Nằm trong chương trình sinh hoạt khoa học định kỳ, ngày 10/7/2020, tại Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, cử nhân Lê Hồng Hạnh, cán bộ phòng Quản lý khoa học, Thư viện và Hợp tác quốc tế đã trình bày một số kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2020 với nhan đề “Chính sách ứng phó với vấn đề mức sinh thấp ở Hàn Quốc”.
Mức sinh là một trong những chỉ báo nhân khẩu học rất quan trọng. Chỉ báo này góp phần quyết định quy mô, cơ cấu dân số, đồng thời phản ánh mức độ phát triển kinh tế, cấu trúc xã hội và văn hoá của một quốc gia. Mức sinh quá cao so với mức chết sẽ dẫn đến quy mô dân số tăng quá nhanh, tạo ra nhiều áp lực và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái và các mục tiêu phát triển.
Ngược lại, mức sinh quá thấp sẽ đẩy nhanh quá trình già hoá dân số, thiếu hụt nguồn cung cho thị trường lao động, tạo gánh nặng cho hệ thống an sinh xã hội và là rào cản cho sự phát triển, đặc biệt là các quốc gia đang nỗ lực công nghiệp hoá.Trong 10 năm trở lại đây, Hàn Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh con và kết hôn thấp nhất thế giới. Năm 2018, tổng tỷ suất sinh của nước này lần đầu tiên ở mức 0,98 (năm 2017 là 1,05). Theo dự báo của Liên Hợp Quốc, đến năm 2021 mức sinh của Hàn Quốc sẽ là 0,86 và dân số nước này sẽ bắt đầu giảm dần sau năm 2029. Ngày càng có nhiều thanh niên Hàn Quốc không muốn kết hôn và từ bỏ nhiều giá trị vốn rất quan trọng với các thế hệ trước họ. Trì hoãn kết hôn, thậm chí không kết hôn, sinh con muộn là nguyên nhân trực tiếp của tình trạng mức sinh thấp ở Hàn Quốc
Đã có một số nghiên cứu trong nước và quốc tế về vấn đề mức sinh ở khu vực Đông Bắc Á, trong đó có Hàn Quốc. Tuy nhiên, các nghiên cứu này thường tập trung phân tích thực trạng của mức sinh thấp chứ chưa làm rõ các nguyên nhân kinh tế, xã hội của hiện tượng này. Các nghiên cứu này cũng chưa đi sâu phân tích các giải pháp ứng phó của Hàn Quốc, từ đó đưa ra các gợi ý chính sách cho Việt Nam – một quốc gia có thể phải đối mặt với hiện tượng mức sinh thấp trong tương lai gần. Do đó, việc lựa chọn nghiên cứu đề tài “Vấn đề mức sinh thấp của Hàn Quốc và chính sách ứng phó” là hết sức cần thiết. Báo cáo tại buổi sinh hoạt khoa học của chủ nhiệm đề tài tập trung tìm hiểu thực trạng, các yếu tố tác động đến mức sinh thấp của Hàn Quốc và chính sách ứng phó với vấn đề mức sinh thấp của Hàn Quốc, trong đó đưa ra đánh giá về ưu điểm và hạn chế của các chính sách ứng phó nói trên. Phần cuối của báo cáo đề cập đến vấn đề mức sinh của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay và một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam từ vấn đề mức sinh thấp của Hàn Quốc.
Các cán bộ tham dự đã có những ý kiến đóng góp để chủ nhiệm đề tài tiếp tục hoàn thiện trước khi nghiệm thu chính thức.
Phương Hoa