Ngày 12/6/2020, tại Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, TS Đỗ Thị Ánh, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản đã trình bày một số kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2020 với nhan đề “Liên kết kinh tế Đông Á: Thực trạng và vấn đề đặt ra hiện nay”.
Chủ nhiệm đề tài đã trình bày thực trạng liên kết kinh tế Đông Á, trong đó làm rõ tiến triển của liên kết kinh tế Đông Á trên cả phương diện thực tế và phương diện thể chế; đề cập một số thách thức chủ yếu của tiến trình liên kết kinh tế Đông Á trong giai đoạn hiện nay như sự thiếu chắc chắn về quy mô, đích đến của liên kết kinh tế Đông Á; vấn đề hạt nhân lãnh đạo; quan hệ phức tạp giữa các nước lớn trong khu vực, đặc biệt là quan hệ cạnh tranh Trung – Mỹ; ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với tiến trình liên kết kinh tế Đông Á. Từ đó đưa ra một số nhận xét và liên hệ với Việt Nam.Mặc dù chậm chân hơn so với châu Âu, châu Mỹ về liên kết kinh tế khu vực, Đông Á trong nhiều năm trở lại đây đã có những chuyển động nhanh chóng, tích cực, thể hiện sự gắn kết chặt chẽ cả về phương diện thực tế và thể chế như một thực thể độc lập. Liên kết kinh tế khu vực đã trở thành một nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng của Đông Á, đặc biệt là trong dòng xoáy của xu thế toàn cầu hóa, kinh tế tri thức, kinh tế kỹ thuật số diễn ra mạnh mẽ hiện nay.
Tuy nhiên, xung quanh tiến trình này vẫn còn tồn tại rất nhiều vấn đề cần phải lý giải và làm rõ. Trong số đó, có thể thấy rằng mối quan hệ phức tạp, đan xen giữa các “nước lớn” Đông Á chính là một tồn tại và trở ngại không nhỏ. Những quan hệ phức tạp này có thể tác động tiêu cực, hạn chế sự tiến triển của liên kết kinh tế khu vực cũng như sự ổn định và phát triển của các quốc gia trong khu vực. Trong bối cảnh như vậy, việc xác định rõ vai trò của quốc gia hạt nhân có tầm ảnh hưởng lớn và mang tính chất quyết định đối với tiến trình liên kết kinh tế khu vực là một trong những yêu cầu quan trọng. Thông qua việc tìm hiểu để có thể nắm rõ bản chất sự việc và những vấn đề liên quan, từ đó có thể rút ra những nhận định chính xác, đưa ra những kiến nghị hợp lý và khả thi giúp Việt Nam không chỉ hội nhập tích cực, hiệu quả hơn vào nền kinh tế khu vực mà còn đảm bảo tốt quyền tự chủ, tiếp tục đẩy mạnh mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Các cán bộ tham dự đã có những câu hỏi và ý kiến thảo luận góp ý sôi nổi xoay quanh nội dung của đề tài, đưa ra nhiều góp ý để chủ nhiệm đề tài tiếp tục hoàn thiện đề tài trước khi nghiệm thu chính thức.
Phương Hoa