ứng lực lượng lao động cần thiết cho ngành công nghiệp và ngăn chặn tình trạng thất nghiệp bằng cách tạo cơ hội cho người lao động tìm được việc làm phù hợp với khả năng của họ. Trong nội dung 2 khi nói đến Lao động hợp đồng (Gig worker), báo cáo đã làm rõ khái niệm về nền kinh tế Gig; khái niệm Gig worker. Lao động hợp đồng khác với những lao động tạm thời hoặc lao động không thường xuyên truyền thống bởi họ tự nguyện làm việc theo nhiều hợp đồng ngắn hạn và phổ biến trong thế hệ MZ khi thanh niên coi trọng sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, ưu thích giờ làm việc linh hoạt và có xu hướng lựa chọn công việc ít rào cản hơn. Tại Hàn Quốc, lao động hợp đồng được phân loại theo loại hình công việc và theo môi trường làm viêc. Đề cập đến các vấn đề an ninh việc làm đối với lao động hợp đồng ở Hàn Quốc, báo cáo đã đưa ra các số liệu cụ thể để minh chứng cho những vấn đề như: thời gian làm việc thực tế của lao động hợp đồng cao, mức thu nhập không thể đoán trước; lao động hợp đồng không được hưởng chế độ phúc lợi, việc làm bấp bênh.

Hội thảo khoa học “Những vấn đề chính trị - an ninh nổi bật của Hàn Quốc năm 2024 và dự báo”

TS. Tống Thùy Linh trình bày báo cáo tại Hội thảo

Sau khi nghe hai báo cáo tham luận của TS. Nguyễn Thị Thắm và TS. Tống Thùy Linh, các nhà khoa học đã có những trao đổi, thảo luận, tập trung vào các nội dung như: sự ảnh hưởng, tác động từ phía Trung Quốc đến vấn đề an ninh nguồn nước giữa Hàn Quốc và Triều Tiên; khả năng vỡ đập của phía Triều Tiên ảnh hưởng thế nào đến sự an toàn của Hàn Quốc cũng như những cân nhắc lợi ích khi Triều Tiên để vỡ đập; so sánh lao động hợp đồng ở Hàn Quốc với lao động hợp đồng ở Nhật Bản và Việt Nam; làm rõ tỷ trọng lao động thời vụ ở Hàn Quốc chiếm bao nhiêu phần trăm số lao động Hàn Quốc, tỷ lệ đóng góp của lao động thời vụ đối với nền kinh tế Hàn Quốc; tại sao an ninh lao động hợp đồng lại ảnh hưởng đến cơ cấu việc làm của một quốc gia; vấn đề an ninh việc làm có phải là 1 trong 10 vấn đề an ninh nổi bật của Hàn Quốc trong năm 2024 hay không... Hai báo cáo viên đã lần lượt trả lời các câu hỏi của các nhà nghiên cứu khoa học tạo nên không khí trao đổi học thuật vô cùng sôi nổi và hấp dẫn.

Trong phiên thứ 2 của Hội thảo, các đại biểu tham dự đã được nghe 02 báo cáo tham luận của ThS. Phan Thị Oanh và ThS. Trần Thị Mỹ Hoa. Báo cáo do ThS. Phan Thị Oanh trình bày có nội dung “Quá trình xây dựng chính sách bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của Hàn Quốc”. Báo cáo đã trình bày tổng quan về khái niệm Di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) của UNESCO, Hàn Quốc, Việt Nam...; Luật bảo tồn di sản văn hóa Hàn Quốc; các lý do thay đổi chính sách bảo tồn DSVHPVT của Hàn Quốc. Trên cơ sở đó, tác giả đã chỉ ra và phân tích cụ thể những thay đổi trong chính sách bảo tồn DSVHPVT của Hàn Quốc từ năm 2000 đến nay. Trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2010, mọi vấn đề về bảo tồn DSVHPVT Hàn Quốc được được luật hóa trong Luật bảo tồn DSVH năm 1962 và đã được thay đổi vào năm 2005 khi Hàn Quốc ký Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ DSVHPVT. Năm 2008 Luật bảo tồn DSVH của Hàn Quốc đã được sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách như về chế độ bãi bỏ công nhận chủ sở hữu di sản, chế độ bắt buộc công khai về kỹ năng, kỹ nghệ của chủ sở hữu di sản... Trong giai đoạn này, Hàn Quốc cũng đã được quốc tế công nhận là quốc gia đi đầu, gương mẫu trong lĩnh vực xây dựng chính sách và chế độ bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể. Ở giai đoạn từ năm 2010 đến nay, phạm vi DSVHPVT được mở rộng từ lĩnh vực nghệ thuật và thủ công vốn là đối tượng được bảo vệ trước đây sang cả trò chơi và nghi lễ. Luật bảo tồn DSVH tiếp tục được sửa đổi thêm nhiều lần sau đó. Báo cáo cũng đã đưa ra một số nhận xét, đánh giá về chính sách bảo tồn DSVHPVT của Hàn Quốc, trong đó nhấn mạnh những hạn chế, vướng mắc tồn tại ở giai đoạn trước đã được giải quyết một cách hài hòa, trọn vẹn ở giai đoạn này, đặc biệt, sự ra đời của Luật Bảo tồn DSVHPVT có thể nói là nền tảng cho sự phát triển lên tầm cao mới của hệ thống chính sách về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của Hàn Quốc.

Hội thảo khoa học “Những vấn đề chính trị - an ninh nổi bật của Hàn Quốc năm 2024 và dự báo”

ThS. Phan Thị Oanh trình bày báo cáo tại Hội thảo

Tiếp theo chương trình hội thảo, ThS. Trần Thị Mỹ Hoa trình bày báo cáo tham luận với chủ đề Tình hình chính trị - an ninh quốc phòng Hàn Quốc và Triều Tiên năm 2024”. Báo cáo đã chỉ ra 6 đặc điểm chính về tình hình chính trị - an ninh quốc phòng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên trong năm 2024, đó là: Hàn Quốc tăng cường tập trận, Triều Tiên không ngừng phát triển vũ khí hạt nhân; Hàn Quốc tăng cường liên minh Mỹ - Nhật, Triều Tiên tăng cường hợp tác với Nga; Triều Tiên phá hủy tượng đài thống nhất quốc gia, xóa hình ảnh bán đảo Triều Tiên khỏi các trang web chính thống và xóa các biểu tượng có cụm từ ”thống nhất”; Hàn Quốc đình chỉ hoàn toàn Thỏa thuận quân sự liên Triều, nối lại hoạt động quân sự dọc biên giới liên Triều; Hàn Quốc nối lại các chương trình phát thanh tuyên truyền dọc biên giới, Triều Tiên thả bóng bay chứa rác sang Hàn Quốc; Triều Tiên định nghĩa lại quan hệ với Hàn Quốc, Hàn Quốc có những động thái mới trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên. Trên cơ sở chỉ ra và phân tích những đặc điểm chính trên, báo cáo đã đưa ra một số, nhận xét về tình hình chính trị - an ninh quốc phòng Hàn Quốc – Triều Tiên trong năm 2024, trong đó nhấn mạnh quan hệ chính trị - an ninh giữa hai miền thời gian qua luôn duy trì ở trạng thái bất ổn khi căng thẳng đang được đẩy cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, tiềm ẩn nguy cơ có thể xảy ra xung đột, chiến tranh. Báo cáo cũng dự báo rằng tình hình Hàn – Triều có thể chuyển biến hạ nhiệt căng thẳng hoặc tiếp tục được “thêm dầu vào lửa” là điều tương đối khó đoán định và trong thời gian ngắn sắp tới tình hình Bán đảo khó có thể hạ nhiệt và ổn định như dưới thời Tổng thống Moon Jae-in.

 

Hội thảo khoa học “Những vấn đề chính trị - an ninh nổi bật của Hàn Quốc năm 2024 và dự báo”

ThS. Trần Thị Mỹ Hoa trình bày báo cáo tại Hội thảo

Hội thảo khoa học “Những vấn đề chính trị - an ninh nổi bật của Hàn Quốc năm 2024 và dự báo”
Hội thảo khoa học “Những vấn đề chính trị - an ninh nổi bật của Hàn Quốc năm 2024 và dự báo”

Các đại biểu tham dự Hội thảo trao đổi, thảo luận

Hai báo cáo tham luận trình bày trong phiên thứ hai đã đi sâu phân tích về chính sách bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của Hàn Quốc, về tình hình chính trị - an ninh giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Các nhà khoa học tham dự hội thảo đã đặt ra nhiều câu hỏi và cùng nhau thảo luận xoay quanh hai chủ đề này. Với báo cáo của ThS. Phan Thị Oanh, nội dung mà các đại biểu tham dự quan tâm là chính sách bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của Hàn Quốc liên quan thế nào đến an ninh văn hóa; sự thay đổi giữa các lần bổ sung, sửa đổi chính sách; sự khác nhau giữa chính sách bảo tồn di sản văn hóa của Hàn Quốc với Việt Nam; trong số những chính sách bảo tồn di sản văn hóa của Hàn Quốc thì có chính sách nào chưa hợp lý, chưa phù hợp với những biến đổi của xã hội hay không... Đối với báo cáo của ThS. Trần Thị Mỹ Hoa, các nhà nghiên cứu cho rằng tác giả nên chỉnh sửa lại tên báo cáo cho phù hợp, sắp xếp lại bố cục của báo cáo gồm ba phần là bối cảnh, nhân tố tác động, thực trạng quan hệ và đánh giá, sẽ giúp người nghe dễ theo dõi hơn. Đồng thời, các nhà nghiên cứu cũng đã thảo luận sôi nổi về tác động của cuộc bầu cử Mỹ sắp tới đến tình hình báo đảo Triều Tiên, mối tương quan giữa vấn đề eo biển Đài Loan với vấn đề trên bán đảo Triều Tiên...

Hội thảo khoa học “Những vấn đề chính trị - an ninh nổi bật của Hàn Quốc năm 2024 và dự báo”

TS. Trần Hoàng Long tổng kết Hội thảo

Tổng kết hội thảo, TS. Trần Hoàng Long cho rằng, chủ đề của hội thảo rất hay và mang ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Hội thảo đã mang lại những thông tin mới mẻ, hữu ích, những góc nhìn đa chiều hơn về tình hình chính trị - an ninh của Hàn Quốc trong năm 2024 như an ninh nguồn nước, an ninh việc làm, an ninh văn hóa, an ninh quốc phòng... Các báo cáo viên và các nhà nghiên cứu đã thảo luận sôi nổi, đưa đến nhiều thông tin, kiến thức, để cùng nhau hiểu rõ hơn và tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề này, đồng thời gợi mở thêm nhiều hướng nghiên cứu mới cho các cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Triều Tiên nói riêng và các nhà khoa học có quan tâm đến chủ đề này nói chung.

 

Phan Huyền

0thảo luận