Nằm trong chương trình sinh hoạt khoa học định kỳ, ngày 29/8/2018, tại Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, TS Tống Thùy Linh, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Triều Tiên, đã trình bày một số kết quả nghiên cứu qua báo cáo khoa học có nhan đề “Một số vấn đề của lao động cao tuổi ở Hàn Quốc”.
Nội dung của báo cáo được chia làm 3 phần. Phần 1 đi sâu phân tích một số khái niệm liên quan đến già hóa dân số. Phần 2 tìm hiểu thực trạng già hóa dân số của Hàn Quốc và phần 3 tập trung lý giải một số vấn đề của lao động cao tuổi ở Hàn Quốc.
Dân số già hóa với tốc độ cao là một trong những vấn đề xã hội bức xúc mà một số nước phát triển ở Đông Bắc Á đang phải đối mặt. Trong đó, cũng giống như Nhật Bản, Hàn Quốc đang có nguy cơ rơi vào danh sách các quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới. Nếu như năm 1980 chỉ số già hóa của Hàn Quốc chỉ là 11,2%, thì đến năm 2017, chỉ số già hóa đã đạt 104,8%, đánh dấu bước ngoặt mới trong quá trình già hóa dân số. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, số dân ở độ tuổi trên 65 đã vượt xa số dân ở độ tuổi dưới 15. Với tốc độ già hóa dân số như hiện tại, cùng những tiến bộ trong y tế, cải thiện trong chế độ chăm sóc phúc lợi, tuổi thọ trung bình của Hàn Quốc sẽ luôn cao hơn mức tuổi thọ trung bình của các quốc gia phát triển. Trong xu thế tỉ lệ sinh thấp và tuổi thọ ngày càng cao, tỉ trọng người cao tuổi trong dân số liên tục tăng đều đặn thì tốc độ tăng của tỉ số phụ thuộc già của dân số Hàn Quốc nhanh chưa từng thấy trong lịch sử. Theo dự báo, tỉ số người trong độ tuổi lao động hỗ trợ người cao tuổi là 100 người/72,6 người vào năm 2050, và 100 người/82,6 người vào năm 2060.Mặc dù dân số ngày càng già hóa và tỉ lệ lao động là người cao tuổi của Hàn Quốc cao nhất trong khối OECD song vấn đề đặt ra là chất lượng việc làm đối với người cao tuổi chưa được tốt khiến tỉ lệ nghèo ở người cao tuổi Hàn Quốc tính theo tiêu chuẩn năm 2014 lên tới 47,2%, cao nhất trong số các nước OECD. Nhiều người lao động cao tuổi ở Hàn Quốc chỉ có thể làm những công việc có thu nhập thấp, năng suất thấp, như sản xuất nông nghiệp tự do hay các ngành công nghiệp dịch vụ. Thu nhập trung bình của người cao tuổi Hàn Quốc chỉ khoảng 80.000 won, thấp hơn nhiều so với mức 3.330.000 won của lao động 50 tuổi và chỉ bằng 60% mức lương trung bình của người lao động. Giữa những năm 2000, tỉ lệ nghèo của dân số trên 65 tuổi ở Hàn Quốc là 44,6%. Đến năm 2014, con số này đã tăng lên 49,6%, trong khi tỉ lệ trung bình của khối OECD không vượt quá 12,6%. Thực trạng trên đòi hỏi Chính phủ Hàn Quốc cần có các biện pháp hiệu quả để giải quyết những khó khăn phát sinh từ quá trình già hóa dân số, giảm bớt gánh nặng kinh tế và hỗ trợ, chăm sóc người cao tuổi.
Các cán bộ tham dự đã có những câu hỏi và ý kiến thảo luận góp ý sôi nổi xoay quanh nội dung của báo cáo.
Phương Hoa