Ngày 20/12/2021, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đã tổ chức Hội thảo khoa học “Chính sách hướng Bắc và hướng Nam mới" của Hàn Quốc. Tham dự hội thảo, có PGS.TS. Phạm Quý Long, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á; TS. Trần Hoàng Long, Phó Viện trưởng; PGS.TS. Nguyễn Duy Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học xã hội cùng toàn thể cán bộ viên chức của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.
Tại Hội thảo, TS. Võ Hải Thanh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mông Cổ và Vùng lãnh thổ Đài Loan đã trình bày báo cáo đầu tiên với chủ đề “Chính sách phương Bắc mới và quan hệ hợp tác của Hàn Quốc với các nước trong khu vực”. Tác giả đã khái quát lịch sử, bối cảnh ra đời của “Chính sách phương Bắc” và “Chính sách phương Bắc mới”. Khái niệm “Chính sách phương Bắc” (NNP) được Chính phủ Tổng thống Hàn Quốc Roh Tae-woo đưa ra năm 1988, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác với các nước trong khu vực phía Bắc. Tuy nhiên, chính sách này đã không mang lại hiệu quả đáng kể nào do cuộc khủng hoảng hạt nhân của Bắc Triều Tiên và các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Bình Nhưỡng. Trong bối cảnh quốc tế và khu vực có những biến động lớn, Tổng thống hiện nay của Hàn Quốc là ông Moon Jae-in đã công bố “Chính sách phương Bắc mới” trong bài phát biểu quan trọng của mình tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông lần thứ ba khai mạc vào ngày 7/9/2017 tại Đại học Viễn Đông ở Vladivostok, Nga nhằm xoa dịu căng thẳng địa chính trị ở Đông Bắc Á và tạo môi trường cho hòa bình và hợp tác lâu dài. Trong báo cáo của mình, tác giả đã trình bày khái quát phạm vi, tầm nhìn, mục tiêu hướng tới và một số kết quả bước đầu của Chính sách phương Bắc mới của Hàn Quốc. Từ đó, tác giả đã tập trung làm rõ quan hệ hợp tác của Hàn Quốc với một số đối tác ở phương Bắc, cụ thể là với Nga; Trung Quốc, Mông Cổ, CHDCND Triều Tiên; Liên minh kinh tế Á – Âu… và đưa ra một số khó khăn, thách thức mà Hàn Quốc phải đối mặt khi triển khai chính sách này.
TS. Võ Hải Thanh trình bày báo cáo tại Hội thảo
Báo cáo thứ hai với chủ đề “Chính sách hướng Bắc mới của Hàn Quốc” do TS. Tống Thùy Linh, Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Triều Tiên trình bày. Bài tham luận gồm 5 nội dung chính bao gồm: bối cảnh hình thành chính sách; tầm nhìn và mục tiêu của chính sách; nội dung của chính sách hướng Bắc mới; kế hoạch tương lai. Tác giả đã tập trung làm rõ hơn nội dung của "Chính sách hướng Bắc mới” của Hàn Quốc. Chính sách nhằm thực hiện hợp tác kinh tế dựa trên hòa bình và thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên để tạo động lực tăng trưởng trong tương lai cho nền kinh tế quốc gia và tạo cơ sở cho sự thống nhất liên Triều bằng cách tăng cường quan hệ đối tác và kết nối trong các lĩnh vực như giao thông vận tải, hậu cần và năng lượng với các quốc gia trên khắp Châu Âu. Mục đích của NNP là tạo ra một vòng kết nối lành mạnh trong đó hợp tác kinh tế với các đối tác phía Bắc của Hàn Quốc, góp phần thúc đẩy hòa bình trong khu vực và từ đó dẫn đến thịnh vượng chung. Nội dung của NNP là thực hiện Chiến lược 9 cầu nối bao gồm Chiến lược 9 cầu nối 1.0 và Chiến lược 9 cầu nối 2.0; triển khai 70 dự án trong 8 sáng kiến; lĩnh vực thúc đẩy có 12 lĩnh vực; phạm vi triển khai là hướng tới 14 quốc gia chia thành 3 khu vực chính. Về kế hoạch tương lai, Hàn Quốc mong muốn hiện thực hóa bản đồ kinh tế mới cho Bán đảo Triều Tiên và sáng kiến xây dựng “Cộng đồng Đông Bắc Á có trách nhiệm” thông qua “Chính sách hướng Bắc mới” và “Chính sách hướng Nam mới”.
TS. Tống Thùy Linh trình bày báo cáo tại Hội thảo
Báo cáo thứ ba do PGS.TS. Nguyễn Duy Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học xã hội trình bày về “Chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc”. Chính sách hướng Nam mới (NSP) là sáng kiến ngoại giao cốt lõi của Hàn Quốc nhằm tạo ra thịnh vượng và hòa bình thông qua hợp tác toàn diện với các quốc gia thành viên ASEAN và Ấn Độ. Nó nhằm mục đích hiện thực hóa hòa bình và thịnh vượng chung không chỉ trên Bán đảo Triều Tiên mà ở Đông Á và trên toàn thế giới. Để đạt được mục tiêu này, chính sách tìm cách nâng cao mối quan hệ của Hàn Quốc với các quốc gia thành viên ASEAN và Ấn Độ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa, ngang với mức mà Hàn Quốc duy trì với bốn cường quốc (Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga). Báo cáo đã trình bày khái quát lược sự hình thành “Chính sách hướng Nam mới” và sự ra đời của Chính sách hướng Nam mới cộng (NSP+). Vào giữa tháng 11/2020, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thông báo Chính sách NSP+ tại Hội nghị cấp cao trực tuyến Việt Nam – ASEAN và sang năm 2021, Ủy ban Tổng thống Hàn Quốc đã ra mắt "Chính sách hướng Nam mới cộng". NSP+ gồm có 6 sáng kiến chính theo tầm nhìn của 3P (Con người, Sự thịnh vượng và Hòa bình), đó là: hợp tác toàn diện về sức khỏe cộng đồng trong thời kỳ hậu Covid-19; chia sẻ và hỗ trợ mô hình giáo dục kiểu Hàn Quốc thông qua phát triển nguồn nhân lực; thúc đẩy giao lưu văn hóa hai chiều; thúc đẩy thương mại và đầu tư cùng có lợi; hỗ trợ các làng nông thôn và phát triển cơ sở hạ tầng đô thị; hợp tác về ngành công nghiệp tương lai vì sự thịnh vượng chung.
PGS.TS. Nguyễn Duy Lợi trình bày báo cáo tại Hội thảo
Sau phần trình bày của ba báo cáo viên, các đại biểu tham dự đã có những ý kiến trao đổi, thảo luận sôi nổi về nội dung của hai Chính sách hướng Bắc và hướng Nam mới của Hàn Quốc; bối cảnh ra đời, lịch sử hình thành của hai chính sách này; so sánh “Chính sách hướng Bắc mới” của Hàn Quốc với Sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc… Đa số các ý kiến đều tập trung chỉ ra những thành tựu của hai chính sách NNP và NSP, nhấn mạnh NNP và NSP chính là các chính sách mang tầm nhìn chiến lược của Hàn Quốc với ba mục đích cốt lõi là tạo không gian phát triển kinh tế ổn định, nâng cao vị thế chính trị của Hàn Quốc trên trường quốc tế đảm bảo an ninh trên Bán đảo Triều Tiên. Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự hội thảo cũng đề xuất các báo cáo viên nên làm rõ hơn một số nội hàm về các khái niệm đồng minh chủ chốt, đối tác then chốt trong quan hệ quốc tế của Hàn Quốc với các nước phương Bắc; khi phân tích “Chính sách hướng Nam mới” của Hàn Quốc nên liên hệ với Việt Nam, nêu rõ vị trí, tầm quan trọng của Việt Nam trong NSP, sự ảnh hưởng của NSP đến Việt Nam cũng như đến mối quan hệ song phương Việt Nam – Hàn Quốc, triển vọng của mối quan hệ này trong tương lai.
PGS.TS. Phạm Quý Long - Quyền Viện trưởng phát biểu tổng kết Hội thảo
Phát biểu tổng kết Hội thảo, PGS.TS. Phạm Quý Long đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội thảo, khẳng định rằng các báo cáo và ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo đã cung cấp bức tranh tổng quát về “Chính sách hướng Bắc và hướng Nam mới” của Hàn Quốc, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của nghiên cứu Hàn Quốc tại Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á và khẳng định chủ đề về chính sách ngoại giao nói chung của Hàn Quốc vẫn còn rất nhiều nội dung cần được trao đổi, còn nhiều vấn đề được gợi mở trong thời gian tới.
Phan Huyền