Ngày 06/12/2021, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đã tổ chức Tọa đàm khoa học:“Đánh giá tình hình an ninh phi truyền thống ở khu vực Đông Bắc Á 2021” do TS. Hoàng Minh Lợi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Những Vấn đề chung của Khu vực Đông Bắc Á trình bày. Tham dự tọa đàm có PGS.TS. Phạm Quý Long, Quyền Viện trưởng; cùng toàn thể cán bộ viên chức của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.
Tại buổi Tọa đàm, TS. Hoàng Minh Lợi đã trình bày khái quát 4 nội dung chính về vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Đông Bắc Á bao gồm:
(1) Khái niệm và một số quan điểm về vấn đề an ninh phi truyền thống nói chung.
(2) Làm rõ và đánh giá một số vấn đề an ninh phi truyền thống nổi bật tại khu vực Đông Bắc Á trong năm 2021.
(3) Dự báo về vấn đề an ninh phi truyền thống khu vực Đông Bắc Á trong thời gian tới.
(4) Một số kết luận về vấn đề an ninh phi truyền thống khu vực Đông Bắc Á trong năm 2021.
Cụ thể, báo cáo chỉ ra rằng trong những năm gần đây, hầu hết các vấn đề an ninh nổi lên trong cộng đồng quốc tế nói chung hay khu vực Đông Bắc Á nói riêng chính là các vấn đề an ninh phi truyền thống. Bất chấp việc Đông Bắc Á được coi là một trong những đại diện năng động nhất trên thế giới về dân số, tài nguyên, cơ hội kinh tế và đầu tư, thì những áp lực về nạn nhập cư bất hợp pháp, tội phạm quốc tế hay những vấn đề biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên,sự lây lan dịch bệnh hay quá trình đô thị hóa, già hóa, hội tụ đa văn hóa…là những hiểm họa an ninh phi truyền thống, gây nên những bất ổn cản trở việc phát triển. Các vấn đề an ninh phi tuyền thống tập trung vào 7 khía cạnh chính là: kinh tế, lương thực, sức khỏe, môi trường, con người, xã hội, chính trị và văn hóa. Trong nội dung chính báo cáo của mình, tác giả đi sâu vào làm rõ một số vấn đề an ninh phi truyền thống nổi bật tại khu vực Đông Bắc Á trong năm 2021:
- Năm 2021, dịch bệnh là một trong những thách thức lớn nhất đối với hầu hết các quốc gia vùng lãnh thổ Đông Bắc Á (trừ Triều Tiên).
- Mỗi quốc gia vùng lãnh thổ đều đối mặt với các vấn đề an ninh phi truyền thống của riêng mình (vd Nhật Bản phải đổi mặt với vấn nạn về thiên tai; Hàn Quốc đối mặt với vấn đề khan hiêm nguồn nhân lực, thiếu nguồn cung về nguyên liệu, nạn di cư bất hợp pháp…; Trung Quốc đứng trước nguy cơ về an ninh lương thực…).
- An ninh phi truyền thống tạo nên sự tương tác ảnh hưởng lẫn nhau của các quốc gia và vùng lãnh thổ Đông Bắc Á.
- Nhận xét những thành công và hạn chế về anh ninh phi truyền thống ở từng quốc gia, khu vực Đông Bắc Á.
Từ những phân tích thực trạng an ninh phi truyền thống kể trên, tác giả dự báo rằng những nguy cơ về anh ninh phi truyền thống sẽ còn tiếp diễn trong tương lai; và do đặc điểm của an ninh phi truyền thống là xuyên quốc gia và không thể giải quyết bằng các phương tiện quân sự, đòi hỏi các quốc gia trong khu vực phải có những phản ứng vượt ra ngoài biên giới truyền thống một cách kịp thời, hướng tới an ninh hợp tác trên nhiều phương diện kinh tế, năng lượng, môi trường, xã hội; bất chấp những rào cản về mối quan hệ địa-chính trị, khác biệt về trình độ phát triển hay những vấn đề lịch sử lãnh thổ…
Phát biểu tổng kết Tọa đàm, PGS.TS. Phạm Quý Long, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đánh giá cao chủ đề của Tọa đàm, khẳng định rằng báo cáo đã bước đầu khái quát được những vấn đề an ninh phi truyền thống nổi bật tại khu vực Đông Bắc Á trong năm 2021 vừa qua, đồng thời khẳng định việc nghiên cứu và đưa ra các biện pháp phòng chống hiểm họa an ninh phi truyền thống là yêu cầu cấp thiết đặt ra cho tất cả các quốc gia đặc biệt là các nước đang phát triển. Quyền Viện trưởng cũng cho rằng các ý kiến của các chuyên gia tại Tọa đàm rất hữu ích cho báo cáo viên trong việc hoàn thiện kỹ năng thuyết trình và nâng cao kết quả nghiên cứu.
Thu Thủy