Tác giả: PGS. TS. Trần Đình Thiên chủ biên
Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2018, 346 trang
Kí hiệu: Vv2905
Trong giai đoạn một thập niên vừa qua, kể từ năm 2007, nền kinh tế Việt Nam có xu hướng suy giảm trong tốc độ tăng trưởng và gia tăng bất ổn. Nguyên nhân chính nằm ở các khía cạnh gây ra vấn đề nhiều nhất như khu vực doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng thương mại và lĩnh vực đầu tư công. Đằng sau đó còn là các vấn đề thuộc về thể chế, quản trị và cách thức phân bổ nguồn lực hay sự phân chia ranh giới giữa vai trò của Nhà nước và thị trường trong quá trình phân bổ nguồn lực. Trong năm 2011, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã quyết tâm tái cấu trúc nền kinh tế với trọng tâm là tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng và đầu tư công. Tái cấu trúc nền kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả, tăng năng suất và sự ổn địnhcủa nền kinh tế. Vì thế, các hướng tái cấu trúc nền kinh tế đề ra vào năm 2011 nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Theo tinh thần này, nhóm tác giả đã nghiên cứu và cho ra đời cuốn sách “Tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam hướng tới phát triển bền vững”. Cuốn sách gồm 4 chương với những nội dung chủ yếu như sau:
Chương 1: Lý luận vai trò của Nhà nước và thị trường trong phân bổ nguồn lực và tái cấu trúc nền kinh tế. Các tác giả đi sâu phân tích vai trò của Nhà nước và thị trường trong phân bổ các nguồn lực sản xuất cũng như cơ sở lý thuyết về tái cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững. Đồng thời, các tác giả cũng nghiên cứu kinh nghiệm về tái cơ cấu kinh tế trên thế giới kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu trong đó có nói đến kinh nghiệm của Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines, Hoa Kỳ, các nước Trung và Đông Âu.
Chương 2: Bối cảnh tái cấu trúc nền kinh tế qua các thị trường nhân tố sản xuất. Các thị trường nhân tố sản xuất chính được đề cập bao gồm thị trường bất động sản, thị trường khoa học và công nghệ, thị trường lao động, thị trường vốn.
Chương 3: Tái cấu trúc đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và sản xuất theo hướng xanh hóa nền kinh tế. Trên cơ sở phân tích tái cấu trúc đầu tư công cũng như tái cấu trúc doanh nghiệp và nước và tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh hóa, các tác giả đã đánh giá tác động của tái cấu trúc nền kinh tế từ 2011 đến 2015 đến tổng thể nền kinh tế, đến đầu tư công, đến hệ thống ngân hàng thương mại và đến khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Chương 4: Kiến nghị chính sách. Từ những phân tích về bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước cho đến các quan điểm, định hướng và nội dung tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam, các tác giả đã đưa ra một số kiến nghị chính sách liên quan đến đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng thương mại và liên quan đến tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Với những nội dung nêu trên, cuốn sách đã mang đến cho bạn đọc những hiểu biết sâu sắc và toàn diện hơn về nền kinh tế Việt Nam cũng như vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững, trên cơ sở phân tích những kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Cuốn sách là tài liệu tham khảo thực sự hữu ích cho bạn đọc khi nghiên cứu về vấn đề này.
Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á