Ngày 5/9/2018, tại Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, TS. Ngô Hương Lan, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản đã trình bày một số kết quả nghiên cứu sau thời gian 1 năm nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Nhật Bản Quốc tế (Nichibunken).
Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Nhật Bản quốc tế - Nichibunken là cơ quan trực thuộc Bộ Giáo dục Nhật Bản, thành lập vào năm 1993, với chức năng chính là nghiên cứu tổng hợp có tính liên ngành và quốc tế về lịch sử và văn hóa Nhật Bản; tiến hành các hoạt động hợp tác, hỗ trợ trong công tác nghiên cứu về Nhật Bản của các học giả khắp thế giới. Trong một năm nghiên cứu tại Nichibunken (từ tháng 4/2017 đến hết tháng 3/2018), TS. Ngô Hương Lan đã tham gia nhiều hoạt động nghiên cứu và có nhiều báo cáo khoa học liên quan đến văn hóa và giao lưu văn hóa Việt Nam, Nhật Bản tại Nichibunken và một số trường đại học (Đại học Senshu, Đại học Ibaraki…).
Tại buổi sinh hoạt khoa học, TS. Ngô Hương Lan đã giới thiệu khái quát về Nichibunken và vị trí công việc, kế hoạch nghiên cứu tại đây; giới thiệu các chương trình nghiên cứu và học bổng tại Nichibunken. Phần quan trọng của báo cáo được TS. Ngô Hương Lan dành trình bày kết quả nghiên cứu chính của mình tại Nichibunken thông qua đề tài “So sánh đối chiếu lễ hội Hoa Lư (Việt Nam) và lễ hội Gion (Nhật Bản) từ cách nhìn lịch sử - văn hóa”.Lễ hội Hoa Lư của Việt Nam và lễ hội Gion của Nhật Bản đều là những lễ hội truyền thống, mang trong mình những giá trị lịch sử và văn hóa đặc sắc của hai quốc gia. Lễ hội Hoa Lư với nhiều trò chơi dân gian phản ánh cuộc sống lao động, chiến đấu của các nhân vật lịch sử thời Đinh, Lê và của cả người dân cố đô Hoa Lư. Còn lễ hội Gion ở cố đô Kyoto lại mang đậm dấu ấn cộng đồng của những người dân phố cổ, đồng thời cũng phản ánh một thời kỳ lịch sử phát triển rực rỡ của văn hóa thị dân, nghệ thuật thủ công truyền thống của Nhật Bản. Tuy có giá trị lịch sử - văn hóa lớn song cả hai lễ hội đều đang đứng trước những thách thức về nguồn kinh phí, về sự mai một của truyền thống, thiếu thế hệ kế nghiệp, sự tan rã của cộng đồng… Từ kết quả nghiên cứu, so sánh đối chiếu hai lễ hội, đề tài đặt ra yêu cầu nhìn nhận lại giá trị của lễ hội: giá trị văn hóa, giá trị về truyền thống, giá trị kinh tế… để có các giải pháp bảo tồn và phát huy. Trong đó, kết nối lễ hội địa phương truyền thống với du lịch là một giải pháp hữu hiệu.
Các cán bộ tham dự đã có những câu hỏi và ý kiến thảo luận góp ý sôi nổi xoay quanh nội dung của báocáo.
Phương Hoa