Trang chủ

TUYỂN TẬP VĂN HỌC CỔ ĐIỂN HÀN QUỐC

Đăng ngày: 6-07-2018, 10:07 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: GS. Lim Hyung Taek chủ biên

Dịch giả: Trần Thị Bích Phượng

Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 2018, 403 trang

Kí hiệu: Vv2886

Tuyển tập Văn học cổ điển Hàn Quốc gồm những tác phẩm thuộc nhiều thể loại như truyện kể dân gian, truyền kỳ, tiểu thuyết, dã đàm, với nội dung phong phú, mang đến cho người đọc một bức tranh tương đối đầy đủ về diện mạo của văn học cổ điển Hàn Quốc mà tập trung chủ yếu là văn học thời kỳ Joseon. Đối tượng được phản ánh ở đây hết sức đa dạng, từ những hiệp khách, hiếu tử, tiết phụ đến những trang tài tử giai nhân, thậm chí cả những người ăn mày và ma quỷ. Tất cả đều được khắc họa một cách sinh động với những đường nét rõ ràng của những con người có tâm tư tình cảm và cá tính riêng biệt. Cuộc sống của họ như những mảnh ghép đa dạng giúp chúng ta phần nào hình dung được diện mạo của xã hội Hàn Quốc truyền thống.

Tuyển tập Văn học cổ điển Hàn Quốc còn cho chúng ta thấy sự phá vỡ trật tự thân phận của xã hội Hàn Quốc cuối thời Joseon thông qua hình ảnh người quý tộc sa sút. Đứng trước thực tế cuộc sống, người quý tộc sa sút có những lựa chọn hết sức khác nhau. Trong đó, khất thực và dạy học được coi là xu hướng lựa chọn chính của những quý tộc sa sút để duy trì sinh kế nhưng những công việc như thế này không giúp họ đảm bảo cuộc sống. Trên hết, chủ đề được nói đến nhiều nhất trong Tuyển tập Văn học cổ điển Hàn Quốc vẫn là phụ nữ và tình yêu. Phần lớn những nhân vật nữ trong những tác phẩm này đều giành thế chủ động trong việc tìm kiếm hạnh phúc lứa đôi. Họ cũng chính là những người đóng vai trò quyết định trong những bước ngoặt lớn của cuộc đời. Bên cạnh đó, chiến tranh loạn lạc cũng là một chủ đề khá nổi trội trong cuốn sách này.

Những chủ đề mà Tuyển tập Văn học cổ điển Hàn Quốc nói đến lần lượt được thể hiện trong cuốn sách. Trong đó, phần một là truyện dân gian, giai thoại và truyền kỳ; phần hai là tiểu thuyết cổ - truyện tình; phần ba là tiểu thuyết cổ - chiến tranh và loạn lạc; phần bốn là dã đàm 1: sống trên đời; và phần năm là dã đàm 2: phụ nữ và tình yêu. Cuốn sách là một bức tranh sinh động với những mảng màu đa dạng, hết sức Hàn Quốc nhưng cũng thật gần gũi với Việt Nam. Đọc cuốn sách này chúng ta không chỉ có cơ hội khám phá nhiều điều thú vị về đất nước, con người và văn hóa truyền thống của Hàn Quốc mà còn có cơ hội nhìn lại di sản văn học cổ điển của ông cha, tìm ra những điểm tương đồng và khác biệt giữa hai dân tộc đã từng chịu ảnh hưởng sâu đậm của nền văn hóa Trung Hoa và có ý thức trân trọng, giữ gìn và phát triển văn hóa nước nhà.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc!

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận