Ngày 7/11/2018, tại phòng họp tầng 12, trụ sở số 1A, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đã tổ chức hội thảo khoa học trình bày kết quả nghiên cứu của đề tài cấp Bộ năm 2018 “Điều chỉnh chính sách chính trị, xã hội của Nhật Bản trong giai đoạn thủ tướng Shinzo Abe cầm quyền lần thứ hai và gợi ý chính sách cho Việt Nam”. Đề tài do TS. Phan Cao Nhật Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản làm chủ nhiệm. Hội thảo có sự tham gia của toàn thể các cán bộ, viên chức Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.
Thủ tướng Shinzo Abe cầm quyền tại Nhật Bản lần thứ hai từ cuối năm 2012. Từ thời điểm đó đến nay, bối cảnh quốc tế và trong nước đã có nhiều thay đổi tác động mạnh mẽ đến chiến lược và chính sách của Nhật Bản. Trước tình hình đó, Nhật Bản dưới thời chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe đã thực hiện một loạt những thay đổi về chính trị, xã hội mang tính đột phá nhằm thích nghi với bối cảnh mới.
Nội dung của đề tài được chia làm 3 phần. Phần một đi sâu tìm hiểu những nhân tố trong và ngoài nước tác động khiến Nhật Bản phải điều chỉnh chính sách chính trị, xã hội trong giai đoạn thủ tướng Shinzo Abe cầm quyền lần hai, trong đó đề cập và phân tích bảy nhân tố đó là: sự trỗi dậy của Trung Quốc; sự suy yếu tương đối của Mỹ; tình hình trên bán đảo Triều Tiên; nguy cơ hoạt động khủng bố; thảm họa sóng thần ngày 11/3/2011; xã hội siêu già hóa; tình hình kinh tế trì trệ và không ổn định tại Nhật Bản. Phần hai tập trung phân tích và đánh giá những điều chỉnh chính sách về chính trị của Nhật Bản đó là ổn định chính trị nội bộ, tăng cường đảm bảo an toàn cuộc sống người dân; nâng cao vai trò của Nhật Bản trên trường quốc tế; tiến hành các chính sách chính trị - ngoai giao phù hợp. Cùng với đó là những điều chỉnh về chính sách xã hội bao gồm việc đẩy mạnh phát triển địa phương; phát triển năng lượng bền vững; phát huy sức lao động của phụ nữ và tăng cường tiếp nhận lao động nước ngoài. Trên cơ sở những nghiên cứu ở các phần trên, phần ba chủ nhiệm đề tài đưa ra những đánh giá tác động của việc điều chỉnh chính sách nói trên đối với khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á và với Việt Nam, từ đó đề xuất một số gợi ý chính sách đối với Việt Nam.
Các cán bộ tham dự đã có những câu hỏi và ý kiến thảo luận góp ý sôi nổi xoay quanh nội dung của đề tài, đa phần các ý kiến đều đánh giá cao giá trị lý luận và thực tiễn của đề tài, đồng thời góp ý để chủ nhiệm đề tài tiếp tục hoàn thiện đề tài trước khi nghiệm thu chính thức.
Phương Hoa