Nằm trong chương trình sinh hoạt khoa học định kỳ, ngày 26/6/2020, tại Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, ThS. Nguyễn Ngọc Phương Trang, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản đã trình bày một số kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2020 với nhan đề “Giáo phái Aum Shinri Kyo ở Nhật Bản”.
Nội dung trình bày được chia làm 3 phần. Phần một trình bày bối cảnh kinh tế-xã hội Nhật Bản những năm 1980 – 1990 và sự ra đời của giáo phái Aum Shinri Kyo. Phần hai đi sâu tìm hiểu những hoạt động của giáo phái Aum Shinri Kyo ở Nhật Bản đồng thời đưa ra một vài đánh giá về các hoạt động kinh doanh, chính trị và hành vi phạm pháp của giáo phái này. Phần ba xem xét một số tác động xã hội của Giáo phái Aun Shinri-kyo đối với xã hội Nhật Bản và tới việc sửa đổi Luật Pháp nhân tôn giáo ở Nhật Bản năm 1995. Trên cơ sở đó, rút ra một số bài học từ chính sách quản lý tôn giáo mới ở Nhật Bản và liên hệ với thực tiễn đời sống tôn giáo ở Việt Nam hiện nay.Giáo phái Aum Shinri Kyo với giáo lý tổng hợp dựa trên cơ sở của Phật giáo, Hindu giáo… ban đầu đã thu hút được lượng lớn tín đồ và gây dựng được cơ sở ở cả nước ngoài. Song với tư tưởng giáo lý chứa đựng sự cực đoan, dần dần giáo phái này đã đi tới con đường gây tội ác. Đỉnh điểm là vụ khủng bố bằng khí độc Sarin ở hệ thống tàu điện ngầm Tokyo năm 1995, là một tiếng chuông báo động về tình hình tôn giáo lợi dụng lòng tin của tín đồ để gây hại cho xã hội. Những bài học rút ra từ sự kiện giáo phái Aum Shinri Kyo cho tới bây giờ vẫn còn nguyên tính thời sự. Đó là sự lỏng lẻo của Luật Pháp nhân tôn giáo đã trao quyền tự do quá mức và những ưu đãi thuế hào phòng cho một tổ chức tôn giáo. Và cũng là sự báo động về một xã hội mà mối quan hệ giữa người với người trở lên mờ nhạt, cũng như những giá trị gia đình bị lu mờ. Áp lực trong một xã hội phát triển cao độ, đã tạo nên những khoảng trống tinh thần trong tâm lý con người. Trong bối cảnh đó, các tôn giáo mới có mảnh đất màu mỡ để nảy mầm trong đời sống tinh thần những người đang mất phương hướng và cảm thấy cô đơn. Điều đó lý giải vì sao giáo phái Aum Shinri Kyo lại có được những tín đồ trung thành và cuồng tín với mình như vậy. Sự kiện giáo phái Aum Shinri Kyo gây ra năm 1995 cũng là một nguyên nhân trực tiếp dẫn tới sự sửa đổi Luật Pháp nhân Tôn giáo năm 1995, dưới áp lực của dư luận và thực tế đòi hỏi. Trong bối cảnh nước ta hiện nay, việc học hỏi kinh nghiệm và tham khảo thực tiễn đời sống tôn giáo Nhật Bản là rất cần thiết, nhất là bối cảnh xã hội ở Việt Nam đang có sự tương đồng với Nhật Bản những năm cuối thế kỷ XX.
Các cán bộ tham dự đã có những câu hỏi và ý kiến thảo luận góp ý sôi nổi xoay quanh nội dung của đề tài, đa phần các ý kiến đều đánh giá cao giá trị lý luận và thực tiễn của đề tài, đồng thời đưa ra nhiều góp ý để chủ nhiệm đề tài tiếp tục hoàn thiện đề tài trước khi nghiệm thu chính thức.
Phương Hoa