Chiều ngày 3/4/2015, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã tổ chức buổi thuyết trình khoa học với chủ đề “Kinh tế xanh” do Giáo sư Dimiter S. lalnazov, chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế (kinh tế quốc tế, kinh tế sinh thái), Trường Đại học Kyoto, Nhật Bản trình bày.
Thuật ngữ “Kinh tế xanh (GE) lần đầu tiên xuất hiện trong một báo cáo trình lên Chính phủ Anh đưa ra vào năm 1989. Gắn liền với “Kinh tế xanh” là “Tăng trưởng xanh” (GG) lần đầu được thảo luận tại Hội thảo về phát triển môi trường năm 2005 tại Seoul, Hàn Quốc. Cho đến nay, 2 thuật ngữ này đã được sử dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Mô hình “tăng trưởng xanh” hướng tới nền “kinh tế xanh” đang được thế giới đặc biệt quan tâm bởi nó không chỉ bảo đảm tăng trưởng kinh tế mà còn bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững.
Tại buổi thuyết trình, Giáo sư Dimiter S. lalnazov đã chia sẻ quan điểm và phân tích khái niệm kinh tế xanh theo góc độ học thuật và thực tiễn ở Nhật Bản, tập trung 2 vào vấn đề chính:
(1) Cung cấp thông tin về nguồn gốc, phân biệt rõ ràng giữa 2 định nghĩa Kinh tế xanh (GE) [nền kinh tế có khả năng vừa cải thiện chất lượng cuộc sống và sự công bằng xã hội đồng thời làm giảm thiểu nguy cơ rủi ro môi trường sinh thái, tổn thất về mặt sinh thái học- UNEP (2011)] và tăng trưởng xanh (GG) [tăng trưởng giữ được vốn tự nhiên- OECD (2011)].
(2) Nhận diện những hạn chế mô hình kinh tế cũ, kinh tế nâu (Brown Economy) [chú trọng vào tăng trưởng GDP và bình quân đầu người, tăng trưởng nhờ vào tài nguyên thiên nhiên] dẫn đến hệ lụy: môi trường bị tàn phá nặng nề; cạn kiệt nguồn tài nguyên...; Khái quát sự chuyển đổi kinh tế nâu sang mô hình kinh tế mới (GE) ở một số nước phát triển (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…). Từ đó, đưa ra các chỉ báo mới đo lường sự phát triển kinh tế toàn diện của một quốc gia bao gồm hệ thống phức hợp các chỉ số: phát triển con người, chất lượng cuộc sống, mức độ hạnh phúc, trạng thái sức khỏe, sự cân bằng công việc và cuộc sống….
Buổi thuyết trình nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận của các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á. Đây là cơ hội để các học giả hai bên trao đổi học thuật nhằm đặt nền móng nghiên cứu sâu vấn đề này, hướng tới xây dựng nền kinh tế phát triển bền vững trong tương lai./.