Sáng 26/11/2021, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đã tổ chức Tọa đàm khoa học: “Tình hình chính trị Nhật Bản năm 2021” do TS. Đỗ Thị Ánh, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản trình bày. Tham dự cuộc tọa đàm này có PGS.TS. Phạm Quý Long, Quyền Viện trưởng; TS. Trần Hoàng Long, Phó Viện trưởng cùng toàn thể viên chức, cán bộ nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.
Mở đầu báo cáo diễn giả đã đề cập tới bối cảnh trong nước và quốc tế là những nhân tố mang tính quyết định và có ảnh hưởng sâu rộng tới nền chính trị Nhật Bản trong năm 2021 như tác động kinh tế, xã hội của đại dịch Covid-19, việc tổ chức Thế vận hội Mùa hè Tokyo từng bị hoãn lại một năm trước đó, những thay đổi của chính trường Mỹ, sự điều chỉnh và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, tình hình chính trị, ngoại giao, an ninh tại khu vực Đông Bắc Á, vấn đề eo biển Đài Loan...
TS. Đỗ Thị Ánh trình bày báo cáo tại Tọa đàm
Tiếp theo, ở phần nội dung chính, báo cáo đã phân tích những điểm nhấn quan trọng về tình hình chính trị Nhật Bản trong năm 2021 như sự khép lại của chính quyền Thủ tướng Suga Yoshihide sau nhiệm kỳ một năm với không ít những thành tựu và vấn đề nổi bật. Bên cạnh đó, còn phải kể tới cuộc bầu cử khó dự đoán trước nhằm xác định chức vụ Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) kế nhiệm đương kim Thủ tướng Suga diễn ra vào cuối tháng 9/2021. Kết quả của “cuộc đua” này là ông Kishida Fumio đã vượt qua ba ứng cử viên khác, trở thành nhà lãnh đạo của đảng LDP cầm quyền. Đến đầu tháng10/2021, tại cuộc họp toàn thể hai viện của Quốc hội Nhật Bản, Chủ tịch đảng Dân chủ tự do (LDP) Kishida Fumio mới nhậm chức đã chính thức được bầu làm thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản, đồng thời tân Nội các, mục tiêu và chính sách cơ bản của chính quyền mới cũng đã được công bố.
Một sự kiện chính trị quan trọng khác nữa của Nhật Bản trong năm 2021 là cuộc Tổng tuyển cử bầu chọn Hạ nghị sĩ (Dân biểu Quốc hội) lần thứ 49 diễn ra trong cả nước vào cuối tháng 10/2021. Thông qua cuộc bầu cử này, cử tri Nhật Bản đã đưa ra sự đánh giá của bản thân không chỉ đối với chính sách của tân Thủ tướng Kishida mà cả với chính quyền của hai cựu Thủ tướng Abe Shinzo và Suga Yoshihide trong thời gian gần chín năm qua. Ưu thế đa số tuyệt đối mà liên minh cầm quyền gồm Đảng Dân chủ tự do (LDP) và Đảng Công Minh (Komeito) giành được trong cuộc Tổng tuyển cử này đã cho thấy đa phần người dân Nhật mong muốn một sự ổn định, không muốn có những xáo trộn chính trị vào thời điểm này. Ngoài sự thiếu tin tưởng của công chúng đối với các đảng đối lập, cuộc tổng tuyển cử cũng báo hiệu sự trỗi dậy của phe bảo thủ trong chính trường Nhật. Bên cạnh đó, báo cáo chính của cuộc tọa đàm cũng đã đề cập đến thực trạng và vấn đề của các nội dung khác như việc sửa đổi Hiến pháp, sửa đổi Luật Hoàng gia liên quan đến thành viên nữ giới…
Trong phần ba, báo cáo đã đưa ra những nhận xét và dự báo về triển vọng tình hình chính trị Nhật Bản trong thời gian tới. Theo đó, Nhật Bản nhiều khả năng sẽ không có những thay đổi quá lớn về chính sách trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Kishida Fumio, bởi lập trường chung trong nội bộ LDP và của các chính trị gia Nhật Bản nói chung hiện nay là đề cao quan hệ Nhật - Mỹ; nhằm cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ, Nhật Bản cần phải nâng cao sức mạnh quốc phòng nhưng vẫn duy trì quan hệ kinh tế với Trung Quốc và củng cố quan hệ an ninh với các đối tác khác. Về đối nội, nhà lãnh đạo của Nhật Bản sẽ phải tập trung đối mặt với không ít thách thức như đại dịch COVID-19 diễn biến khó lường, những thách thức trong khôi phục nền kinh tế, hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng, vấn đề môi trường, số hóa…
Toàn cảnh buổi Tọa đàm
Thủ tướng Kishida từng có kinh nghiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và ông đã kết hợp được lợi thế này trong chiến lược bầu cử và làm giảm bớt sự bất mãn của dân chúng với chính sách chống dịch bệnh của LDP và sự phục hồi kinh tế chậm chạp trước đó. Ngoài ra, khi dịch bệnh ở Nhật Bản đã dần được thu hẹp, dư luận trong nước cũng tập trung nhiều hơn vào các vấn đề an ninh. Những vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên và sự gia tăng động thái của Trung Quốc tại eo biển Đài Loan đã phần nào khiến cho nhận thức của công chúng về an ninh quốc gia gia tăng hơn. Nhật Bản từ lâu đã phải tuân thủ sự giới hạn trong khuôn khổ của "Hiến pháp hòa bình" và "quyền tự vệ" không được can dự vào các vấn đề chiến tranh, quân sự, đặc biệt là khi đối mặt với "các mối đe dọa quân sự” từ bên ngoài. Nhưng nếu muốn thúc đẩy vấn đề sửa đổi Hiến pháp, trước tiên Thủ tướng Kishida sẽ phải đối mặt với các yêu cầu về sửa đổi Hiến pháp cũng như xoay chuyển được sự "phụ thuộc tâm lý vào Hiến pháp hòa bình". Việc liệu Thủ tướng Kishida có thể thực hiện thành công kế hoạch sửa đổi hiến pháp do cựu Thủ tướng Abe để lại hay không cũng sẽ quyết định vị trí của “thời đại Kishida” trong lịch sử phát triển của nền chính trị Nhật Bản.
Bước sang phần tiếp theo của buổi tọa đàm, các nhà nghiên cứu tham dự đã có nhiều ý kiến trao đổi, bình luận sôi nổi, thẳng thắn xoay quanh các nội dung của báo cáo như cần làm rõ hơn nữa các vấn đề an ninh quốc phòng và đường lối ngoại giao của Nhật Bản, hoạt động của Quốc hội, Nội các Nhật Bản; tác động của hệ thống chính trị và các hoạt động chính trị của Nhật Bản đối với bản thân nước Nhật, với quan hệ quốc tế và quan hệ Việt Nam – Nhật Bản, đồng thời đưa ra góp ý nhằm hoàn thiện hơn về cấu trúc và khung lý luận phân tích của báo cáo.
PGS.TS. Phạm Quý Long - Quyền Viện trưởng phát biểu tổng kết Tọa đàm
Phát biểu tổng kết tọa đàm, PGS.TS. Phạm Quý Long, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc nhận định năm 2021 là năm có nhiều sự kiện lớn và một số cuộc bầu cử quan trọng quyết định nền chính trị Nhật Bản trong tương lai. Sự thay đổi của hệ thống chính trị Nhật Bản ảnh hưởng rất lớn đến tình hình chính trị và quan hệ quốc tế khu vực. Quyền Viện trưởng đánh giá cao kết quả của cuộc tọa đàm, khẳng định báo cáo đã phác họa được bức tranh tổng thể với những đặc điểm quan trọng của nền chính trị Nhật Bản trong năm 2021 và cần tiếp tục phát triển hướng nghiên cứu trở thành hoạt động khoa học định kỳ hàng năm.
Phương Hoa