Tác giả: PGS. TS. Trần Hồng Hạnh chủ biên
Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2018, 415 trang
Kí hiệu: Vv2908
Nhiều năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách giảm nghèo hướng đến đồng bào dân tộc thiểu số và đã đạt được những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế từ Mỹ thời gian gần đây đã lan rộng khắp toàn cầu và ảnh hưởng đến nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ở vùng biên giới Việt - Trung nổi lên là kinh tế biên mậu của hai tỉnh Lạng Sơn và Lào Cai. Đây là các tỉnh có những dân tộc ít người chiếm số đông. Người dân miền núi nơi đây có sự đa dạng về văn hóa mưu sinh bởi những khác biệt về đặc điểm tự nhiên, tộc người và những thích ứng với môi trường sống. Với sự đa dạng của cơ cấu kinh tế, hoạt động sinh kế và thu nhập của những người tham gia vào chuỗi các hoạt động vùng biên cũng đã được đa dạng hóa, thậm chí đã được thương mại hóa. Như vậy, để có thể phát triển nông thôn bền vững, cần có những chiến lược sinh kế bền vững và cách tiếp cận đa chiều. Trước yêu cầu đó, nhóm tác giả đã nghiên cứu và cho ra đời cuốn sách “Chuyển đổi sinh kế của các dân tộc thiểu số ở vùng biên giới Việt - Trung”. Cuốn sách gồm 5 chương với những nội dung chính như sau:
Chương 1: Cơ sở lý luận, lý thuyết, phương pháp nghiên cứu, tổng quan về sinh kế trên thế giới và Việt Nam. Các tác giả đưa ra một số khái niệm và lý thuyết nghiên cứu; đối tượng, cách tiếp cận và phơng pháp nghiên cứu; những chính sách và bài học kinh nghiệm của Trung Quốc, Lào, Campuchia về phát triển kinh tế - xã hội và xóa đói giảm nghèo ở vùng biên giới và vùng dân tộc thiểu số; quan điểm của Đảng, Nhà nước ta và các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới Việt - Trung.
Chương 2: Thực trạng phát triển kinh tế - xã hội cùng biên giới Việt - Trung. Trong chương này, các tác giả phân tích điều kiện tự nhiên, điều kiện xã hội - dân cư và các hoạt động kinh tế vùng biên giới Việt - Trung.
Chương 3: Sinh kế truyền thống của các dân tộc thiểu số ở vùng biên giới Việt - Trung. Các tác giả tập trung phân tích cơ cấu kinh tế truyền thống của các dân tộc thiểu số ở vùng biên giới Việt - Trung, các nguồn vốn với hoạt động nông nghiệp và hoạt động phi nông nghiệp nơi đây.
Chương 4: Những thay đổi về sinh kế của các dân tộc thiểu số ở vùng biên giới Việt - Trung. Trong đó, các tác giả đi sâu phân tích vấn đề chuyển đổi cơ cấu kinh tế, sự thay đổi của các nguồn vốn cũng như sự thay đổi sinh kế của các dân tộc thiểu số ở vùng biên giới Việt - Trung.
Chương 5: Nguyên nhân và ảnh hưởng của chuyển đổi sinh kế của các dân tộc thiểu số đến sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng ở vùng biên giới Việt - Trung và một số vấn đề đặt ra. Sau khi phân tích những nguyên nhân và ảnh hưởng của chuyển đổi sinh kế của các dân tộc thiểu số đến sự phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng ở vùng biên giới Việt - Trung, các tác giả đã đưa ra một số vướng mắc cũng như những kiến nghị và giải pháp cho các vấn đề này.
Cuốn sách cung cấp những cứ liệu khoa học và thực tiễn về phát triển nông thôn, sinh kế của các dân tộc, giúp cho các nhà quản lý có thể tham khảo trong việc hoạch định chính sách, đề xuất những giải pháp phù hợp với thực tiễn trong việc thực hiện đổi mới công tác phát triển nông thôn và sinh kế bền vững cho đất nước trong bối cảnh hiện nay.
Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á