Vào ngày 08/12/2021, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đã tổ chức Tọa đàm khoa học: “Tình hình Triều Tiên năm 2021” do TS. Nguyễn Thị Thắm và Th.S Trần Thị Mỹ Hoa, Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Triều Tiên, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á cùng trình bày. Tham dự tọa đàm có PGS.TS. Phạm Quý Long, Quyền Viện trưởng; TS. Trần Hoàng Long, Phó Viện trưởng cùng toàn thể cán bộ viên chức của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.
Tại buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Thị Thắm đã trình bày khái quát tình hình đất nước Triều Tiên trong năm 2021 trên 2 khía cạnh chính trị và kinh tế. Trước hết, về tình hình chính trị, tác giả tập trung trình bày một số vấn đề như (1) Đại hội Đảng Lao động lần thứ 8 được tổ chức đúng nhiệm kì 5 năm, (2) Bộ máy chính trị phân quyền trong Đảng (3) Chính trị tiên dân là phương thức chính trị cơ bản của Triều Tiên. Năm 2021 có thể nói là một năm có sự chuyển biến mới về mặt tư tưởng, chính trị của Triều Tiên sau khi Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên lần thứ VIII được khai mạc vào ngày 5/1/2021. Đây là một trong những lần đại hội hiếm hoi được tổ chức đúng nhiệm kì 5 năm của đảng Lao động Triều Tiên. Đại hội Đảng lần này đã đánh giá nhiệm kỳ trước, xác định phương hướng cho nhiệm kỳ sau, kiện toàn bộ máy của Đảng và thông qua Điều lệ Đảng sửa đổi. Triều Tiên đã phục hồi lại Ban Bí thư, bổ sung mới chức Bí thư thứ nhất và ban hành chức năng nhiệm vụ quyền hạn cho Ban thường vụ Bộ Chính trị. Về phương thức chính trị cơ bản, Đảng Lao động Triều Tiên đã thay thế chính trị tiên quân bằng chính trị chủ nghĩa đệ nhất đại chúng nhân dân.
TS. Nguyễn Thị Thắm trình bày báo cáo tại tọa đàm
Về tình kinh tế, tác giả đã trình bày các nội dung: (1) Xây dựng và thực hiện năm thứ nhất của Kế hoạch 5 năm, (2) Tiếp tục tăng trưởng âm, (3) Khó khăn về lương thực của Triều Tiên. Do cấm vận và dịch bệnh, nền kinh tế Triều Tiên được dự báo tiếp tục tăng trưởng âm trong năm 2021. Về thương mại, Trung Quốc là đối tác lớn nhất, chiếm hầu hết tỷ trọng xuất nhập khẩu của Triều Tiên nhưng trong 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại Triều-Trung cũng giảm tới 84% so với cùng kì năm 2020. Triều Tiên cũng tiếp tục gặp khó khăn về lương thực trong năm 2021. Báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp thế giới của UN (viết tắt là FAO) nêu rõ, từ tháng 11/2020 -10/2021, Triều Tiên thiếu khoảng 858 ngàn tấn lương thực.
Tiếp đó, Th.S Trần Thị Mỹ Hoa trình bày về tình hình ngoại giao và an ninh quốc phòng của Triều Tiên trong năm 2021. Về tình hình ngoại giao của Triều Tiên, tác giả tập trung trình bày các nội dung về (1) Quan hệ liên Triều, (2) Quan hệ Mỹ-Triều, (3) Quan hệ Triều Tiên - Việt Nam. Có thể nói, những hi vọng mới trong quan hệ liên Triều là việc nối lại đường dây liên lạc và khả năng tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953. Ngày 4/10/2021, Hàn Quốc và Triều Tiên khôi phục đường dây liên lạc sau khoảng hai tháng bị đình chỉ. Trong khi đó, mối quan hệ Triều – Mỹ dưới chính quyền của Tổng thống Joe Biden cho đến nay vẫn chưa có tiến triển. Triều Tiên cho biết sẽ không trở lại bàn đàm phán trừ khi Mỹ từ bỏ chính sách thù địch bao gồm các biện pháp trừng phạt và dừng các cuộc tập trận quân sự thường xuyên chung Mỹ - Hàn.
Về tình hình an ninh quốc phòng, tác giả trình bày về các nội dung: (1) Triều Tiên liên tiếp tiến hành các vụ thử tên lửa, (2) Phản ứng của các bên về vụ thử tên lửa của Triều Tiên. Trong năm 2021, Triều Tiên đã chứng tỏ có những kết quả mới trong việc phát triển vũ khí chiến thuật, chiến lược được cho là chỉ để tự vệ. Trong khi đó thì phản ứng của các bên liên quan mang tính đa chiều, bày tỏ quan ngại hòa bình, ổn định ở khu vực bị ảnh hưởng.
Sau phần trình bày của hai diễn giả, các nhà nghiên cứu tham dự Tọa đàm đã có những ý kiến trao đổi, thảo luận sôi nổi về tình hình Triều Tiên trong năm 2021 trên các mặt kinh tế, chính trị, ngoại giao và an ninh quốc phòng. Chủ đề, nội dung, chất lượng của buổi Tọa đàm được đánh giá cao, được trình bày một cách logic và chặt chẽ, cung cấp nhiều thông tin mới và bổ ích về Triều Tiên (PGS.TS. Phạm Quý Long, Quyền Viện trưởng; TS. Trần Hoàng Long, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á). Định hướng nghiên cứu Triều Tiên về sau có thể tham khảo 5 nội dung đánh giá về Triều Tiên của một học giả nước ngoài (PGS. TS. Phạm Hồng Thái).
Các ý kiến khác của các nhà nghiên cứu tham dự tọa đàm cũng đều đánh giá nội dung tọa đàm hấp dẫn, thông tin cập nhật, đồng thời đưa ra các câu hỏi về tình hình Triều Tiên. Các ý kiến cũng trao đổi thêm về nguồn thu nhập chính của Triều Tiên, cơ cấu ngành và hàng tiêu dùng của Triều Tiên.
PGS.TS. Phạm Quý Long - Quyền Viện trưởng phát biểu tổng kết tọa đàm
Phát biểu tổng kết Tọa đàm, PGS.TS. Phạm Quý Long, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đánh giá cao buổi Tọa đàm, đồng thời cho rằng ý kiến của các chuyên gia thảo luận tại Tọa đàm sẽ giúp ích cho việc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu Triều Tiên một cách hệ thống, khoa học và sâu sắc hơn trong thời gian tới .
Nguyễn Ngọc Mai