Ngày 23/9/2019, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đã tổ chức hội thảo khoa học trình bày kết quả nghiên cứu của đề tài cấp bộ năm 2018: “Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Nhật Bản và Hàn Quốc: Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”. Đề tài do TS. Tống Thùy Linh, nghiên cứu viên chính, Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Triều Tiên làm chủ nhiệm. Ngoài các cán bộ, viên chức của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, chủ nhiệm đề tài đã mời một số chuyên gia tham dự và đóng góp ý kiến tại hội thảo.
Hệ sinh thái khởi nghiệp (startup ecosystem) đã trở thành thuật ngữ phổ biến và xuất hiện nhiều trong các báo cáo, chính sách phát triển kinh tế ở nhiều quốc gia, khu vực trong thời gian gần đây. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), hệ sinh thái khởi nghiệp là “tổng hợp các mối liên kết chính thức và phi chính thức giữa các chủ thể khởi nghiệp (tiềm năng hoặc hiện tại), tổ chức khởi nghiệp (công ty, nhà đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư “thiên thần”, hệ thống ngân hàng…), các cơ quan liên quan (trường đại học, các cơ quan nhà nước, các quỹ đầu tư công…) và tiến trình khởi nghiệp (tỷ lệ thành lập doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp có tỷ lệ tăng trưởng tốt, số lượng các nhà khởi nghiệp…) tác động trực tiếp đến môi trường khởi nghiệp tại địa phương”.
Tại hội thảo, nhóm nghiên cứu đề tài đã trình bày một số nét khái quát về hệ sinh thái khởi nghiệp ở Nhật Bản. Nhìn chung, các cấu phần của hệ sinh thái khởi nghiệp ở Nhật Bản đã tương đối đầy đủ, hệ sinh thái khởi nghiệp ở quốc gia này đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ nhất trong lịch sử. Cụ thể, tình hình tài chính của các doanh nghiệp khởi nghiệp đang cải thiện dần, số các doanh nghiệp lớn tham gia hệ sinh thái khởi nghiệp ngày càng gia tăng, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp từ phòng thí nghiệm của trường đại học trở nên phổ biến… Tuy nhiên, tỷ lệ người có ý định thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp chỉ đạt 4,8% (năm 2015).
Bên cạnh đó, các báo cáo liên quan tới khởi nghiệp trong kỷ nguyên số, các biện pháp hỗ trợ khởi nghiệp tại Hà Nội cũng được trình bày và chia sẻ tại hội thảo. Tại Việt Nam, tháng 5/2016, quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng của các công ty khởi nghiệp đã chính thức có hiệu lực. Mục tiêu của đề án là tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Năm 2016 được chọn là “Năm Quốc gia Khởi nghiệp”. Tháng 11/2017, Cổng thông tin Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Quốc gia chính thức đi vào hoạt động. Việc nghiên cứu quá trình xây dựng, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp ở một số quốc gia, đặc biệt ở khu vực Đông Bắc Á sẽ rất hữu ích cho Việt Nam trong bối cảnh hiện tại cũng như trong tương lai. Nhật Bản, Hàn Quốc là các quốc gia có nhiều đặc điểm tương đồng về văn hóa, xã hội… với Việt Nam, vì vậy, các bài học rút ra trong quá trình phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ở các nước này có ý nghĩa về mặt lý luận lẫn thực tiễn.Các đại biểu tham dự đã nêu những câu hỏi và ý kiến thảo luận xoay quanh nội dung của đề tài, đồng thời góp ý để chủ nhiệm đề tài tiếp tục hoàn thiện theo đúng tiến độ.
Tống Thùy Linh