Trang chủ

HỢP TÁC XUYÊN BIÊN GIỚI CỦA VÙNG TÂY NAM BỘ

Đăng ngày: 18-07-2019, 09:52 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: PGS. TS Nguyễn Huy Hoàng chủ biên

Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2018, 485 trang

Kí hiệu: Vv2904

Hợp tác xuyên biên giới có vai trò rất quan trọng đối với quan hệ hợp tác giữa các nước, là nhu cầu cấp thiết trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế đã và đang diễn ra mạnh mẽ. Tây Nam Bộ được cho là vùng có vị trí địa kinh tế, địa chính  trị, địa lịch sử, địa văn hóa, địa chiến lược quan trọng, đồng thời còn là vùng có nhiều tiềm năng về lĩnh vực dịch vụ, du lịch chưa được khai thác. Nhận thức rõ điều này, Đảng và Nhà nước đã đề ra Quy hoạch xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, đặt ra yêu cầu phải phát huy các tiềm năng, thế mạnh và đặc thù của vùng, tạo sự chuyển biến lớn để vùng phát triển ổn định và bền vững. Để phát huy hết tiềm năng và thế mạnh của mình trong phát triển, một trong những định hướng quan trọng mà vùng Tây Nam Bộ đã xác định là phải tăng cường hội nhập và hợp tác xuyên biên giới. Đây cũng chính là mục tiêu mà nhóm tác giả cuốn sách “Hợp tác xuyên biên giới của vùng Tây Nam Bộ” hướng tới. Cuốn sách được kết cấu 4 chương với nội dung như sau:

Chương 1: Cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế của hợp tác xuyên biên giới. Ngoài việc đưa ra một số khái niệm, phân loại hợp tác xuyên biên giới và cơ sở lý thuyết về quan hệ và hợp tác quốc tế, các tác giả tập trung phân tích kinh nghiệm một số cơ chế hợp tác xuyên biên giới tiêu biểu, trong đó có trường hợp Interreg A ở châu Âu và trường hợp khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc (mô hình “hai nước một khu”).

Chương 2: Đặc điểm, tiềm năng và nhu cầu hợp tác của vùng Tây Nam Bộ, Campuchia, GMS và ASEAN. Bên cạnh việc phân tích vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội, văn hóa, dân tộc, tôn giáo cũng như tiềm năng và nhu cầu hợp tác xuyên biên giới của vùng Tây Nam Bộ; đặc điểm chung và tiềm năng hợp tác của Campuchia, khu vực GMS và Mê Kông, ASEAN; các tác giả đã phân tích theo mô hình SWOT về tiềm năng hợp tác xuyên biên giới của vùng Tây Nam Bộ với các đối tác và đưa ra những đánh giá chung.

Chương 3: Thực trạng hợp tác xuyên biên giới của vùng Tây Nam Bộ với Campuchia, GMS và ASEAN. Các tác giả đã trình bày khái quát chung về hợp tác xuyên biên giới của Tây Nam Bộ; đánh giá thực trạng hợp tác xuyên biên giới giữa vùng Tây Nam Bộ với Campuchia, giữa Tây Nam Bộ với GMS và ASEAN; đánh giá kết quả hợp tác; phân tích những vấn đề đặt ra trong hợp tác xuyên biên giới của vùng Tây Nam Bộ với Campuchia dưới góc độ phát triển bền vững.

Chương 4: Quan điểm, định hướng xây dựng mô hình và hệ giải pháp đẩy mạnh hợp tác xuyên biên giới của vùng Tây Nam Bộ giai đoạn đến năm 2035 theo hướng phát triển bền vững và dựa trên đặc thù của vùng. Trong chương này, các tác giả phân tích bối cảnh mới của khu vực và quốc tế tác động đến hợp tác xuyên biên giới của vùng Tây Nam Bộ; đưa ra quan điểm, định hướng xây dựng mô hình hợp tác xuyên biên giới; giải pháp thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới theo hướng phát triển bền vững và dựa trên đặc thù của vùng.

Cuốn sách cung cấp cho độc giả những kiến thức chung và cơ bản nhất về lý luận và thực tiễn đối với sự phát triển bền vững của vùng Tây Nam Bộ nói riêng và phát triển các khuôn khổ hợp tác xuyên biên giới giữa vùng này với các nước trong khu vực, đặc biệt là Campuchia, GMS và ASEAN nói chung. Cuốn sách là tài liệu tham khảo thực sự hữu ích cho bạn đọc khi nghiên cứu vấn đề này.

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận