Ngày 7/7/2020, tại Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, TS. Ngô Hương Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản đã trình bày một số kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2020 với nhan đề “Xã hội Nhật Bản giai đoạn từ 1990 đến nay nhìn từ vấn đề dân số và gia đình”.
Nhật Bản là quốc gia có dân số lớn, nhưng cũng có tốc độ già hóa dân số nhanh và tỉ lệ người già cao nhất trên thế giới. Vấn đề dân số và gia đình có mối quan hệ mật thiết với nhau. Tỉ suất sinh có ảnh hưởng trực tiếp đến động thái phát triển dân số, trong khi đó, động thái dân số lại gắn với sự tiến triển xã hội già hóa, do đó, có tác động ngược trở lại đối với gia đình. Trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng cao những năm 1960-1970, dân số trẻ tập trung ở các thành phố lớn, ý thức phụng dưỡng bố mẹ già ở quê nhà mất dần, bên cạnh đó, gia đình hạt nhân phát triển, các hộ người già, hộ độc thân cũng tăng lên, đưa đến một hình thái mới của các gia đình ở Nhật Bản. Bên cạnh đó, xu hướng phụ nữ đi làm tăng khiến cho vấn đề chăm sóc con cái và phụng dưỡng bố mẹ già thay đổi, gia đình vốn giữ vai trò trụ cột trong việc chăm sóc người già đã đánh mất vai trò của nó, chuyển giao cho hệ thống y tế và phúc lợi xã hội. Mặt khác, gia đình trước kia vốn là nền tảng của cộng đồng, nay có sự thay đổi lớn về cơ cấu, nên cũng có ảnh hưởng đến sự tồn tại của cộng đồng. Tất cả những hệ lụy này càng trở nên sâu sắc hơn khi Nhật Bản bước vào xã hội già hóa cao độ vào những năm 2000: cộng đồng nông thôn truyền thống sụp đổ, nhà bỏ hoang gia tăng, dân số lao động giảm, trẻ em giảm dẫn đến sự phá sản của nhiều trường học, tình trạng người già không nơi nương tựa, xã hội thiếu liên kết... là những vấn đề mà Nhật Bản đang phải đối mặt hiện nay.Vậy Chính phủ Nhật Bản đã có những giải pháp như thế nào để ứng phó với sự biến đổi dân số và gia đình qua từng giai đoạn cụ thể, cũng như chúng ta có thể rút ra bài học kinh nghiệm gì từ trường hợp của Nhật Bản trong việc giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh từ quá trình phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hiện tại là xã hội siêu già hóa? Trả lời những câu hỏi này là việc làm cần thiết, nhằm đưa ra những luận cứ khoa học giúp cho việc xây dựng các chính sách về dân số và gia đình ở Việt Nam, khi Việt Nam cũng đang bước vào xã hội già hóa và trong tương lai rất có thể sẽ đối mặt với những vấn đề xã hội như Nhật Bản đã gặp phải. Từ việc khái quát về xã hội Nhật Bản giai đoạn trước năm 1990 trên các khía cạnh về dân số và gia đình, nêu bật những đặc trưng xã hội Nhật Bản giai đoạn sau Chiến tranh Thế giới thứ hai đến 1990, báo cáo đi sâu nghiên cứu những biến đổi về dân số, gia đình, và cộng đồng trong xã hội Nhật Bản giai đoạn đầu thập niên 1990 đến nay; trên cơ sở đó đánh giá những vấn đề xã hội nổi bật nhìn từ góc độ dân số và gia đình Nhật Bản và tìm hiểu các giải pháp của Chính phủ Nhật Bản và đưa ra một số đề xuất cho Việt Nam trong kế hoạch xây dựng chính sách dân số, gia đình.
Chủ nhiệm đề tài đã nhận được nhiều câu hỏi và ý kiến đóng góp từ các cán bộ tham dự.
Phương Hoa