Trang chủ

Sinh hoạt khoa học: “Chuyển dịch trong tam giác quan hệ Mỹ - Trung - Đài và triển vọng quan hệ trong thời gian tới”

Đăng ngày: 22-06-2018, 03:29 | Danh mục: Hoạt động khoa học

Nằm trong chương trình sinh hoạt khoa học định kỳ, ngày 20/6/2018, tại Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, TS Phí Hồng Minh, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Mông Cổ và các vùng lãnh thổ ở Đông Bắc Á, đã trình bày một số kết quả nghiên cứu qua báo cáo khoa học có nhan đề “Chuyển dịch trong tam giác quan hệ Mỹ - Trung - Đài và triển vọng quan hệ trong thời gian tới”.

Là hệ quả của cuộc nội chiến trên lục địa Trung Hoa và Chiến tranh lạnh, hai bờ Eo biển Đài Loan  rơi vào tình trạng chia cắt đã gần bảy thập kỷ. Để ngăn cản Đài Loan cổ vũ ly khai và thu phục nhân tâm người dân, Trung Quốc đã triển khai chính sách ba hướng vừa đe dọa vũ lực, cô lập ngoại giao vừa gắn kết kinh tế với Đài Loan. Về phía Hoa kỳ, xuất phát từ một lịch sử đặc biệt và lợi ích an ninh riêng của mình, Washington có một vị trí quan trọng trong việc duy trì thế cân bằng ở Eo biển Đài Loan. Những biến động gần đây cho thấy những thay đổi mạnh mẽ trong tam giác quan hệ Mỹ - Trung - Đài nhưng lại thể hiện một trạng thái chưa thực sự định hình giữa ba chủ thể do tính phức tạp của chính trị nội bộ Đài Loan, sự lớn mạnh và hành động ngày một quyết đoán của Trung Quốc cũng như khả năng mặc cả giữa hai nước lớn.

Sinh hoạt khoa học: “Chuyển dịch trong tam giác quan hệ Mỹ - Trung - Đài và triển vọng quan hệ trong thời gian tới”

Báo cáo đi sâu phân tích và đánh giá sự chuyển dịch trong tam giác quan hệ Mỹ - Trung - Đài, tập trung vào 4 nội dung chính. Phần 1 trình bày lịch sử hình thành hai thực thể chính trị riêng biệt cùng mang tên Trung Hoa và chính sách của Hoa Kỳ trong đã dần định hình một Eo biển Đài Loan đầy nóng bỏng và vai trò của Mỹ như một nhân tố duy trì ổn định giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan. Phần 2 đi sâu phân tích quan điểm các bên liên quan trên Eo biển Đài Loan, cụ thể là quan điểm của Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan. Phần 3 phân tích quan hệ bất đối xứng Mỹ - Trung - Đài với tính chất là quan hệ bất đối xứng đơn trục và Hoa Kỳ là trục chính. Trong tam giác này, Mỹ có khả năng tác động đến các chủ thể còn lại và chi phối kết quả chung cuộc. Phần 4 tập trung tìm hiểu động thái tạm thời của 3 chủ thể trong tam giác quan hệ Mỹ - Trung - Đài.

Trong phần kết luận, báo cáo đã đánh giá triển vọng tam giác quan hệ trên Eo biển Đài Loan. Theo đó, trong ngắn và trung hạn, tam giác quan hệ tiếp tục có nhiều biến động mới khó dự đoán bởi tính chất tác động từ chu kỳ lãnh đạo từ cả ba thực thể Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan. Trong dài hạn, tam giác quan hệ sẽ chuyển dịch dần sang trạng thái quan hệ bất đối xứng hai trục với hai trục chính Hoa Kỳ và Trung Quốc ngang bằng trong vai trò duy trì cân bằng và chi phối cục diện chung. Mỹ sẽ dần suy giảm ảnh hưởng do chi phí bảo đảm Đài Loan vượt quá mức có thể chấp nhận. Còn Đài Loan sẽ ngày càng yếu thế và dễ tổn thương hơn cho đến khi phải hoàn toàn thuận theo Trung Quốc.

Các cán bộ tham dự đã có những câu hỏi và ý kiến thảo luận góp ý sôi nổi xoay quanh nội dung của báo cáo.

Phương Hoa


0thảo luận