Trang chủ

GIẢNG DẠY TIẾNG NHẬT VÀ NGHIÊN CỨU NHẬT BẢN TẠI VIỆT NAM: NHỮNG KHẢ NĂNG HỢP TÁC ĐỂ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC

Đăng ngày: 6-07-2018, 10:52 | Danh mục: Giới thiệu sách

Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2018, 462 trang

Kí hiệu: Vt 548

Ngày 10/11/2017, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Công ty Benesse và Learn’s  tổ chức hội thảo quốc tế “Giảng dạy tiếng Nhật và nghiên cứu Nhật Bản tại Việt Nam – những khả năng hợp tác để đào tạo nguồn nhân lực”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 25 năm giảng dạy tiếng Nhật tại trường. Hội thảo đã nhận được trên 50 báo cáo khoa học từ các học giả của các trường đại học, các viện nghiên cứu trong và ngoài nước như Trường Đại học Kanazawa, Đại học Waseda, Đại học Saga, Đại học Nishi Kyushu, Đại học Kyushu, Đại học Kinh tế Nagoya, Đại học Toyama, Đại học Osaka, Đại học ngoại ngữ Kyoto, Viện Nghiên cứu Văn hóa Nhật Bản Nichibunken, Quỹ Giao lưu Quốc tế, Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu luật Nhật Bản – Đại học Nagoya và các trường đại học trong cả nước. Trong đó 35 báo cáo được lựa chọn để đưa vào cuốn sách “Giảng dạy tiếng Nhật và nghiên cứu Nhật Bản tại Việt Nam – những khả năng hợp tác để phát triển nguồn nhân lực”.

Nội dung các báo cáo xoay quanh ba vấn đề chính. Thứ nhất là ngôn ngữ – văn hóa Nhật Bản, nói về lý thuyết về tiếng Nhật, như các đặc trưng về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, ngữ dụng, chữ viết, lịch sử phát triển…, bao gồm cả việc so sánh đối chiếu với các đặc trưng của tiếng Việt; lý thuyết về đặc trưng văn hóa – ngôn ngữ Nhật Bản và những yếu tố xã hội ảnh hưởng đến việc sử dụng tiếng Nhật. Thứ hai là dạy và học tiếng Nhật, nói về lý thuyết về dạy – học tiếng Nhật, tâm lý và quá trình tiếp thu kiến thức của người học…, những vấn đề liên quan đến việc bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, các hoạt động dạy học hiệu quả, xây dựng chương trình, giáo trình…; những vấn đề thực tiễn quyết định chất lượng dạy – học như chính sách giáo dục, môi trường giáo dục… Thứ ba là đào tạo nhân lực như mô hình kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp, đào tạo liên ngành. Có thể kể một số tham luận tiêu biểu như “Tiếp xúc ngôn ngữ qua góc nhìn tiếng Hán và tiếng Nhật”; “Nghĩa của từ Hán Nhật trong tiếng Nhật và vấn đề tiếp thu từ Hán Nhật của người Việt”; “Đề xuất một số giải pháp học và dạy chữ Hán cho sinh viên khoa ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản”; “Biến đổi ngữ âm trong tiếng Nhật và một số lưu ý cho người Việt học tiếng Nhật”; “Nghiên cứu khảo sát về phương pháp học chữ Hán của sinh viên tiếng Nhật”; “Đặc điểm hình thái - cấu trúc của các yếu tố Hán có khả năng tạo từ Hán Nhật trong tiếng Nhật”; “Phương thức hình thành tiếng lóng trong tiếng Nhật hiện đại”; “Định hướng nghề nghiệp cho sinh viên ngành Nhật thông qua liên kết đào tạo với doanh nghiệp Nhật Bản”; “Hiện tượng ngữ pháp hóa trong tiếng Nhật”…

Với chủ đề này, Hội thảo đã tạo ra một diễn đàn cho các học giả trong và ngoài nước, các doanh nghiệp, các cơ quan tư vấn xây dựng chính sách giáo dục cùng trao đổi, tìm ra những phương án liên kết, những giải pháp tối ưu cho việc dạy và học tiếng Nhật phù hợp với sự phát triển của thời đại, đào tạo những nhân tài có khả năng đáp ứng công việc cũng như ứng phó được với những thay đổi như vũ bão của kỉ nguyên số hóa. Những tham luận trong cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích cho bạn đọc khi nghiên cứu về vấn đề này.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách tới độc giả.

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận