Ngày 30/6/2020, tại Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, ThS Trần Ngọc Nhật, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản đã trình bày một số kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2020 với nhan đề “Phát triển năng lượng mặt trời ở Nhật Bản: Kinh nghiệm và gợi ý cho Việt Nam”.
Nội dung báo cáo được trình bày theo 3 phần. Phần một trình bày khái quát về năng lượng mặt trời; các ứng dụng từ năng lượng bao gồm nhiệt mặt trời và điện mặt trời và làm rõ các ưu, khuyết điểm của năng lượng mặt trời. Phần hai đi sâu tìm hiểu lịch sử phát triển năng lượng mặt trời ở Nhật Bản; tiềm năng và tình hình phát triển năng lượng mặt trời ở Nhật Bản; một số chính sách phát triển năng lượng mặt trời ở Nhật Bản. Phần ba đưa ra một vài nhận xét và đánh giá kinh nghiệm về phát triển năng lượng mặt trời ở Nhật Bản và đề xuất một số gợi ý cho Việt Nam.Trong tiến trình phát triển của loài người, việc sử dụng năng lượng là đánh dấu một cột mốc rất quan trọng, xã hội loài người không phát triển nếu không có năng lượng. Tuy nhiên hiện nay, năng lượng tàn dư sinh học, năng lượng không tái sinh ngày càng kiệt ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế xã hội và môi trường sống. Tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế là nhiệm vụ cấp bách của các nhà khoa học, kinh tế, các chính trị gia, và mỗi người chúng ta. Nguồn năng lượng thay thế đó phải sạch, thân thiện với môi trường, chi phí thấp, không cạn kiệt (tái sinh), và dễ sử dụng. Nhật Bản là nước đã có kinh nghiệm và thành tựu đáng kể trong việc khai thác và sử dụng năng lượng mặt trời từ nhiều năm nay, cũng như có chiến lược quốc gia và các giải pháp chính sách trong việc khai thác và sử dụng năng lượng mặt trời trong những thập kỷ tới. Vì vậy, việc nghiên cứu, phân tích, đánh giá chiến lược, chính sách, và thực trạng phát triển năng lượng mặt trời ở Nhật Bản để thông qua đó đề xuất những gợi ý kinh nghiệm cho Việt Nam trong phát triển năng lượng mặt trời là rất cần thiết.
Các cán bộ tham dự đã có những câu hỏi và ý kiến thảo luận góp ý sôi nổi xoay quanh nội dung cũng như kết cấu của đề tài và định hướng nghiên cứu của chủ nhiệm đề tài.
Phương Hoa