Trang chủ

PHÁT TRIỂN VÀ QUẢN LÝ THƯƠNG MẠI BIÊN GIỚI VÙNG TÂY BẮC: LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

Đăng ngày: 6-07-2018, 10:33 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: PGS. TS. Hà Văn Hội chủ biên

Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, 2017, 325 trang

Kí hiệu: Vv 2883

Trong hoạt động thương mại biên giới của Việt Nam nói chung, thương mại biên giới vùng Tây Bắc có vai trò quan trọng bởi các tỉnh miền núi khu vực Tây Bắc, Việt Nam chiếm một diện tích rộng lớn, lại giàu có tài nguyên, có lợi thế phát triển nông, lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu. Đây là nơi có nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên thiết yếu đối với sự phát triển bền vững của vùng và của cả nước. Bên cạnh đó, với vị trí nằm ở khu vực giáp biên giới ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc, các tỉnh Tây Bắc có thế mạnh kinh tế biên mậu với cả Trung Quốc và Lào, đồng thời là tâm điểm giao thương và khu vực hợp tác giữa các nước Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Thời gian gần đây, hoạt động thương mại biên giới khu vực Tây Bắc đã phát triển mạnh và dần trở thành đồn bẩy thíc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng trên những địa bàn biên giới trọng yếu của các tỉnh khu vực Tây Bắc. Cơ cấu hàng hóa thương mại biên giới có nhiều thay đổi theo hướng đa dạng, phong phú hơn. Thông qua hoạt động thương mại biên giới, các hàng nông, lâm sản, thực phẩm được xuất khẩu sang Trung Quốc và Lào qua các cửa khẩu các tỉnh biên giới vùng Tây Bắc, góp phần phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và các dịch vụ vận tải, dịch vụ hỗ trợ khác của khu vực này. Đồng thời, thông qua hoạt động thương mại biên giới, Việt Nam đã nhập khẩu được một số nguyên, nhiên vật liệu, vật tư cần thiết từ Trung Quốc và Lào để phục vụ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, thương mại biên giới của Việt Nam nói chung và thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào nói riêng còn mang tính tự phát, chưa có chiến lược, quy hoạch rõ ràng, cơ sở hạ tầng tại các cửa khẩu, lối mở còn hạn chế. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn vấn đề này, nhóm tác giả đã nghiên cứu và cho ra đời cuốn sách “Phát triển và quản lý thương mại biên giới vùng Tây Bắc: lý luận và thực tiễn”. Cuốn sách gồm 5 chương như sau:

Chương 1: Cơ sở lý luận về phát triển và quản lý thương mại biên giới. Các tác giả trình bày khái niệm, nội dung của phát triển và quản lý thương mại biên giới; các lý thuyết liên quan đến thương mại biên giới; vai trò, đặc điểm của phát triển và quản lý thương mại biên giới; các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển và quản lý thương mại biên giới.

Chương 2: Kinh nghiệm phát triển thương mại biên giới của một số quốc gia trên thế giới đi sâu phân tích tiềm năng phát triển thương mại biên giới của Thái Lan, Trung Quốc và Mỹ; tổng quan về phát triển thương mại biên giới của Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ; thương mại biên giới của Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ với một số nước cụ thể; chính sách phát triển thương mại biên giới của Thái Lan và Trung Quốc.

Chương 3: Thực trạng phát triển thương mại biên giới của Việt Nam. Trong chương này, các tác giả tập trung phân tích quy mô và kim ngạch trao đổi hàng hóa qua biên giới của Việt Nam với Trung Quốc, Lào và Campuchia; cơ cấu hàng hóa trao đổi thương mại biên giới của Việt Nam với Trung Quốc, Lào và Campuchia; về phương thức trao đổi của Việt Nam với Trung Quốc, Lào và Campuchia.

Chương 4: Thực trạng phát triển thương mại biên giới vùng Tây Bắc làm rõ các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển thương mại biên giới vùng Tây Bắc; thực trạng phát triển thương mại hàng hóa qua biên giới; thực trạng các dịch vụ hỗ trợ thương mại biên giới; thực trạng phát triển thương mại biên giới của một số tỉnh biên giới vùng Tây Bắc.

Chương 5: Thực trạng quản lý thương mại biên giới vùng tây Bắc. Các tác giả tập trung phân tích thực trạng quản lý hoạt động thương mại biên giới của Việt Nam; tổng quan về quản lý thương mại biên giới vùng tây Bắc; thực trạng quản lý thương mại biên giới của một số tỉnh vùng Tây Bắc; đánh giá thực trạng quản lý thương mại biên giới vùng Tây Bắc.

Cuốn sách giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về lý luận và thực tiễn hoạt động phát triển cũng như quản lý thương mại biên giới vùng Tây Bắc của Việt Nam. Cuốn sách là tài liệu tham khảo thực sự hữu ích cho bạn đọc khi nghiên cứu về vấn đề này.

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận