Trang chủ

VAI TRÒ CỦA ASEAN TRONG HỢP TÁC AN NINH – CHÍNH TRỊ ĐÔNG Á TỪ GÓC NHÌN CỦA LÝ THUYẾT PHÂN TÍCH MẠNG LƯỚI XÃ HỘI (1991-2015)

Đăng ngày: 20-05-2020, 05:59 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: TS. Lê Lêna

Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2018, 171 trang

Kí hiệu: Vv2914

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được biết đến như một cơ chế hợp tác khu vực tương đối thành công và có ảnh hưởng nhất định trong khu vực Đông Á. ASEAN được ghi nhận với những thành quả trong việc duy trì ổn định khu vực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế và nhất là quá trình thể chế hóa hợp tác khu vực. Đặc biệt, từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Hiệp hội dần đóng vai trò quan trọng trong việc định hình nên cấu trúc an ninh khu vực Đông Á. Đã có không ít các nghiên cứu quan hệ quốc tế quan tâm và đề cập đến  vai trò của ASEAN trong hợp tác an ninh – chính trị Đông Á. Tuy nhiên, phần lớn các công trình này chưa cung cấp một cơ sở lý thuyết hoàn chỉnh giúp nắm bắt được đặc điểm vai trò của Hiệp hội, cơ sở hình thành nên vai trò này và sự thay đổi theo thời gian của vai trò ấy trong bối cảnh một Đông Á đầy biến động. Nhận thức rõ điều này, TS. Lê Lêna đã nghiên cứu và cho ra đời ấn phẩm “Vai trò của ASEAN trong hợp tác an ninh – chính trị Đông Á từ góc nhìn của lý thuyết phân tích mạng lưới xã hội (1991-2015)”. Nội dung gồm 3 chương như sau:

Chương 1: Lý thuyết về vai trò của chủ thể trong quan hệ quốc tế. Tác giả phân tích quan  niệm về vai trò trong các lý luận quan hệ quốc tế của chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa kiến tạo. Từ các lý thuyết về vai trò, tác giả đưa ra cách tiếp cận trên cơ sở phân tích mạng lưới xã hội, đồng thời phân tích các cách thức thực thi vai trò của ASEAN dưới góc nhìn phân tích mạng lưới xã hội và giới thiệu khung phân tích về  vai trò của ASEAN.

Chương 2: Quá trình chuyển biến vai trò của ASEAN trong hợp tác an ninh – chính trị Đông Á từ sau năm 1991 đến năm 2015. Tác giả đưa ra ba giai đoạn trong quá trình chuyển biến vai trò của ASEAN: giai đoạn định hình vai trò (1991-1997), giai đoạn củng cố vai trò (1998-2007) và giai đoạn đẩy mạnh vai trò trung tâm (2008-2015). Trong từng giai đoạn, tác giả đều đi sâu phân tích các yếu tố tác động, các hoạt động nhằm định hình hay củng cố vai trò và nỗ lực đẩy mạnh vai trò trung tâm của ASEAN.

Chương 3: Đánh giá về vai trò của ASEAN trong hợp tác an ninh – chính trị Đông Á từ sau năm 1991 đến năm 2015. Từ những đánh giá quá trình thực hiện vai trò của ASEAN đối với khu vực Đông Nam Á cũng như khu vực Đông Á và các nước đối tác đối thoại có liên quan tới khu vực, tác giả đã đưa ra dự báo về khả năng thực hiện vai trò của ASEAN đến năm 2025, đồng thời nêu ra kiến nghị đối với ASEAN nhằm duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong hợp tác an ninh – chính trị khu vực Đông Á từ năm 2015 đến năm 2025 cũng như một số kiến nghị đối với Việt Nam.

Đông Á là khu vực đang chứng kiến sự trỗi dậy, xoay trục của các nước lớn và những thay đổi không ngừng trên mọi lĩnh vực, hiểu được đặc điểm vai trò của ASEAN cùng các yếu tố làm nên vai trò này sẽ phần nào nắm bắt được tình hình quan hệ quốc tế của khu vực. Cuốn sách cung cấp cho người đọc một cách tiếp cận mới trong việc nghiên cứu vai trò của chủ thể trong quan hệ quốc tế cũng như làm rõ vai trò của ASEAN trong các hợp tác an ninh – chính trị Đông Á từ năm 1991 đến năm 2015. Cuốn sách sẽ là nguồn tham khảo thực sự hữu ích cho bạn đọc khi tìm hiểu, nghiên cứu về vấn đề này.

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận